Niềm tin
08/02/2014 16:43 (GMT+7)


Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của tất cả công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin hay thành tựu quả Bồ-đề của Phật”.

Người có lòng tin vững chắc cũng như cái cây đã bám rễ thật chặt, thật sâu vào lòng đất thì mới có thể vươn xa và phát triển bền vững trước gió giông. Lòng tin được xem như nền tảng, là bước đầu vào đạo, là mẹ của các công đức, lòng tin nuôi lớn thiện căn và thành tựu các pháp lành (thiện pháp) trong đó có quả vị Phật. Bởi nhờ có lòng tin kiên cố, mãnh liệt mới mạnh dạn, tinh tấn dũng mãnh học tập giáo pháp, hành trì giáo pháp, nhờ đó mà được nhiều lợi lạc trong đời này và đời sau. Nhờ có lòng tin kiên cố, mãnh liệt mà không bị các tà thuyết, ngoại đạo tác động, lung lạc.

Đó là những giá trị to lớn của lòng tin. Nhưng lòng tin như thế nào, tin về điều gì mới có giá trị như thế? Nếu đặt lòng tin không đúng chỗ thì hậu quả ra sao? Đây lại là một vấn đề quan trọng khác.

Có một người đàn ông 66 tuổi bị cao huyết áp. Là người rất sùng đạo, mỗi tối ông dành hai giờ đồng hồ để đọc kinh và cầu nguyện rất chí thành. Ông thường cầu nguyện cho bản thân được bình an mạnh khỏe, có cơm ăn áo mặc đủ đầy; ông cũng cầu nguyện cho những người thân trong gia đình ông.

Ông có thói quen hút thuốc lá và uống cà-phê, đặc biệt hai cữ sáng và tối là không thể thiếu. Cà-phê ông pha đậm đặc, mỗi tối trước khi đi ngủ ông phải uống một ly. Ngoài thuốc lá và cà-phê ra, ông còn có thói quen thức khuya vì nhu cầu công việc, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn còn làm kinh tế gia đình. Ông ham việc vậy thôi chứ gia cảnh thuộc dạng giàu có chẳng thiếu thốn gì.

Do bị cao huyết áp nên bác sĩ bảo ông bỏ cà-phê, thuốc lá và hạn chế thức khuya, tức là cần ngủ sớm.

Ông rất sùng tín, làm việc gì thành công thì cho là “bề trên” ban cho, thất bại hoặc gặp chuyện không hay thì cho là “bề trên” thử thách. Ông không nghe lời bác sĩ, hết sức tin tưởng vào đấng thiêng liêng mà mình tôn thờ, cho rằng mọi việc đều có “bề trên” an bài, lo liệu. Người nhà và bạn bè khuyên ông nên nghe theo lời bác sĩ nhưng ông không quan tâm.

Thế rồi một hôm huyết áp tăng cao đột ngột, ông bị tai biến liệt nửa thân người (bán thân bất toại). Đó là do không hiểu nhân quả, đặt hết niềm tin vào sự cầu nguyện một cách mê lầm.

Trong một số lễ cầu siêu thủy táng tro cốt người quá cố, nhiều người rải tiền thật lẫn vàng mã xuống sông nơi có tro cốt của thân nhân mình. Họ tin rằng vong linh sẽ nhận được số tiền đó để tiêu xài. Có người còn khấn vái cúng số tiền đó cho thủy quan, hoặc có ý nghĩ vong linh người thân của mình sẽ dùng số tiền đó để đút lót, hối lộ thủy quan và các thần linh ở cõi âm.

Ở lễ hội Yên Tử (Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh), nhiều người tin rằng xoa tay vào chùa Đồng sẽ được sức khỏe, đem tiền cọ xát vào vách chùa, cột chùa thì tài lộc hanh thông. Ở lễ hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) thì khách hành hương rải tiền đầy suối Yến và chùa Thiên Trù, nhét tiền vào kẽ tay tượng Phật, rải tiền, gạo, muối khắp nơi để cúng vái cầu tài lộc, may mắn. Ở lễ hội chùa Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình), người ta sờ vuốt lên tượng Phật, tượng các vị La-hán để cầu được bình an, cầu sự may mắn; nhét tiền vào lòng, vào tay, thậm chí vào miệng các vị La-hán.

Những niềm tin mê lầm, mù quáng, hết sức ngớ ngẩn như thế chỉ là đầu mối sinh ra các tệ đoan (làm tăng thêm tà kiến, nhận thức sai lầm lệch lạc; lãng phí thời gian, tiền của vào các hoạt động mê tín như: rải tiền trên bàn thờ Phật, để tiền vào lòng, vào miệng, nhét tiền vào tay tương Phật, các vị La-hán; vứt tiền bừa bãi trong chùa, ở những nơi tôn nghiêm, làm mất mỹ quan và sự thanh tịnh của chùa, gây phản cảm cho khách hành hương, đánh mất nét đẹp văn hóa truyền thống và những giá trị  tâm linh, tinh thần).

Phật đâu có dạy mình làm những việc đó, các vị Bồ-tát, La-hán cũng không có dạy mình làm, vậy tại sao mình lại làm chuyện vớ vẩn như thế? Tự mình tưởng tượng những điều không thể có rồi tin theo, làm theo một cách nhiệt tình chẳng những vô ích mà còn gây nhiều thiệt hại cho mình và người khác (Bản thân mất nhiều thời gian, công sức, tiền của, tăng thêm tà kiến, mê lầm; gây mất trật tự xã hội do chen lấn, tranh giành tham gia cúng kiếng, xin lộc; gây ô nhiễm môi trường do xả rác; gây tội phá hoại tài sản (bẻ cành, hái hoa trái cây cảnh, xoa vuốt làm hư hỏng tượng thờ, đồ cúng, chen lấn tranh giành gây đổ bể, hư hỏng tài sản của chùa, lãng phí tiền của do vứt tiền bừa bãi).

Người Việt Nam xưa nay có thói quen xem ngày tháng và cúng vái trước khi khởi sự làm việc gì đó (động thổ, khởi công xây dựng nhà cửa, công trình; tẩn liệm, chôn cất người chết; cưới gả, xuất hành, khai trương…). Ít người khởi sự mà không chọn năm tháng, ngày giờ.

Có thông lệ đó là do kinh nghiệm, nhận thức chủ quan của một số ít người, sau đó phổ biến rộng rãi ra và truyền từ đời này sang đời khác. Khi nó đã ăn sâu vào tâm trí con người, trở thành quan niệm, nhận thức, nếp suy nghĩ, trở thành một phần của đời sống tinh thần, thì thói quen, tục lệ đó rất khó bỏ.

Tự người ta vẽ cho mình một cái vòng và giam mình trong đó. Khi có suy nghĩ rằng ra khỏi cái vòng đó sẽ không đảm bảo an toàn thì người ta không dám bước ra khỏi nó, mặc dù điều đó là không thực, chỉ do họ tưởng tượng ra mà thôi. Cũng vậy, khi tự trói buộc mình vào niềm tin không thật đó, tin tưởng con người phải bị lê thuộc, chi phối bởi sự sinh khắc, xung hợp của tuổi tác, năm tháng, ngày giờ thì con người sẽ không yên tâm, không cảm thấy an toàn, không cảm thấy tự tin khi làm bất cứ điều gì mà không xem trước ngày giờ, năm tháng.

Nếu người nào đã có niềm tin cố hữu, họ dễ dàng gặp “xui”, làm việc không thành công, kém hiệu quả, tâm trạng bất an khi họ làm việc gì đó mà không xem ngày tháng tốt xấu. Điều này càng khiến cho họ tin tưởng hơn vào việc coi ngày, chọn ngày (chọn ngày tốt, tránh ngày xấu), khiến họ cho rằng niềm tin của họ là đúng, có cơ sở thực tế (từ kinh nghiệm bản thân của họ). Nhưng thật sự thì không phải như họ nghĩ, chính vì tâm lý hoang mang, lo sợ, không tự tin làm việc (khi không coi ngày, nghĩ rằng mình khởi sự nhằm năm tháng, ngày giờ xấu) mà họ không đạt được hiệu quả trong công việc, họ không vững vàng và sáng suốt trong khi đi đứng, làm việc nên dễ xảy ra các rủi ro, chứ kỳ thực hoàn toàn không phải do năm tháng, ngày giờ xấu.

Có nhiều cặp vợ chồng xung khắc về tuổi tác (dựa vào sách vở hoặc lời thầy bói nói), hễ gặp chuyện không may trong gia đình hoặc vợ chồng bất hòa thì đổ lỗi cho tuổi tác xung khắc. Chính vì có lòng tin về tuổi tác, luôn nghĩ tuổi hai vợ chồng xung khắc nhau, bị điều đó ám ảnh nên cứ chăm chăm để ý, nhất nhất đều cho là tại tuổi tác mà ra. Họ không nhìn thấy rõ, không nhìn thấy sâu vào bản chất những vấn đề mà họ đang gặp phải trong đời sống vợ chồng, trong đời sống gia đình, từ đó không có sự điều chỉnh, khắc phục, giải quyết triệt để.

Có nhiều thầy phong thủy, thầy bói toán cũng điêu đứng vì bệnh tật, thất bại trong cuộc sống hoặc bị vợ con, người yêu, bạn bè làm khổ. Tại sao các vị ấy biết xem phong thủy, biết chọn năm tháng, ngày giờ, tuổi tác mà lại không tránh được tai họa, không tránh được những điều không may, bất như ý, không có được sự bình an, hạnh phúc bền vững lâu dài, tại sao cuộc sống của họ không yên bình phẳng lặng và lý tưởng như những gì con người thường mơ tới. Đó là nói về hoàn cảnh bản thân của họ (do biệt nghiệp mà ra). Còn những gì xung quanh họ, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với họ như hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh đất nước, hoàn cảnh thế giới (do cộng nghiệp tác động), thì họ càng không thể dựa vào khả năng chiêm tinh, bói toán hay phong thủy, hoặc niềm tin vào đấng thiêng liêng nào đó để trốn tránh hoặc làm thay đổi theo ý muốn chủ quan của mình; không ai có thể mang lại cho mình và những người thân của mình, quốc gia của mình sự bình ổn, an vui, lợi ích hoàn toàn không chịu ảnh hưởng hoàn cảnh xung quanh. Rõ ràng là không có một nhà đại phong thủy, đại chiêm tinh, toán số, không có một nhà tiên tri hay kỳ nhân dị sĩ nào có thể làm cho động đất, sóng thần, mưa lũ, dịch bệnh không xảy ra, hóa giải tình trạng khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu để quốc gia mình không bị ảnh hưởng, để quốc gia mình luôn thịnh vượng, hóa giải chiến tranh để thế giới hòa bình. Bởi vì vạn sự vạn vật trên đời đều luôn biến chuyển đổi thay không dừng, không có gì thường tồn bất biến, tất cả đều trong trạng thái luôn thay đổi, đó chính là quy luật vô thường. Và mọi hoạt động trong đời sống của con người đều không thể vượt ra ngoài quy luật duyên sinh nhân quả.

Nếu có thể đoán biết trước một trong muôn vạn điều về hoàn cảnh tương lai của bản thân, về tình hình quốc gia, khu vực, thế giới thì cũng đành bất lực, không thể trốn chạy thực tế hoặc làm thay đổi mọi sự việc theo ý muốn của mình, vậy thì biết trước chỉ thêm buồn rầu lo lắng, chỉ thêm rối loạn, khủng hoảng. Đa phần nghĩ rằng biết trước để tìm phương cách ngăn chặn, tránh né, hoặc giải quyết, khắc phục, làm giảm hậu quả, thiệt hại. Tuy nhiên, khi kết quả đã đầy đủ điều kiện nhân duyên thời tiết để tựu thành và sắp sinh khởi thì không có cách nào thay đổi được, sớm muộn gì nó cũng biểu hiện dưới hình thức này hay hình thức khác vậy thôi. Đời sống của mỗi cá nhân con người và sự tồn vong, suy thịnh của cộng đồng, xã hội, quốc gia, thế giới hoàn toàn tùy thuộc vào vô số điều kiện nhân duyên, nhiều mối quan hệ chằng chịt, đa chiều, trong đó tư tưởng, tâm ý và hành vi con người là yếu tố quyết định. Do đó việc cần làm là chủ động tạo ra những điều kiện nhân duyên tốt, tích cực kiến thiết, xây dựng đời sống; không nên tạo nhân duyên xấu, tiêu cực để rồi tìm cách né tránh hậu quả, chạy trốn trách nhiệm, hoặc đợi khi hậu quả xảy đến rồi mới tìm cách khắc phục theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, “khát đến mới đào giếng”.

Chính vì thế mà Đức Phật không chủ trương đoán biết kiết hung, họa phước, vì dù ai có túc mạng thông, thiên nhãn thông, hoặc có thể dựa vào một số biểu hiện, dữ kiện mà biết được tiến trình nhân quả, biết được những điều sắp xảy ra (vì tương lai vốn là kết quả của quá khứ), thì con người cũng không thể làm trái lại luật duyên sinh nhân quả. Đức Phật xem những quan niệm, nhận thức cho rằng họa phúc, kiết hung tùy thuộc vào năm tháng, ngày giờ, tuổi tác, tùy thuộc vào các ngôi sao, thiên thể đều là tà kiến; và nghề chiêm tinh, bói toán, xem tướng mệnh, năm tháng, ngày giờ là nghề tà mạng, bởi vì nó khiến cho con người nhận thức chủ quan, thiển cận, cục bộ, không thấy bản chất sự vật sự việc, không thấy sự thật. Khi hiểu lý duyên sinh nhân quả thì ta mới thấy nhiều mặt của vấn đề, thấy toàn diện sự vật sự việc trên bình diện tương đối (còn cái thấy tuyệt đối như thật chỉ có ở người đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát), và khi giải quyết các vấn đề trên cơ sở đó thì ta mới thật sự giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả, triệt để. Để tránh được những điều xấu, có được những điều tốt đẹp thì tâm ý và hành vi con người  phải hướng đến những điều có tác dụng xây dựng, thiết lập cuộc sống và hạnh phúc, không hướng đến những điều có tác dụng phá hoại, gây trở ngại cho đời sống, tạo ra những bất hạnh khổ đau.

Việc đặt trọn niềm tin vào chiêm tinh, bói toán và cho rằng con người hoàn toàn chịu sự tác động của năm tháng, ngày giờ, tuổi tác, sự vận động của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – theo triết học cổ đại Trung Quốc) có tác hại rất lớn, bởi vì nó xuất phát từ nhận thức chủ quan, phiến diện, sai lầm. Ngoài năm yếu tố vật chất (ngũ hành) ra, còn có yếu tố tâm linh, tinh thần. Đức Phật cho biết, con người và thế giới do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cấu hợp tạo thành, trong đó thì yếu tố vật chất chỉ có một phần là sắc, bốn thành phần còn lại là thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (ý chí, năng lực phát động), thức (phân biệt, hiểu biết) đều thuộc về lãnh vực tinh thần. Do đó ngũ hành chỉ là một trong bốn thành phần của ngũ uẩn, đó là sắc, mà cũng chỉ là phần vật chất thô thiển mà con người có thể nắm bắt chứ chưa phải là phần vật chất vi tế (Trong phạm vi bài này không nói nhiều về ngũ uẩn, xin đề cập trong chủ đề khác). Khi đặt lòng tin một cách mù quáng vào chiêm tinh, bói toán, tướng mệnh… thì người ta sẽ đánh mất ý chí tự do của mình, mất hết tự chủ trong khi con người là nhân tố quyết định đời sống bản thân và đời sống xã hội, con người là chủ nhân của đời mình.

Đó chính là những lý do Đức Phật không cho phép các đệ tử chiêm tinh, bói toán, đoán kiết hung hoặc sử dụng thần thông để cầu phước, tránh họa, bởi những việc làm đó chẳng những vô ích mà còn mang lại nhiều tác hại cho những ai tin theo.

Trong kinh Niết-bàn, Đức Phật dạy: “Lòng tin và hiểu biết phải cùng có đủ để làm cội gốc tu hành”Mà muốn có hiểu biết thì phải học hỏi, thực hành giáo pháp, nghiên cứu kinh điển để khai thông tâm tánh, phát triển trí tuệ. Muốn có lòng tin chân chánh, đúng đắn thì phải tìm hiểu, cân nhắc, quán xét căn cứ trên cơ sở vững chắc là kinh điển, giáo pháp, các bậc đạo sư chân tu thật học và sự thể nghiệm của chính bản thân mình.

Đức Phật dạy trong kinh Kàlàmà (thuộc Tăng Chi Bộ kinh I) như sau: “Đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy từng được nghe nói đến; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được truyền tụng, quảng bá rộng rãi; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do truyền thống để lại; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy có ghi trong kinh điển, sách vở; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do một vị giáo chủ nói ra; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy đoán, suy luận; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì mình thấy điều đó có lý, phù hợp với thành kiến, quan niệm nhận thức của mình; đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do thầy mình nói ra. Nhưng chỉ khi nào tự mình biết rằng những điều đó là không đúng, những điều đó không chính đáng, những điều đó bị người hiền trí phê phán, và khi chấp nhận, khi thực hành sẽ đưa đến tai hại và khổ đau thì các ngươi phải từ bỏ những điều đó. Chỉ khi nào chính các ngươi biết rằng những điều đó là chân chánh, những điều đó không bị chê trách, những điều đó được người hiền trí khen ngợi, và khi chấp nhận, khi thực hành những điều đó đưa đến an lạc hạnh phúc, thì các ngươi hãy nỗ lực mà thực hành”.

Minh Hạnh Đức

theo daibi.vn

Các tin đã đăng: