1. Một là vì niệm Phật chẳng tinh thành, niệm thứ nhất vừa mới tinh thuần, niệm thứ hai bèn xen tạp. Lịch đại tổ sư đại đức đều là bậc thông Tông, thông Giáo, sau khi hiểu rõ Tịnh Độ bèn buông bỏ hết những thứ khác, chuyên tu Tịnh Độ.
Trong những trước tác của đại sư Liên Trì, tinh hoa là bộ Di Đà Sớ Sao; trước tác tối trọng yếu của đại sư Ngẫu Ích là Di Đà Yếu Giải, Ấn Quang đại sư vào tuổi già chỉ dùng một bộ kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu, ngoài ra chẳng còn có gì khác nữa.
2. Hai là vì sanh nghi, chẳng dốc lòng tin.
Tuy tu Tịnh Độ, cũng chịu niệm Phật, nhưng chẳng thể hoàn toàn tin mình có thể vãng sanh. Chỉ cần có một điểm nghi tình, lúc lâm chung dù có phước báo, thân không bệnh khổ, trí não sáng suốt, nhưng chỉ có thể sanh về biên địa. Kẻ phước báo kém hơn, thần trí chẳng sáng suốt, nghi chướng nổi lên, liền chẳng được vãng sanh. Nếu muốn phá trừ những nghi chướng ấy, hãy nên thâm nhập, nghiên cứu kinh giáo và tìm đọc những chuyện vãng sanh thật sự.
3. Thứ ba là do chẳng có nguyện vãng sanh.
Chẳng nguyện vãng sanh là mâu thuẫn với niệm Phật, dùng việc niệm Phật để tu phước, tương lai làm một con quỷ giàu có, có kẻ còn mong sanh lên trời, hy vọng tương lai hưởng phước trời, cầu phước báo trong cõi trời, cõi người.
4. Điều thứ tư là vì chẳng thể đoạn tham ái.
Tham cầu các thứ hưởng thọ trong tam giới lục đạo, phàm phu tham ngũ dục lục trần thế gian, người cõi trời tham phước báo thanh tịnh cõi trời, người Sắc Giới, Vô Sắc Giới tham hưởng thọ Thiền Định. Có tham ắt thành chướng ngại, chẳng thể vãng sanh.
Người tu Tịnh Độ chân chánh, ma chẳng dám đến nhiễu loạn. Thứ nhất là do niệm lực, tức là như kinh này nói: “Nhớ Phật, niệm Phật”. Thứ hai là bổn nguyện có Phật tánh lực, điều được niệm là tự tánh Phật, thanh tịnh bình đẳng đại từ bi là Phật. Thứ ba là được bổn nguyện của chư Phật gia trì. Với sức bổn nguyện oai thần gia trì của mười phương ba đời hết thảy Như Lai, ma dù có sức cũng chẳng thể đến nhiễu loạn.