SỐ
9
CHÍN CÕI (cửu địa
- cửu hữu)
Chín cõi chỉ
là một cách phân chia khác của “ba cõi”
hay “sáu nẻo”, đều chỉ cho cái vòng
sinh tử luân hồi. Chín cõi ấy là:
1. Ngũ thú tạp
cư địa: Cõi của năm loài có dục vọng cùng ở chung với
nhau. Năm loài này là: Trời cõi Dục, Người, Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sinh. Nói
cách khác, đây tức là cõi Dục, một
trong ba cõi đã đề cập ở trước. Cõi Dục
là nơi cư trú chung của năm loài tâm đầy dục vọng, cho nên danh từ Phật học cũng
gọi cõi này là “Dục-giới ngũ-thú địa”.
2. Li sinh hỉ lạc
địa: Cõi của chúng sinh do vừa
thoát li khỏi cõi Dục đầy xấu ác khổ đau, nên tâm sinh niềm hỉ lạc; đó tức là cõi
trời Sơ-thiền
của cõi Sắc.
3. Định sinh hỉ
lạc địa: Ở trên cõi trời Sơ-thiền
là cõi trời Nhị-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú thường trực trong thiền
định mà sinh niềm hỉ lạc thù thắng; cho nên gọi là “Định-sinh-hỉ-lạc địa”.
4. Li hỉ diệu lạc
địa: Ở trên cõi trời Nhị-thiền là
cõi trời Tam-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu
mà bỏ được niềm vui có tính tự mãn của hai cõi trước, tâm trở nên an tĩnh hơn,
niềm vui thanh thoát hơn; cho nên gọi là “Li-hỉ-diệu-lạc
địa”.
5. Xả niệm
thanh tịnh địa: Trên cùng của Sắc-giới
là cõi trời Tứ-thiền. Chúng sinh ở cõi này, do an trú trong thiền định thâm sâu
hơn nữa, nên dứt hẳn các niềm hỉ lạc của ba cõi dưới, sống trong cảnh giới
thanh tịnh, tĩnh lặng, bình đẳng, sáng suốt; cho nên gọi là “Xả-niệm-thanh-tịnh địa”.
6. Không vô
biên xứ địa: Tiến lên Vô-sắc giới, cõi trời đầu tiên là
Không-vô-biên-xứ. Chúng sinh ở cõi này vừa thoát khỏi cái khung vật chất của Sắc
giới để an trú trong thiền định không hình tướng, đầy tính tự tại của cảnh giới
hư không vô biên; cho nên ở đây được gọi là “Không-vô-biên-xứ
địa”.
7. Thức vô biên
xứ địa: Tiếp đến là cõi trời Thức-vô-biên-xứ,
là cảnh giới thiền định thứ hai của cõi
Vô-sắc, chúng sinh được an trú trong cảnh giới mà thức hoàn toàn trải rộng
trong không gian và thời gian vô hạn; cho nên gọi là “Thức-vô-biên-xứ địa”.
8. Vô sở hữu xứ
địa: Ở trên cõi trời Thức-vô-biên-xứ
là cõi trời Vô-sở-hữu-xứ, cảnh giới thiền định thứ ba của cõi Vô-sắc. Chúng sinh ở cõi này dứt bỏ được
tính giao động của hai cõi trước, an trú trong cảnh giới mà tư tưởng hoàn toàn
vắng lặng, không còn đến một niệm sở hữu; cho nên cảnh giới đó được gọi là “Vô-sở-hữu-xứ địa”.
9. Phi tưởng
phi phi tưởng xứ địa: Trên cùng của
Vô-sắc giới là cõi trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ; nơi đó, chúng sinh an trú
trong cảnh giới thiền định cao tột của ba cõi, không còn niệm phân biệt có tư
tưởng hay không có tư tưởng, không thiên có, không thiên không, hoàn toàn bình
đẳng, an tịnh, cho nên gọi là “Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ
địa”.
Tất cả 9 cõi này đều do nghiệp
lực của chúng sinh mà hiện hữu, và đều có chúng sinh tồn tại, nên cũng được gọi
là “chín
hữu” (cửu hữu).
CHÍN ĐIỀU KIỆN GIÚP THỨC PHÁT SINH (cửu duyên sinh thức)
Vạn pháp do thức mà biểu hiện,
nhưng thức cũng phải nương vào các điều kiện (duyên) mới phát
sinh được. Thức gồm có 8 tác dụng: thấy (nhãn thức), nghe (nhĩ thức), ngửi (tị
thức), nếm (thiệt thức), xúc chạm (thân thức), phân biệt (ý thức), suy nghĩ tính
toán (mạt-na thức), chứa đựng tất cả chủng tử vạn pháp (a-lại-da thức). Các thức
này muốn phát sinh, cần nương vào 9 điều kiện sau đây:
1. Ánh sáng (minh
duyên). Đây là ánh sáng của mặt trời,
mặt trăng, đèn, hay bất cứ vật gì có thể phát sinh ra ánh sáng. Có ánh
sáng thì mọi vật mới lộ rõ hình tướng, màu sắc, và nhờ đó mà con mắt mới
thấy
được. Không có ánh sáng thì mắt không thấy được gì cả, cho nên, ánh sáng là điều kiện giúp cho nhãn thức
phát sinh.
2. Khoảng không
gian (không duyên).
Không
gian không có gì chướng ngại, nhờ đó mà sắc tướng của mọi vật mới hiện
rõ ra, giúp cho mắt thấy được đối tượng; nếu một vật được áp sát vào mắt (tức
không có một khoảng cách cần thiết nào), thì mắt không thế thấy vật ấy được. Âm
thanh cũng nhờ không gian mà chuyển động từ nơi này đến nơi khác, nhờ đó mà tai
nghe được tiếng; tức là, tai cũng cần một khoảng không gian cần thiết thì
mới nghe được tiếng, nếu một tiếng phát ra sát màng nhĩ, thì tai đã không nghe được
mà màng nhĩ còn có thể bị hư hại. Vì vậy, không
gian là điều kiện giúp cho nhãn thức và nhĩ thức phát sinh.
3. Giác quan (căn
duyên). Thân thể con người có 5 căn
(giác quan): nhãn (mắt), nhĩ (tai), tị (mũi), thiệt (lưỡi), và thân (thân thể nói
chung). Nhãn thức nương nơi nhãn căn mới có thể thấy biết, nhĩ
thức nương nơi nhĩ căn mới có thể nghe biết, tị thức
nương nơi tị căn mới có thể ngửi biết, thiệt thức nương nơi thiệt
căn mới có thể nếm biết, thân thức nương nơi thân
căn mới có thể xúc biết. Bởi vậy, 5 thức phải nương vào 5 căn mới có thể
sinh khởi tác dụng, nếu không có 5 căn thì 5 thức không thể phát sinh; cho nên,
5 căn là điều kiện giúp cho 5 thức phát
sinh.
4. Cảnh (cảnh
duyên). Cảnh, hay trần cảnh, là chỉ
cho 5 đối tượng của 5 giác quan, là sắc, thanh, hương, vị, và xúc. 5 căn nhãn,
nhĩ, tị, thiệt, và thân, tuy có cái biết (thức) thấy, nghe, ngửi, nếm, và xúc
biết, nhưng nếu không tiếp xúc với đối tượng của chúng là 5 cảnh, thì thức không
thể phát sinh được; cho nên, 5 cảnh là điều kiện giúp cho 5 thức phát
sinh.
5. Tâm sở tác ý (tác ý
duyên). Tác ý là một loại tâm sở, là một hiện tượng tâm lí có tác dụng kích
thích, làm cho 5 thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) chú ý, nhận biết lập tức đối
tượng và dẫn tới ý thức khởi niệm phân biệt đối tượng ấy. Khi mắt (nhãn căn) vừa
đối trước một vật (sắc cảnh) thì tâm sở tác ý này làm cho mắt nhận biết (nhãn
thức) ngay, và mách bảo cho ý thức (thức thứ sáu) biết để khởi
niệm phân biệt tốt xấu, lành dữ v.v... Khi các căn nhĩ, tị, thiệt và thân vừa đối
trước đối tượng của chúng cũng vậy, đều nhờ có tâm sở tác ý mà nhận biết, rồi ý
thức cũng nương nơi đó mà khởi niệm phân biệt. Cả 6 thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt,
thân, và ý) đều nương nơi tâm sở tác ý mới có thể khởi sinh tác dụng,
cho nên, tâm sở tác ý là điều kiện giúp
cho 6 thức phát sinh.
6. Căn bản y (căn bản y
duyên). Chữ “căn bản”
ở đây là chỉ cho thức a-lại-da (tức thức thứ tám); chữ “y” nghĩa là nương dựa. A-lại-da là thức căn bản của tất cả các thức.
6 thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý
nương nơi tướng phần của thức a-lại-da (tức là sum la vạn tượng) mà phát
sinh; trong khi đó, tướng phần của thức a-lại-da cũng nương nơi 6 thức
này mà hiện khởi; cho nên, căn bản y là
điều kiện giúp 6 thức và thức thứ tám sinh khởi.
7. Nhiễm tịnh y (nhiễm tịnh
y duyên). “Nhiễm tịnh y” là chỉ cho thức mạt-na (tức thức thứ bảy). Tất
cả các pháp nhiễm hay tịnh đều nhờ thức mạt na mà chuyển. 6 thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, đối trước
6 trần cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp, khởi sinh các phiền não hoặc nghiệp; đó gọi là pháp “nhiễm”. Các pháp ô nhiễm này được mạt-na
thức chuyển vào a-lại-da thức thành các chủng tử hữu lậu. Nếu 6 thức tu tập các
đạo phẩm thanh tịnh, đó gọi là pháp “tịnh”.
Các pháp thanh tịnh này được mạt-na thức chuyển vào a-lại-da thức thành các chủng
tử vô lậu. Vì gồm đủ cả nhiễm cả tịnh, nên gọi là “nhiễm tịnh y”. Lại nữa,
thức mạt-na cũng y vào thức a-lại-da mới có thể chuyển; còn thức a-lại-da thì lại
y nơi thức mạt-na mà tùy duyên; cả hai cùng nương nhau, dựa nhau, bởi vậy, nhiễm tịnh y là điều kiện giúp cho cả 8 thức,
(từ nhãn thức cho đến a-lại-da thức) sinh khởi tác dụng.
8. Phân biệt y (phân biệt
y duyên). “Phân biệt y” là chỉ cho ý thức (tức thức thứ sáu). Ý thức là
thức có khả năng phân biệt để biết rõ sự khác nhau của vạn pháp trong vũ trụ, nào
pháp thuộc về sắc, pháp thuộc về tâm; nào pháp thiện, pháp ác; nào cái hay, cái
dở, cái dơ, cái sạch; v.v... Năm căn nhãn, nhĩ, v.v... tiếp xúc với 5 cảnh mà
sinh khởi 5 cái biết (thức), nhưng phải nhờ ý thức phân biệt mới biết
rõ các hình sắc xấu đẹp, các âm thanh hay dở, v.v... Sự nhiễm, tịnh của mạt-na
thức cũng phải nhờ ý thức phân biệt mới biết rõ. Tướng phần của a-lại-da thức
(sum la vạn tượng) cũng phải nhờ sức phân biệt của ý thức mới hiển lộ rõ ràng.
Thậm chí, ý thức cũng phải nhờ sức phân biệt ấy mà biết rõ những ý tượng, những
ảnh tượng ở trong chính bản thân nó. Cho nên, phân biệt y là điều kiện giúp cho cả 8 thức sinh khởi tác dụng.
9. Chủng tử (chủng tử
duyên). Thức a-lại-da hàm chứa chủng
tử của vạn pháp, hay nói cách khác, tất cả các căn, cảnh và thức đều do từ chủng
tử hàm chứa trong thức a-lại-da mà phát hiện ra. Nhãn thức nương nơi chủng tử của nhãn căn mà có thể thấy
sắc; nhĩ thức nương nơi chủng
tử của nhĩ căn mà có thể nghe tiếng; tị thức nương nơi chủng tử của tị căn mà có thể ngửi mùi;
thiệt thức nương nơi chủng
tử của thiệt căn mà có thể nếm vị; thân thức nương nơi chủng
tử của thân căn mà có thể xúc biết; ý
thức nương nơi chủng tử của ý căn mà có thể phân biệt; mạt-na thức nương nơi chủng tử nhiễm tịnh mà được tương tục
không gián đoạn; a-lại-da thức nương
nơi chủng
tử hàm chứa trong chính nó mà biểu hiện ra vạn pháp; tất cả các thức đều nương nơi chủng tử mà sinh khởi
tác dụng, cho nên, chủng tử là điều kiện
giúp cho 8 thức sinh khởi.
CHÍN LỖ (cửu khổng)
Khắp thân thể con người có
chín lỗ, qua đó, các chất dơ bẩn từ bên trong tiết ra ngoài; gồm có: 2 lỗ
con mắt (tiết ra nước mắt, ghèn); 2 lỗ mũi (tiết ra nước mũi); 2 lỗ
tai (tiết ra ráy tai); miệng (tiết ra nước miếng, đờm); lỗ tiểu
tiện (tiết ra nước tiểu); và lỗ đại tiện (tiết ra phân).
CHÍN PHÁP GIỚI (cửu
giới - cửu pháp giới)
Chín pháp giới tức là 9 cảnh giới của mọi loài hữu tình trong vũ trụ,
gồm có 6 cảnh giới của phàm phu (Địa-ngục,
Ngạ-quỉ, Bàng-sinh, A-tu-la, Người và Trời) và 3 cảnh giới của
thánh nhân (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát).
(Xin xem lại mục “Một Niệm Ba
Ngàn” ở trước.)
CHÍN PHẨM HOA SEN (cửu
phẩm liên hoa)
Theo giáo lí của tông Tịnh Độ (một
tr
ong các
tông phái Phật giáo đại
thừa) thì
trong vũ trụ có một thế
giới tên
là Cực-lạc (hay Tịnh-độ),
là quốc độ
của đức Phật
A Di Đà. Sở
dĩ có tên như vậy
là vì quốc
độ ấy hoàn toàn trong
sạch, đẹp
đẽ (từ các loài
hữu tình
cho đến các loài vô
tình),
hoàn toàn an vui, hạnh phúc, trí
tuệ cao diệu,
sống lâu vô lượng,
chứ không
phải xấu xa, dơ bẩn, sinh
sinh tử tử,
đầy dẫy tham sân
si phiền
não, ngập tràn đau khổ xót
xa như thế
giới chúng ta hiện sống
ở đây.
Theo đại nguyện của đức
Phật A Di
Đà thì bất cứ chúng
sinh nào
cũng có thể cầu được
vãng sinh
về thế giới Cực-lạc
của Ngài,
và khi đã được
vãng sinh
về đó thì sẽ luôn luôn
có được
các hoàn cảnh và
điều kiện
thuận lợi để tu tập
thẳng đến
quả vị giác ngộ, vĩnh
viễn không
bao giờ bị luân chuyển
trở lại
vào các thế giới khổ
đau. Muốn
được vãng sinh về Tịnh-độ,
hành giả
trước hết phải có ý
chí, phải
có tâm tha thiết mong cầu vãng
sinh, và
sau đó là chuyên cần tu tập
tịnh nghiệp
làm nhân tốt cho việc vãng
sinh.
Chúng sinh ở cõi Tịnh-độ được
hóa sinh từ
hoa sen, và tùy theo tịnh
nghiệp nhiều
ít của mỗi người
mà sẽ được
vãng sinh về ở
một trong
chín bậc hoa sen cao thấp khác nhau,
gọi là “chín phẩm hoa sen”. Chín
phẩm hoa
sen này do đặt trên căn bản ba loại căn tánh của hành giả mà phân
chia: Đó là căn tánh bậc thượng, căn
tánh bậc trung và căn tánh bậc hạ. Mỗi loại căn tánh đó lại chia làm 3
bậc thượng,
trung, hạ; cho nên có cả thảy là 9 phẩm.
Tóm lại, 9 phẩm hoa sen gồm có
3 cấp: trên (thượng),
giữa (trung), dưới (hạ); và mỗi
cấp lại
chia làm ba bậc: cao (thượng),
vừa (trung),
thấp (hạ),
như sau:
1. Bậc cao của
cấp trên (thượng phẩm thượng sinh - thượng thượng phẩm): Đây là bậc cao nhất trong 9 phẩm hoa sen. Để được vãng
sinh về bậc này, hành giả tu pháp môn Tịnh Độ, trước tiên phải phát khởi 3 tâm:
1) tâm chí thành, 2) tâm tin sâu, 3) tâm hồi hướng phát nguyện; thứ đến phải tu
tập 3
tịnh nghiệp: 1) giữ lòng từ bi không sát sinh, hành trì trọn vẹn giới
luật đã thọ, 2) đọc tụng kinh điển đại thừa, 3) tu hành 6 niệm (xin xem lại mục “Sáu Niệm Tưởng” ở trước). Hành giả tinh tấn dũng mãnh, đến giờ phút lâm chung,
đức Bồ-tát Quán Thế Âm bưng đài kim cang, cùng với đức Bồ-tát Đại Thế Chí, đến
trước hành giả, đức Phật A Di Đà phóng ánh sáng lớn chiếu đến thân thể hành giả,
và hành giả liền được đức Phật cùng với hai vị Bồ-tát đưa tay tiếp dẫn.
2. Bậc vừa của
cấp trên (thượng phẩm trung sinh - thượng trung phẩm): Dưới bậc thượng thượng phẩm là bậc thượng trung phẩm.
Để được vãng sinh về bậc này, hành giả cũng phát khởi 3 tâm (như trên),
tuy không thọ trì đọc tụng và tu hành theo giáo pháp đại thừa, nhưng hiểu rõ đệ
nhất nghĩa đế, tin sâu lí nhân quả; thì đến giờ phút lâm chung, đức Phật A Di Đà,
hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, cùng vô lượng đại chúng, bưng đài bằng
vàng y, đến trước hành giả, đưa tay tiếp dẫn.
3. Bậc thấp của
cấp trên (thượng phẩm hạ sinh - thượng hạ phẩm): Dưới bậc thượng trung phẩm là bậc thượng hạ phẩm. Để được
vãng sinh về bậc này, tuy hành giả không thể thọ trì đọc tụng và hiểu rõ nghĩa
lí của giáo pháp đại thừa, nhưng tin sâu lí nhân quả; thì đến giờ phút lâm
chung, đức Phật A Di Đà cùng hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, và chư thánh
chúng, cầm hoa sen vàng, hóa hiện ra 500 vị Hóa Phật, đến trước hành giả đưa
tay tiếp dẫn.
4. Bậc cao của
cấp giữa (trung phẩm thượng sinh - trung thượng phẩm): Đây là bậc cao nhất của cấp giữa, tiếp dưới bậc thượng
phẩm hạ sinh. Để được vãng sinh về bậc này, hành giả hành trì trọn vẹn 5 giới,
thường tu 8 trai giới, không tạo tội ngũ nghịch, không lầm lỗi. Đến giờ phút lâm
chung, đức Phật A Di Đà cùng chư thánh chúng, phóng luồng ánh sáng sắc vàng
kim, chiếu đến hành giả. Hành giả trông thấy như thế, tâm sinh vui mừng, tức thì
thấy thân mình ngồi trên đài hoa sen.
5. Bậc vừa của
cấp giữa (trung phẩm trung sinh - trung trung phẩm): Tiếp dưới bậc trung thượng phẩm là bậc trung trung phẩm.
Để được vãng sinh vể bậc này, hành giả tu 8 trai giới trọn một ngày một đêm, hoặc
hành trì trọn vẹn giới sa di hay giới cụ túc trong một ngày một đêm, oai nghi tề
chỉnh không thiếu sót. Đến giờ phút lâm chung, hành giả thấy được đức Phật A Di
Đà cùng chư thánh chúng phóng luồng ánh sáng sắc vàng kim, bưng đài sen bảy báu
đến tiếp dẫn.
6. Bậc thấp của
cấp giữa (trung phẩm hạ sinh - trung hạ phẩm): Người thiện nam hay tín nữ nào, trong đời sống hằng
ngày, hết lòng hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc nhân nghĩa giúp ích cho đời; rồi
đến giờ phút lâm chung lại có duyên gặp được thiện tri thức nói cho nghe về cõi
nước an vui của đức Phật A Di Đà, cùng 48 lời nguyện của tì kheo Pháp Tạng; người
ấy chí thành tin tưởng, muốn vãng sinh, thì liền được vãng sinh về bậc trung hạ
phẩm này.
7. Bậc cao của
cấp dưới (hạ phẩm thượng sinh - hạ thượng phẩm): Người làm nhiều nghiệp ác, phỉ báng kinh điển đại thừa,
không bao giờ biết hổ thẹn, nhưng đến giờ phút lâm chung, nếu có cơ duyên gặp được
thiện tri thức nói cho nghe tên 12 bộ kinh đại thừa, và được dạy cho cách chắp
tay xưng niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”; người ấy nghe kinh và xưng niệm
danh hiệu Phật rồi, liền dứt trừ được tội chướng trong trăm nghìn kiếp. Lúc bấy
giờ, hóa thân của đức Phật A Di Đà cùng hóa thân của hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm,
Đại Thế Chí đồng đến tiếp dẫn, người ấy liền được vãng sinh về hoa sen bậc này.
8. Bậc vừa của
cấp dưới (hạ phẩm trung sinh - hạ trung phẩm): Người hủy phạm 5 giới, 8 giới, và cụ túc giới, ăn cắp
vật dụng của tăng chúng, nói pháp bất tịnh, mà tâm không biết hổ thẹn, đến giờ
phút lâm chung, lửa ở địa ngục liền ập tới bức bách; nhưng ngay lúc đó, nếu có
cơ duyên gặp được thiện tri thức tán thán uy đức của đức Phật A Di Đà, người ấy
liền dứt trừ được tội chướng sinh tử trong 80 ức kiếp, lửa địa ngục trở thành hơi
mát mẻ, thổi các hoa trời, trong những hoa đó đều có hóa thân Phật và chư vị Bồ-tát
đồng đến tiếp dẫn, liền được vãng sinh về hoa sen bậc này.
9. Bậc thấp của
cấp dưới (hạ phẩm hạ sinh - hạ hạ phẩm): Đây là bậc thấp nhất trong 9 phẩm hoa sen. Người tạo
tội ngũ nghịch, thập ác, không điều ác gì mà không làm; nhưng đến giờ phút lâm
chung, nếu có cơ duyên gặp được thiện tri thức xót thương an ủi, nói cho nghe
Phật pháp nhiệm mầu, dạy cho phép niệm Phật. Người ấy liền vui vẻ, đem tâm chí
thành, cố gắng niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” liên tiếp 10 lần, thì cứ mỗi
niệm dứt trừ được tội chướng sinh tử trong 80 ức kiếp, liền thấy có hoa sen vàng
lớn như mặt trời ngay ở trước mặt; và người ấy được vãng sinh về hoa sen bậc hạ
hạ phẩm ở nước Cực-lạc.
CHÍN PHÉP QUÁN TƯỞNG TRÊN THI THỂ (cửu tưởng quán)
Cửu tưởng quán là phép quán tưởng về chín tướng trạng, hay chín giai
đoạn tàn hoại của thân thể con người sau khi chết; vì vậy nó cũng được gọi là “cửu tướng
quán”. Đây là một trong các phép quán tưởng về bất tịnh mà người tu học
thực tập để diệt trừ các vọng tưởng tham dục và đạt được an lạc, giải thoát. Cả
chín phép quán tưởng đều tập trung vào thân thể của con người sau khi chết.
Hành giả có thể quán tưởng ngay chính thân thể của mình, của thân nhân mình,
hay của bất cứ một người nào khác. Tốt nhất là nên quán tưởng thi thể ấy đang nằm
nơi đồng trống, từng bước tuần tự như các liệt kê ở sau đây:
* Phật Quang Đại Tự Điển liệt kê: 1. Quán tử thi trở nên bầm xanh; 2. Quán tử thi bị rữa,
máu mủ rịn ra từ chín lỗ; 3. Quán tử thi sinh giòi tửa, bị chim thú ăn thịt; 4.
Quán tử thi sình chương lên; 5. Quán máu mủ từ tử thi chảy ra lênh láng trên mặt
đất; 6. Quán tưởng da thịt bầy nhầy, rữa nát; 7. Quán tưởng da thịt tiêu hết,
chỉ còn xương gân vương vãi; 8. Quán tưởng tử thi bị thiêu đốt thành tro bụi;
9. Quán tưởng tử thi chỉ còn là một đống xương trắng tản mác.
* Tam Tạng Pháp Số ghi: 1. Quán tưởng tử thi sình chương lên; 2. Quán tưởng tử
thi bầm xanh; 3. Quán tưởng tử thi da thịt bầy nhầy, đầu mình tay chân rã rời,
phủ tạng rữa nát; 4. Quán tưởng tử thi, từ đầu đến chân, máu mủ chảy tràn lan;
5. Quán tưởng giòi mủ từ chín lỗ của thi thể tứa ra, da thịt nát bấy, vương vãi
trên mặt đất, hôi thúi cùng cực; 6. Quán tưởng tử thi bị giòi bọ rúc rỉa, chim
thú kéo đến mổ xé tơi bời; 7. Quán tưởng tử thi tan rã, gân đứt, xương lìa, đầu
chân mỗi cái mỗi nơi; 8. Quán tưởng thi thể hoàn toàn tiêu hết da thịt, chỉ còn
đống xương trắng phơi bày, rời rã; 9. Quán tưởng thi thể bị lửa thiêu đốt, cuối
cùng chỉ còn tro bụi.
* Luận Đại Trí Độ ghi: 1. Quán tưởng thi thể sình chương; 2. Quán tưởng thi
thể rã hoại; 3. Quán tưởng thịt máu tràn lan; 4. Quán tưởng mủ máu chảy khắp, rất
là hôi thúi; 5. Quán tưởng thi thể xanh bầm; 6. Quán tưởng thi thể bị giòi
trùng rúc ăn, chim thú mổ xé; 7. Quán tưởng gân xương đứt lìa, rời rạc mỗi thứ
mỗi chỗ; 8. Quán tưởng thi thể bây giờ chỉ còn là xương trắng, vương vãi khắp
nơi; 9. Quán tưởng thi thể bị lửa thiêu đốt, biến thành tro than.
* Sách Con Đường Chuyển Hóa (kinh Bốn
Lĩnh Vực Quán Niệm) của Nhất Hạnh ghi: 1. Xác chết sình lên, xanh lại, thối nát ra; 2. Xác chết bị các loài
giòi bọ rúc rỉa, bị quạ, diều hâu, kên kên và chó sói rừng xé ăn; 3. Xác chết
chỉ còn là một bộ xương dính ít thịt và máu; 4. Chỉ còn là một bộ xương, hết thịt
nhưng còn dính máu; 5. Chỉ còn là một bộ xương, không còn dính máu, nhưng các đốt
xương còn dính vào nhau; 6. Chỉ còn một đống xương rời rạc; nơi này là xương ống
tay, nơi kia là xương ống chân, nơi nọ là đầu lâu...; 7. Chỉ còn một đống xương
trắng màu vỏ ốc; 8. Chỉ còn một mớ xương khô; 9. Xương đã mục, chỉ còn lại một
mớ bụi.
Các liệt kê trên có chút ít
khác biệt về thứ tự cũng như về các chi tiết. Do đó chúng ta thấy, tuy nói là “cửu
tưởng quán”, thật sự, những đề mục quán tưởng không nhất thiết là có
con số nhất định, có thể là 9, 10, hay nhiều hơn nữa; miễn là những đề mục ấy
thuận theo một thứ tự hợp lí từ lúc bắt đầu cho đến lúc chấm dứt, cốt làm cho
thấy rõ cái tính chất bất tịnh của thân xác con người. Một cách phổ thông, 9
phép quán tưởng ấy tuần tự như sau:
1. Quán tưởng
để thấy thi thể trương phình lên.
2. Thấy thi
thể đổi màu, trở thành xanh tím.
3. Thấy thi
thể bắt đầu bị thối rữa.
4. Thấy máu,
nước vàng... chảy ra.
5. Thấy từng
mảnh thịt thối rã ra.
6. Thấy thi
thể bị các loài chim, thú rứt rỉa.
7. Thấy đầu,
mình, tay chân của thi thể rời ra.
8. Thấy
xương trắng vương vãi lăn lóc trên đất.
9. Thấy
xương thịt trở thành đất bụi, gió thổi bay đi, trở về với đất bụi.