Bố thí nhiếp (Tài thí, pháp thí & vô úy thí)
18/06/2010 23:37 (GMT+7)


Nói cho cùng, mọi khổ sở đau thương trên cuộc đời này đều do lòng tham lam ích kỷ của con người mà ra. Từ tham lam đưa đến sân hận, khi lòng tham không được thỏa mãn, rồi có thể gay ra hậu quả không lường trước. Cho nên, nếu chúng ta chỉ biết bo bo giữ lợi ích cho riêng mình, thì ngay bản thân mình, và cả gia đình, xã hội sẽ mãi còn chìm đắm trong khổ đau. Chỉ khi nào chúng ta mở lòng ra để lo cho người có hòan cảnh khó khăn hơn mình, thì không những người khác bớt khổ mà chính mình cũng được an vui. Một số người đã kể, trước khi biết Phật pháp, họ thường xuyên buôn bán thua lỗ, chỉ vì ham tranh hơn tranh thua, gây hiềm khích với người khác. Khi đã quy y, biết cách xử sự, không còn quá tham lam, họ được cảm tình với mọi người nên công việc làm có kết quả hơn, chứ không phải nhờ sức gia trì của vị thần thánh nào cả.
Ở đây, chúng ta cũng cần phân biệt bố thí với cúng dường. Bố thí có ý nghĩa đem những gì mình có san sẻ cho người có hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn hơn mình, bất phước hơn mình. Cúng dường nguyên nghĩa là cung dưỡng, tức cung kính cấp dưỡng, là dâng phẩm vật, tài vật lên những người có địa vị, đạo dức cao hơn mình. Vì sao đức Phật lại khuyên chúng ta nên thực hành hạnh bố thí ? – Để trong vòng luân hồi chúng ta có một đời sống kinh tế sung túc, dễ dàng hơn cho việc tu hành. Khi có điều kiện chúng ta lại tiếp tục bố thí cúng dường, và như vậy trong những kiếp về sau, chúng ta lại càng thuận lợi trong việc tiến tu hơn nữa.
Đối với các vị Bồ Tát, một trong những hạnh nguyện của các Ngài là giúp đỡ chúng sanh bằng tinh thần hay vật chất tùy nhu cầu của họ. Đến lúc gần gũi được họ, làm cho họ tin tưởng và cảm mến, Bồ tát mới thu nhiếp họ để đưa họ đến với Phật pháp. Đó gọi là Bố thí nhiếp. Con người thường sống bằng tình cảm hơn là lý trí, nên nếu chỉ dùng lời nói đạo lý, đôi khi thất bại. Vì vậy Bồ tát phải dùng bố thí như một phương tiện để nhiếp phục chúng sanh.
Trong kinh Đại Niết Bàn, phẩm Phạm hạnh thứ 15, Phật dạy : “Này Thiện Nam ! Bồ tát lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng thương tưởng như con. Lại nữa, lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng xót xa giốnh như cha me săn sóc đứa con đang bệnh. Lúc thực hành bố thí, tâm Bồ tát vui mừng như Cha Mẹ thấy con lành bệnh. Sau  khi bố thí, tâm Bồ tát buông xả như cha mẹ thấy con đã lớn khôn, có thể sinh  sống tự tại.” Đọan kinh này đã diễn tả một cách chính xác tấm lòng của bồ tát đối với chúng sanh, khi thực hành hạnh bố thí, các vị xem chúng sanh như con đẻ của mình. Chúng ta khi có con, lo cho máu mủ của mình một cách chu đáo từ lúc nhỏ đến lúc lớn, tâm chúng ta thương con như thế nào thì Bồ tát thương chúng sanh như thế ấy. Tuy nhiên, tình thương của chúng ta đôi khi chan rải không đều giữa đứa con này với đứa con khác, còn Bồ tát thì bình đẳng. Các Ngài thương muôn loài chúng sanh không hạn cuộc, không phân biệt, còn chúng ta lại quên các Ngài như những đứa con hoang, bỏ cha mẹ ra đi lang thang trong ba cõi sáu đường.
Lúc thực hành bố thí, tâm lượng Bồ tát lo cho chúng sanh như cha mẹ săn sóc đứa con đang bệnh. Tình thương của cha mẹ bao la như biển cả, bất tận như suối nguồn, và đôi khi chúng ta cũng hiểu được, cảm nhận và biết ơn đối với tình thương đó. Nhưng rất ít người hiểu được tình thương của Bồ tát giành cho chúng sanh. Nếu cha mẹ chỉ lo được cho cái thân vật chất hữu hình hữu hoại của con, thì Bồ tát rất chú trọng đến đời sống tinh thần. Mà đời sống tinh thần thì vô vàng quý giá hơn so với đời sống vật chất, vì đó là hành trang cho tất cả chúng sanh đi suốt lộ trình đến giải thoát viên mãn. Bồ tát biết rõ, có rất nhiều người thiếu thốn, đau khổ về tinh thần, dù họ đang ở địa vị nào, hòan cảnh nào và chỉ có thuốc chánh pháp mới điều trị được bệnh khổ cho chúng sanh.
Khi hành hạnh bố thí và nhiếp phục được chúng sanh, hướng dẫn họ đi theo chánh đạo để được giác ngộ và giải thoát, tâm Bồ tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành bệnh. Và sau đó tâm các Ngài buông xả như cha mẹ thấy con lớn khôn, đã vững bước trên đường đời. Sự buông xả này rất phù hợp với tinh thần Balamật, tức vô trước, vô trú, vô nhiễm. Dù làm tất cả mọi việc để được lợi ích cho chúng sanh, tâm các Ngài vẫn thênh thang như hư không, không thấy có người ban ơn, có kẻ chịu ơn và có một pháp để làm ơn. Đó gọi là “Tam luân không tịch”. Nhìn chung bố thí được chia ra làm ba loại
 
a)Tài thí : Gồm nội tài thí và ngoại tài thí.
•        Nội tài thí : Dùng cả thân mạng hoặc một vài bộ phận trong cơ thể để bố thí. Đây là hạnh động buông xả lớn của Bồ tát. Hiện nay, có phong trào hiến máu nhân đạo, hiến tặng cơ quan hoặc hiến xác cho khoa học, đều thuộc về lọai này.
•        Ngọai tài thí : Dùng tài sản của mình kiếm được một cách lương thiện, san sẻ cho những người thiếu thốn, khó khăn về vật chất hơn mình.
 
Một điều chúng ta cần lưu ý : Ai cũng biết, nỗi khổ của chúng sanh thì vô hạn, nên sự bố thí cũng phải vô biên. Nhưng trong sự bố thí, ngoài lòng từ bi, chúng ta còn phải có trí tuệ. Nếu chúng ta nhẹ dạ, giúp người một cách mù quáng, như giúp tiền cho người nghiện hút, bài bạc … thì vô tình chúng ta càng làm hại cho họ. Mỗi người Phật tử phải là một chiến sĩ trong mặt trận đạo đức, chống lại những tệ nạn, những cái xấu ác, làm trong sạch hóa xã hội. Đó là giúp ích cho mọi người và cho cả bản thân mình.
b) Pháp thí : Sự thiếu thốn khó khăn về vật chất làm cho con người đau khổ, nhưng sự nghèo nàn mất mát về tinh thần càng làm họ thấy bất hạnh hơn. Cái khổ về tinh thần gay tổn hại nhiều hơn cái khổ về vật chất, nhiều khi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cả tính mạng con người. Y học đã chứng minh rất nhiều trường hợp loét dạ dày, tá tràng, bệnh tim mạch, và đặc biệt là hội chứng kích động thần kinh (stress) là hậu quả của sự căng thẳng, lo nghĩ hay buồn phiền lâu ngày.
Các vị tu hành đem Phật pháp giảng dạy cho chúng sanh, mục đích làm chúng sanh bớt khổ, đó gọi là pháp thí, nhưng cũng tùy trình độ căn cơ của từng người mà lập phương tiện giáo hóa, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc (khế cơ), và những lời giảng dạy phải phù hợp với chánh pháp, phải có giá trị bất di bất dịch (khế lý). Khi Phật pháp được truyền bá rộng rãi theo tinh thần khế cơ và khế lý, chúng sanh nương vào đó tu hành, cuộc đời sẽ được an lạc, xã hội nhờ đó cũng yên bình thịnh vượng.
Pháp thí quan trọng hơn tài thí như thế nào ?, trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng vương, quyển ba, phẩm Diệt Nghiệp Chướng, Phật dạy : “Này Thiện Nam! Giả sử có người đem bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới cúng dường Như Lai, nếu lại có người khuyến thỉnh Như Lai chuyển Đại Pháp Luân,, thì người này được công đức hơn người kia. Vì sao? – vì người kia dùng tài thí, người này dùng pháp thí. Này Thiện Nam !. Đừng nói chi đem cả bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí, mà nếu có người đem bảy báu nhiều như hằng hà sa  tam thiên đại thiên thế giới cúng dường tất cả chư Phật, thì công đức khuyến thỉnh cũng vẫn hơn cả sự cúng dường ấy, do vì pháp thí có năm điều thù thắng. Những gì là năm ? – Một là, pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người, còn tài thí không được như thế. Hai là pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi, còn phước tài thí chẳng ra khỏi cõi dục. Ba là pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Bốn là, pháp thí thì vô cùng, còn tài thí có cùng tận. Năm là, pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái. Thế cho nên, này thiện nam !Công đức khuyến thỉnh vô lượng vô biên, không thể thí dụ”.
Ở nay Phật chỉ rõ năm điều thù thắng của pháp thí
 
Thứ nhất : , pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người. Ví dụ, khi một người nói pháp cho một đám đông nghe, trước hết người ấy có lợi ích vì đã gieo một nhân tốt là bố thí pháp; người nghe được chánh pháp, nếu y đó tu hành, cuộc đời sẽ được chuyển hóa, tâm sẽ được thăng hoa. Tài thí thì không được như vậy, vì nếu bố thí để họ dùng phương tiện đó làm điều xấu, thì chính sự bố thí ấy lại làm hại cho họ và cho những người xung quanh
Thứ hai : Pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc, nếu chúng sanh biết tu hành theo chánh pháp, đọan trừ tham – sân – si , được giác ngộ và giải thoát. Nếu dùng tài thí, đó là đang tu phước hữu vi, giỏi lắm cũng sanh về cõi Tha Hóa Tự Tại  Thiên, tức chưa giải thóat cỏi dục. Rồi khi hưởng hết phước, có thể lại bị đọa vào các đường ác.
Thứ ba : Pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Sắc thân của chúng ta do nghiệp tạo nên, dễ bị hoại diệt, biến đổi vô thường; nhưng trong đó còn có pháp thân vô tướng, không bị biến hoại theo thời gian và không gian. Nếu trong suốt cuộc đời, chúng ta chỉ lo chăm sóc cho cái sắc thân, thỏa mãn những nhu cầu của nó là ăn, mặc, ở, tức cái hạ tầng kiến trúc của đời sống, mà quên đi phần thượng tầng kiến trúc là văn hóa, tâm linh, thiền định, trí tuệ, thì rỏ ràng chúng ta chỉ sống bằng bản năng như loài vật. Chỉ có thượng tầng kiến trúc mới nuôi dưỡng pháp thân, còn những nhu cầu vật chất tầm thường chỉ làm cho chúng ta mãi  chìm trong vô minh tăm tối. Pháp thí sẽ giúp chúng ta biết chánh đạo, sống với cái cao cả, cái minh triết, là những yếu tố quyết định sự tiến hóa của toàn thể loài người.
Thứ tư : Pháp thí thì vô cùng, vì nó không có tướng mạo, nên không bị mai một theo thời gian. Người thí pháp vô cùng, vì có thể nói pháp suốt đời, nói ở mọi chổ mà vẫn mãi mãi lưu xuất được; người nghe pháp cũng vô cùng, vì dùng pháp để tu theo suốt đời vẫn không hết, không cạn. Ngược lại vì tài thí có hình tướng, nên có giới hạn có cùng tận
Thứ năm : Pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái. Khi nghe pháp, sự hiểu biết của chúng ta càng sâu rộng, trí tuệ càng phát triển, đến rốt ráo có thể dứt được vô minh. Tài thí thì chỉ tạm giải quyết khó khăn trước mắt cho người được bố thí, còn người bố thí thì cũng tạm thời khuất phục được tham ái ngay lúc ấy mà thôi.
Do những đặc tính quá ưu việt của pháp thí đã nói trên, rõ ràng công đức của người pháp thí và người khuyến thỉnh pháp thí vô lượng vô biên, tài thí không thể so sánh nổi. Nếu mỗi tự viện đều là những nơi được khuyến thỉnh pháp thí, thì Phật tử sẽ được muôn phần lợi laic, đời sống được cải thiện, đau khổ sẽ không còn và xã hội cũng được trong sạch hơn lên. Vì vậy, đã là Phật tử, chúng ta phải luôn trao dồi học hỏi, ngày càng thâm nhập Phật pháp để chuyển hóa tự thân, tự cứu mình ra khỏi mọi ràng buộc khổ não của đời sống. Sau đó chúng ta đem sự hiểu biết bằng trí tuệ và sự thanh lương của tâm hồn mình ra giúp ích cho người khác, thì hành động pháp thí ấy mới có kết quả.
c) Vô úy thí : khi tu hành đắc lực, tâm yên tĩnh, trí tuệ mỡ mang, Bồ tát thấy rõ mọi lẽ thực-hư của cuộc đời, các Ngài không còn lầm chấp các pháp nữa. Được sức tự tại vô úy, các Ngài đem cái vô úy đó mà che chở đùm bọc chúng sanh, làm chúng sanh không còn lo sợ, được an ổn dù gặp bao hệ lụy. Đó gọi là Vô úy thí.
Chúng ta từ lúc sinh ra đã sợ sệt nhiều điều : sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ đau ốm tai nạn, sợ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí sợ những điều không đáng sợ. Bồ tát hiểu rõ điều này, nên các Ngài dùng sức vô úy che chở cho chúng sanh. Khi chúng sanh đã an ổn, tin tưởng và có cảm tình, các Ngài mới hướng dẫn họ đến với Phật pháp. Hạnh vô úy này thật ra rất khó, đòi hỏi người bố thí phải tu hành có kết quả, thấy rõ và thâm nhập lý duyên sinh-vô ngã, mới có thể thực hiện được.
Tóm lại, chúng ta thấy bố thí là một quan niệm sống, một nghệ thuật sống cao đẹp, phát sinh từ tâm từ bi. Nếu không có tâm từ bi thì không thể hành hạnh bố thí. Ngoài ra, muốn bố thí đạt đến cứu cánh, thì phải hợp với tinh thần Ba la mật, nghĩa là khi giúp người mà chúng ta hoàn toàn không thấy mình là người ban ơn, chúng sanh là kẻ chịu ơn. Có như vậy chúng ta mới phục vụ người khác bằng một tâm trong sáng, không có tính tóan, mưu mô.

CÔNG ĐỨC CỦA BỐ THÍ ( PH PHỔ THÔNG)

Các tin đã đăng: