Học Phật, niệm Phật không phải là yếm thế, tiêu cực
24/02/2010 06:05 (GMT+7)

Vì vậy, mặc dầu trong lòng họ vẫn thầm mong muốn, nhưng khi ra giữa công chúng, họ không dám công khai lễ Phật, niệm Phật. Thật là một điều sai lầm tai hại!

Đạo Phật là một tôn giáo, nhưng đó cũng chính là một triết học rất cao thâm vi diệu. Đã là học giả thì cần phải nghiên cứu môn triết học này, và khi đã nghiên cứu rồi, lại còn cần phải đem ra thực hành. Vì Phật học là một môn học gồm đủ cả lý lẫn sự, phần lý cốt để hướng dẫn cho phần sự và phần sự cốt để làm sáng tỏ thêm phần lý, lý và sự vốn dung thông nhau, nên nếu thực hành được sự thì có thể đạt được cảnh giới tối cao thâm và càng viên mãn hóa phần lý vi diệu. Phật học khác với các môn triết lý thế gian, lại cũng chính tại chỗ đó mà Phật học khác với các tôn giáo khác: Lý nào có sự nấy và sự nào có lý nấy, lý thì đều có thể thực hành được, sự thì đều có thể lý giải được. Vì vậy, tùy từng sở cầu, ai muốn nghiên cứu riêng về phần lý giải cũng được, mà ai muốn y lý thực hành để cho sáng tỏ hơn thì cũng lại càng tốt. Sở nguyện nào cũng đều thỏa mãn được cả. Nói một cách đơn giản hơn là từ những sự lý thiển cận áp dụng hàng ngày đến những cảnh giới thâm diệu siêu tuyệt, không một điều gì mà Phật học không giải quyết một cách viên mãn.

Chúng ta nên hiểu rằng, pháp môn niệm Phật không riêng gì ông già, bà cả tu theo mà ngay đến các Đức Đại Bồ tát, như các Ngài Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân v.v... và các đại văn hào cư sĩ như Bạch Cư Dị, Văn Ngạn Bác, Vương Nhật Hưu v.v... cũng đã từng áp dụng có hiệu quả. Như thế, pháp môn niệm Phật là một pháp môn rất phổ thông.

Hàng ngày hành trì như trên là cốt mượn cảnh giới Thanh tịnh, vận dụng tâm niệm Thanh tịnh để gột tẩy hoặc nghiệp ô nhiễm chất chứa vô thỉ kiếp đến nay trong tâm và đang hiện ra ngoài thân, đồng thời cũng để vun xới cho hột giống thanh tịnh xuất thế mỗi ngày một tăng trưởng. Vì thế tôi dám khuyên các bậc thiện tri thức Phật tử trong khi làm Phật sự, không những không nên sợ dư luận mà đồng thời lại còn phải tinh tấn khuyến khích mọi người làm theo. Phật dạy: “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Nay đã được làm thân người mà lại được gặp Phật pháp, nếu chẳng cố công học hỏi thì nào có khác gì người nghèo được đến non vàng mà lại đành cam phận khó và chịu bỏ về không, há chẳng uổng lắm ru!

(Trích Tâm Như Trí Thủ toàn tập)

HT.Thích Trí Thủ (Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

 

Các tin đã đăng: