Phật
Giáo giải thích mục đích của đời sống, giải thích hiện tượng bất công
và bất bình đẳng trên thế gian, và cung ứng một phương cách thực hành
hay một lối sống để đưa đến hạnh phúc thật sự.
Hỏi: Phật Giáo là gì?
Đáp:
Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế
giới. Danh từ Phật Giáo (Buddhism) phát nguồn từ chữ "buddhi", có nghĩa
"giác ngộ ",
"thức tỉnh". Phật Giáo phát nguồn từ hơn 2,500 năm trước, khi Ngài
Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), hay Đức Phật, tự mình giác ngộ vào
lúc 35 tuổi.
Hỏi: Có phải Phật Giáo chỉ thuần là một tôn giáo?
Đáp:
Đối với nhiều người, Phật Giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn có
thể xem như là một triết học, hay đúng hơn, đó là "một lối sống". Gọi
Phật Giáo là một triết học, vì danh từ "triết học - philosophy" có nghĩa
là "sự yêu chuộng trí tuệ", và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt
như sau:
(1) sống có đạo đức,
(2) nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động, và
(3) phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.
Hỏi: Phật Giáo giúp tôi bằng cách nào?
Đáp:
Phật Giáo giải thích mục đích của đời sống, giải thích hiện tượng bất
công và bất bình đẳng trên thế gian, và cung ứng một phương cách thực
hành hay một lối sống để đưa đến hạnh phúc thật sự.
Hỏi: Tại sao Phật Giáo trở nên phổ biến?
Đáp:
Phật Giáo ngày càng phổ biến ở các nước Tây phương vì nhiều lý do. Thứ
nhất là vì Phật Giáo có những giải đáp cho nhiều vấn đề trong các xã hội
vật chất hiện đại. Tiếp đến, cho những ai có chú tâm, Phật Giáo cung
ứng một sự thông hiểu sâu sắc về tâm trí con người và các cách trị liệu
tự nhiên, mà các nhà tâm lý nổi tiếng trên thế giới đều công nhận là rất
cao cấp và rất hiệu quả.
Hỏi: Đức Phật là ai?
Đáp:
Ngài Siddhattha Gotama sinh ra vào năm 563 trước Tây Lịch, trong một
hoàng tộc tại Lumbini, nay thuộc xứ Nepal. Vào năm 29 tuổi, Ngài nhận
thức rằng tiện nghi vật chất và an ninh trong thế gian không bảo đảm
hạnh phúc; vì thế, Ngài đi tìm học các lời dạy, tôn giáo và triết học
thời đó, để tìm kiếm chìa khóa đưa đến hạnh phúc. Sau sáu năm học tập và
hành thiền, Ngài tìm ra con đường "Trung Đạo" và giác ngộ. Sau khi
chứng đắc, Ngài dùng quảng đời còn lại tại thế gian để truyền giảng các
nguyên lý trong đạo Phật -- gọi là Pháp, hay Chân lý, cho đến khi Ngài
nhập diệt vào năm 80 tuổi.
Hỏi: Có phải Đức Phật là Thượng Đế?
Đáp:
Không, Ngài không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố như thế.
Ngài là người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực
chứng của Ngài.
Hỏi: Phật tử có tôn thờ các thần tượng không?
Đáp:
Những người Phật tử tỏ lòng tôn kính các hình ảnh của Đức Phật, nhưng
không tôn thờ, cũng không van xin những điều lợi lạc. Một pho tượng Phật
ngồi trong tư thế với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười từ bi,
nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Lễ
lạy tượng Phật là để tỏ lòng biết ơn về các lời dạy của Ngài.
Hỏi: Tại sao nhiều quốc gia Phật Giáo lại nghèo như vậy?
Đáp:
Không hẳn đúng như vậy. Nhật Bản là một quốc gia có truyền thống Phật
Giáo sâu đậm và ngày nay cũng là một quốc gia có kinh tế giàu mạnh. Thái
Lan, với Phật giáo là quốc giáo, cũng có một nền kinh tế tương đối vững
mạnh và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng một trong các
điều dạy của Phật Giáo là tài sản của cải không bảo đảm được hạnh phúc,
và tài sản của cải cũng không bao giờ thường còn. Dân chúng trong bất kỳ
quốc gia nào cũng chịu đau khổ, cho dù họ giàu sang hay nghèo nàn. Chỉ
những người nào thông hiểu các lời dạy trong Phật Giáo thì mới có thể
tìm được hạnh phúc thật sự.
Hỏi: Có phải có nhiều tông phái Phật Giáo không?
Đáp:
Có nhiều tông phái trong Phật Giáo là vì có những khác biệt về văn hóa
và truyền thống lịch sử của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, căn bản của Phật
Giáo vẫn không thay đổi, đó là Pháp hay Chân lý.
Hỏi: Có phải các tôn giáo khác đều sai lầm?
Đáp:
Phật Giáo là một hệ thống tín ngưỡng có tính bao dung đối với các tín
ngưỡng hay tôn giáo khác. Phật Giáo chấp nhận các lời giảng đạo đức của
các tôn giáo khác, nhưng Phật Giáo còn tiến xa hơn, bằng cách cung ứng
một mục tiêu dài hạn trong sự hiện hữu của chúng ta, qua trí tuệ và sự
hiểu biết thật sự. Phật Giáo chân chính thì rất bao dung, và không quan
tâm chi đến các nhãn hiệu như là "tín hữu Ky-tô giáo", "tín hữu Hồi
giáo", "tín hữu Ấn-độ giáo", hay "Phật tử". Vì vậy, trong lịch sử, không
bao giờ có các cuộc thánh chiến mang danh Phật Giáo. Cũng vì thế mà
những người Phật tử không đi truyền giảng hay cải đạo người khác; họ chỉ
giảng giải nếu được ai hỏi đến.
Hỏi: Phật Giáo có tính khoa học không?
Đáp:
Khoa học là tri thức được kết hợp thành hệ thống, qua các dữ kiện được
quan sát và thực nghiệm và đề ra các định luật tổng quát của thiên
nhiên. Cốt lõi của Phật Giáo phù hợp với định nghĩa đó, bởi vì Tứ Diệu
Đế hay Bốn Sự Thật Thâm Diệu, có thể được thử nghiệm và minh chứng bởi
bất kỳ người nào, và ngay chính Đức Phật cũng đã từng nói với các đệ tử
rằng họ phải thực chứng các lời dạy của Ngài, mà không nên chỉ tin
suông. Phật Giáo dựa nhiều trên trí tuệ, hơn là lòng tin.