Những lời thống
thiết xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, chư tổ chính là kim
chỉ nam cho chúng ta cứu vãn, khôi phục và làm rực rỡ nền văn hoá đạo
đức truyền thống của dân tộc. Ý nghĩa văn hoá và phương pháp tu trì của
Tịnh độ tông chẳng những có thể đáp ứng mong muốn của con người hiện đại
ở trình độ cao mà còn có khả năng chữa trị có hiệu quả những căn bệnh
của xã hội ngày nay.
1. Tịnh độ tông
phù hợp với cơ duyên của xã hội ngày nay
Tịnh độ tông đối với xã
hội ngày nay là vấn đề được rất nhiều người trong và ngoài Phật giáo
quan tâm. Tịnh độ tông có tác dụng như một thạch trụ trung tâm của Phật
giáo và xã hội hiện tại cũng như tương lai. Có hai lý do chủ yếu sau
đây:
Một là sự huyền ký về
pháp vận Phật giáo của đức Thế Tôn có tác dụng hưng khởi Tịnh độ tông:
Trong kinh “Tượng pháp quyết nghi” và kinh “Đại tập nguyệt tạng” cũng
như nhiều kinh điển Đại thừa khác, đem Phật pháp chia làm 3 thời kỳ, đó
là: Chính pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Mỗi thời kỳ pháp vận đều đầy đủ
những đặc trưng của nó. Trong kinh chép: “Chính pháp 1.000 năm là thời
kỳ Trì giới kiên cố; Tượng pháp 1.000 năm là thời kỳ Niệm Phật kiên cố”.
Trong kinh lại nói vào
thời kỳ Mạt pháp tuy có ức ức người tu hành, song hiếm có được người nào
đắc đạo, duy chỉ có nương theo pháp môn niệm Phật mà được độ thoát khỏi
sinh tử luân hồi”. Một đoạn huyền ký của đức Thế Tôn quả thực là đuốc
tuệ giữa đêm đen xua tan mọi sự tối tăm, chỉ cho chúng sinh con đường
chân chính tốt đẹp, đó cũng chính là động lực làm cho Tịnh độ tông phát
triển mạnh mẽ trong thời đại ngày nay.
Người chỉ ra tư tưởng
mạt pháp và đề xuất pháp môn Tịnh độ sớm nhất là Đại sư Đạo Xước đời
Đường ở Trung Quốc, Ngài đem giáo pháp của đức Phật chia làm 2 môn là
Thánh đạo và Tịnh độ. Từ góc độ thời giáo tương ứng thì ngày nay đã trải
qua hơn 500 năm đầu của thời kỳ mạt pháp, do vậy nên xả bỏ Thánh đạo
môn (dựa vào tự lực đoạn hoặc chứng chân) chuyển hướng về Tịnh độ môn
(dựa vào Phật lực đới nghiệp vãng sinh).
Nối tiếp tư tưởng đó là
Đại sư Thiện Đạo, chính là người tập đại thành thuyết minh về “tha lực
bản nguyện”. Đại sư nhận định rằng: “pháp môn Tịnh độ là pháp môn phương
tiện đặc biệt được thiết lập nhằm giúp cho chúng sinh thời mạt pháp
ngang vượt ba cõi, viên thành Phật đạo”. Chúng sinh bị chìm đắm, bỏ pháp
môn này thì khó có thể ra khỏi đường hiểm sinh tử. Về sau trải qua các
đời, các bậc tổ sư Tịnh độ như Đại sư Vĩnh Minh, Đại sư Liên Trì, Đại sứ
Ngẫu Ích, Đại sư Triệt Ngộ, Đại sư Ẩn Quang… đều kế thừa và phát huy tư
tưởng phán giáo dị hành đạo của thời kỳ mạt pháp mà khởi xướng pháp môn
Tịnh độ, được đông đảo Tăng Ni Phật tử hưởng ứng cao độ.
Ngày nay xu hướng Phật
giáo toàn cầu hoá ngày một phát triển sâu rộng, Tịnh độ tông cũng góp
mặt và lưu dấu ấn khắp các nước trên thế giới, từ Trung Quốc, Nhật Bản,
Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam… cho đến các nước Âu Mỹ, các đoàn thể, hiệp
hội, liên xã niệm Phật phát triển mạnh mẽ.
Hai là đặc tính của xã
hội hiện đại và đặc điểm đơn giản thẳng tắt của pháp môn Tịnh độ tự
nhiên thích ứng với nhau, điều đó chứng tỏ Tịnh độ tông vừa mang tính
hiện đại vừa mang tính thời đại. Xã hội hiện đại là xã hội của khoa học
kỹ thuật công nghệ cao và kinh tế thị trường, đã đem lại văn minh vật
chất cho xã hội loài người, thông tin của xã hội, tri thức của xã hội
càng ngày càng tăng lên gấp bội.
Điều đó thúc bách con
người hiện đại phải tăng tốc độ kỹ năng nhận thức, tiếp thụ các loại tri
thức hiện đại để thích ứng và cải tạo thế giới bên ngoài. Trào lưu toàn
cầu hoá, kinh tế thị trường đã làm thay đổi phương thức tư duy của toàn
xã hội, đó là chủ nghĩa vật chất thực dụng, phân chia làm hai thái cực
giàu nghèo một cách rõ rệt. Dân số ngày một tăng, tài nguyên thiên nhiên
lại bị khai thác, phá hoại đến mức cạn kiệt càng khiến cho cuộc đấu
tranh sinh tồn của xã hội loài người càng trở nên gay gắt…
Thực tế đó như một lời
thách đố trong việc hoàng dương Phật pháp ở thời hiện đại. Cho nên ngày
nay muốn tu hành thành tựu liễu sinh thoát tử quả thật là một điều hết
sức khó khăn. Do đó các bậc cố đức trong Phật giáo lựa chọn một loại
pháp môn thích ứng và chuyển hoá xã hội hiện đại, chính nội hàm và đặc
tính của Tịnh độ tông phù hợp với yêu cầu đó của xã hội hiện đại.
Giáo nghĩa và phương
pháp tu trì của Tịnh độ tông hết sức phù hợp với cơ duyên của con người,
xã hội ngày nay. Con người ngày nay sống và làm việc với nhịp độ cao,
tính cạnh tranh quyết liệt, không có thời gian nhàn rỗi để tu tập Phật
pháp, song phương thức tu tập của Tịnh độ tông lại rất phù hợp. Nếu hàng
ngày không có nhiều thời gian nhàn rỗi thì chỉ cần dùng pháp môn thập
niệm là được (chỉ cần 5 phút là đủ).
Các chủng loại, phương
thức niệm Phật hết sức linh hoạt không cần phải có đạo tràng, pháp khí
trợ giúp mà ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, mọi hành vi, cử chỉ đi đứng nằm
ngồi đều có thể niệm Phật được mà không hề trở ngại. Con người hiện đại
ưa thích ngắn gọn đơn giản, nhanh chóng, Pháp môn niệm Phật cũng đầy đủ
đặc tính đó.
Ví dụ bạn đang đối mặt
với một vấn đề khó khăn mà phải bó tay, tâm lý rất hoang mang, lúc đó
bạn hãy hít thở sâu rồi chú tâm niệm Phật một vài câu, tinh thần liền an
định, lý trí sáng suốt để xử lý vấn đề. Nếu bạn gặp phải nghịch cảnh,
khi tâm sân hận có thể phát khởi, bạn hãy chú tâm niệm Phật một vài câu
thì lửa sân có thể dập tắt, tâm ý sẽ trở nên an lành nhẹ nhàng cho đến
cả khi lâm chung, nếu dốc lòng niệm danh hiệu Phật A Di Đà 10 niệm hay
thậm chí 1 niệm cũng có thể nhờ Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sinh cực lạc
cứu kính thành Phật. Điều đó chứng tỏ pháp môn niệm Phật sinh Tịnh độ là
pháp môn rất phù hợp với tâm lý tiêu dùng của xã hội hiện đại: “Không
rời Phật pháp mà hành thế pháp, không bỏ thế pháp mà chứng nhận Phật
pháp vậy”.
Tịnh độ tông thể hiện
được tinh thần tự do phóng khoáng của tư tưởng Phật giáo Đại thừa, điều
đó càng thích hợp với sự tu hành của Phật tử tại gia; tức là ở nơi trần
lao mà làm Phật sự, chuyển thế tục thành đạo tràng thanh tịnh, đem
phương pháp niệm Phật vào trong mọi sinh hoạt đời thường nhằm thực hiện
“niệm Phật sinh hoạt hoá, sinh hoạt niệm Phật hoá”. Như vậy có thể trở
thành hạnh phúc mỹ mãn.
Trong kinh Hoa Nghiêm,
Thiện Tài đồng tử đi tham học với 53 vị Thiện tri thức, trong đó chỉ có 4
vị là người xuất gia, còn lại đều là cư sĩ tại gia đại diện cho các
giới, các tầng lớp và làm mọi nghề nghiệp trong xã hội, điều đó chứng tỏ
pháp thế gian không làm chướng ngại việc tu trì Phật pháp. Đặc tính
giản dị và phóng khoáng của Tịnh độ tông rất phù hợp với tính chất của
xã hội hiện nay.
Ngày nay khoa học kỹ
thuật và văn minh vật chất phát triển với tốc độ cao, nó làm cho môi
trường, hoàn cảnh, lối sống, đạo đức, nhân văn… xuống cấp trầm trọng.
Đức Thích Ca đã từng huyền ký: “Sau khi ta nhập Niết Bàn, tới thời mạt
pháp, kinh đạo dần dần tiêu diệt, nhân dân giả dối lừa gạt lẫn nhau, lại
đua nhau làm các việc ác, bấy giờ năm thứ thiêu đốt, năm thứ khổ đau
dần dần thịnh mãn”. Đoạn kinh này chính là tả thực xã hội ngày nay, muốn
liễu sinh thoát tử, viên thành Phật đạo thì cần có pháp môn Tịnh độ.
2. Tịnh độ tông
với hoàn cảnh sinh thái
Công nghiệp hoá và toàn
cầu hoá đồng thời đem lại nền văn minh vật chất, đi theo nó là hoàn
cảnh sinh thái môi trường ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng. Đó là hậu quả
do công nghiệp hoá đem lại mà nhân loại không lường trước được. Vấn đề
đó đã trở nên nghiêm trọng, làm cho chính phủ các nước có sự quan tâm
chú ý. Có nhà khoa học đã từng dự báo: Nếu như con người tiếp tục phá
hoại hoàn cảnh sinh thái như tốc độ hiện nay thì 50 năm nữa sẽ không còn
chỗ cho con người sinh sống trên trái đất này. Do đó một vấn đề hết sức
nghiêm trọng đặt ra trước mắt mọi người đó là: “chúng ta chỉ có một
trái đất này, chúng ta phải làm gì để chung sống hoà bình với trái đất
này?”.
Muốn hoá giải nguy cơ
hoàn cảnh sinh thái xuống cấp một cách hữu hiệu, cần phải chữa trị tận
gốc rễ căn bệnh trầm kha của xã hội ngày nay. Phương diện này, giáo
nghĩa Tịnh độ có thể vì con người ngày nay mà đề xuất phương pháp hữu
ích:
Ý nghĩa văn hoá Tịnh độ
chú trọng tịnh hoá thân tâm con người, lấy việc giảm thiểu sự tiêu phí
vật chất sẽ đem lại sự tồn tại cho mạng sống, đem lại sự giải thoát tâm
linh và tinh thần, cũng như hoàn thiện nhân cách đạo đức cho con người.
Tại tiền đề “Mục tiêu cuộc sống” cảm quan hưởng thụ vật chất cần phải
đạt đến sự điều tiết hợp lý.
Quan điểm giảm thiểu
tiêu dùng vật chất, một mặt sẽ làm giảm bớt sự khẩn trương gấp gáp của
cuộc sống, ngăn ngừa tội ác do tham dục phát động, mặt khác sẽ làm giảm
bớt sự khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhờ đó thiên nhiên sẽ được bảo
vệ, con người thiết lập được mối quan hệ sống hoà hợp với tự nhiên.
Đối với muôn mặt của tự
nhiên vạn hữu, văn hoá Tịnh độ bảo đảm duy trì lòng từ bi bình đẳng.
Chúng ta chẳng những không tàn hại tính mệnh của chúng để nuôi dưỡng bản
thân mình, mà còn phải thiết lập mối quan hệ thân thiện cùng chung sống
trong hoà bình với tự nhiên vạn vật.
Trong Phật giáo có 3
loại từ tâm: đó là sinh duyên từ, pháp duyên từ và vô duyên từ, đều cùng
là đồng thể đại từ bi. Trong đó pháp duyên từ là chỉ cho vạn pháp cùng
một thể tính mà chiêu cảm phát sinh từ tâm đối với khí thế gian (vạn
pháp). Xem tất cả địa đại, thuỷ đại là thân trước của ta. “Tình dữ vô
tình đồng viên chủng trí” hay “nhất thiết chúng sinh giai cộng thành
Phật đạo” đó là quan niệm tuyệt đãi viên dung của Tịnh độ tông. Quan
niệm ấy với quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo hay quan niệm
“Thiên địa dữ ngã đồng căn, vạn vật dữ ngã đồng thể” của Đạo gia là
tương ứng đồng nhất.
Với quan điểm chủ đạo
đó, nền tảng sinh tồn tự thân của nhân loại là sử dụng hợp lý các nguồn
tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phải có sự tái tạo các nguồn tài
nguyên như trồng rừng, sử dụng hợp lý nguồn nước, bảo vệ các nguồn động
thực vật quý hiếm… Còn đối với các nguồn tài nguyên không tái tạo được
như khoáng sản, dầu mỏ, kim loại… thì phải hạn chế khai thác, sử dụng
khi thật cần thiết và tăng cường chế tạo, sử dụng các vật liệu nhân tạo
để thay thế.
Thông qua ý nghĩa “y
báo chính báo không hai không khác” của Tịnh độ, chúng ta nhận thấy hoàn
cảnh tự nhiên bên ngoài và hoàn cảnh xã hội nhân văn (y báo) với thân
tâm con người (chính báo) là quy luật tương ứng của nhau. Tâm tịnh thì
quốc độ tịnh, tâm nhơ thì quốc độ ô nhiễm. Tâm niệm từ bi thanh tịnh thì
chiêu cảm pháp giới của Phật, gió đức mưa hoa, đất bằng vàng ròng. Tâm
niệm thiện về ngũ thường thế gian (nhân lễ nghĩa trí tín) thì chiêu cảm
cõi nhân gian an lành hạnh phúc; một niệm dâm dục, sân hận phát khởi thì
chiêu cảm cảnh giới địa ngục núi đao rừng kiếm, núi lửa vạc dầu…
3. Tịnh độ với
hoà bình thế giới
Từ khi có nhân loại đến
nay, con người trên trái đất luôn sống trong bóng đen của chiến tranh
và sự sợ hãi. Trong 100 năm ngắn ngủi của thế kỷ 20, toàn thế giới đã
xảy ra trên 300 cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau, ngay đầu thế kỷ 21
đã xảy ra hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược và khủng bố. Các loại vũ
khí hiện đại có sức công phá và sát thương hàng loạt ngày càng phát
triển.
Hiện nay trên thế giới
số lượng vũ khí đạn dược hiện có đã gấp 5.000 lần với số vũ khí được sử
dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài ra còn các loại vũ khí
nguyên tử, vũ khí sinh học… có nguy cơ huỷ diệt cả thế giới. Đứng trước
sự lựa chọn sinh tồn và huỷ diệt, các dân tộc, quốc gia yêu chuộng hoà
bình trên thế giới đều hô hào ủng hộ lập trường “Hoà bình thế giới” mà
đề xuất rất nhiều phương án để giảm trừ tai nạn tránh đi những cuộc
chiến tranh. Có nhà chiến lược từng nói: “Nguyên tử có thể làm thay đổi
toàn thế giới nhưng không thể làm thay đổi được phương thức tư duy của
nhân loại, vì thế nhân loại phải hướng đến một thế giới không có tai nạn
chiến tranh”.
Muốn hoá giải tai nạn
chiến tranh, điều cốt yếu phải cải biến tư duy của nhân loại, đem phương
thức tư duy của nhân loại mà trung tâm là tham dục, chiếm đoạt, thù
địch và tự ngã ra khỏi đám bùn lầy đen tối đó. Đối với vấn đề này, văn
hoá Tịnh độ tông có những biện pháp khả thi hữu hiệu.
Đức Thế Tôn thấu hiểu
tận cùng nghiệp tính của chúng sinh cõi Sa Bà luôn bị tham sân si sai
khiến, thúc bách mà tạo tác muôn vàn tội ác. Kẻ mạnh lấn lướt kẻ yếu,
cạnh tranh chống đối lẫn nhau, tàn hại giết chóc, ăn nuốt lẫn nhau không
biết làm việc thiện, về sau phải chịu tai ương hoạn nạn. Chúng sinh ở
thế gian này khinh yếu sợ mạnh, chống đối hận thù hung tàn bạo ngược…
làm nhiều điều bất thiện. Chúng sinh ngu si một khi đã gieo xuống nhân
ác, tự nhiên khó thoát khỏi khổ báo, khi sống gặp phải cảnh oan oan
tương báo, lúc chết đi phải đoạ vào ba nẻo ác địa ngục, ngã quỷ, súc
sinh.
Luân chuyển trong đó,
đời này kiếp khác, không biết đến lúc nào có thể thoát ra được. Đức Thế
Tôn thấy vậy dùng tâm đại bi vô tận truyền trao Phật pháp muốn cho chúng
sinh là khổ được vui, dạy con người ta lấy tâm từ bi, tâm bình đẳng,
tâm công chính mà đãi nhân tiếp vật, lấy tâm khiêm tốn nhẫn nhục để xoá
giải xung đột trên thế giới. Chúng sinh đồng một thể, mình và người
không khác, lợi người chính là lợi mình, giết hại kẻ khác chính là giết
mình.
Cho nên con người phải
hiểu rõ lý nhân quả, bỏ ác làm lành như thế ắt được quả lành, lo gì
thiên hạ không thái bình. Đúng như lời Phật dạy: “Những nơi Phật đến,
làng mạc thành thị đều được thấm nhuần ơn giáo hoá, thiên hạ hoà thuận,
nhật nguyệt trong sáng, mưa gió thuận thời, tai nạn dịch bệnh không phát
sinh, nước thịnh dân an, các loại vũ khí không còn phải dùng đến, nhân
dân sùng mộ đạo đức nhân nghĩa, chỉ chăm làm việc thiện, trong nước
không có nạn trộm cắp, không có người bị oan uổng, mạnh không lấn lướt
yếu, mọi người đều vui lòng toại ý.
Có thể thấy lý tưởng
văn hoá Tịnh độ rất có lợi cho việc kiến tạo hoà bình thế giới, nó cũng
phù hợp với lý tưởng “Dĩ hoà vi quý” của nhân dân ta. Chính phủ luôn lấy
nguyên tắc hoà bình để đối ngoại và đối nội, nó thể hiện truyền thống
văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam ưa chuộng hoà bình. Lý tưởng hoà
hợp, bình đẳng, từ bi nhẫn nhịn, bác ái của Tịnh độ tông chính là phương
thuốc hữu hiệu để chữa trị cơ thể xã hội từng ngày đang bị các thế lực
tà ác, cường quyền xâm nhiễm.
4. Tịnh độ tông
với việc xây dựng đạo đức nhân văn
Đạo đức là yếu tố không
thể thiếu được trong việc ổn định, duy trì và phát triển xã hội. Tình
trạng đạo đức và trình độ văn minh của xã hội có quan hệ mật thiết với
nhau. Xã hội phong kiến Việt Nam ảnh hưởng văn hoá tư tưởng nho giáo và
Phật giáo nên chủ trương “dùng đức trị quốc”. Do đó đạo đức truyền thống
của Việt Nam đã có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm, cho đến nay những giá
trị đạo đức truyền thống bị mai một thay vào đó là tình trạng đạo đức vô
lối xuất hiện mà từ trước chưa hề có.
Nguyên nhân dẫn đến
tình trạng xuống cấp về đạo đức có rất nhiều, nhưng điều căn bản nhất đó
là: Con người ngày nay không tin nhân quả, thậm chí nhạo báng nhân quả,
cho rằng thành thực chính là kẻ gốc, gian ác mới là tài cán, thông
minh. Do loại tâm lý đó chi phối nên một bộ phận người trong xã hội
không hề sợ, không hề kiêng kỵ bất cứ điều gì mà họ không dám làm. Tuy
có bị pháp luật nghiêm cấm, trừng trị nhưng không hạn chế được bao
nhiêu.
Thêm vào đó là nền kinh
tế thị trường và văn minh vật chất là động cơ thúc đẩy tính tham dục và
tự ngã của con người ngày càng tăng thịnh, nó từng ngày, từng giờ huỷ
hoại, đe doạ con đê đạo đức vốn đã suy yếu. Trước sự thật đó khiến mọi
người phải ý thức được rằng: Nếu không khôi phục được văn hoá đạo đức
cho xã hội ngày nay, chẳng những quan hệ đến sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá và hội nhập kinh tế của nước ta, mà còn liên quan đến sự
thịnh suy, tồn vong của đất nước.
Sự hủ bại của tâm lý
đạo đức làm đảo lộn những giá trị, tiêu chuẩn, quan niệm về nhân sinh,
xã hội và các mối quan hệ. Để cải tiến được tình trạng đó, trước hết
phải đề xướng tư tưởng “Thiện ác nhân quả báo ứng”. Trong kinh điển của
Tịnh độ đã từng hiểu dụ: “Các loài chúng sinh ở thế gian không biết làm
thiện, sau phải chịu tai ương hình phạt; có những kẻ nghèo cùng ăn xin,
cô độc, câm, mù, ngọng, điếc, què quặt, điên cuồng… đều do đời trước
không tin đạo đức, không chịu làm lành. Lại có những người tôn quý, giàu
sang hiền triết, trưởng giả, trí dũng, tài năng… đều do đời trước hiền
lương, hiếu thuận, làm lành chứa đức mà có.
Sau khi đã chỉ rõ lý
nhân quả đức Phật khuyên chúng sinh nên giữ giới làm lành. Hành giả Tịnh
độ nên tu trì “Tịnh nghiệp tam phúc” đó là: Tu tập phúc báo thế gian
gồm 4 nội dung: Hiếu dưỡng cha mẹ; tôn thờ thầy dậy; Từ tâm không giết
hại; và tu mười thiện nghiệp. Những tội ác, những hành vi đạo đức đồi
bại phần lớn không ngoài sát sinh, trộm cướp, dâm dật, lừa gạt nói dối.
Nếu như có nhiều người thực hành ngũ giới, thập thiện, thì phong khí đạo
đức xã hội sẽ được căn bản hoàn thiện.
Tiến thêm một bước là
phát tâm Bồ đề, niệm Phật, tu đức thì xã hội chúng ta đã là Tịnh độ thế
gian. Như vậy có thể thấy hiểu và tin nhân quả chính là cơ sở nền tàng
căn bản không thể thiếu được để xây dựng đạo đức xã hội, đó cũng là cống
hiến của Tịnh độ tông trong việc cải thiện nhân tâm thế đạo. Đại sư Ấn
Quang từng chỉ dạy: “Nhân quả chính là nguyên tắc để các bậc thánh thế
gian, xuất thế gian bình trị thiên hạ, là đại quyền để độ thoát chúng
sinh. Ngày nay nếu không lấy nhân quả làm nhiệm vụ cấp bách để cứu nước
cứu dân, thì cái đạo đức, sự khôn khéo cao siêu của các vị chỉ là giả
dối.
Những lời thống thiết
xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, chư tổ chính là kim chỉ
nam cho chúng ta cứu vãn, khôi phục và làm rực rỡ nền văn hoá đạo đức
truyền thống của dân tộc.
Thích Tiến Đạt