Chánh niệm tỉnh giác với sự việc đang sanh này là niềm vui và hạnh phúc hiện tại của hành giả Tịnh Độ tông.
1. Tịnh Độ tông là Đại thừa
Ngoài ba kinh chuyên dạy về Tịnh độ của Phật A Di Đà (Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và Kinh A Di Đà tiểu bản) thì nhiều kinh của Đại thừa như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bi Hoa… và các luận Đại thừa Khởi Tín, luận Ma ha Chỉ quán
của Thiên Thai Trí giả… và các Bồ tát khởi xướng các tông chính của Đại
thừa như Trung đạo, Duy thức và Mật giáo đều có chỉ dạy và hâm mộ Tịnh
độ.
Từ xưa Phật giáo Việt Nam được xem là sự hòa hợp của
Thiền, Tịnh, Mật, trong đó tùy căn cơ mỗi người, mỗi thời đại mà có một
tông trội hơn. Cả ba đều là Đại thừa, có lẽ vì thế mà cả ba sống hòa hợp
với nhau dễ dàng. Cũng bởi vì thế mà cả ba đều có thể được tìm hiểu,
giải rõ thêm trong toàn cảnh phổ quát của Đại thừa. Nói cách khác, ba
tông Thiền, Tịnh, Mật là đồng nguồn, đồng một con đường và đồng một mục
đích. Thế nên chẳng phải vô ích khi dùng Thiền và Mật để làm rõ thêm
những vấn đề mà chúng ta có thể còn chưa rõ ràng về Tịnh độ. Nếu có
người vì hâm mộ tông mình mà không hiểu bỏ qua tông khác thì đó là một
điều đáng tiếc.
Trong bối cảnh đó, ở đây chúng ta nói đến tính cách tức thời, tại đây và bây giờ của Tịnh Độ tông.
Thế nào là đồng nguồn, đồng con đường và đồng một mục
đích? Đồng nguồn là "Tất cả chúng sanh đều có hạt giống Phật tánh", do
đó đều có thể thành Phật, và sự thành Phật này sẽ dễ dàng hơn ở Tịnh độ
Tây phương. Đồng con đường là tích tập công đức và trí huệ, với Mười địa
là con đường căn bản để thành Phật. Ba kinh Tịnh độ đều nói đến A bệ
bạt trí, tức là Vô sanh pháp nhẫn, đây là cấp độ Bất thối chuyển được
nói đến trong cả ba tông. Cấp độ đầu tiên của Mười địa là Sơ Hoan hỷ địa
được nói đến trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Từ bước đầu thực hành đến Hạ phẩm Hạ sanh đến Thượng phẩm Thượng sanh của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật tương
đương và đồng nhất với con đường chung Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh,
Thập hồi hướng, Thập địa của Đại thừa. Kinh nói Hạ phẩm Thượng sanh là
"được vào Sơ địa", nghĩa là ba cấp Thượng phẩm Thượng sanh chính là Mười
địa của Đại thừa.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: "Tưởng sanh
của Hạ phẩm Hạ sanh thì liền được sanh về thế giới Cực lạc, ở trong hoa
sen đủ mười hai kiếp mới nở, Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Thế Chí với tiếng
đại bi nói rộng cho nghe thật tướng của các pháp và cách diệt tội. Kẻ ấy
nghe rồi vô cùng hoan hỷ, ngay đó phát tâm Vô thượng Bồ đề". Chúng ta
thấy được sanh về Tây phương Cực lạc, dù ở cấp độ thấp nhất cũng phải
học Đại thừa: Đại bi, Thật tướng của các pháp (trí huệ), cách diệt tội
(tịnh hóa) và phát tâm Bồ đề.
Nếu Tịnh độ là Tín, Hạnh, Nguyện thì Đại thừa cũng là
Tín, Hạnh, Nguyện. Các kinh điển của Đại thừa nhấn mạnh vào Tin: "tin
hiểu, thọ trì". Chẳng hạn kinh Kim Cương: "Nghe những câu đoạn
ấy, dù chỉ một niệm sanh niềm tin thanh tịnh, thì này Tu Bồ Đề. Như Lai
thấy biết trọn vẹn rằng những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như
thế". Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Tin là mẹ của các công đức’.
Hạnh ở đây là hạnh Bồ tát, tích tập công đức và trí huệ. Kinh A Di Đà nói: "Không thể dùng ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi nước ấy". Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói:
"Bây giờ Thế Tôn nói với bà Vi Đề Hy rằng: Giờ đây
ngươi có biết không? Phật A Di Đà cách đây không xa. Ngươi hãy buộc niệm
quán kỹ nước ấy thì tịnh nghiệp thành. Nay Ta giảng rộng cho ngươi,
cũng để tất cả các phàm phu đời sau muốn tu tịnh nghiệp sẽ được sanh cõi
nước Cực lạc Tây phương. Muốn sanh nước ấy phải tu ba phước:
Thứ nhất: Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tâm từ không giết hại, tu mười nghiệp thiện.
Thứ hai: Thọ trì Ba quy y, các giới cụ túc, không phạm oai nghi.
Thứ ba: Phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyên người khác tu hành tinh tấn.
Ba việc ấy gọi là tịnh nghiệp. Ba việc ấy là chánh nhân tu hành tịnh nghiệp của chư Phật ba đời quá khứ hiện tại vị lai".
Cũng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: "Nếu
chúng sanh nào sáng suốt tin tưởng trí Phật là trí chẳng thể nghĩ bàn,
cho đến là trí tối thắng…, tu các công đức và tín tâm hồi hướng phát
nguyện về cõi ấy, thì chúng sanh này ngồi kiết già trong hoa sen bảy báu
tự nhiên hóa sanh, trong khoảnh khắc thân tướng, quang minh, trí huệ,
công đức đều thành như các Bồ tát".
Cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà do hạnh nguyện, trí huệ
và công đức của Tỳ kheo Pháp Tạng, là tiền thân của Ngài: "Trải qua năm
kiếp, Ngài tư duy thâu nhiếp công hạnh trang nghiêm tịnh hóa cõi Phật".
Khi đã thành tựu, Ngài lập ra cõi Tịnh độ Tây phương với Bốn mươi tám
lời nguyện.
Phật A Di Đà đã tu Bồ tát hạnh và phát các đại nguyện
bền vững muôn đời để tạo lập ra cõi Tây phương Cực lạc. "Cõi nước Phật
ấy thành tựu các công đức trang nghiêm như vậy" (Kinh A Di Đà).
Thế nên để tương ưng và sanh vào cõi ấy, và ở cấp độ cao hay thấp là do
sự tích tập trí huệ, công đức của chúng ta tương ưng với công hạnh và
đại nguyện của Phật A Di Đà nhiều hay ít. Điều chúng ta cần nhớ là sự
tích tập trí huệ và công đức này hiện thời chúng ta chỉ làm được ở cõi
Ta bà này, như ngày xưa Phật A Di Đà đã từng làm ở đây. Thế nên lơ là
với sự tích tập trí huệ và công đức ở đây là chúng ta đã mất một cơ hội
lớn đối với Hoa sen Chín phẩm của chúng ta.
Nguyện là làm mọi tịnh hạnh, mọi công đức để hồi
hướng về Tịnh độ. Nhưng khi ở Tịnh độ đã được không thối chuyển thì trở
lại cõi Ta bà hay cõi khác làm Phật sự. Tịnh Độ tông gọi sự sanh qua
Tịnh độ là Vãng tướng, và sự trở lại cõi này hay cõi khác là Hoàn tướng.
Như thế nguyện của một người tu Tịnh độ phải lần lần bao trùm cả pháp
giới, như Đại hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền.
Quả của Tịnh độ là quả Phật. Rốt ráo người tu Tịnh độ
sẽ thành Phật, tức là đạt đến và hoàn thiện cả ba thân của một vị Phật:
Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp thân vị ấy đồng nhất với Pháp
thân của Phật A Di Đà và của tất cả chư Phật. Báo thân và Hóa thân của
vị ấy thì căn bản đầy đủ công đức như của chư Phật, nhưng có sai khác
tùy theo hạnh nguyện của vị ấy. Quả của người tu Tịnh độ là "trừ diệt
tất cả nghiệp xấu trong vô số kiếp để sanh vào Cực lạc" (Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật).
Một điều đặc biệt là người tu Tịnh độ y trên quả Phật đã thành của Phật
A Di Đà mà tu hành, cho nên Tịnh Độ tông được xếp vào Quả thừa thay vì
Nhân thừa.
Sự đồng nguồn, đồng con đường và đồng mục đích của Thiền, Tịnh, Mật, chúng ta trích đoạn kinh trong Quán Vô Lượng Thọ Phật:
"Tiếp theo là nên tưởng Phật. Tại sao phải tưởng
Phật? Bởi vì chư Phật Như Lai là thân Pháp giới, vào trong tâm tưởng của
tất cả chúng sanh. Thế nên khi tâm người ta tưởng Phật, thì ngay tâm ấy
tức là 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình. Tâm ấy làm Phật thì tâm ấy là
Phật. Biển Chánh Biến tri của chư Phật, từ nơi tâm tưởng mà sanh, bởi
thế phải nên nhất tâm buộc niệm quán tưởng Đức Phật Như Lai ấy".
2. Ý nghĩa của sự việc ‘đang sanh’ về Tịnh độ
"Thân Pháp giới", "Tâm ấy là Phật", "Biển Chánh Biến
tri của chư Phật", là Pháp thân đồng nhất, hoàn toàn không khác biệt của
tất cả các chư Phật. Không có chuyện Pháp thân của Đức Phật này ‘to
lớn’ hơn Pháp thân của vị Phật kia. Pháp thân là sự vô ngại tuyệt đối
giữa các Đức Phật.
Nhưng Báo thân, Hóa thân của các Ngài thì có khác vì
hạnh nguyện khi còn là Bồ tát thì khác nhau. Nhưng vì Báo thân và Hóa
thân lưu xuất từ Pháp thân nên chúng vô ngại với nhau và vô ngại đối với
mọi cõi. Một ví dụ là Đức Quán Thế Âm ở với Phật A Di Đà nơi Tịnh độ
Tây phương, nhưng Ngài vẫn làm việc cứu độ ở cõi này một cách vô ngại.
Như vậy Phật A Di Đà và Tịnh độ của Ngài vẫn vô ngại với cõi này. Ở đây
chúng ta trích vài lời nguyện:
Lời nguyện thứ 12: Khi thành Phật, nếu quang minh
thân tôi mà có hạn lượng, ít ra chẳng soi đến hàng trăm ngàn ức vô số
cõi Phật, thì tôi sẽ không nhận ngôi Chánh giác.
Lời nguyện thứ 34: Khi thành Phật, những chúng sanh
trong khắp mười phương vô lượng vô số thế giới nghe danh hiệu tôi mà
chẳng chứng được Vô sanh pháp nhẫn và các môn tổng trì sâu xa của Bồ
tát, thì tôi sẽ không nhận ngôi Chánh giác.
Lời nguyện thứ 45: Các chúng Bồ tát ở cõi nước khác
nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được Tam muội Phổ đẳng, an trụ trong
tam muội đó cho đến khi thành Phật, thường thấy vô lượng vô số tất cả
chư Phật. Nếu chẳng như thế thì tôi chẳng nhận ngôi Chánh giác
Sự vô ngại giữa các cõi với nhau là điều được nói đến
trong kinh điển Đại thừa. Tịnh độ Tây phương và Phật A Di Đà vô ngại
với cõi này, nên chúng ta mới niệm Phật, quán tưởng, phát nguyện, lập
hạnh, hồi hướng… để có thể tiếp thông được với Phật và Tịnh độ. Nếu
không vô ngại thì niệm Phật và quán tưởng sẽ không có nền tảng nào để có
hiệu quả.
Bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà thể hiện sự
vô ngại của Ngài và cõi Tịnh độ của Ngài đối với toàn bộ pháp giới. Bởi
thế niệm Phật và quán tưởng Phật là dành cho chúng sanh ở mọi cõi. Chính
sự vô ngại này cho phép chúng ta tiếp xúc được, kết nối được với Tịnh
độ và sự tiếp xúc kết nối có thể trở nên trực tiếp. Ba thân của Phật A
Di Đà là vô ngại với toàn thể pháp giới nên mỗi chúng sanh trong pháp
giới đều có thể tiếp xúc, kết nối, tương ưng trực tiếp với ba thân ấy.
Niệm Phật, quán tưởng Phật…là đưa Phật A Di Đà và
Tịnh độ vào trong thân tâm của chúng ta, tiếp nhận Phật và Tịnh độ vào
trong thân tâm của chúng ta. Sự đưa vào, tiếp nhận này khiến cho chúng
ta có được Tịnh độ. Đời sống ở cõi này của chúng ta ‘in hình’ Tịnh độ.
Để hiểu ‘in hình’ là thế nào, chúng ta trích hai đoạn trong kinh Vô Lượng Thọ Phật:
"Dù mắt nhắm hay mở, không nên để (cho sự quán tưởng)
tan mất, luôn luôn nhớ tưởng cõi Tịnh độ. Người quán tưởng được như vậy
gọi là thấy thô sơ đất nước Cực lạc".
"Nay Như Lai dạy cho bà Vi Đề Hy và thảy hết chúng
sanh đời sau quán tưởng thế giới Cực lạc Tây phương. Nhờ Phật lực mà sẽ
thấy cõi nước thanh tịnh kia, như cầm cái gương sáng tự thấy mặt mình.
Thấy các sự việc cực diệu cực lạc của cõi nước ấy, tâm rất hoan hỷ, liền
ngay lúc ấy đắc Vô sanh pháp nhẫn".
Dù chỉ mới "thấy thô sơ cõi
Cực lạc" trong hai pháp quán tưởng đầu tiên, Tịnh độ đã in hình vào
trong tâm chúng ta, để từ đây chúng ta được chuyển hóa, được hưởng phần
Tịnh độ. Tâm chúng ta bắt đầu thanh tịnh. Chúng ta bắt đầu thấy cuộc
sống chung quanh, mọi người "thân thể đều đồng một sắc vàng" (Kinh Phật thuyết Vô Lượng Thọ Phật), "chim chóc cây cối đều thuyết pháp vì đều là báo thân của Phật A Di Đà" (Kinh A Di Đà). Cuộc sống chúng ta ở cõi này bắt đầu đi vào Tịnh độ. Tịnh độ bắt đầu nhiếp lấy cuộc đời Ta bà của chúng ta.
Nếu so sánh với Mật giáo, khi chọn Phật A Di Đà làm
bổn tôn, thì sự quán tưởng là : thế giới sắc tướng chung quanh là mạn đà
la của Phật A Di Đà, tất cả âm thanh là thần chú hay danh hiệu Phật A
Di Đà, thân thể này cũng được quán tưởng là sắc thân của Phật A Di
Đà….Tóm lại tất cả thân tâm và thế giới của chúng ta đều được A Di Đà
hóa và Tịnh độ hóa để thành Tây phương Cực lạc.
Cõi Phật A Di Đà không ngăn ngại với chúng ta mà chỉ
vì những phiền não chướng và sở tri chướng, gọi chung là nghiệp chướng
(sự che chướng của nghiệp), của chúng ta ngăn che chúng ta với Tịnh độ.
Thế nên một trong những mục đích của pháp quán tưởng của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là
để "trừ diệt hết tội". Kinh cũng có tên là "Tịnh trừ nghiệp chướng,
sanh chư Phật tiền" (Tịnh hóa và trừ diệt nghiệp chướng, sanh trước chư
Phật).
Chúng ta cũng thấy mọi pháp tu của Đại thừa, của
Thiền và Mật, đều là để diệt trừ hay tịnh hóa phiền não chướng và sở tri
chướng, nghĩa là mọi nghiệp chướng, để thấy và chứng được Phật tánh,
tức là thấy và chứng được "thật tướng của các pháp", hay còn được diễn
tả là "thấy Như Lai" (trong kinh Kim Cương).
Vì bị trói buộc trong vô minh và những nghiệp chướng,
bèn cho thời gian không gian là thật, là cứng chắc chướng ngại thật sự,
không thể thấy tánh Không của chúng, nên người bình thường cho rằng
Phật và Tịnh độ ở xa, xa lắm. Nhưng như Phật Thích Ca đã nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã trích dẫn ở trên: "Phật A Di Đà cách đây không xa".
Sự sanh vào Tịnh độ là một sự việc xảy ra ở hiện tại. Kinh A Di Đà nói:
"Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát
nguyện muốn sanh vào cõi nước Phật A Di Đà thì những người ấy đều được
Bất thối chuyển nơi Chánh đẳng Chánh giác. Trong cõi nước ấy hoặc đã
sanh, hoặc sẽ sanh, hoặc đang sanh. Thế nên, Xá Lợi Phất, các thiện nam
tín nữ hãy nên tin tưởng phát nguyện sanh vào cõi nước ấy".
Sự sanh vào là một dòng tương tục từ quá khứ đến
tương lai và đang xảy ra trong hiện tại. Khi niệm Phật, quán tưởng, hồi
hướng… là chúng ta "đang sanh" vào Tịnh độ, đang đi vào Tịnh độ. Bằng
những thực hành ấy, chúng ta đang đi sâu hơn vào Tịnh độ, hay nếu dùng
thuật ngữ Tịnh độ, chúng ta đang đi lên các bậc Cửu phẩm ngay ở đây và
lúc này. Chánh niệm tỉnh giác với sự việc đang sanh này là niềm vui và
hạnh phúc hiện tại của chúng ta.
Có người vì không hiểu Thiền, và do đó không hiểu cả Tịnh độ, khi đọc xong phần cuối của phẩm Quyết nghi trong kinh Pháp Bảo Đàn,
cho rằng Lục tổ Thiền tông bác bỏ Tịnh độ Tây phương. Đọc kỹ chúng ta
sẽ thấy Lục tổ không bác bỏ Tịnh độ mà ngài chỉ nói rằng cõi này và Tịnh
độ không cách xa, cõi này và Tịnh độ dung thông vô ngại với nhau. Sự
dung thông vô ngại này là do sự thanh tịnh của tâm. Ngài trích một câu
của kinh Duy Ma Cật: "Tùy tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh". Ngài nói:
"Nếu tâm của Sử quân không điều gì chẳng lành, thì
Tây phương cách đây chẳng xa. Nếu như ôm giữ cái tâm chẳng lành, thì dầu
có niệm Phật, cầu vãng sanh cũng khó đến đó được… Nay ta khuyên các
thiện tri thức trước phải trừ 10 điều xấu ác tức là đi được 10 vạn dặm,
sau trừ 8 điều tà tức là qua khỏi 8 ngàn dặm. Niệm Phật thấy tánh (Phật
tánh), luôn luôn thực hành cái tâm bằng phẳng, thì đi đến Tây phương
nhanh chóng như khảy móng tay mà thấy Phật A Di Đà liền".
"Phật tánh giác ở trên cõi tự tâm, phóng ra ánh sáng
lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, phá hết các trời Lục dục, chiếu vào
tự tánh, ba độc dứt liền, các tội địa ngục thảy đều tiêu diệt, trong
ngoài sáng suốt không khác gì cõi Tây phương. Nếu chẳng tu theo pháp ấy
thì làm sao đến cõi kia được!".
Quả thật, sự khó khăn ngăn ngại không phải ở phía
Phật A Di Đà mà ở về phía chúng sanh chúng ta. Cũng như gã cùng tử lang
thang lạc loài trong kinh Pháp Hoa, sự khó khăn ngăn ngại trong
việc trở về với cha mình không phải về phía người cha trưởng giả giàu có
an cư lạc nghiệp muôn đời, mà từ phía gã cùng tử. Sự khó khăn ngăn ngại
xa cách của gã cùng tử này là sự nghi ngờ, mặc cảm, quen thói nghèo hèn
lang thang, dơ bẩn, suy nghĩ lặt vặt, ti tiện, tà kiến… Chính những
bệnh tật trong tâm này làm cho đường về trở nên khó khăn, chướng ngại,
trong khi con đường vốn thông suốt, vô ngại.
3. Sống trong đại dương Bốn mươi tám lời nguyện
Con đường về ấy là dễ dàng. Chúng ta có thể tiếp xúc,
kết nối, tương ưng với Ngài và Tịnh độ của Ngài, nghĩa là với Pháp
thân, Báo thân và Hóa thân của Ngài. Pháp thân là tâm, Báo thân là ngữ
và Hóa thân là thân của Phật A Di Đà. Pháp thân vô niệm, vô tướng, vô
trụ của Ngài thì ở khắp tất cả. Báo thân và Hóa thân của Ngài là Tịnh độ
và 48 lời nguyện trùm khắp vũ trụ. Thật ra chúng ta có là gì, đang ở
đâu, như thế nào, chúng ta luôn luôn ở trong Pháp thân, Báo thân và Hóa
thân của Phật A Di Đà. Và chúng ta có thực hành niệm Phật, quán tưởng,
phát nguyện… như thế nào thì cũng là thực hành trên quả Phật đã thành,
trên 48 lời nguyện đã thành của Đức A Di Đà.
Chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp, tức thời với Ngài
và Tịnh độ của Ngài, không chỉ vì Tha lực trực tiếp tức thời của Ngài
bao trùm cả vũ trụ, mà còn vì chúng ta cũng có các hạt giống hay tiềm
năng Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của mỗi chúng ta. Tiềm năng Pháp
thân, Báo thân, Hóa thân này là tiềm năng tâm, ngữ, thân của chúng ta..
Có điều Pháp, Báo và Hóa thân của chúng ta chưa được khai mở, tịnh hóa
và hoàn thiện, thành thử sự tương ưng, tiếp xúc, kết nối chưa có được
hay có được thì lâu lâu mới thoáng qua một cách yếu ớt. Chính vì tiềm
năng ba thân này, tiềm năng Phật tánh này nơi mỗi chúng sanh nên chúng
ta mới đam mê, khát khao, tín ngưỡng Phật A Di Đà và Tịnh độ của Ngài
đến như vậy.
Bằng việc niệm Phật, quán tưởng, làm các công đức,
thân, ngữ, tâm chúng ta dần dần tương ưng với thân, ngữ, tâm của Phật A
Di Đà. Bằng niệm Phật và quán tưởng, bằng tin, hạnh, nguyện, hồi hướng…,
những chướng ngại ngăn che của chúng ta và do chúng ta khiến ngăn cách
với Ba thân của Phật dần dần tan rã. thân, ngữ, tâm của chúng ta có thể
tức thời trực tiếp tương ưng với thân, ngữ, tâm của Phật A Di Đà tùy
theo sự trực tiếp tức thời, sự không bị che chướng của thân, ngữ, tâm
chúng ta. Với sự dần dần tương ưng cõi Ta bà của chúng ta mà chúng ta
đang sống sẽ dần dần ‘vô ngại’ với Cực lạc phương Tây.
Bằng niệm Phật, quán tưởng, tin, hạnh, nguyện, hồi
hướng… trong Tha lực (48 lời nguyện đang bao quanh chúng ta), chúng ta
nhanh chóng chuyển hóa, tịnh hóa thân tâm mình. Tùy thân tâm mình tịnh
hóa đến đâu, chúng ta cảm nghiệm, tương ưng được với Tịnh độ đến đó.
Cũng chính thân tâm thanh tịnh của chúng ta quyết định chúng ta sanh vào
phẩm nào trong Chín phẩm, tương đương Mười địa chung cho cả Đại thừa.
Cho nên hãy đưa Phật A Di Đà và Tịnh độ vào trong
thân, ngữ, tâm của chúng ta. Hãy tiếp nhận Phật A Di Đà và Tịnh độ vào
trong thân, ngữ, tâm của chúng ta. Sự đưa vào đó, sự tiếp nhận đó, chính
là Tự lực. Tự lực để sống trong Tha lực của Phật A Di Đà, tức là trong
48 lời nguyện đã thành. Trong nền tảng Phật tánh, Tự lực và Tha lực vốn
không ngăn ngại, vốn tức thời, trực tiếp, tại đây và bây giờ.
Để mỗi tiếng niệm Phật là một lời ca hát của Cực lạc
trong lòng chúng ta. Để mỗi quán tưởng là một hiện hình của Cực lạc
trong lòng chúng ta...
Như thế chúng ta đã có Phật, có Tịnh độ. Như thế chúng ta đã bắt đầu
kết nối với Phật và Tịnh độ. Và mở rộng Phật và Tịnh độ ở trong lòng
chúng ta để cho Phật và Tịnh độ hiện hữu trong toàn bộ đời sống của
chúng ta, phải chăng đó là công việc hân hoan "Tịnh trừ nghiệp chướng,
sinh ra ở trước chư Phật"?
Nguyễn Thế Đăng (GNO)