Chữ Hoà Trong Quản Lý
Huệ Minh
16/06/2011 14:50 (GMT+7)

Sự thành công của doanh nghiệp không phải chỉ dựa vào lục hoà là đủ mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nữa, nhưng lục hoà sẽ là một trong những nền tảng không thể thiếu của doanh nghiệp trong vấn đề quản lý. Và nó cũng chính là cơ sở để xây dựng một văn hoá của tổ chức. Vậy lục hoà là gì? Chúng ta sẽ lần lượt xem xét và phân tích chúng theo từng nội dung cụ thể.

Ngày nay, với những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ thông tin đã giúp con người ngày càng phát triển xa hơn những gì mà ngày xưa tưởng chừng như không bao giờ làm được. Đời sống vật chất và tinh thần của con người cũng dần được nâng cao cả về mặt chất lẫn mặt lượng. Các quốc gia trên thế giới đã không ngừng hoàn thiện về khoa học và công nghệ nhằm giành thế thượng phong trong cuộc chạy đua cạnh tranh tri thức để trở thành quốc gia hàng đầu trên thương trường quốc tế.

Riêng đối với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế luôn tìm cho mình một phương pháp quản lý khoa học nhằm tăng cường hiệu quả lãnh đạo và năng suất sản xuất kinh doanh. Cho nên không chỉ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội được quan tâm mà cả về khoa học quản lý cũng được tầm nghiên và khảo cứu. Người ta cho rằng sự thành công của một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của quản lý. Khoa học quản lý ngày càng phát triển và trở thành hệ thống lý luận căn bản được các quốc gia, các tổ chức ứng dụng ở nhiều mức độ khác nhau nhằm đem đến sự thành công cho họ.

Trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế đất nước, vấn đề quản lý hiện nay được xem là đề tài nóng bỏng cho các công ty, xí nghiệp ứng dụng nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức và tăng cường khả năng kinh doanh của mình. Vì thế để làm đẹp thêm cánh rừng hoa đầy hương sắc, bài viết này sẽ đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực nghệ thuật quản lý được rút ra từ trong kinh luật của Phật giáo, một nghệ thuật mà bạn sẽ chưa bao giờ tìm thấy trong bất kỳ sách vở nào. Nói như vậy không phải cho rằng nghệ thuật quản lý chưa có mặt trên đời mà thật ra nó đã được các khoa học gia, các nghiên cứu gia nghiên cứu và lý luận ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đến với nghệ thuật quản lý trong phong cách Phật Giáo, chúng ta sẽ có cảm nhận sâu sắc hơn những triết lý cuộc sống nói chung và khoa học quản lý nói riêng mà các tăng già nhà Phật áp dụng nhằm làm nền tảng cho khoa học quản lý kinh doanh tân thời.

Ngày nay, người ta có xu hướng tìm về các tư tưởng của những nhà hiền triết cũng như những binh thư yếu lược của người xưa hầu tìm ra tinh hoa quản lý áp dụng vào thời đại thông qua lăng kính khoa học đầy mới mẻ và sáng tạo. Tôn giáo cũng là một trong những lĩnh vực đang được tầm nghiên và khai thác với nhiều góc độ khác nhau nhằm khám phá những giá trị mới mẻ trong ngành quản lý. Các tác phẩm như Khổng tử trong quản lý kinh doanh, Tôn tử binh pháp, Kinh dịch trong quản lý,… là những tác phẩm mang tính ôn cổ tri tân trong phong cách hành xử kinh doanh tân thời. Tôn giáo đang hé mở cho những ai muốn khám phá kho tàng tri thức của nhân loại vốn dĩ đã tồn tại xuyên suốt thời gian và không gian trong nhiều thập kỷ qua. Sự thành công của Nhật Bản và Đài Loan phần lớn cũng nhờ vào khai thác lý luận của Phật giáo thành những nghệ thuật riêng có của họ. Không giống như bạn nghĩ Phật Giáo là yếm thế, mà ngược lại lý luận của Phật giáo đang được ứng dụng rộng rãi trong đời sống của con người vì xa hơn nữa Phật giáo được xem là một triết học hơn là một tôn giáo.

Giới luật của Đạo Phật nhiều vô số, không thể một sớm một chiều mà có thể khai thác hết được. Nên bài viết này sẽ đi sâu vào việc phân tích và mổ xẻ từng giá trị của giới luật "lục hoà" hầu tìm ra những nét đặc sắc nhất vận dụng vào cuộc sống cũng như lĩnh vực quản lý của doanh nghiệp.

Sự thành công của doanh nghiệp không phải chỉ dựa vào lục hoà là đủ mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nữa, nhưng lục hoà sẽ là một trong những nền tảng không thể thiếu của doanh nghiệp trong vấn đề quản lý. Và nó cũng chính là cơ sở để xây dựng một văn hoá của tổ chức. Vậy lục hoà là gì? Chúng ta sẽ lần lượt xem xét và phân tích chúng theo từng nội dung cụ thể.

Lục hoà là 6 phương pháp cư xử với nhau cho hoà hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Nó được đặt ra cho hệ thống các tăng lữ trong chùa hay tịnh xá căn cứ vào đó mà cư xử với nhau như thế nào để cho hoà hợp và phát triển. Hoà ở đây là hoà với mục đích tiến tới sự cao đẹp, toàn thiện, toàn mỹ chứ không phải là sự nhu nhược, ai nói phải cũng ừ, ai nói quấy cũng gật. Hoà ở đây không phải là phương tiện nhu thắng cương mà nó nhắm vào mục đích làm lợi cho tất cả mọi người trong tăng lữ chứ không có sự phân biệt giữa cao và thấp.

Vậy trong một tổ chức thì sao? Bất kỳ tổ chức nào cũng có thể áp dụng được, vì một tổ chức cũng sẽ giống như hệ thống tăng lữ của nhà Phật, cũng cùng làm việc với nhau, trau đổi với nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung của tổ chức.

 

1. Thân hoà đồng trụ ( thân hoà cùng ở)

Là mọi người sẽ cùng làm việc chung với nhau một cách hoà thuận. Trụ ở đây có thể hiểu là sống chung nhau trong tập thể hay cùng làm việc với nhau trong một tổ chức. Việc hoà thuận giữa mọi người sẽ rất khó thực hiện, bởi vì bao giờ cũng có sự mâu thuẫn đối kháng giữa các cấp hữu quan với nhau. Có thể là sự mâu thuẫn giữa những người cùng cấp, giữa lãnh đạo và nhân viên, hay mâu thuẫn giữa hai thế hệ khác biệt nhau trong cùng một đơn vị. Vì vậy, để hoà các mâu thuẫn trên không phải là vấn đề đơn giản. Vì đòi hỏi mọi người phải có tầm nhìn tổng thể và chuyển tải được ý nghĩa thực sự của chữ hoà. Nói như vậy, không có nghĩa là không thực hiện được mà vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo là làm thế nào để mọi người nắm được vai trò và lợi ích của chữ hoà khi thực hiện nó.

Sự bốc đồng giữa các quan điểm sẽ là vật cản lớn nhất cho việc tiến tới mục tiêu chung của tổ chức. Vì vậy, sự bất hoà càng lớn thì trở ngại càng nhiều. Mọi người sẽ làm việc với nhau vì nhiệm vụ hoặc mệnh lệnh chứ không làm việc với nhau bằng tấm lòng hay một lý tưởng chung nào đó.

Vai trò của lãnh đạo rất cần thiết trong việc giải thích mục tiêu của tổ chức để mọi người xem đó như là một nhiệm vụ bất khả kháng, và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Mọi người phải hiểu rõ vị trí và vai trò của mình, xem tổ chức như là đại gia đình, có như vậy mới giúp phát huy sức mạnh tổng hợp và khai thác hết tiềm năng vốn có của đơn vị. Đây là chữ hoà thứ nhất và cũng chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tổ chức.

 

2. Khẩu hoà vô tranh (lời nói hoà hiệp không tranh cãi)

Là mọi người nói với nhau một cách hoà thuận không tranh cãi nhau. Nó khác với việc ai nói đúng nói sai hay chửu mắng mình cũng nhịn vì sợ mất hoà khí, mà ý nghĩa thực thụ là không nên tranh cãi để hơn thua nhau, để đối chọi nhau hay ỷ thế lấn lướt người khác, mà hoà ở đây là phải giữ lời nói cho ôn hoà nhã nhặn khi thảo luận một vấn đề. Mục đích của bàn luận là làm sáng tỏ vấn đề và cùng giải quyết những vướng mắc nhằm tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để thực hiện thành công mục tiêu của tổ chức. Có người thân hoà mà khẩu không hoà, ăn thua nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai châm chọc, hạch tội lẫn nhau. Vì vậy để hoà nhã với nhau thì nhất thiết không được tranh cãi, nếu có chuyện cần giải quyết thì tuyệt đối phải dùng lời ôn tồn, hoà nhã mà bàn luận.

Nhưng cũng sẽ rất khó thực hiện bởi vì người ta có thể hơn thua nhau để thể hiện khả năng của họ và hạch hỏi nhau để đè bẹp người khác. Mục đích chỉ vì lợi quyền và chức vị. Nên người lãnh đạo cần phải có cái nhìn tổng quát và khả năng quyết đoán trung thực. Sự mất hoà khí giữa các đơn vị sẽ là thỏi đá trì nếu sự phát triển, quá giới hạn của nó có thể tổ chức sẽ sụp đổ. Vì vậy, người lãnh đạo có nhiệm vụ làm cho mọi người đối xử với nhau bằng cái tâm chứ không phải bằng cái trí, đóng góp nhau bằng sự nâng đỡ chớ không phải bằng sự đạp đổ và sát phạt. Do đó đòi hỏi lãnh đạo phải có chính sách công bằng và bình đẳng.

Thực hiện được khẩu hoà vô tranh, tổ chức sẽ xây thêm viên gạch thứ hai cho sự vững chắc của mình.

 

3. Ý hoà đồng duyệt (ý hoà cùng vui)

Trong tổ chức người ta có thể hoà với nhau vì sự nể nang quyền thế, vì chức vụ hay vì năng lực. Nhưng có khi miệng thì hoà nhưng ý lại không hoà, bên ngoài thì tỏ vẻ kính trọng nhưng bên trong là sự khinh bỉ, ganh đua. Trong Phật giáo có nói: Ý là hệ trọng hơn hết, nó là động lực thúc đẩy miệng và thân; kể công thì nó đứng đầu mà kết tội thì nó cũng đứng trước.

Như vậy rõ ràng chúng ta thấy nếu như ý bất hoà thì khẩu khó mà hoà được. Ý bất hoà sẽ biểu hiện qua lời nói hoặc hành động và như vậy sẽ gây ra sự mâu thuẫn và hiềm khích nhau. Trong tổ chức, đôi khi nhân viên không kính trọng cấp lãnh đạo của mình sẽ tỏ vẻ bất mãn hoặc có những hành động và lời nói không tốt đối với cấp trên. Nếu như sự xung đột bên trong tới mức không thể chịu đựng được thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bị rạn nứt.

Muốn được tâm ý vui vẻ, hoà hợp, mọi người trong tổ chức phải thực hiện đức tánh khoan dung và hỷ xã. Có nghĩa là chúng ta nên bỏ sự buồn phiền, hờn giận, không chấp chặt trong lòng những lỗi lầm của người khác. Nếu như cả lãnh đạo và nhân viên thực hiện được đức tánh này thì tâm hồn mới thư thái vui vẻ được, và ý nghĩ mới trong sáng được. Có như vậy mỗi người mới đoàn kết và đóng góp nhau trên tinh thần khoan dung và hỷ xã. Các lãnh đạo của công ty Nhật Bản thường có những đức tánh đó nhằm giải toả căng thẳng cho nhân viên giúp tăng hiệu quả sản xuất.

Nhưng để mọi người thực hiện được ý hoà cùng vui không phải là chuyện đơn giản vì mỗi người có tâm sinh lý và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng không phải không làm được mà đòi hỏi lãnh đạo ngay từ đầu phải thiết lập cho được một khuôn khổ văn hoá của tổ chức. Người lãnh đạo không những khôn khéo trong ứng xử mà còn phải biết thể hiện đức tánh khoan dung, hỷ xả và bình đẳng, phân công trách nhiệm phù hợp với khả năng và năng lực, tránh tranh đua nhau về công việc hoặc vì lợi ích. Có như vậy mới làm tấm gương sáng cho nhân viên noi theo.

Thực hiện được ý hoà cùng vui, tổ chức sẽ thiết lập cho mình một mạng lưới đoàn kết vững chắc.

 

4. Giới hoà đồng tu (giới hoà cùng giữ)

Trong bất kỳ một tổ chức nào cũng đều có những qui củ và luật lệ riêng của nó. Nếu như không có luật lệ hay qui củ thì không thể tổ chức quản lý được.

Mỗi người tuỳ theo cấp bực khác nhau, tất phải có những giới luật khác nhau, chứ không được lộn xộn mất trật tự được.

Mọi tổ chức đều có văn hoá riêng, mỗi nét văn hoá thể hiện chỗ đứng trong xã hội. Khi người ta nhìn vào sẽ biết ngay người nhân viên thuộc văn hoá tổ chức nào. Nếu như những người nhân viên không giữ được qui củ và luật lệ thì văn hoá của tổ chức đó sẽ bị phá vỡ.

Xa hơn nữa là trách nhiệm của mỗi người trong tổ chức sẽ gắn liền với công việc được giao. Cho nên tuyệt đối mọi người phải giữ đúng vai trò và trách nhiệm của mình. Nếu trách nhiệm chồng chéo nhau thì sẽ tạo nên sức ảo về công việc. Mọi người sẽ thấy công việc rất nhiều nhưng thực ra hàm lượng công việc không lớn. Như thế sẽ làm giảm hiệu suất và hiệu quả hoạt động, vô hình chung làm giảm chất lượng và qui mô hoạt động của tổ chức.

Nói đúng hơn, mọi người cần phải chính danh, tức từ lãnh đạo đến nhân viên phải thực hiện đúng vai trò trách nhiệm thì sẽ tạo nên một sự kết nối chặt chẽ trong công việc giúp tổ chức thực hiện tốt mục tiêu đặt ra. Đây cũng chính là văn hoá đặc thù của công ty khi thực hiện được giới hoà đồng tu. 

5. Kiến hoà đồng giải (thấy biết giãi bày cho nhau hiểu)

Việc chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm sản xuất là điều mà hầu hết các công ty, tổ chức đều mong muốn nhằm nâng cao khả năng sản xuất và xử lý thông tin một cách chính xác kịp thời. Nhưng vấn đề gặp phải những khó khăn vì còn tính đến cả một hệ thống về giá trị văn hoá. Muốn phá vỡ nó tất yếu không phải đơn giản mà đòi hỏi cái nhìn tổng quát mang tính chất lâu dài. Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình một tấm lòng ích kỷ. Không ích thì nhiều không ai dám khẳng định rằng mình không ích kỷ cả. Chính nó đã kìm hãm sự phát triển bản thân và cả cộng đồng tổ chức. Nói vậy không có nghĩa chúng ta xả thân hết thảy, mà chỉ có bồ tát mới làm được chuyện đó. Còn trong phạm vi chúng ta là những nhà kinh doanh thì ở một góc độ nào đó cần phải có sự chia sẻ với nhau. Tiền bạc, vật chất đã khó chia sẻ nói chi chia sẻ nhau kiến thức của mình. Người Hoa khi chung sống với nhau trong một cộng đồng, họ rất đoàn kết và cùng chia sẻ giúp đỡ nhau, nên thường thấy những làng người Hoa đều giàu có.

Trong một tổ chức mỗi người sẽ vì mình mà không bao giờ chia sẻ bất cứ những gì mình biết. Vì tranh cạnh hay vì địa vị và lợi ích, họ có thể che giấu đi những hiểu biết của họ. Nếu lãnh đạo không khéo nắm bắt và điều phối cho linh hoạt thì sẽ giống như đang lãnh đạo những vị anh hùng lương sơn bạc, một ngày nào đó cũng sẽ bị tan rã.

Vì thế, lãnh đạo không những nắm rõ điểm mạnh yếu của nhân viên mà còn phải biết cách khai thác tiềm năng từ họ thông qua những chương trình hành động cụ thể đã được phân công. Bên cạnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc toạ đàm để trình bày, thảo luận những phát kiến mới, khen thưởng, động viên những phát minh, sáng chế nhằm kích thích trí sáng tạo và khả năng đóng góp của mọi người.

Trình độ nhận thức của mỗi người mỗi khác nếu như không có sự chia sẻ thông tin và kiến thức thì sẽ tạo nên sự chênh lệch về trình độ, công việc khó tiến đều và khó giữ vững mối quan hệ giữa những người trong cùng đoàn thể.

Khi khám phá ra một điều gì mới lạ hay một ý tưởng nào đó có ích lợi, nếu không giãi bày cho mọi người thì không những chúng ta đã tạo nên một sự ích kỷ mà còn tạo nên một sự tắc nghẽn giữa sự thông cảm với người khác. Lòng ích kỷ và sự tắc nghẽn sẽ là nền tảng cho sự chia rẽ, bất hoà và xung đột. Trong cùng một vấn đề mỗi người sẽ nghĩ khác nhau, làm khác nhau và do đó sẽ nghi ngờ và hoang mang vì họ không biết nương tựa vào chỗ nào.

Với tích cách mang đậm nét văn hoá Phương đông. Mọi người sẽ khó thực hiện được kiến hoà đồng giải vì còn bị sức ỳ rất lớn bởi lễ nghĩa và đạo đức. Chúng ta không phải phê phán những tư tưởng đó vì một mặt nào đó nó cũng mang lại lợi ích cho nhiều người, nhưng vấn đề ở đây là thế nào phá bỏ tính nhút nhát của mọi người và tính bắt bẻ của người khác. Chúng ta thường quan niệm trẻ phải phục tùng và biết nghe lời người lớn, vì vậy dù cấp trên có dỡ cỡ nào trẻ cũng không được quyền biểu lộ tài năng trước họ. Không nên có cách nhìn như thế vì sẽ kìm hãm và rụt tắc khả năng sáng tạo của mọi người. Cho nên người lãnh đạo phải thể hiện sự bình đẳng và tinh thần thoải mái mới có thể khai thác tiềm năng triệt để. Thêm vào đó là sự động viên khuyến khích tính sáng tạo và sự chia sẻ với mọi người của lãnh đạo. Có như vậy mới mang lại sự thành công cho tổ chức của mình.

Một nhà tỉ phú trước khi qua đời đã phát biểu một câu nói làm chúng ta phải suy nghĩ: "sự thành công của tôi chính là quản lý được những người giỏi hơn tôi”

Tóm lại thực hiện thành công kiến hoà đồng giải doanh nghiệp sẽ tạo ra một toà nhà bình đẳng và tiến bộ.

 

6. Lợi hoà đồng quân (lợi hoà cùng chia)

Cùng chia sẻ những lợi ích đạt được. Lợi ích có thể là lợi ích về tinh thần hay lợi ích vật chất. Tư tưởng này ngày nay đã được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là các công ty Nhật Bản và Mỹ. Làm theo năng lực, hưởng theo lao động chính là phương châm của các quốc gia tiến bộ.

K.Marx cũng đưa ra quan niệm về phân phối công bằng, tức là phân phối theo năng lực và thời gian lao động xã hội cần thiết của người lao động.

Đây là động lực tạo nên sự phát triển của tổ chức. Mọi người sẽ làm việc đúng theo năng lực của mình và sẽ hài lòng với công sức mà mình bỏ ra. Vì vậy, nhà lãnh đạo phải tạo điều kiện cho mỗi người làm việc một cách sáng tạo và chỉ có ý tưởng sáng tạo mới mang lại sự thành công cho tổ chức. Khuyến khích động viên và khen thưởng xứng đáng với những gì họ bỏ ra và tìm được là trách nhiệm của người lãnh đạo. Có như vậy mới tạo nên tinh thần làm việc cao độ và đảm bảo công việc đạt chất lượng. Sự thành công của Nhật Bản chính là nhờ vào các phát minh, sáng chế. Ngày nay các công ty Nhật ngoài việc trả lương cơ bản họ còn trả lương theo bằng phát minh sáng chế và đóng góp của nhân viên. Điều này sẽ khiến các nhân viên làm việc sáng tạo và qua sự nỗ lực từ bản thân mọi người sẽ là nguồn cội cho sự phát triển vương lên của công ty.

Thực hiện được lợi hoà đồng quân, tổ chức sẽ khoác lên cho mình một chiếc áo đầy sắc màu và giá trị mang đậm tính dung hoà và bình đẳng.

Nói tóm lại, Vì tương lai tươi sáng, vì sự thành công của doanh nghiệp và tổ chức, 6 điều hoà khí nói trên sẽ là một công cụ nghệ thuật cho những ai muốn tạo dựng văn hoá tổ chức một cách riêng biệt. Lục hoà sẽ là đôi cánh cho chúng ta cất bước bay lên một tương lai tốt đẹp. Nhưng nghệ thuật cũng chỉ là một phương tiện nếu như phương tiện đó không được dùng đến thì cũng chỉ là vật trang trí cho đẹp mắt mọi người. Chúng ta chỉ đến đích khi sử dụng phương tiện một cách hợp lý và hiệu quả.

Chữ hoà thuận kể sao cho xiết

Tâm đồng nhau thượng thiện vui vầy

Cảnh như như chẳng có đổi thay

Không màn biết phân chi nhân ngã…

Các tin đã đăng: