Chúng tôi cũng đã từng nói với các vị
đồng tu từ xưa đến nay, đừng xây dựng đạo tràng rồi đi khắp nơi tìm
người tu hành, đó là phản duyên, không thể được phước. Hãy xem người
chân thật tu hành rồi mới xây dựng đạo tràng cho họ, phước báu này sẽ
lớn theo năng lực của chính chúng ta. Ngày nay, một số đạo tràng không
còn đúng như pháp. Đạo tràng không đúng pháp gần như nơi nào cũng có...
Thỉnh cầu khai pháp hội
Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, quyển
thứ ba: “Nhĩ thời Phật cáo, Địa Tạng Bồ Tát, ngô kim ư Đao Lợi Thiên
cung, nhất thiết chúng hội, thuyết Diêm Bồ Đề bố thí, giảo lượng công
đức khinh trọng, nhữ đương đế thính, ngô vi nhữ thuyết”. Có nghĩa,
bồ tát Địa Tạng hướng về đức Thế Tôn thỉnh giáo: “Chúng sinh sáu cõi
tu phước không giống nhau, nên quả báo cũng không giống nhau. Xin Thế
Tôn đem chân tướng sự thật này vì chúng con mà diễn nói”.
“Nhĩ thời” chính là lúc bồ tát
Địa Tạng thỉnh giáo sự việc này. Ngay khi đó, ở cung trời Đao Lợi, Thế
tôn tự xưng “ngô” diễn nói trong tất cả chúng hội bao gồm đại
chúng của mười pháp giới, thù thắng hi hữu không gì bằng. Do đó hội này
không hề khác biệt so với hải hội của kinh Hoa Nghiêm, chẳng qua pháp
hội này mượn cung trời Đao Lợi để khai hội. Tận hư không khắp pháp giới,
chúng sinh sáu cõi tham dự, tình huống cũng hoàn toàn giống kinh Hoa
Nghiêm, cũng đều là chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở sáu cõi, ác đạo, dùng thân
phận các quỷ vương xuất hiện ngay trong đại hội. Cho nên tất cả hội
chúng hy hữu chưa từng có.
“Công đức bố thí nặng hay nhẹ?”
là lời thỉnh cầu của bồ tát Địa Tạng nói về Diêm Phù Đề cũng là địa cầu
của chúng ta. Người trên địa cầu này muốn biết tu phước được quả báo
nặng hay nhẹ thì phải chú tâm lắng nghe Thế tôn giảng giải, “nhữ
đương đế thính, ngô vi nhữ thuyết”.
Thế tôn lược giảng
Địa Tạng bạch Phật ngôn: “ngã nghi
thị sự, nguyện lạc dục khai”, có nghĩa “con rất nghi ngờ việc
này, hoan hỉ mong ngài nói ra chân tướng”. Trong phần chú giải,
pháp sư Thanh Lương giải nghĩa như sau: “Diêm Phù Đề nhân, năng hành
bố thí giả, tất báo sinh thiên thượng”, tức là chân thật tu bố
thí, bố thí đúng lý đúng pháp, bố thí là phước, tu phước, phước báu lớn
sẽ sinh đến cõi trời. Thế Tôn ở cung trời cũng đã nói về công đức bố
thí.
“Phù bố thí chi nghiệp nãi
chúng hành chi nguyên”
Có nghĩa, tài vật vô thường, người người
tranh nhau, phàm phu tiếc rẻ, không buông xả. Người thế gian không từ
bất cứ thủ đọan gì để tranh đoạt tài vật, tạo nghiệp. “Toại sử thê
nhi giác mục”, gia đình bất hòa, anh em chống trái nhau, quyến
thuộc chia lìa, thân bằng cách biệt,… gần như sáu căn của chúng ta đều
tiếp xúc với những cảnh tượng này, nên phải hiểu rõ nghiệp nhân quả báo,
cần phải lắng nghe khai thị của Thế Tôn. Phật nói Địa Tạng Bồ Tát: cõi
Nam Diêm Phù Đề có các Quốc Vương, Tể Bổ Đại Thần, Đại Trưởng Giả, Địa
Sát Lợi, Đại Bà La Môn v.v., có địa vị, tiền của, là người có khả năng
bố thí, nếu gặp người nghèo khổ bần cùng cho đến bệnh tật câm điếc, ngờ
nghệch đui mù, không đầy đủ các căn, đều xem là đối tượng để bố thí.
Theo nhà Phật, phước điền có ba loại, trong đó “bi điền” chỉ người thế
gian đáng thương, do đời quá khứ không tu phước, tuy được thân người
nhưng lại sống thiếu thốn, nghèo khổ. Chúng ta có khả năng nhìn thấy
những chúng sinh này, phải dùng tâm đại từ bi, tận lực giúp đỡ. Kinh nói
“Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ
quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”, phước báu như
bóng theo hình, trồng phước được phước, vì vậy phải thông hiểu đạo lý
này.
“Thị đại quốc vương đẳng”
“Đẳng” ở đây như đã nói “Tể
Bổ Đại Thần, Trưởng giả, Sát Lợi, Bà La Môn đẳng”, chính là người ở
xã hội này, có địa vị, tiền của, năng lực, phải nên tu bố thí. Phật
trong kinh thường nói, phước báu cùng chia sẻ với chúng sinh thì phước
báu này sẽ lớn hơn, và được hưởng thụ mãi mãi khôn cùng tận. Tham lam
bỏn xẻn, chỉ hưởng thụ cá nhân thì dù phước báu có lớn mấy cũng chỉ thọ
dụng một đời này, đời sau không còn nữa. Không còn phước báu thì dù có
tránh được ba đường ác, cũng chịu nghèo khổ, các căn không đầy đủ, bị
đọa lạc ở cõi nhân gian. Người hiểu rõ đạo lý này, biết được chân tướng
sự thật, phải nên tu phước. Phú quý, bần tiện thảy đều tu phước. Quả báo
trong tương lai là bình đẳng, chỉ cần tận tâm tận lực, việc tu phước
đều được viên mãn. “Thị đại quốc vương đẳng, dục bố thí thời”,
bố thí mọi lúc mọi nơi, không nên gián đoạn, đặc biệt với tâm đại từ bi,
thanh tịnh không phân biệt, không chấp trước, đối với tất cả chúng sinh
chỉ đồng một tâm yêu thương, “nhược năng cụ đại từ bi, hạ tâm hàm
tiếu, thân thủ biến bố thí”. Hạ tâm, tức khiêm nhường, tôn trọng
người, không hề có chút tập khí ngạo mạn, càng không thể có thái độ ngạo
mạn, gọi là “hạ tâm hàm tiếu”. “Thân thủ biến bố thí”,
đích thân thực hiện, nếu nhân duyên không đủ thì khuyến tấn người khác
hành bố thí với thái độ “hoặc sử nhân thí, nhuyễn ngôn úy dụ”,
ôn hòa, an ủi người tiếp nhận bố thí.
“Thị quốc vương đẳng, sở
hộ phước lợi, như bố thí bách hằng sa Phật, công đức chi lợi”
Ai cũng biết, bố thí cúng dường Phật
công đức to lớn, người người đều thích cúng dường Phật, lơ là đối với
những người cùng khổ. Nhưng thực ra, bố thí cho những hoàn cảnh bất hạnh
trong xã hội, phước báu thu được không khác gì cúng dường chư Phật Như
Lai. Cúng dường chư Phật và bố thí người bần tiện đều với tâm chân thành
cung kính thì phước báu cũng đều như nhau. Dùng tâm bình đẳng, phước
thu được là phước bình đẳng.
Cũng vậy, chúng ta học Phật, tha thiết
muốn ngay đời này làm Phật, không phải không làm được. Phật dạy, nhất
định phải xem tất cả chúng sinh là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai
của chính mình. Chúng sinh giàu sang, chúng ta biết đời trước họ tu
phước, là cha mẹ quá khứ của chúng ta. Chúng sinh bần tiện, chúng ta
cũng hiểu rõ trong đời quá khứ không tu phước, cũng là cha mẹ quá khứ
của chúng ta. Đem tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng để hiếu thuận,
bố thí cúng dường là hiếu dưỡng phụ mẫu, là phụng sự chư Phật. Dùng tâm
trạng như vậy để đối đãi với mọi người, với tất cả chúng sinh, thì thời
gian thành Phật sẽ được rút ngắn. Bên cạnh đó, việc niệm Phật cầu sinh
thế giới Tây Phương cực lạc thì đời này nhất định vãng sinh.
Niệm Phật vì sao không thể vãng
sinh làm Phật?
Vì xem thường chúng sinh, chính mình
luôn có thái độ cống cao ngã mạn khiến cơ hội vãng sinh bất thoái thành
Phật. Không phải chư Phật Bồ Tát không giúp đỡ mà chính chúng ta bỏ lỡ
cơ hội trước mắt. Do đó cần phản tỉnh, kiểm điểm ở mình, khi thật sự
giác ngộ, đạo Bồ Tát sẽ thuận buồm xuôi gió, không còn chướng ngại. Tỉ
mỉ quán xét, không chút ngạo mạn, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng sinh
đích thực là cha mẹ quá khứ của ta, xác xác thực thực là “chư Phật
vị lai”. Đức Phật nhìn thấy đời quá khứ của con người, quá khứ còn
có quá khứ, quá khứ vô cùng, vô lượng vô biên kiếp đến nay, cùng với
chúng sinh có quan hệ quyến thuộc, đồng l quan hệ quyến thuộc thì làm
sao có thể đối xử không tốt. Người thế gian thường hay tiếc của, nhìn
thấy liền khởi tham sân si mạn, tạo tác nhiều ác nghiệp, phải chịu quả
báo.
Chúng ta may mắn gặp được Phật pháp, gặp
Đại thừa, được Phật giảng giải tường tận giúp giác ngộ. Sau khi giác
ngộ, tâm chúng ta thay đổi rất lớn theo hướng tích cực. Dùng tâm chân
thành hiếu thuận để cúng dường đại chúng, phước báu vô lượng như kinh đã
nói: “được công đức lợi ích như bố thí trăm Hằng sa chư Phật”.
Cơ duyên khó đến, hi hữu khó gặp, chân thật hiểu rồi, chân chính giác
ngộ, tự nhiên sẽ toàn tâm toàn lực phụng hiến đại nghiệp này, cũng là
cúng dường cha mẹ, cúng dường chư Phật.
“Hà dĩ cố”
Thế tôn giảng “Duyên thị quốc vương
đẳng, ư thị tối bần tiện bối, cập bất hoàn cụ giả phát đại từ tâm”,
đây là điều kiện rất quan trọng bởi vì người tu bố thí phát ra tâm đại
từ bi tương đồng với tâm Phật. Có bốn loại từ bi:
-
Người thế gian chỉ có “ái
duyên từ bi”, thương yêu ai thì từ bi với người đó.
-
Người trí có “chúng sinh duyên
từ bi”, họ hiểu rằng thương chính mình cũng là thương người khác,
thương người khác là thương quốc gia dân tộc, cho đến thương yêu tất cả
chúng sinh, tâm lượng của người này rộng lớn. Người có tâm lượng lớn,
đại đa số đều thuộc về nhân vật lãnh đạo trong xã hội, bố thí cúng dường
phục vụ rộng khắp.
-
Bồ tát giác ngộ có “pháp duyên
từ bi”, xem tất cả chúng sinh là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai
mà tu hiếu kính, cúng dường. Pháp duyên từ bi còn có điều kiện, không
phân biệt, không chấp trước, hoàn toàn tự nhiên.
-
Theo Phật pháp, “pháp nhĩ như
thị” mới gọi là “đại từ bi”, phước báu này vô lượng vô biên, chúng
sinh duyên hay pháp duyên không thể so sánh. Cho nên người phát tâm đại
từ bi, giống như Phật.
Ngày nay học Phật, muốn tu đại phước
báu, chúng ta thảy đều bố thí tài vật thuộc sở hữu của mình, bố thí cúng
dường 100%, tâm 100% thanh thịnh, thì quả báo có được cũng 100%, như
vậy mới gọi là bình đẳng pháp, bất kể người có thế lực, tiền tài, hay
người nghèo khổ cũng có thể bố thí. Chẳng ai bần cùng đời đời kiếp kiếp
cũng chẳng ai phú quý mãi mãi. Theo kinh Phật, người bần tiện đời sau
đại phú quý, người phú quý đời sau bần tiện. Vì khi hưởng thụ phú quý,
rất khó bố thí viên mãn, trong khi người bần tiện lại có thể tu phước
báu. Kinh Tiểu thừa đưa ra câu chuyện một người ăn xin bần tiện đến cùng
cực, bà được bố thí một hào, dù ít nhưng bà vô cùng vui sướng. Đi một
đoạn, bà gặp đức Phật đang từng bước khất thực. Nghĩ mình thân thế thê
thảm, đời quá khứ không tu phước báu, bà liền đem một hào duy nhất có
được cung kính cúng dường Phật. Sau khi mạng chung, bà sinh vào gia đình
trưởng giả giàu có, lớn lên được tấn phong hoàng hậu. Vì sao được phước
báu lớn như vậy? Vì bà ấy phát tâm đại từ, tâm chân thành cung kính,
phước từ đó mà sinh ra. Một hào không có giá trị mà giá trị chính ở tâm
bà.
Các vị quốc vương nhiều tiền của, bố
thí, nuôi dưỡng, giáo dục nhân dân, nếu không dùng tâm đại từ bi, phong
cách khiêm hạ, thì phước báu của họ sẽ không đáng kể, đời này làm quốc
vương, đời sau chỉ được làm đại thần, càng lúc càng nhỏ. Bố thí tiền của
nhiều nhưng tâm không thanh tịnh, không đủ từ bi, thì đại từ bi hạ
xuống thành pháp duyên từ bi, chúng sinh duyên từ bi, ái duyên từ bi,
đời sau thấp hơn đời trước. Phật trong kinh luận đem đạo lý này nói rất
nhiều, rất tường tận, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội, phải ghi nhớ, mọi
lúc mọi nơi, đối nhân xử thế tiếp vật. Lời Phật dạy là chân thật, cho
nên phải khiêm nhường cung kính đối với tất cả mọi người, tận tâm tận
lực giúp đỡ như giúp đỡ cha mẹ mình. Quả báo phước lợi lớn hay nhỏ đều ở
dụng tâm, không phải ở số tiền nhiều hay ít mà chúng ta bố thí.
“Thị cố phước lợi”
Cái phước đạt được, “hữu như thử
báo”, nếu chúng ta muốn bố thí trăm Hằng hà sa chư Phật Như Lai,
chỉ có cách dùng tâm đại từ bi như Phật đã nói: xác xác thực thực chúng
sinh chính là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai. Dùng tâm chân thành cung
kính mà bố thí cúng dường những người bần cùng hạ tiện, phước báu ngang
bằng cúng dường Hằng hà sa chư Phật. Sông Hằng dài hơn sông Trường Giang
Trung Quốc rất nhiều, cát sông Hằng mịn như bột, số cát sông Hằng không
thể tính điếm. Trong câu chuyện về người ăn xin vừa nêu, một hào tiền
chân thành cung kính cúng dường Phật, quả báo đời sau được làm hoàng
hậu, cũng thể hiện nội dung này.
Chúng ta có thể cúng dường bố thí trăm
Hằng hà sa số chư Phật Như Lai, quả báo không thể nói hết. Phật nói
những lời này tuyệt đối chẳng phải dùng phương tiện khéo léo bảo chúng
ta đi chăm sóc những người bần khổ, người già khó khăn, mà Phật chân
thật dạy ta hướng tâm thanh tịnh. Phàm phu mê mất đi tự tánh, không thấy
được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, xung quanh chúng ta nơi đâu cũng
đều là phước điền. Ấy vậy mà chúng ta không biết cách trồng phước, trái
lại đi tạo tội nghiệp. Quả thật đáng thương!
Người biết tu phước, hiểu được bố thí
cúng dường, người đó chính là Bồ tát. Đời sống của chúng ta là bố thí
cúng dường, việc làm của chúng ta cũng là bố thí cúng dường, không luận
nghề nghiệp, chức vị, tất cả đều vì xã hội đại chúng mà phục vụ, chỉ cần
có tâm trạng như vậy cũng là bố thí cúng dường. Nghĩ rằng nghề nghiệp
này của ta để ta kiếm tiền, vì gia đình ta, vì con cái ta, phước điền
vuột mất ngay tức khắc. Cũng đồng một công việc nhưng ý niệm sai biệt, ý
niệm tự tư tự lợi chính là phàm phu liền tạo nghiệp, còn ý niệm vì
chúng sinh, vì xã hội, đó chính là Bồ tát, là Phật. Thay đổi ý niệm thì
siêu phàm nhập thánh, phước lợi vô lượng vô biên.
Phước báu của Tỳ Lô Giá Na trong kinh
Hoa Nghiêm, hay Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta cũng có
thể có được nếu biết tu phước. “Bách thiên sinh trung, thường đắc
thất bảo cụ túc, hà huống y thực thọ dụng”, phước báu không phải
chỉ có một đời một kiếp mà đời đời kiếp kiếp hưởng thọ không cùng tận,
vì vậy phải chuyển đổi ý niệm. Người có phước báu, trí tuệ cũng khai mở,
gọi là “phước chí tâm linh”, khi phước báu hiện tiền, tâm tư
cũng linh mẫn, trí tuệ hiện tiền. Phật dạy “phước huệ song tu”,
cái huệ đó chính là giác ngộ thông suốt. Phước là hình thức, khi đã
thông suốt, hiểu rõ chân tướng sự thật, huệ liền khai mở.
Phụng sự chúng sinh là đúng, là việc nên
làm, phụng sự bản thân là sai, là việc không nên làm. Luôn khởi tâm
động niệm, mỗi niệm vì chúng sinh, vì xã hội, vì nhân dân, không còn
chút tư tâm nào. Ngay trong cuộc sống thường ngày, từ sớm đến tối, từ
đầu năm đến cuối năm, tất cả đều là phụng hiến, đều là bố thí cúng
dường, phước báu không thể kể hết.
“Phục thứ Địa Tạng, nhược vị
lai thế, hữu chư quốc vương, chí Bà La Môn đẳng”
Đây cũng là nói người có khả năng bố
thí. “Ngộ Phật tháp tự, hoặc Phật hình tượng, nãi chí Bồ Tát, Thanh
Văn Bích Chi Phật tượng, cung tự doanh biện, cúng dường bố thí”.
Phần trên nói về việc bố thí người bần khổ, gọi là bi điền. Phần này
giảng, bố thí tháp tự thánh tượng, gọi là kính điền. Ngày nay, chúng ta
xây tháp, xây chùa, tu tạo hình tượng Phật, quả báo tương lai có được.
Thế nhưng duyên của bố thí phải thảy đều đầy đủ. Nếu không đầy đủ duyên,
phước báu không thể có được. Như đã nói phải dùng tâm từ bi của Phật để
tu. Ngày nay bố thí chùa tháp Phật, bố thí đạo tràng Phật, trước tiên
phải quan sát nơi đó chân thật có đạo hay không.
Chúng tôi cũng đã từng nói với các vị
đồng tu từ xưa đến nay, đừng xây dựng đạo tràng rồi đi khắp nơi tìm
người tu hành, đó là phản
duyên, không thể được phước. Hãy xem người chân thật tu hành rồi mới xây
dựng đạo tràng cho họ, phước báu này sẽ lớn theo năng lực của chính
chúng ta. Ngày nay, một số đạo tràng không còn đúng như pháp. Đạo tràng
không đúng pháp gần như nơi nào cũng có. Đạo tràng xây dựng nguy nga
tráng lệ, bên trong không làm đạo, chỉ có mấy người sống trong đó hưởng
phước, tạo nghiệp. Bố thí cúng dường đạo tràng như vậy là giúp họ tạo
thêm nghiệp, còn bản thân chúng ta tổn phước. Họ tạo nghiệp là do chúng
ta giúp đỡ. Họ đọa lạc, chúng ta cũng sẽ bị kéo theo, bị liên lụy.
Kinh Địa Tạng: “bố thí tu tạo chùa
tháp hình tượng được phước”. Ấy thế khi gặp ác báo, nhiều người
than trách lời Phật không linh, dùng lời lẽ báng Phật, báng pháp, báng
Tăng, tăng thêm trọng tội đọa A Tỳ Địa ngục. Phật không nói sai, tại con
người hiểu sai ý, bố thí cúng dường chùa tháp, phải tìm người tu hành
chân chính, như lý như pháp. Chỉ cần hai ba người tu hành, giúp họ dựng
một am tranh, không cần thiết phải xây đạo tràng to lớn, nói cách khác,
hình thức đạo tràng lớn nhỏ phải thích hợp với hiện tại. Xây dựng đạo
tràng to lớn cho số ít người tu hành sẽ tạo tội, vì đạo tràng to lớn,
mỗi ngày quét dọn mệt mỏi, mất thời gian của việc tu tập. Rất nhiều điện
đường phải đóng kín, không có thời gian quét dọn, mỗi năm chỉ có mấy
lần pháp hội mới mở cửa, tìm một ít tín đồ đến phụ giúp, còn bình thường
không dùng đến, như vậy không đúng pháp. Cho nên vào thời đại này,
trong Phật môn tu phước, việc gì là quan trọng nhất? Đó là bồi dưỡng
nhân tài hoằng pháp. Trước nay có thể bố thí chùa tháp, cúng dường Phật
tượng có phước báu lớn là bởi vì xã hội đại chúng đã quen biết, đối với
Phật pháp đều có tâm cung kính, phước báu mới lớn. Nhưng hiện nay, công
cuộc hoằng pháp truyền bá thông điệp của đức Phật mới là công đức cần
được đầu tư.
HT Tịnh Không |