Tại sao Phật giáo không tôn thờ đấng sáng thế
Thích Nữ Tịnh Quang
10/10/2011 04:01 (GMT+7)


Trong văn học Phật giáo, xuyên qua giáo lý Vô ngã, không có một thực thể cố định (unsubstantiality) thì hẳn nhiên niềm tin vào một vị thần sáng tạo luôn luôn bị phản bác và từ chối, bởi vì Phật giáo là sự phủ định về sự vĩnh hằng và bất biến đối với việc giải thích nguồn gốc của thế giới như vũ trụ, linh hồn, thời gian v.v...  Niềm tin về một đấng sáng tạo được đặt trong cùng thể loại như những quan điểm sai lầm về mặt đạo đức, đặt thân phận con người dưới sự an bài của đấng vô hình như là định mệnh tuyệt đối và không thể thay đổi, và dẫn đến sự nguy hại lâu dài cho nền móng xã hội do tác động đến những giá trị nhân bản của đạo đức.

Vì tin tưởng vào một đấng sáng tạo Brahma mà hằng nghìn năm xã hội Ấn Độ đã duy trì sự phân chia bốn giai cấp, gây nên sự chia rẽ trầm trọng, mỗi giai cấp đều tùy thuộc vào ý chí của đấng Phạm thiên, cố định vị trí ở body của Phạm thiên: giai cấp Bà la môn (Brahman) được cho là con chính thống của Phạm thiên, sinh ra từ miệng Phạm thiên là chủng tánh tối thượng an hưởng cuộc đời sung sướng. Giai cấp Sát đế lỵ (Kshastriya) sinh ra từ cánh tay Phạm thiên là giai cấp hoàng tộc, thay mặt cho Phạm thiên nắm giữ quyền hành thống trị. Giai cấp Vệ xá (Vaisya) được cho là sinh ra từ bắp vế Phạm thiên, là giai cấp thương gia, nông phu và thợ thuyền phụ trách về kinh tế. Giai cấp Thủ đà la (Sùdra) được cho là sinh ra từ gót chân của Phạm thiên được cho là hạng bần cùng hạ tiện, và chỉ làm nô lệ suốt đời cho các giai cấp trên.

Sự thị hiện của đức Phật đã làm đảo lộn mọi giá trị cố hữu, thay vào đó Ngài mở ra cánh cửa mới của sự nhận thức khi Ngài chối từ về sự tồn tại của Brahma; điều này được bàn bạc trong nhiều kinh văn Phật giáo. Đoạn kinh Tevijja sau đây là cuộc đối thoại giữa đức Phật và Bà la môn Vàsettha về đấng Phạm thiên:

“…Này Vàsettha, như vậy ngươi nói không có một Bà la môn nào trong những vị tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt thấy Phạm thiên - không có một tôn sư nào của các Bà la môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt thấy Phạm thiên, không có một đại tôn sư nào của các Bà la môn tinh thông ba tập và đã tận mặt thấy Phạm thiên - không có một Bà la môn nào cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà la môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mắt thấy Phạm thiên, trong những tu sĩ thời cổ, trong các Bà la môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà la môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, trì tụng và giảng dạy như các vị Atthaka, Vàmaka… không có một vị nào đã nói: 'Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu'. Như vậy các Bà la môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: 'Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên, nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: 'Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo'. Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của những Bà la môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý…”

Sự tin tưởng hão huyền này đã gây nên sự cuồng tín, không khoan dung, nâng cao tự ngã; thông thường hay gây ra sự căm thù và những bạo lực khi người khác không có cùng niềm tin và quan điểm với mình.

Xuyên qua nhiều thế kỷ, triết học Phật giáo đã trình bày các lập luận chi tiết bác bỏ học thuyết của một vị thần sáng tạo. Nó sẽ được quan tâm để so sánh những việc này với những cách mà các triết gia phương Tây đã bác bỏ các thông tin chứng minh thần học về sự tồn tại của đấng sáng tạo.

Đối với một vài người tin tưởng một cách nghiêm túc hơn thì ý tưởng về một đấng tạo hóa chỉ là một lập trường chỉ để giải thích các sự kiện bên ngoài như nguồn gốc của thế giới mà họ không thể hiểu thấu. Đối với y, nó là một đối tượng của đức tin có thể tạo ra cho một cảm giác mạnh mẽ bên cạnh sự hiện diện an ủi của đấng tạo hóa và sự gần gũi với chính mình, chẳng hạn như ấn tượng thời thơ ấu, hình ảnh huyền thoại như những ông Bụt và cô Tiên đi vào truyền thống, học đường, và môi trường xã hội đã tác động vào bề mặt của vỏ não và tạo nên những hình ảnh của tư tưởng mà tín đồ của các tôn giáo đã có một lề lối khái niệm chân thành nhất; một phân tích phát hiện gần đây đã hiển thị rằng "kinh nghiệm về đấng sáng tạo" đã không có nội dung cụ thể hơn điều này.

Tuy nhiên cuộc sống và tác phẩm của các nhà thần bí của tất cả các tôn giáo lớn đã chứng minh cho kinh nghiệm của họ có ảnh hưởng lớn, trong đó việc thay đổi đáng kể được thực hiện ở chất lượng của ý thức, sự cảm thụ sâu xa trong lời cầu nguyện hay thiền định có thể đánh động đến chiều sâu và ảnh hưởng trên mặt rộng ý thức xuyên qua cảm hứng truyền trao của sự hân hoan và hạnh phúc đi từ họ. Với cảm thụ tuyệt vời như vậy, các nhà thần bí tin rằng kinh nghiệm của mình là biểu hiện của thần thánh, là hiệp thông với đấng tạo hóa, nhiệm vụ của họ là trung gian giữa thượng đế và con người… với những ấn tượng sâu sắc được xem như là thần bí và họ đã gõ cửa thần học để xác định sự “hiệp thông” đặc biệt của mình. Giả định này là khá dễ hiểu, kinh nghiệm huyền bí cũng chỉ là những đặc trưng tăng, giảm hoặc loại trừ tạm thời, biểu hiện làn sóng đa phương trình của ý thức, nhận thức và suy nghĩ không ngừng nghỉ trong những tầng số rung động của tâm. Thật là thú vị cần lưu ý, tuy nhiên, các nỗ lực của hầu hết các nhà thần bí lớn phương Tây liên quan đến kinh nghiệm thần bí của mình để các tín đồ chính thức của các nhà thờ công nhận kết quả của họ trong giáo lý thường được xem xét và nghi ngờ đối với chính thống, nếu không được coi là hết sức dị giáo.

Phật giáo, những hành giả khi đã thâm sâu trong thiền định họ nhận diện các yếu tố thể chất và tinh thần cấu thành kinh nghiệm của mình trong ánh sáng của mọi hiện hữu qua ba đặc điểm, đó là vô thường, đau khổ, và sự vắng mặt của một cái tôi (vô ngã); điều này được thực hiện chủ yếu để sử dụng độ tinh khiết thiền định và sức mạnh của ý thức cho mục đích cao nhất: giải phóng bản ngã từ cái thấy sâu sắc; việc này giúp hành giả thoát khỏi sự tràn ngập ảo giác bởi bất kỳ những cảm xúc và ý nghĩ không kiểm soát được đi từ bởi kinh nghiệm của họ, và do đó sẽ có thể tránh đi sự lừa dối của kinh nghiệm ý thức.

Một thiền giả tốt trong Phật giáo, thông qua những trải nghiệm thiền định mà những gì y có là cái thấy không tùy thuộc, không có vị trí cố định để xác lập, như thác nước trôi chảy không ngừng, không có đối tượng hoặc chủ thể định vị, do đó trạng thái thần bí cao nhất của thiền giả không cung cấp cho sự tồn tại của một đấng tạo hóa duy nhất hay một vị thần khách quan điều động và chi phối cá nhân.

Do vậy, Phật giáo được xem như là “chủ nghĩa vô thần” đối với những người có tư tưởng độc lập hay những nhà Hữu thần, chỉ vì Phật giáo không tin tưởng vào một đấng sáng tạo, toàn năng và vĩnh cửu, đúng hơn đó là sự sáng tạo từ ý tưởng con người. Tuy nhiên quan niệm về “vô thần” trong Phật giáo không đồng với “vô thần” của những nhà thuần túy Duy vật hay Duy vật biện chứng. Học thuyết Phật giáo là sự hòa hợp giữa tâm và vật. Phật giáo không tán thành triết lý vật chất hủy diệt thuần túy (annihilationism-ucchedavata), đúng hơn nó là một lý thuyết sai lầm. Sáu cõi luân hồi và các cảnh giới Thánh hiền thanh tịnh đủ để chứng minh rằng quan điểm của Phật giáo không phải là sự hủy diệt hoàn toàn sau khi chết, mà là sự thay đổi không ngừng. Mỗi chúng sinh là một đấng sáng tạo muôn vẻ cho chính mình xuyên qua sự vô hạn của kiếp luân hồi. Học thuyết về “nghiệp” (karma) là chu kỳ của sự tạo tác và hình thành của tâm và vật đặt căn bản trên giáo lý nhân quả, tác động và chi phối sự hiện hữu của chúng sinh. Đức Phật không cung cấp một chủ nghĩa Hư vô, đồng nghĩa với đau khổ và không còn có con đường hy vọng. Chủ thuyết “không” (empty) trong đạo Phật chỉ là sự từ chối của bản ngã bất biến đã gây nên đau khổ cho con người. Ngược lại, nó là một giáo lý cứu rỗi (Niyyanika-Dharmma), giải thoát (vimutti), hoặc Niết bàn (Nirvana), là trạng thái hủy diệt hoàn toàn của tham, sân, si, những khổ đau của ngọn lửa dục vọng điên cuồng đang thiêu đốt chúng sinh. Tuy nhiên Niết bàn không phải là cảnh giới có chủ thể và đối tượng, vì vậy nó không đồng với hình thức và ý tưởng tạo lập của một đấng vĩnh hằng.

Phật giáo không phải là một kẻ thù của tôn giáo như là chủ nghĩa vô thần được thấy. Phật giáo, thực sự là kẻ thù của “không” (sự hủy diệt hoàn toàn). Người Phật tử là những người đại diện cho kiểu mẫu về các giá trị đạo đức, tinh thần và văn hóa trong các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, chúng ta có thể không thể nhắm kín đôi mắt của mình với các khái niệm về đấng sáng tạo-đã sử dụng quá thường xuyên thông qua với những con người quyền lực, tàn nhẫn…nhân danh tình yêu của đấng toàn năng đã gây nên sự chia rẽ, hận thù và tiêu hủy văn hóa bản địa. Những nghiên cứu và thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến đã bị cản trở và dập tắt trong danh xưng và tham vọng điên rồ cho sự phục vụ đấng tối cao đã và đang gây đau thương không ngừng cho nền hòa bình thế giới.

Không cần sự thưởng phạt của một đấng tối cao, giá trị đạo đức của Phật giáo trên căn bản năm giới cấm và mười điều thiện đã cung ứng cho quốc gia và xã hội một nền tảng đạo đức viên mãn. Không mù quáng và ảo tưởng trong niềm tin, dựa trên triết thuyết hợp lý sâu sắc và thí nghiệm từ sự thực hành mang tính khoa học, Phật tử tôn thờ đức Phật là bậc Thầy (Bổn sư) giác ngộ, một vị Thượng đế của lòng từ bi và trí tuệ. Họ nhìn nhận đức Phật như bản chất tiềm ẩn trong chính mình, đó là điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác.

Mặc dù Phật giáo được xem như là một tôn giáo, tuy nhiên lý thuyết, triết học và sự thực hành của nó vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo; Phật giáo đặt con người làm mục tiêu thể nghiệm sự khổ đau và sự giải thoát khổ đau ngay trong đời sống thay vì khái niệm hão huyền về một đấng Sáng tạo toàn năng và vĩnh cửu. Vì vậy, Phật giáo có thể dung nhiếp với các tôn giáo khác, tuy nhiên các tôn giáo khác không thể hợp nhất với Phật giáo; đó là một thực tế không thể tranh cãi.

Theo: Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay

Các tin đã đăng: