Tượng Bồ tát Kim Cang Thủ (Vajrapani) chạm trên một đài thờ vuông được phát hiện vào giữa thập niên 1980 khi sư trụ trì chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho trùng tu lại ba bàn thờ trong ngôi miếu nhỏ Linh Động Chơn Tiên, trong động Tàng Chơn sau lưng chùa. Đài thờ bằng sa thạch này bị phủ kín bằng một lớp vữa dày để làm bệ đặt tượng Phật. Động Tàng Chơn được tạo bởi ba hang động nhỏ, gồm: động Tam Thanh, động Chiêm Thành và Hang Gió, với động Chiêm Thành nằm ở giữa.
Hiện nay, trong động Chiêm Thành vẫn còn một đài thờ Chăm nguyên vị được ghép từ bốn khối đá, phần trên đài thờ chạm hai vị môn thần, tay phải cầm kiếm ngắn, tay trái cầm cây gậy móc câu ngắn trong tư thế chiến đấu. Phù điêu chạm tượng ngài Kim Cang Thủ có khả năng được đặt trong động Chiêm Thành trước khi nó bị dời sang miếu Linh Động Chơn Tiên, vốn được xây dưới thời vua Minh Mạng năm thứ VI (1825). Vì thế, khi các học giả Pháp khảo sát các di tích tại Ngũ Hành Sơn vào cuối thế kỷ XIX đã không để lại bất cứ ghi chép nào về bức tượng này. Tuy nhiên, Henri Parmentier đã đặt nghi vấn về sự biến mất của một ngẫu tượng Chăm từng được thờ tại động Chiêm Thành.
Khi mới phát hiện, chân dung vị thần này từng được cho là thần Indra. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, Indra không thờ riêng lẻ trong điêu khắc Chăm, vì Indra là một trong Bát phương hộ thần (Asta-Dikpālas) hoặc Thất tú/ Cửu tú (Saptagrahas/ Navagrahas), được phát hiện thờ trong nhóm tám vị hộ phương thần tại di tích Mỹ Sơn và một vài di tích Champa khác.
Vì vậy, qua các chi tiết thể hiện có thể nhận diện đây là hình tượng Bồ tát Kim Cang Thủ, hay Vajrapani, nghĩa là “Tay cầm Kim Cang Chùy hay lưỡi tầm sét”. Tác phẩm này là một phù điêu dạng hình khối chữ nhật cao 56cm, dày 50cm, rộng 90cm, chất liệu sa thạch, được chạm ba mặt hoàn chỉnh. Mặt chính thể hiện Kim Cang Thủ ngồi dưới vòm cuốn nhọn ở đỉnh đầu, cưỡi trên lưng voi chầu bởi bốn con sư tử và bốn vị Bồ tát.
BỒ TÁT KIM CANG THỦ TRONG PHẬT GIÁO MẬT TÔNG
Trong kinh điển Phật giáo, Kim Cang Thủ là một trong những vị Bồ tát xuất hiện sớm nhất trong Phật giáo Đại thừa; Một số nguồn cho ngài là thị giả của Đức Phật Thích Ca và tượng trưng cho uy lực của chính Đức Phật. Kim Cang Thủ được tôn thờ phổ biến trong Phật giáo Đại thừa, ngài thường xuất hiện cùng với Quán Thế Âm và Văn Thù Sư Lợi để hộ trì chư Phật vì các ngài tượng trưng cho ba đức tính tôn quý của chư Phật là Bi – Trí – Dũng. So sánh các yếu tố nghệ thuật, cho phép nhận định đây là hình tượng duy nhất về vị thần này xuất hiện trong điêu khắc Phật giáo Champa cho đến nay.
Theo Phật điển, Bồ tát Kim Cang Thủ nguyên là một Yaksa, ngài thường xuất hiện ở chốn rừng núi và hang động, khi những địa điểm đó được lựa chọn làm nơi thờ tự, yếu tố này hoàn toàn phù hợp với động Chiêm Thành của Ngũ Hành Sơn. Ngài còn là lãnh đạo của chư vị Thượng thần (Vajrapānis) và có liên đới mật thiết với thần Indra, là Đế Thích hay thần Sấm sét. Vì là thị giả của Phật Thích Ca cho nên Kim Cang Thủ đại diện cho những thế lực huyền bí nhằm răn dạy những kẻ không tuân nghe lời giáo huấn của Đức Phật. Pháp khí tiêu biểu của Ngài là Kim Cang Chùy (Vajra). Trong triết học Phật giáo, Vajra biểu thị cho tánh Không, bởi tự tính này cứng rắn và bất hoại, bền vững, không thể bị chia chẻ hoặc lay chuyển.
ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG CỦA VAJRAPANI TRONG NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO
Trong nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, Kim Cang Thủ có hình thể màu xanh dương, tay cầm biểu tượng là Kim Cang Chùy, thường hoá hiện thành hai hình tướng là hiền và dữ. Với hình tướng hiền, ngài ngồi tư thế vương toạ hoặc kiết già, một tay cầm Kim Cang Chùy và một tay cầm hoa sen; với hình tướng dữ ngài được gọi là hàng Tam Thế Kim Cang (Trailokayavijaya), trong tư thế đứng thì một tay cầm Kim Cang Chùy và một tay thủ ấn, có hào quang hình ngọn lửa đỏ. Một sự kiện nổi bật là Kim Cang Thủ đã niệm mật chú để chiến thắng thần Siva và nữ thần Uma, buộc họ phải tuân phục chư Phật, vì thế ngài được chính Đức Phật Thích Ca tán dương là vua của tất cả thần chú.
Ở Đông Nam Á, hình tượng Kim Cang Thủ rất phổ biến trong nghệ thuật Java và Campuchia từ thế kỷ VIII – XIII, được đúc bằng kim loại tư thế đứng hoặc ngồi trên tòa sen, đội Kirita-mukuta mang nhiều trang sức, lòng bàn tay phải để ngửa thủ ấn, tay trái cầm hoa sen xanh cuống dài bên trên có Kim Cang Chùy.
Minh văn An Thái của Champa vào đầu thế kỷ X đã đề cập đến danh hiệu Vajrapani như sau, khi ngài tự nguyện vào địa ngục đói khát để cứu độ những kẻ mang tội lỗi nhiều đời vì nghiệp chướng được giải thoát khỏi Ma vương: “Những kẻ tội lỗi, bị trói buộc bởi nghiệp chướng nhiều đời, và không có hy vọng được giải thoát, vĩnh viễn bị vây bủa bởi đội quân khủng khiếp của Ma vương, và bị áp chế bởi đói khát, do họ đem lòng nghi hoặc và oán ghét đấng Giác ngộ (Sugata) [tức là Phật] trong tiền kiếp. Nhưng khi được cứu độ bởi Vajrapani từ địa ngục, họ kiên định trên con đường [hướng tới giải thoát] được chỉ ra bởi Đức Phật”. Những chủ điểm kể trên là cơ sở để khảo cứu tượng Vajrapani của chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn. Tác phẩm này được bố cục thành hai phân cảnh.
PHÂN CẢNH TRÊN CỦA ĐIÊU KHẮC CHÙA LINH ỨNG – NGŨ HÀNH SƠN
Kim Cang Thủ ngồi tư thế vương tọa trên ngọn núi Meru (Tu-di) cách điệu thành một hào quang hình vòm cung có đỉnh nhọn, trang trí hoa văn xoắn xít rậm rạp; phong cách của ánh hào quang chỉ xuất hiện duy nhất trên tác phẩm này và cả trong nền điêu khắc Champa. Tay phải cầm Vajra đặt trên vai; tay trái thủ xúc địa ấn (bhumisparsa-mudra). Trên phân cảnh này, Kim Cang Thủ xuất hiện trong Kim Cang Tát Đỏa Mạn-đà-la được hộ trì bởi Tứ nội Cúng dường Bồ tát ở bốn hướng, đó là Kim Cang Hi (vui chơi), Kim Cang Man (trang điểm), Kim Cang Ca (hát) và Kim Cang Vũ (múa) được chia thành hai cặp trong tư thế múa hát với hai tay chắp trước ngực, đối xứng qua hình ảnh của Kim Cang Thủ.
PHÂN CẢNH DƯỚI CỦA ĐIÊU KHẮC CHÙA LINH ỨNG – NGŨ HÀNH SƠN
Phân cảnh này cũng trang trí ba mặt quanh đài thờ, con voi là linh thú của Kim Cang Thủ được đặt tại trung tâm; Bốn sư tử trong tư thế hý lộng đối xứng qua hình voi và chạm thẳng hàng theo vị trí của bốn vị Bồ tát kể trên, bốn sư tử đều ngồi xổm nâng cao hai chân trước và xoay về bốn hướng. Hình tượng voi và sư tử đều được trang trí trên ngai của Kim Cang Thủ phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo.
ĐẶC TÍNH NGHỆ THUẬT VÀ NIÊN ĐẠI CỦA TƯỢNG KIM CANG THỦ
So sánh với nghệ thuật tạo hình Champa qua các thời kỳ, thủ pháp tạo hình của bức phù điêu này mang những đặc điểm tiêu biểu nhất của phong cách Đồng Dương. Về hình người, các nhân vật đội mũ bằng hợp kim có nhiều tầng gọi là Kirita-mukuta, trang trí nhiều lớp hoa; hoa tai hình tròn to điểm hoa văn cầu kỳ; hàng lông mày rậm giao nhau, đặt trên đôi mắt mở lớn có điểm nhãn, môi dày ẩn dưới ria mép rậm; bàn tay to; mặc khố (Dhoti) ngắn đến gối dệt hoa văn thưa mỏng với thắt lưng bằng vải cuộn lại. Cần lưu ý thêm, tư thế vương tọa (Lalitasana) chỉ xuất hiện chủ yếu trong phong cách Đồng Dương và trở thành một đặc điểm của phong cách này. Trong phong cách Đồng Dương, thế ngồi này được diễn tả bằng một chân co nằm ngang trên mặt phẳng, chân còn lại nâng cao gối đặt gần vuông góc với chân kia. Cách diễn đạt trên thỉnh thoảng xuất hiện trong nghệ thuật Ấn Độ vào thế kỷ VIII – XII cũng như trong nghệ thuật Trung Hoa đương thời.
Hào quang tượng trưng núi Meru và đường viền chung quanh ngai độc đáo và tiêu biểu của phong cách này. Về tạo hình động vật, biểu tượng voi ngoảnh đầu về trái cùng với chân trái phía trước co lên, những đường viền mảnh làm nổi bật đôi tai, giữa trán nổi một u tròn, tất cả những chi tiết đều được thể hiện trên bàn thờ lớn của Phật viện Đồng Dương hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Theo nhận định của các nhà lịch sử nghệ thuật, “Phong cách Đồng Dương” tồn tại trong khoảng 40 năm, từ khoảng năm 875 đến khoảng năm 915, như vậy hình ảnh Kim Cang Thủ có thể được tạo tác vào giai đoạn chín mùi của phong cách Đồng Dương, nghĩa là từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X. Ngoài ra, danh hiệu của Vajrapani/Kim Cang Thủ được nêu lần đầu trong bia An Thái có niên đại là năm 902, điều này củng cố thêm nhận định tác phẩm điêu khắc Kim Cang Thủ của chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn được chế tác vào đầu thế kỷ X. Các nhận định trên chỉ ra rằng đây là một tác phẩm quý hiếm nên cần được quan tâm bảo quản tốt, nhằm phục vụ cho phát triển du lịch địa phương, thu hút khách chiêm bái cũng như cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Bhattacharyya, Benoytosh (1958). The Indian Buddhist Iconography. Calcutta: Firma K. L. Mukhopadhyay.
2. Boisselier, Jean (1963). La Statuaire du Champa: Recherches sur les cultes et l’iconograpghie. Paris: Publications de l’Ecole française d’Extreme-Orient 54.
3. Golzio, Karl-Heinz (ed.) (2004). Inscriptions of Campa. Achen: Shaker Verlag.
4. Parmentier, H. (1909 &1918). Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam. Paris: Leroux.
5. Sallet, Albert (1924). ‘Les Montagnes de Marbre’, Le Bulletin des Amis du Vieux Hué, 110 Année. No. 1. Janv.-Mars 1924.
6. Scheurleer, Pauline L. & Marijke J. Klokke (1988). Ancient Indonesian Bronzes. Leiden: E. J. Brill.
7. Trần Kỳ Phương, Võ V. Thắng & Peter D. Sharrock (2018). Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Danang Museum of Cham Sculpture. Bangkok: River Books.
8. Trần Kỳ Phương (2008). Vestiges of Champa Civilization. Hà Nội: Thế Giới Publishers
9. Võ V. Thắng, T. K. Phương, L. Đ. Phụng at al. (2014). Di tích Chăm tại Đà Nẵng & những phát hiện mới. Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng.
10. Wang, Michelle C. (2018). Mandalas in the Making: The Visual Culture of Esoteric Buddhism at Dunhuang. Leiden-Boston: Brill.