(SC. Thích Nữ Hạnh Liên)
Nghĩ về quan điểm “Sanh tử tức Niết-bàn” trong phẩm Quán Phược giải, thứ 16, thuộc Trung Quán Luận
30/12/2021 20:16 (GMT+7)

Do hậu quả của dịch bệnh COVID-19, xã hội chứng kiến nhiều mất mát to lớn về tinh thần và con người. Người viết tham gia tuyến đầu chống dịch và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân F0 hàng ngày, chứng kiến rất nhiều cảnh sanh ly. Giữa những người biết và chưa biết về đạo Phật, nhận thức về cái chết hoàn toàn khác nhau. Người chưa biết do chưa nhận thức về cái chết nên đa phần sẽ đau khổ và sợ hãi trước cảnh biệt ly. Còn ngược lại, những người am hiểu Phật giáo sẽ tương đối bình thản và vững tâm. Là một tu sĩ Phật giáo và cũng là tình nguyện viên nơi tuyến đầu, tác giả nhìn nhận rằng: Sinh, lão, bệnh, tử là điều không tránh khỏi. Thay vì lo lắng, bất an, ta chọn cách đối diện và chấp nhận, bởi “Sanh tử tức là Niết-bàn”.

Đối với đạo Phật, Sanh tử và Niết-bàn là hai phạm trù khác nhau, chúng tuy hai mà một, tuy một mà hai, không tách rời nhau. Tinh thần này đặc biệt được nói rất rõ ở phẩm Quán Phược giải, thứ 16 trong Trung quán Luận (gồm 27 phẩm) của ngài Long Thọ (Tổ của Trung Quán Tông, người Nam Thiên Trúc, là luận sư vĩ đại trong lịch sử Phật giáo). Vậy “Sanh tử tức Niết-bàn” nghĩa là gì? Và hiểu thế nào mới thật sự tường tận bản chất của chúng?

Sanh tử là thuật ngữ chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình khi chưa đạt giải thoát, hay nói cách khác, tức chưa chứng ngộ Niết-bàn.
(Ảnh: pixabay.com)
Niết-bàn là mục đích tối thượng trong đạo Phật mà bất cứ Phật tử tại gia hay xuất gia đều nỗ lực đạt đến. Vì vậy, Niết-bàn cũng được dịch ý là giải thoát, vô vi và an lạc.
(Ảnh: pixabay.com)

SANH – TỬ, NIẾT – BÀN LÀ GÌ? 

Trước khi đi sâu vào vấn đề trên, chúng ta tìm hiểu Sanh tử là gì? “Sanh” (jāti) tức là sự biểu hiện, sự có mặt, sự sinh ra và “chết” (marana) tức là sự hoại diệt và không còn nữa. Theo Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, Thiên Nhân Duyên, Đức Phật dạy: “Thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỳ kheo, đây gọi là sanh. Thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác… sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Ðây gọi là chết” [1].

Tóm lại, Sanh tử là thuật ngữ chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình khi chưa đạt giải thoát, hay nói cách khác, tức chưa chứng ngộ Niết-bàn. Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc trong Sanh tử là tam độc: Tham, sân, si. Hay nói khác hơn, sanh tử đồng nghĩa với trói buộc.

Vậy Niết-bàn nghĩa là gì? “Niết-bàn” tiếng Phạn gọi là Nirvāna, Pali gọi là Nibbāna. Trong đó, “Ni” là hình thức phủ định, không; còn “Vāva” là dệt hay ái. Ái được xem là sợi dây nối tiếp giữa kiếp sống này với kiếp sống khác. Vì vậy, Niết-bàn nghĩa là đã bị dập tắt, thổi tắt, sự dứt bỏ, sự tách rời “Ni” và “Vāva”; sự cắt đứt thèm khát của nhục dục và cũng có nghĩa là diệt, diệt tận, tịch diệt, bất diệt.

“Này các Tỳ kheo, thế nào là Niết Bàn? Này các Tỳ kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si; này các Tỳ kheo, đây gọi là Niết Bàn” [2].

Tóm lại, Niết-bàn là mục đích tối thượng trong đạo Phật mà bất cứ Phật tử tại gia hay xuất gia đều nỗ lực đạt đến. Vì vậy, Niết-bàn cũng được dịch ý là giải thoát, vô vi và an lạc. Hay nói cách khác, Niết-bàn còn được định nghĩa là một trạng thái giải thoát khỏi vòng sanh tử, là một lối thoát khổ đau; ra khỏi sự tiếp nối của khổ đau; là một chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ đau, chứ không phải là sự trốn chạy khỏi tội lỗi. Vì thế, trong giáo lý Tứ thánh đế, Niết-bàn được xem là sự thật thứ ba, tức Khổ diệt thánh đế.

Kinh Bát Nhã cũng định nghĩa Niết-bàn là: “Thị chư pháp không tướng: bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” [3]. Theo Trung Quán Luận, ngài Long Thọ định nghĩa: Lìa chân đế và tục đế là Niết-bàn. Vì thế, Niết-bàn trong Trung Quán Luận cũng có nghĩa là không bị trói buộc. Tóm lại, Niết-bàn là quả chứng cao nhất của đạo Phật, là một cảnh giới tự tại tuyệt đối. Niết-bàn đồng nghĩa với giải thoát và tự do.

“Sanh tử tức Niết-bàn” tức nói về thực tướng của các pháp chứ không nói về mặt hiện hữu.(Ảnh: pixabay.com)

NHÌN TỪ TRUNG QUÁN LUẬN 

Như chúng ta đã biết, điểm đặc thù trong Trung Quán Luận, tổ Long Thọ không phải phát minh ra giáo lý mới mà dựa vào nền tảng Duyên sanh, Tánh không của Đức Phật để biện luận và đả phá những quan điểm chấp người – cảnh – pháp, chấp có – không, chấp sanh – diệt… nhằm phá tà hiển chánh và khôi phục giáo lý của Đức Phật. Vì thế, phẩm Quán Phược giải cũng không ngoại lệ. Bởi chúng ta chấp có sanh tử, có Niết-bàn nên mới thấy có ràng buộc, phiền não, khổ đau và giải thoát. Không những thế, một số quan điểm còn chấp rằng: Bên trong Sanh tử và Niết-bàn, chắc hẳn có chúng sanh đi và đến (vãng – lai) tức có chúng sanh đi ra khỏi phiền não và có chúng sanh đạt đến Niết-bàn. Thế nhưng bản chất thật sự của Sanh tử và Niết-bàn là một bản thể không có tự tánh. Do vì không có tự tánh nên bản chất của sanh tử là không thường và cũng không vô thường.

“Về các hành vãng lai

Nếu thường, không vãng lai

Nếu vô thường, cũng không

Chúng sanh cũng như vậy” [4].

Vì sao thế? Nếu thân này có Sanh tử thì đời này đời khác thân này phải đi tái sanh nguyên vẹn. Nhưng thực tế, chẳng có thân này nguyên vẹn qua nhiều kiếp tái sanh. Nhưng nếu ta chấp có các hành (Ngũ uẩn) vãng lai (đến-đi) là thường còn cũng không đúng. Nếu Ngũ uẩn thường còn thì làm gì có Sanh tử, không có Sanh tử làm sao có Niết-bàn?

Hay nói dễ hiểu, người A được cấu thành bởi Ngũ uẩn, khi người A mất đi và tái sanh lại đời sau, người A vẫn giữ nguyên vẹn hình hài của người A trước đó. Nếu đã không có sự khác biệt giữa đời này và đời sau thì làm gì có việc Sanh tử? Giả sử, đời này người A giàu có nhưng tạo ác nhiều, đời sau người A vẫn Sanh tử lại giàu có. Điều này vô lý. Vì trái với giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo của nhà Phật. Hoặc người A lúc mất 80 tuổi, đời sau A vừa sanh ra phải là 80 tuổi. Điều này càng vô lý hơn. Ngược lại, nếu chúng ta chấp hành uẩn là vô thường cũng không đúng. Bởi nếu hành uẩn là vô thường tức thay đổi, biến hoại thì làm gì có sự tương tục sanh tử và luân hồi.

Kệ tụng 6, ngài Long Thọ còn khẳng định:

“Nếu gọi là thân là buộc

Có thân thì không buộc

Không thân cũng chẳng buộc

Ở đâu có ràng buộc?” [5].

Nếu cho rằng: Thân ngũ uẩn này có nghĩa là ràng buộc, vậy khi đã là chúng sanh tức phải có thân ngũ uẩn. Nên khi gọi thân là buộc, điều này không hợp lý, vì một người không thể có hai thân.

Mặt khác, khi đã ràng buộc là phải có thân nên không có thân tức không có thân ngũ uẩn, vậy lấy gì để ràng buộc nên cũng không cần ràng buộc. Ví như, người A đi, tức đã có hành động đi, nên khi nói người A đi thêm “đi” nữa, điều này không cần thiết. Nếu nói người A không đi, tức không có hành động đi, nên không bị hành động đi chi phối. Vì thế, tánh của sanh tử (ràng buộc) rời thân và không thân.

Nếu chúng ta cho rằng: buộc có trước kẻ bị buộc, tức nó đã buộc người bị buộc, điều này sai với thực tế, vì lìa người bị buộc sẽ không tìm thấy sự ràng buộc. Vì thế, không thể lìa ngũ uẩn để tìm thấy sự giải thoát, vì khi không có ngũ uẩn, giải thoát cũng không có mặt. Hay nói cách khác, nếu không có sanh tử, cũng chẳng có Niết-bàn.

Tinh thần này, kệ tụng 8, ngài Long Thọ cũng giải thích thêm:

“Bị buộc, không có giải

Không bị buộc, không giải

Ngay lúc buộc có giải

Buộc và giải đồng thời” [6].

Hay nói rõ hơn, nếu một người bị buộc, sẽ không có giải thoát. Ví như một người ở tù, làm gì có chuyện được tự do. Tuy nhiên, nếu một người không bị buộc, cần gì phải giải thoát nên không có giải.

Mặt khác, nếu nói giải thoát trong ràng buộc thì giải thoát và ràng buộc đồng thời xuất hiện, điều này cũng không đúng. Bởi không có người nào vừa sanh và vừa tử một lúc; hay vừa ở tù và cũng vừa được tự do. Nói cách khác, khi đã có phiền não sẽ không có giải thoát, khi giải thoát thì không có phiền não. Nếu nói chúng ta sẽ tự giải thoát mình để đến Niết-bàn và không cần ràng buộc, điều này cũng sai. Bởi lúc ấy, chúng ta đang tự thọ nhận sự ràng buộc, vì còn chấp ngã và tách rời sự hiện hữu.

KẾT LUẬN

Tóm lại, “Sanh tử tức Niết-bàn” tức nói về thực tướng của các pháp chứ không nói về mặt hiện hữu. Về hiện tượng, thật có sanh tử và Niết-bàn nhưng chúng không có tự tánh. Nếu chúng có tự tánh thì sanh tử tức là sanh tử và Niết-bàn tức là Niết-bàn và nó phải cố định, không thay đổi. Vì thế, chúng ta không thể nói đây là sanh tử và đây là Niết-bàn, bởi nó vốn dĩ là do duyên sinh. Do chúng ta chấp trước nên thấy sanh tử và Niết-bàn, ta – người, đến – đi, chứ nó không có tự tánh. Vì thế, nếu chúng ta chấp rằng: Niết-bàn là hiện hữu, vậy về mặt hiện tượng, bắt buộc nó phải có tướng sinh, diệt và già chết, nhưng vì nó không có tự tánh nên tướng già chết kia cũng không có tự tánh nên ta có thể gọi nó là Niết-bàn. Hai phạm trù kia tuy một là hai và hai là một thì làm gì có sự phân biệt sanh tử và Niết-bàn?

Hay nói khác hơn, Niết-bàn là sự tịnh chỉ tất cả các hành, duyên khởi là hành, hành tạo ra một pháp, pháp này do ta thấy được nên nó biến hoại, vô thường và luôn thay đổi, nhưng bản chất của nó là nương vào tự tánh. Trong Kinh Trung bộ, Kinh Thánh Cầu, số 26, Đức Phật có mô tả sự chứng ngộ của mình rằng:

“Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Y tánh duyên khởi pháp; sự kiện này thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn” [7]

Như vậy pháp được Đức Phật chứng ngộ dưới cội Bồ-đề chính là “Y tánh duyên khởi pháp”. Y tánh ở đây chính là Niết-bàn, Duyên khởi là hiện tượng. Như vậy tính chất của các hiện tượng Duyên khởi, nó chính là Niết-bàn. Vì thế, Niết-bàn là thể tánh của các pháp Duyên sanh, nếu không có “tánh không”, Duyên sanh không thể thành lập được. Cho nên, chân tâm không nằm ngoài vọng tâm, Niết-bàn không nằm ngoài sanh tử là vậy. Sanh tử chẳng qua là tướng trạng của tánh, bởi không có tánh nào là không có tướng, tướng không thể rời tánh, nó có mặt ở thế giới vô tình lẫn hữu tình.

Quan điểm sanh tử tức Niết bàn cũng giống như quan điểm của Lục tổ Huệ Năng lấy “Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc” [8]. Chúng ta phải hiểu: Vô niệm không phải là không suy nghĩ mà là có niệm nhưng không chấp vào niệm và thấy được thực tánh của các pháp. Thực tánh của các pháp cũng không sinh, không diệt chẳng qua là do Duyên sanh mà có. Vì thế, Niết-bàn cũng không phải là một trạng thái đối lại với động mà là tịch diệt và thấy được tánh của cái động đó. Ngay trên cái pháp thế gian đó là Phật pháp, chứ tách rời thế gian thì Phật pháp cũng không tồn tại. Theo tiến sĩ Stede, ông cho rằng: “Niết bàn độc nhất chỉ là một trạng thái luân lý, chứng được trong đời sống này bởi những phương pháp luân lý, thiền định và trí tuệ” [9].

Cho nên, Niết-bàn không phải là một cảnh giới nào đó cao siêu và xa vời, nó ở ngay hiện tại, bây giờ và tại đây. Cảnh giới ấy, ai tu trì đến độ chín muồi cũng có thể đạt được. Do vì tâm bị vô minh che lấp và không thấy được bản chất sáng suốt của tâm nên đứng trước sanh tử, con người chúng ta mới bất an, lo lắng và sợ hãi. Vì thế, khi chúng ta thấy được sự vận hành của phiền não tham, sân, si và thấy được bản chất rỗng không, vô ngã thì khi ấy, lợi ích thật sự và Niết-bàn sẽ ở tại nhân gian.

Cho nên, không thể lìa sanh tử mà có được Niết-bàn. Bởi tất cả chỉ là phương tiện để ta về với chánh trí mà thôi. Nếu ta nghĩ có trói buộc, có giải thoát tức đều dính vào cố chấp, chỉ cần ta tu học, sống đúng và hành trì theo lời Phật dạy, tự nhiên an lạc sẽ đến, tức không còn lệ thuộc vào buộc hay mở. Phải chăng có buộc hay mở là do tâm mê muội của mình. Nếu thoát khỏi tâm ấy, giải thoát sẽ trong ta. Nếu còn buộc mở là vọng tâm vậy. Quan điểm “Sanh tử tức Niết Bàn” trong triết học Phật giáo nói chung và Trung quán Luận nói riêng đã cho ta cái nhìn sâu sắc hơn, tường tận hơn về các pháp Duyên sanh và bản chất thật sự của các pháp trên thế gian này.

SC. Thích Nữ Hạnh Liên

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2018, tr.373.

[2] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2018, tr.407.

[3] Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB Tôn Giáo, 2009, tr.587.

[4] Đỗ Đình Đồng (Việt dịch), Trung Luận và Hồi Tranh Luận, NXB Hồng Đức, 2012, tr.152.

[5] Đỗ Đình Đồng (Việt dịch), Trung Luận và Hồi Tranh Luận, NXB Hồng Đức, 2012, tr.155.

[6] Đỗ Đình Đồng (Việt dịch), Sđd, tr.156.

 [7] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2020, tr.194-195.

[8] Tâm Thái (2012), “Lục Tổ Huệ Năng-Pháp môn vô niệm”, Thiền Phật giáo, từ www.thienphatgiao.org/luc-to-hue-nang-phap-mon-vo-niem/, truy cập 11/2021.

 [9] Thích Minh Châu (dịch), Đại thừa và sự Liên hệ với Tiểu thừa, NXB Tôn Giáo, 2015, tr.189.

Các tin đã đăng: