Nói đến Trà là nói đến Đông Độ, bàn về Đạo của Trà hay cách
thức thưởng thức Trà thì phải nói đến Phật Gia, người Đông độ biết đến
Trà rất sớm, trong sách của Tư Mã Tương Như đời Tây Hán (năm 200 trước
công nguyên) thiên Phàm Tương đã có đến trà và gọi trà là: "Suyễn sá",
trong sách Thần Nông Bổn Thảo Kinh gọi Trà là: "Trà thảo", trong sách
Quảng Châu Ký của Bùi Uyên thời Đông Tấn thì gọi trà là: "Hạo lư",
trong sách Trà Kinh của Lục Vũ đời Nhà Đường chép về trà như: "Tên của
trà có rất nhiều cách gọi, thứ nhất gọi là Trà, thứ nhì gọi là Giả, thứ
ba gọi là Thiết, thứ tư gọi là Danh, thứ năm gọi là Suyễn".v.v...
trong Trà Kinh liệt kê tên gọi của Trà có 10 loại.
Phật Giáo Đông Truyền vào cuối thế kỷ thứ nhất đầu thế kỷ thứ hai
sau công nguyên, nhưng theo hiện nay có nhiều thuyết cho rằng Phật Giáo
đến với Việt Nam còn sớm hơn thời kỳ này. Trong khoảng 1000 năm Bắc
thuộc, hầu như tất cả các thể loại văn hóa phương đông đều được truyền
đến Việt Nam và cũng như vậy Trà đạo cũng được các vị Thiền sư đem đến,
vì Việt Nam cũng là một trong những quê hương cổ xưa nhất của cây trà
và cũng như vậy người Việt Nam cũng biết thưởng thức trà từ rất sớm.
Thời kỳ đầu Trà chỉ là cống phẩm cho triều đình dùng vào việc tế lễ
cũng như các tầng lớp quý tộc mới có khả năng để thưởng thức trà. Phật
Giáo được truyền vào Đông Độ, trong khoảng 300 năm từ thời Tam Quốc đến
thời Nam Bắc Triều và đặc biệc vào thời kỳ Nam Bắc Triều Phật Giáo rất
thịnh hành, Phật Gia dùng trà để giải trừ cảm giác hôn trầm trong lúc
ngồi thiền, cho nên thường thì trong vườn chùa đều có trồng trà, và
việc uống trà được truyền lang rộng rãi trong thiền lâm của Phật Giáo,
vì thế Phật Giáo là nguyên nhân chính tạo nên phong khí thưởng thức và
phát triển trà trong xã hội, đồng thời cũng là những người đầu tiên
nghiên cứu và phát hiện những đặc tính và công hiệu của trà, cho nên
lai lịch của câu "Trà Phật nhất vị" trong lịch sử của trà đạo là đây
vậy. Đến đời Đường thì việc uống trà đã phổ biến khắp nhân gian.
Đại Thừa Phật Giáo đến với Đông Phương, thấm nhuần hương vị văn hóa
của người Đông độ, dần dần văn hóa truyền thống của người bản độ, hòa
nhập vào tư tưởng của Đại Thừa phát triển và hình thành hệ thống tư
tưởng triết lý nếp sống của Bắc Truyền Phật Giáo và Trà cũng như vậy,
từ thức uống của nhân gian bước vào cửa thiền vì tính năng của đặc biệt
của mình, tư tưởng triết lý của Đạo Thiền hợp thức hóa Trà là Phật.
Phật Pháp Đại Thừa với tinh thần "Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi"
cho rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có chung một khả năng,
đều có thể thành Phật, vì hóa độ chúng sanh mà Phật hiện Thiên bá ức
hóa thân, cho nên nhất thiết vạn sự vạn vật đều có thể coi là hóa thân
của Đức Phật. Vì vậy trà được Bắc Tuyền Phật Giáo cho rằng là một trong
thiên bách ức hóa thân của Phật, vì trong trà có đầy đủ tính năng của
Phật như: giải độc hại cho chúng sanh, làm cho chúng sanh thoát khổ vì
khát, có thể điều dưỡng tâm tánh, làm tâm được thanh tịnh và điều quan
trong nhất khi ngồi thiền định có thể chế tâm thoát khỏi hôn trầm,
khiến cho mau đạt đến đại định, vược khổ sanh tử, chứng đắc Niết Bàn,
cho nên Trà có một vị trí hết sức quan trọng trong Phật Giáo Bắc Truyền
“Phật và Trà chỉ có một vị”.
Một chiếc lá vàng rơi cũng có thể làm lay động cả tam thiên đại
thiên thế giới, làn gió nhẹ đưa của chiếc lá vàng rơi cũng đủ để lay
động ý thức của con người, cảm nhận sự biến đổi của thiên nhiên, thu đã
về, chỉ là một chiếc lá rơi thôi mà Đại Thừa Phật Giáo có thể cảm nhận
được chân lý thâm diệu vô cùng của thiên nhiên đạo trời như thế, nên
khi con người khi thưởng thức trà thì sự tiếp xúc cảm thông với thiên
nhiên còn thâm áo đến chừng nào, chính từ xúc cảm với thiên nhiên làm
cho sự nhận thức sâu xa về vũ trụ càng thêm thấm thấu và mục đích cuối
cùng Đạo của trà là dẫn dắt chúng sanh thể nhập “Phật Tri Kiến” giác
ngộ thành Phật.
Trà lại là hóa thân của Bồ Tát vì trong Trà có đầy đủ tính chất của
Lục Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí
huệ. Trà thực hành pháp bố thí ba la mật, hợp cùng với nước, xã thân
hòa mình thành thức uống, cúng dường chúng sanh. Hương thơm của Trà
thanh tịnh, đem đến cảm giác thư thái an lạc dễ chịu cho chúng sanh, sự
cảm nhận này cũng không khác gì khi ta tiếp xúc với người trì giới,
cảm nhận được Giới Định chân hương, đây là công đức Trì Giới Ba La Mật
của Trà có được.
Trà tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, kham nhẫn khi bị cắt hái, nhào
trộn, hong khô, rồi chịu đựng cái nóng vô cùng của nước sôi khi pha
chế, nhưng trà vẫn đượm hương tỏa ngát, ngọt lịm cúng dường chúng sanh.
Trợ cho người ngồi thiền không bị hôn trầm, giúp cho họ luôn tỉnh giác
khi thiền tư đây là lúc trà đang tu Tinh Tấn Ba la mật. Trà chỉ có một
vị, hòa kính và thanh tịnh đây là tính chất Thiền Định Ba la Mật của
Trà. Người dùng trà làm pháp phương tiện, dẫn dắt đến cảnh giới tịch
tịnh, từ thế giới tịch tịnh viễn ly trần cảnh "Bất cấu Bất tịnh" hòa
nhập vào Vô Dư Niết Bàn chứng Vô Thượng Đạo đây là kết tinh Trí Tuệ Ba
la Mật của Trà.
Bắc Truyền Phật Giáo coi việc uống trà như một pháp môn tu, một công
án thiền định có khởi nguyên từ đời nhà Đường và nói đúng hơn Thiền
Tông đưa trà đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, từ một thức uống bình
thường trong hằng ngày, trãi qua sự tôi luyện bằng thiền tư của các vị
Thiền sư, trà bổng nhiên thoát tục trong cuộc sống, trà trong lễ nghi
đối đãi của người trần, trở thành phép tắc tu hành của người thoát tục,
Trà với nghĩa giải khát, bằng công năng tu hành sự tỉnh giác của trí
tuệ, các Thiền sư đã dụng trà như một công án để tu và để chứng minh
cho điều này, trong thiền lâm Phật Giáo Bắc Truyền có công án “Đi uống
trà đi”.
“Đi uống trà đi” công án thiền nổi tiếng của Ngài Triệu Châu, trong
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển thứ 10 chép: Ngài Triệu Châu hỏi một học
Tăng mới đến: “đã từng đến chổ này chưa?” vị Tăng đáp: “đã từng đến”.
Ngài Triệu Châu dạy: “uống trà đi”. Ngài lại hỏi vị Tăng, vị Tăng đáp:
“chưa từng đến”. Ngài lại dạy: “uống trà đi”.
Đây là một công án rất nổi tiếng trong lịch sử của thiền tông có
liên quan đến uống trà. Đã đến, chưa đến, từng đến, tất cả đều không có
trong hiện tại, chỉ trong phút giây hiện tại uống trà mới nhận được sự
an lạc của tất cả các giác quan, vật chất cũng như tinh thần, và trong
phúc giây nầy mới tự mình nhìn nhận ra chính mình và đó cũng là Đạo và
phương pháp uống trà của thiền gia.
“Trà Thiền nhất vị” đây là câu nói về Trà của thiền sư Viên Ngộ đời
Tống viết trong sách Bích Nham Lục chứng minh cho sự khai ngộ về Trà
của Thiền tông, câu “Trà Thiền nhất vị” cũng được đệ tử người Nhật Bổn
của Ngài là Vinh Tây viết lưu truyền đến Nhật Bản, hiện nay đang được
lưu giử tại Chùa Đại Đức, Nại Lương, Nhật Bản.
“Trà Thiền nhất vị” lần kết tinh thứ hai của Trà trong Phật Giáo Bắc
Truyền, đối với “Trà Phật nhất vị”, “trà thiền nhất vị” là một bước
tiến vô cùng vĩ đại, nó thể hiện sự thể nhập về giáo lý, tư tưởng, văn
hóa, nghệ thuật, lối sống của Phật Giáo Bắc Truyền, hoàn toàn hòa nhập
vào tất cả các khía cạnh đời sống văn hóa của người Đông độ, trở thành
nếp văn hóa mới trong xã hội Đông Phương.
Văn hóa Thiền, sự tỉnh thức trong từng phúc giây của hiện tại,trong
thế giới hiện tại, và đồng thời tìm đến sự an lạc tỉnh lặng trong cuộc
sống, xã hội chính mình đang sống và nhìn lại mình là gì trong thế giới
hiện tại nầy, để rồi: “Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh, bạch vân
minh nguyệt lộ toàn chân” trúc biếc hoa vàng không là cảnh bên ngoài,
mây trắng bay rồi trăng lại hiện hình xưa.
Trà Thiền là chỉ cho sự thông qua sự đối mặt với Trà, thể nhận và
cảm ngộ rồi hành trì thiền tọa, quán tưởng, pháp tu này tương đồng với
nhiều phương pháp tọa thiền, như quán thoại đầu.v.v.. của Thiền Tông
nên gọi là Trà Đạo. Trà là căn cơ của tham thiền ngộ được phật tánh,
Đạo là phương pháp và dụng cụ cách thức pha trà, thể hiện được chân lý
“Thị chư pháp không tướng” tương ưng với “cảnh trần hợp nhất”, nếu hai
pháp này có thể hợp nhất thì người uống trà chẳng khác gì Thiền sư,
Thiền sư cũng là khách uống trà, tâm tâm tương ưng, pháp pháp hợp nhất
đây là ý thú của “Trà Thiền nhất vị” vậy.
Trà và Thiền tương ưng từ nhân duyên đến thể dụng cho đến năng sở,
có thể lấy Trà để dụ cho Thiền, lấy Trà để hành Thiền, lấy Trà để ngộ
Thiền, lấy Trà để tham Thiền, lấy Thiền để giải thích Trà, lấy Thiền để
dâng Trà, lấy Thiền để thưởng thức Trà, nếu như có thể như vậy để uống
trà, thì liễu được Trà Thiền nhất vị, là người uống trà đạt đến cảnh
giới “dĩ tâm truyền tâm, dĩ ngộ tự ngộ” trong Đạo Thiền vậy.
Phật Trà là như vậy, Thiền Trà cũng không hai, đều chung một vị
ngọt, giải thoát, niết bàn, tịch tịnh, ly dục. Phật là chân đế, Trà là
phương tiện. Thiền là cảnh giới, Trà là pháp môn, tuy hai nhưng chỉ
một, nhưng muốn đạt đến một thì không thể thiếu hai. Vì vậy trong Trà
có Đạo, trong Thiền có Trà, nếu không liễu được Đạo trong Trà, thì chỉ
uống trà bằng vị giác, còn nếu đã thể ngộ được Đạo để uống Trà, thì lục
căn thể nhập lục trần, thưởng thức trà trong tâm vô quái ngại, đạt đáo
cảnh giới của Thiền “Tâm - Phật - Chúng Sanh tam vô sai biệt”.
Nguồn: chuaminhthanh.com