Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Học viên Cao học Khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM
So sánh Tịnh độ cõi Phật A Di Đà và Thiên đường cõi Chúa
31/12/2021 12:46 (GMT+7)


Là con người đã sinh ra trên cuộc đời này không ai có thể tránh khỏi những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, chính vì thế như một bản năng tự nhiên chúng ta luôn mơ ước phấn đấu để có được đời sống hạnh phúc ngay hiện tại và xa hơn là ước mơ về một cõi thiện lành sau khi chết. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi mình từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Đây chắc chắn là một vấn đề quan trọng mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều quan tâm. Tôn giáo ra đời để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, chính vì cuộc đời đầy đau khổ, bất toàn, nên tâm lí con người luôn sợ hãi và mong muốn có một cái gì đó để bám víu để che chở và chúng ta gọi đó chính là niềm tin tâm linh.

Tùy theo tín ngưỡng của mỗi người mà có sự lựa chọn khác nhau. Mỗi Tôn giáo đều có một vị giáo chủ để lãnh đạo tinh thần và các tín đồ luôn có niềm tin tuyệt đối vào con đường mình đã chọn. Phần lớn các Tôn giáo đều quan niệm những ai sống trong hiện đời làm việc thiện lành thì sau khi chết được sinh về cảnh giới thiện lành tương ứng với tâm nguyện của người đó. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo họ luôn tin tưởng nếu sống trong hiện đời luôn vâng theo lời Chúa, làm con ngoan của Thiên Chúa chấp nhận tất cả do Chúa an bài thì sau khi chết họ sẽ được Chúa rước về Thiên Đàng như trong Kinh Thánh có ghi. Đối với tín đồ Phật giáo quan niệm trần gian là cõi tạm, chứa đựng đầy khổ đau, không phải là môi trường lý tưởng để sống, Cực lạc Tây phương mới là quốc độ có hạnh phúc thật sự, mới là nơi an trú lâu dài cho nên họ một lòng Niệm Phật thực hành Tín-Hạnh-Nguyện mong ước khi chấp dứt kiếp sống này sẽ được sinh về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà.

Tuy nhiên, giáo lý Tịnh độ không đơn thuần như thế, mà còn hàm chứa khía cạnh tịnh độ hoá nhân gian, tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Thiên đàng hay Tịnh Độ đều là một cõi nước an vui, hạnh phúc đáng mơ ước của tất cả các tín đồ tùy thuộc vào mỗi tôn giáo và vị giáo chủ của tôn giáo ấy thiết lập nên. Do đó mà quan niệm về Thiên đường và Tịnh Độ của mỗi Tôn giáo đều có sự tương đồng nhất định bên cạnh đó cũng có những điểm khác biệt, dù có khác biệt như thế nào nhưng lý tưởng vẫn đưa con người về với những gì tốt đẹp hơn.

Nội dung

1. Những khái niệm về Thiên đàng và Tịnh độ

Thiên đàng của Chúa thì các tín đồ Thiên Chúa giáo khẳng định rằng có một thế giới thứ hai do Thượng Đế tạo ra của con người sau khi chết, thế giới này là Thiên đàng hay địa ngục1. Trong đó Thiên đàng là “Nơi chốn dành cho những ai đã được thanh tẩy, người chết trong tội lỗi không được vào. Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống đời đời với Chúa. Họ đời đời giống Thiên Chúa, vì họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan người và thánh danh người ghi trên trán họ”2. Trong lịch sử, Kitô giáo đã dạy: “Thiên đường là một khái niệm tổng quát, một nơi của sự sống vĩnh cửu, trong đó nó là một mặt phẳng chung để đạt được bởi tất cả những người ngoan đạo”3. Từ những khái niệm trên ta có thể hiểu Thiên đàng như một cõi nước do Chúa tạo ra, được dành riêng cho Chúa và những tín đồ ngoan đạo, họ là những người không còn tội lỗi và sẽ sống ở đó vĩnh viễn với Chúa mà không bao giờ chết đi. Trong giáo lý Công giáo, Thiên đàng là nơi ngự trị của Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên sứ, và các thánh. Theo giáo lý Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, Mẹ Đồng trinh “Sau khi hoàn tất công việc của Mẹ trên đất, hồn và xác được đem vào Thiên đàng vinh hiển”4. Như vậy, điều này cũng chứng minh cho thuyết Thiên đàng là một cõi thuộc về vật chất giống như nơi chúng ta đang sống.

Trong Phật giáo thì Tịnh độ có nhiều khía cạnh giải thích khác nhau nhưng Tịnh độ của cõi Phật A Di Đà được nhiều người biết đến hơn, đó là một cõi nước trang nghiêm thanh tịnh ở phương Tây tên là Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Chúng sinh trong cõi đó không có sự khổ mà chỉ an vui với chính pháp, y báo chính báo trang nghiêm thù thắng. Ngài Thân Loan đã nói về cõi Tịnh độ rằng: “Tịnh độ là quốc độ của Phật A Di Đà, một thế giới hoàn toàn lìa sự hư vọng, một nơi chân thật”5.

Tác phẩm Tịnh độ luận của được ngài Đàm Loan chú thích: “Vì ngã dục, thương ghét vô trí và phiền não tác động, chúng ta, kẻ phàm phu biến thế giới này trở thành uế độ. Ngược lại Bồ tát xem tất cả đều không sống đúng ý nghĩa của sự sống, không phân biệt và nguyện tịnh hoá phiền não, xây dựng cảnh giới niết bàn thật sự như thế giới an lạc. Đấy chính là thế giới chân thật”6.

Trong kinh Duy Ma Cật, khái niệm Tịnh độ được định nghĩa như là thâm tâm, là tâm bồ đề của Bồ tát. Tịnh độ còn được đẳng thức hoá với các pháp tu mang hạnh nguyện Bồ tát như bố thí, trì giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ vv…

Kinh A Di Đà có nói “Từ thế giới ta bà này hướng về phía chính tây trải qua mười muôn ức cõi Phật, riêng có một thế giới, gọi là Cực lạc”7.

Như vậy, Tịnh độ không phải là một cõi nước thuộc về vật chất, không phải là nơi đến của người đã giải thoát mà chỉ là nơi dừng chân của tâm, là duy tâm tịnh độ. Hay nói cách khác là khi tâm con người dừng lại hết mọi vọng niệm, vọng tưởng thì trạng thái của tâm lúc đó chính là Tịnh độ, là một cõi lòng trong sạch và thanh tịnh, không còn ô nhiễm bởi các thứ phiền não, như trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông có nói rằng: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc”8. Tịnh độ không phải là nơi mà con người hoàn toàn giải thoát mới đến được. Tịnh độ là an trú vào nơi chính niệm, chính định, khi tâm tịnh thì quốc độ tịnh, tâm ô nhiễm thì quốc độ ô nhiễm.

Nói đến thế giới tịnh độ, ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay đến một cảnh giới tâm linh thuần tịnh vi diệu của mười phương chư Phật, đó là cõi nước lí tưởng mà tất cả tín đồ đều ước ao và ngưỡng vọng sinh về. Tuy nhiên, giáo lí Đạo Phật cùng tột cao xa dung thông sự lí đâu thể chỉ hướng dẫn con người đến một đời sống an lành sau khi chết mà lãng quên thực tại. Thế thì tại sao chúng ta không áp dụng lời Phật dạy để cải tạo, xây dựng thế gian này thành một thế giới thanh bình hạnh phúc như cõi tịnh độ phương Tây. Ở đây, chúng ta nên hiểu rằng tâm tịnh thì quốc độ tịnh, nói cách khác tịnh độ hay uế độ là tùy thuộc vào tâm niệm của mỗi người.

Qua hai khái niệm trên, chúng ta thấy được sự khác nhau rõ rệt về thế giới của hai tôn giáo. Sự khác nhau giữa một bên là nói về thế giới của vật chất, một bên là duy tâm tịnh độ. Tuy nhiên, ngoài sự khác nhau đó dường như có điểm tương đồng là con người ở đó được an vui, giải thoát, không còn những tội lỗi xấu ác. Như trong sách Khải Huyền có nói Thiên đàng là một nơi không có ban đêm; rủa sả; đau đớn; kêu la, sầu muộn và sự chết9 hay trong kinh A Di Đà nói rằng: “Vì chúng sinh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là cực lạc10. Một điểm khác nữa là đối với Phật tử muốn về cõi Tịnh độ thì phải tự mình tu tập mới có thể được. Đức Phật dạy con đường tu tập là để tự mỗi người tịnh hoá thân tâm chứ không phải để một người khác nhìn vào đó mới cứu chúng ta. Pháp môn niệm Phật là phương tiện tuỳ theo căn cơ mỗi người để thực hành giúp tâm thanh tịnh và muốn đến được cõi Tịnh độ hay không là do ở nơi mỗi người. Quan điểm này trái lại với Thiên Chúa giáo rằng mỗi tín đồ là con Chiên có lên được Thiên đàng hay không còn phụ thuộc vào Chúa. Họ tin rằng Chúa là người tạo ra tất cả, con người muốn sinh về cõi Thiên đàng cũng phải đươc sự chấp thuận của Chúa. Con người nhận được phước lành hay tai hoạ đều do Chúa sắp đặt, kinh thánh nói rằng: “Kìa, ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi sự phước lành và sự rủa sả. Sự phước lành: nếu các ngươi nghe theo …; sự rủa sả: nếu các ngươi không nghe theo”11.

2. Tiến trình hình thành lịch sử

Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau về hai thế giới duy vật và duy tâm đó, chúng ta cần tìm hiểu về nguồn gốc, sự hình thành tư tưởng của Thiên Chúa và Tịnh độ của Phật A Di Đà. Để giúp chúng ta nhận biết như thế nào là duy tâm, như thế nào là duy vật.

2.1. Kinh A Di Đà

Kinh A Di Đà là bản kinh thuộc tư tưởng của đại thừa, một quyển, Đại 12, Bảo Tích Bộ HĐTK 366 và 367, mô tả phẩm chất bản thân Phật A Di Đà và thế giới cực lạc và sự tán thán của các Đức Phật ở các thế giới khác12. Những năm đầu kỷ nguyên tây lịch, động lực thúc đẩy sự hưng khởi đại thừa chính là tư tưởng Bát Nhã. Kinh Bát Nhã ra đời tại nam Ấn Độ, đây là tư tưởng chủ về trí. Trong khi đó ở bắc Ấn Độ lại xuất hiện tư tưởng cầu tha lực để vãng sinh về cõi Tịnh độ và là tư tưởng chủ về tình. Theo pháp sư Ấn Thuận thì Hiếp Tôn giả là người tin vào kinh Bát Nhã, còn Bồ Tát Mã Minh là người có liên quan đến đức tin Tịnh độ.

Tư tưởng Di Đà Tịnh độ ở phương tây có thể bắt nguồn từ hai yếu tố13: thứ nhất là trong các kinh điển A Hàm nói về bản hoài của Đức Phật muốn cứu tế chúng sinh. Thuyết cầu nguyện vãng sinh về các cõi Đâu Suất của Phật Di Lặc hay Diệu Hỷ của Phật A Súc và Cực Lạc của Phật A Di Đà. Cõi Tịnh độ của một Đức Phật chính do bản nguyện lực mà thành. Như vậy, cõi Tịnh độ ở tây phương được hình thành là do bản nguyện của Phật A Di Đà. Thứ hai là sự kích phát từ tư tưởng ngoại lai. Sự cầu cứu từ tha lực vốn xuất hiện sớm trong thánh điển nguyên thuỷ của Phật giáo nhưng do chưa đủ duyên nên chưa được coi trọng, đến khi tiếp xúc với tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc Hi Lạp và Ba Tư ở bắc Ấn mới xuất hiện các việc như cúng bái, cầu nguyện sự cứu tế từ tha lực. Cho đến thời của Bồ Tát Mã Minh thì tư tưởng Tịnh độ Di Đà lan toả khắp nhân gian. Ngài Chi Lâu Ca Sấm đã dịch kinh Bát Nhã tam muội, nội dung có liên quan đến loại thiền đưa đến việc quán tưởng Phật và có liên hệ mật thiết vào niềm tin Phật A Di Đà. Kinh A Di Đà là do truyền khẩu truyền tụng lâu ngày mới được kết tập lại thành.

Đến thời ngài Long Thọ, dựa vào nội dung dẫn dụng của Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận thì “Nhị Thập Tứ Nguyện kinh” được ngài Chi Khiêm dịch ra Hán văn thành A Di Đà kinh hoặc Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Ngài Khương Tăng Hội dịch thành Vô Lượng Thọ kinh với 48 nguyện14. Kinh điển Di Đà còn có các bản dịch khác như: Đại Bảo Tích kinh, Đại A Di Đà Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh, Vô Lượng Thọ Như Lai Hội…

Như vậy, Kinh A Di Đà có thể nói là sự phát triển của tư tưởng nguyên thuỷ, vốn được xuất phát từ kinh điển nguyên thuỷ Phật giáo tại Ấn Độ và có sự tác động của các tín ngưỡng tôn giáo ngoại lai. Tha lực của Tịnh độ không phải là hình ảnh một người khác đưa tay để cứu vớt chúng ta mà tha lực chính là nương vào cái bên ngoài như quán chiếu hình ảnh Đức Phật hay nương vào câu niệm Phật … để an trú tâm của mình. Khi tâm được an trú thì các phiền não dần lắng xuống, những tội lỗi không có nơi để tái phạm thì tâm lúc đó là Tịnh độ, nghĩa là một cõi thanh tịnh của tâm. Và khi chúng ta quán chiếu hình tượng hay niệm danh hiệu Phật A Di Đà để tâm thanh tịnh thì tâm đó chính là cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Do đó, tha lực hay tự lực chỉ là biểu hiện của một quá trình tự ý thức, tự giác ngộ của mỗi cá nhân.

Phật A Di Đà được dịch là Vô Lượng Thọ hay Vô Lượng Quang, nghĩa là Ngài có tuổi thọ vô lượng và ánh sáng chiếu cùng khắp. Ngài được xem như một đối tượng của loại thiền quán tưởng (kinh Bát Chu tam muội) và như là hiện thân của lòng từ bi (kinh Đại Vô Lượng Thọ), cuối cùng được kết hợp vào trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Tuy nhiên, trong kinh Bình Đẳng Giác thì Đức Phật A Di Đà sẽ không nhập Niết bàn nhưng trong kinh Đại A Di Đà lại cho rằng thọ mạng của Đức Phật A Di Đà thực sự có hạn, sau khi Ngài nhập Niết bàn thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ kế vị15.

2.2. Sự ra đời của kinh Thánh

Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament). Cựu Ước (Giao ước cũ của người Hebrew – nay gọi là Do Thái với Thượng Đế) là Kinh điển của người Do Thái, được viết trong một thời gian rất dài, ghi chép lại những tưởng tượng, truyền thuyết và lịch sử của Do Thái giáo. Họ còn tìm cách dùng thần thoại để giải thích những truyền thuyết và sự vật mà họ không hiểu rõ16. Một số người cho rằng năm bộ sách đầu của Cựu Ước là do Moses trước tác nên gọi là Ngũ Thư Moses, nhưng theo khảo sát của các nhà học giả thì đó là do người đời sau căn cứ vào truyền thuyết mà viết ra, chủ yếu là truyền thuyết của người Babylon. Vào thế kỉ VIII trước Công nguyên, người Do Thái mới học được cách viết chữ từ người Babylon, sau đó mới ghi chép lại Thánh thư tiếng Hebrew, gồm 24 sách chia làm 3 phần: Torah (Luật, ngũ thư hoặc ngũ kinh), Nevi’im (Ngôn sứ hoặc tiên tri) và Ketuvim (Văn chương). Đến thế kỉ IV sau Công nguyên, tổng giám mục Cơ Đốc giáo mới thu thập và tổng hợp lại thành một bộ kinh Thánh.

Tân Ước (Giao ước mới của các tín đồ Kitô giáo với Thượng Đế) được viết bằng tiếng Hy Lạp bởi nhiều tác giả trong khoảng từ sau năm 45 SCN tới trước năm 140 SCN, là phần cuối của kinh thánh Kitô giáo, ra đời một thế kỷ sau khi đạo Cơ Đốc xuất hiện, muộn hơn so với kinh Cựu Ước và nặng màu sắc tôn giáo hơn. Kinh này nói về cuộc đời và học thuyết của Chúa Jesus. Tân Ước gồm 27 cuốn, chia làm 3 phần: sách Phúc Âm (5 cuốn); sách giáo lý (21 cuốn); sách Khải Huyền (1 cuốn). Số trang của Tân Ước chỉ bằng gần 1/3 Cựu Ước. Các học giả cho rằng Tân Ước được viết xong vào khoảng năm 382 sau Công nguyên.

Như vậy, đối chiếu quá trình hình thành của hai bản kinh chúng ta thấy rằng, kinh A Di Đà là bản kinh được lấy tư tưởng từ kinh điển nguyên thủy và được phát triển theo tư tưởng của Phật giáo đại thừa, là kinh điển mang tính biểu pháp, mục đích là làm cho tâm con người được an tịnh. Từ đây, chúng ta có thể nói cõi Tịnh độ Phật A Di Đà là duy tâm tịnh độ chứ không phải là một cõi vật chất nào khác trong vũ trụ này. Vì vậy, nó khác hoàn toàn với cõi Thiên đàng của Chúa. Những điều được nói trong thánh kinh thì không hoàn toàn do Chúa nói mà một phần đã có trước đó. Hơn nữa, nội dung mang nhiều tính thần thoại, phần đa là tự con người nghĩ ra, gắn ghép đưa vào thánh kinh và cho đó là những lời Chúa nói. Cõi Thiên đàng của Chúa nếu chúng ta nói theo kinh thánh là một cõi vật chất ở cõi trời thì điều đó vẫn chưa một ai có thể chứng minh được. Điều này trái ngược với cách nhìn trong Phật giáo, đức Phật dạy trong những lời cuối cùng rằng: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”17. Tất cả mọi thứ trên thế gian đều là vô thường, các pháp thuộc về vật chất đều được tạo thành do duyên khởi. Tất cả các hành tinh trong vũ trụ cũng đều trải qua bốn thời kì sinh, trụ, dị, diệt. Như vậy, thì cõi Thiên đàng của Chúa nếu là cõi vật chất thì không thể tồn tại mãi mãi và không thể thường hằng trong thế giới này như kinh thánh vẫn thường hay nhắc đến là cõi vĩnh hằng được.

3. Vấn đề về niềm tin

Điều kiện để trở thành một tôn giáo là cần có giáo chủ, giáo lý và tín đồ. Trong đó giáo lý khá là quan trọng, vì đó là những điều cốt yếu mà bậc giáo chủ muốn truyền lại cho tín đồ của mình. Tôn giáo là nói đến vấn đề tâm linh, mà chuyện tâm linh thì có những cái chúng ta chưa nghe, chưa thấy, hoặc có thể đã biết nhưng chưa thể lý giải được chuyện đó. Để theo một tôn giáo nào đó thì lòng tin là điều quan trọng. Nếu những tín đồ của đạo Thiên Chúa không có lòng tin đối với Chúa thì những lời dạy của Chúa đâu thể nào nghe và thực hành theo được, sau khi chết làm sao có thể chắc rằng Chúa rước người đó lên Thiên đàng. Đối với Phật giáo lòng tin cũng quan trọng như vậy, trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn”, Ngài nói lòng tin chính là mẹ sinh ra các công đức làm cho các căn lành sinh trưởng và phát triển. Tất cả chúng đệ tử của Phật đều tự mình xây dựng một niềm tin chắc chắn đối với Phật. Ví như một người muốn sau này sinh về cõi tịnh độ của Phật A Di Đà thì cần phải hội đủ ba điều kiện là tín, hạnh và nguyện. Trong đó, niềm tin đứng đầu, tin rằng cõi Phật đó trang nghiêm thanh tịnh, tin bản thân mình tu tập đủ khả năng để sinh về cõi đó. Như vậy, niềm tin là liều thuốc về tinh thần. Khi chúng ta có đủ sức mạnh về tinh thần thì làm gì cũng sẽ đưa đến kết quả tốt. Tuy nhiên, lòng tin cần phải có trí tuệ, nghĩa là lòng tin cần đặt đúng chỗ, tin đúng đối tượng, tin về những gì thật sự có ích, niềm tin chắc thật không mù quáng, như đức Phật dạy rằng “Phật pháp là đến để mà thấy”. Nếu lòng tin không có sự suy xét rõ ràng sẽ dễ bị rơi vào mê tín. Đối với người Phật tử, niềm tin đó gọi là chính tín. Nhưng một niềm tin thuần tuý chưa đủ để đưa người Phật tử ra khỏi khổ đau, cũng không dẫn đến chân hạnh phúc mà cần phải kết hợp, xây dựng trên nền tảng của trí tuệ, tu tập và thực nghiệm thì con người mới có thể tự giải thoát khỏi nghiệp lực và khổ đau. Tin Phật cần phải hiểu được những lời dạy của Ngài, để từ đó áp dụng thực hành nhằm mang lại an vui, hạnh phúc cho mình và người. Nếu người Phật tử chỉ nghe người khác nói về đức Phật và phát khởi lòng tin thôi thì vẫn chưa đủ mà cần phải chứng thật. Bởi vì Ngài dạy rằng “Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta”. Lòng tin đối với Phật A Di Đà và cõi cực lạc cần phải đặt trên nền tảng của trí tuệ.

Đối với Thiên Chúa giáo, niềm tin về cõi Thiên đàng và đức tin với Chúa là tuyệt đối. Người nào được Chúa che chở chứng tỏ người đó có đức tin và đức tin đó luôn phụ thuộc vào Chúa. Kinh Thánh chép rằng: “Đức tin có nghĩa là hoàn toàn lệ thuộc, nương dựa vào đức Chúa Trời…đức tin là con đường bước trở lại vào trong mối tương quan với đức Chúa Trời”18. Người có đức tin chẳng cần xem thấy việc khác mà chỉ nghe lời và tin theo lời Chúa nói, nếu người nào không có sự tin tưởng vào Chúa thì người đó không có liên quan gì đến Chúa và không được Ngài cứu độ. Do đó, Chúa được xem như là biểu hiện của lòng tin, người có lòng tin tức là Chúa sẽ luôn ở bên người đó và ngược lại. Ngoài ra, trái với niềm tin trong Phật giáo rằng Đức Phật dạy hãy tin vào chính mình mà đừng tin vào bất cứ một ai khác, hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình19. Đạo Phật đề cao tính nỗ lực của cá nhân, con người có được giải thoát hay không là nhờ ở chính bản thân mình. Vì vậy, ngoài niềm tin đối với đức Phật và giáo pháp mà Ngài truyền trao còn phải tin vào bản thân mình, chính bản thân chúng ta sẽ là người tiếp nhận và thực hành giáo pháp của đức Phật và chính mình sẽ là người đạt được kết quả tu tập do bản thân mang lại chứ không phải ai thay thế được. Khác với Thiên Chúa, họ khuyến khích tin cậy vào Chúa hơn là tin vào chính mình.

Kinh thánh nói rằng: “Đức tin có nghĩa là tin cậy, tin chắc hay xác tín nơi một người nào hay nơi lời nói của người ấy. Có đức tin nơi đức Chúa trời bao hàm một sự hoán đổi của lòng tự tin vào mình với sự tin cậy vào Chúa. Chúng ta từ bỏ nương dựa nguồn tri thức bị hạn chế của mình và bắt đầu tiếp nhận nguồn vô hạn của Ngài”20. Như vậy, niềm tin rất cần thiết và quan trọng trong tôn giáo. Dù là người theo tôn giáo nào cũng đều có.

KẾT LUẬN

Thiên đàng và Tịnh độ đều có chung đặc điểm là sự mong muốn, ao ước của con người về một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mà con người bớt đi mọi khổ đau thay vào đó là sự an vui, hạnh phúc. Đây không chỉ là ước muốn của con người nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung mà còn là mục đích của những bậc giáo chủ các tôn giáo hướng đến nhằm tạo ra cho con người một con đường giải thoát, xa lìa mọi đau khổ của thế gian. Cũng chính sự nhìn nhận riêng của mỗi người nên niềm tin được đặt ở những vị trí sai khác. Do đó, mới có sự khác nhau về cõi vĩnh hằng, nói đúng hơn là cõi Thiên đàng và Tịnh độ. Một bên là cầu sự an lạc của nội tâm, hướng đến sự giác ngộ của tự thân, đề cao tinh thần tự giác, một bên là cầu mong sự giúp đỡ từ bên ngoài và đặt trọn niềm tin vào nơi đó. Như vậy, sự mong cầu khác nhau đều do sự nhìn nhận, suy nghĩ của con người, vì những cõi an lạc đó đều là mục đích cho con người hướng đến và niềm tin chính là cánh cổng mở ra con đường đi đến mục tiêu. Tất cả đều là phương tiện mở ra để dụ dẫn con người có một cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại, chỉ là chúng ta có chọn đúng con đường hay không mà thôi. Và để đạt được mục đích đó, ngoài việc đặt trọn niềm tin còn là nỗ lực của sự thực hành, dù ước muốn đến Thiên đàng hay Tịnh độ thì trong hiện tại chúng ta cũng phải sống tốt, đem lại bình an cho mình và người. Khi hiểu được như vậy chúng ta sẽ không còn mơ hồ về một thế giới ngoài tâm, mà lo tu tập chuyển hoá ngay tự thân để đạt được an lạc giải thoát.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ
Học viên Cao học Khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

****
CHÚ THÍCH
(1) TS Lê Văn Tùng (2016), Nghiên cứu triết học tôn giáo, tr. 101.
(2) Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phục vụ, kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Thánh Vịnh 6,6, (1999), Nxb. TP Hồ Chí Minh, tr.1603.
(3) https://vi.betweenmates.com/heaven-vs-hell#menu-3
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%C3%AAn_%C4%91%C3%A0ng
(5) Kakehashi Jitsuen, Tịnh độ tông Nhật Bản, Thích Như Điển (dịch), (2009), Nxb Phương Đông, tr.157
(6) Sdd, tr. 158.
(7) Huỳnh Trí Hải, Kinh A Di Đà giải thích, HT Thích Trí Minh (dịch).
(8)https://thuvienhoasen.org/a14631/tinh-do-la-long-trong-sach-di-da-la-tinh-sang-soi
(9) http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/tham-kho-c-c/cay-gy-ca-ngi-chn-by/68-nhng-gi-kinh-thanh-dy/1340- chng-19-thien-ang.html
(10) https://phatphap.wordpress.com/2007/12/16/kinh-a-di-da-dich-nghia/
(11) http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/kinh-thanh-7635/tha-nh-kinh-l-a-c-kha-o/2652-nh-ng-cau-kinh- thanh-ch-n-l-c-trich-d-n-t-m-i-sach-trong-kinh-tha
(12) Từ Điển Bách Khoa Phật giáo Việt Nam, tr. 300.
(13) Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, (2008), Nxb Phương Đông, tr. 326- 327.
(14) Sdd, tr. 347.
(15) Hirakawa Akira, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, tr. 462.
(16) Thích Chân Tính (dịch), Tôn Giáo Học so sánh, tr. 381.
(17) Kinh Trường Bộ 1, Thích Minh Châu (dịch)16 Kinh Đại Bát Niết bàn, tr. 665.
(18) http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/tham-kho-c-c/ca-y-ga-y/68-nhng-gi-kinh-thanh-dy/1330-chng-9-c-tin
(19) Kinh Tạp A Hàm, tập I, (1993), Thích Thiện Siêu (dịch), TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
(20)http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/tham-kho-c-c/ca-y-ga-y/68-nhng-gi-kinh-thanh-dy/1330-chng-9-c-tin

A. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Trường Bộ, tập I, (1991), , TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
2. Kinh Tạp A Hàm, tập I, (1993), Thích Thiện Siêu (dịch), TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
3. Huỳnh Trí Hải, Kinh A Di Đà giải thích, HT Thích Trí Minh (dịch).
4. TS Lê Văn Tùng, (2016), Nghiên cứu triết học tôn giáo, Nxb Tôn Giáo.
5. Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phục vụ, kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Thánh Vịnh 6,6, (1999), Nxb. TP Hồ Chí Minh.
6. Kakehashi Jitsuen, Tịnh độ tông Nhật Bản, Thích Như Điển (dịch), (2009), Nxb Phương Đông.
7. Lê Mạnh Thát, Từ Điển Bách Khoa Phật giáo Việt Nam, tập II, (2005).
8. Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, (2008), Nxb Phương Đông.
9. Hirakawa Akira, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, (2018), Nxb Văn hoá – Văn nghệ.
10. Thích Chân Tính (dịch), Tôn Giáo Học so sánh, 2015. 11.https://vi.betweenmates.com/heaven-vs-hell#menu-3 12.https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%C3%AAn_%C4%91%C3%A0ng 13.https://thuvienhoasen.org/a14631/tinh-do-la-long-trong-sach-di-da-la-tinh-
sang-soi
14.http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/tham-kho-c-c/cay-gy-ca-ngi-chn-by/68-nhng-gi-kinh-thanh-dy/1340-chng-19-thien-ang.htmlhttps://phatphap.wordpress.com/2007/12/16/kinh-a-di-da-dich-nghia/


Các tin đã đăng: