Chỉ một
câu, “tâm” xuất hiện ba lần với ba chức năng và phẩm giá khác nhau. “Tâm dẫn
đầu”, là trước và trên tâm không có ai cả. Là tâm tức con người có tâm ấy đầu
đội trời, chân đạp đất đứng giữa vòng vũ trụ bao la, thực thi thiên chức. “Tâm
dẫn đầu” cũng có nghĩa tự tâm đủ sáng suốt để thích ứng trước mọi thử thách của
hoàn cảnh, đủ tri thức để nhận rõ “vui thanh cao hay vui thô trược, buồn thanh
cao hay buồn thô trược, hay không vui không buồn thanh cao hoặc không vui không
buồn thô trược”. Nói gọn lại, “Tâm dẫn đầu”, là tâm trí tuệ, ý thức được vai
trò, tầm vóc của mình trước nhân sinh vũ trụ. “Tâm làm chủ” là tâm không
nghiêng ngả trước mọi ghềnh thác thế gian, mặc dù xung quanh đầy rẫy những ma
quỷ và hung thần xô đẩy. Là cái tâm “dũng giả vô cụ”, cái tâm đủ sức mạnh vượt
lên trên không sợ hãi để xốc tới. Đó là cái tâm đầy nghi lực và ý chí. “Tâm tạo
tác” là cái tâm thanh thản hoạt động, là đi vào thực hiện ước mơ hoài bão. Cái
gọi là “tạo tác” là hoạt động ở đây, theo luận lý của ngữ cảnh, nó đón nhận hai
luồng hào quang trực tiếp và bao trùm. Luồng hào quang trực tiếp là nó hoạt
động “tạo tác” dưới ánh sáng của “tâm trí tuệ” và “tâm đầy nghị lực ý chí”,
cũng tức nó tạo tác có lý tưởng. Luồng hào quang bao trùm là lý tưởng liệng cái
ngai vàng như liệng cái dép rách lằn vào muôn trùng gian khổ, tìm đường cứu độ
chúng sinh, đó là tâm vị tha đầy từ bi bác ái.
Văn
chương kinh sách, nhất là văn chương kinh sách nói về tâm, thì từng từ, từng
câu, từng hình ảnh nó lung linh lấp lánh những dấu ấn, những màu sắc, nhĩmg
đường nét của thế giới tâm linh thiên hình vạn trạng, để chỉ chín ký hiệu “tâm
dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác” mà hiện lên, nổi lên trước chúng ta một hình
tượng cao vọi giữa thế giới nhân sinh vũ trụ, với vầng trán lấp lánh trí tuệ
luôn tĩnh lặng thanh thản trước mọi tình huống éo le, với gương mặt sắc như sắt
thép mà cả ma quỷ và hung thần cũng run sợ, và với ánh mắt đầm ấm ôm ấp cả thế
gian. Nhất là tầm vóc ấy được đặt vào thế gian thiên hình vạn trạng của nghiệp
báo.
Nói năng
và hành động với tâm thanh tịnh, sự vui vẻ sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo
hình – Nói năng và hành động với tâm ô nhiễm, khổ đau sẽ theo nghiệp báo kéo
đến như bánh xe lăn theo dấu chân con thú kéo xe – Những ai không sa vào khoái
lạc, khôn khéo nhiếp hộ sáu căn, ăn uống sinh hoạt điều độ, vững tin và siêng
năng như gió thổi vào núi đá – Những ai chỉ lăn vào khoái lạc, không chịu nhiếp
hộ sáu căn, ăn uống sinh hoạt vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, chả khác cành
mềm trước cơn gió lốc – Dầu có kẻ lăng mạ, đánh đập, phá hoại, cướp đoạt ... mà
phớt qua được oán hận tự dứt sẽ thanh thản ung dung – Có ai đó lăng mạ, đánh
đập, phá hoại, cướp đoạt mà khư khư với oán thù, thì suốt đời day dứt khổ đau
là có nghĩa, giữa thế gian thiên hình vạn trạng, nghiệp báo này, là vui sướng
hay khổ đau, là vững vàng thọ trường như núi đá hay yếu mềm, yểu chết như cành
mềm trước bão tố, là thanh thản ung dung hay day dứt ưu phiền đều do nghiệp
báo, mà nguồn gốc của nghiệp báo là tự cách sống của mình, chứ không hề có yếu
tố ngoại lai xen vào. Nói như Hoài Nam Tử “Tích vu nhu tắc cương, tích vu nhược
tắc cường, quan kỳ sở tích chi hoạ phúc chi hương”, nhìn cách sống của anh,
biết được hoạ hay phúc, nghiệp báo ngày mai của anh. Vậy Đức Thế tôn chủ trương
“Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác”, là tự mình tạo một lý tưởng sống rất
trí tuệ, rất nghị lực và rất lương tâm, là tự mình tạo nguồn quả báo sướng vui,
vững chãi như núi đá. suốt đời thanh thản ung dung. Là tự mình tạo nghiệp quả
phúc, tuyệt nhiên không ngửa tay cầu xin ngoại lai.
Đức Thế
Tôn thuyết giáo “Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác” trong
bối cảnh nước Ấn Độ chia thành 4 giai cấp: Giáo sĩ, vua chúa, nông thương và nô
lệ hạ lưu với “một hệ thống nhất thần quyền dưới quyền điều khiển của một đấng
tối cao đủ uy linh ... và trở thành một tập tục truyền thống ở Ấn Độ là Phạm
Thiên, vị chúa tể đầu tiên có quyền năng sáng tạo muôn hình vạn trạng” (trang
25 “Sử cương triết học Ấn Độ”) mà trong đó lớp giáo sĩ và vua chúa dẫm đạp lên
quyền sống con người chả khác gì thú vật. Giữa lúc ấy Đức Thế Tôn (không đặt sự
tín ngưỡng vào kinh sách Veda và uy quyền sáng tạo của Phạm Thiên, mà đặt đức
tin vào con người “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác” là con người cao vọi
giữa thế giới nhân sinh vũ trụ, với vầng trán lấp lánh trí tuệ luôn tự “dẫn
đầu”, với gương mặt sắc như sắt thép đủ “làm chủ” trước cả lũ hung thần ma quỷ,
với ánh mắt đầm ấm trong mọi “tạo tác”. Rõ ràng, con người trong thuyết giáo
của Đức Thế Tôn có địa vị tôn nghiêm vượt lên trên 4 giai cấp xã hội Ấn Độ
đương thời và ngang hàng chúa tể Phạm Thiên, khi con người ấy tự quyết định
toàn bộ sự sống của đời mình, là cội nguồn nghiệp báo của toàn bộ sự sống của
đời mình.
Và khi
nhìn con người, tư cách sống của con người là cội nguồn nghiệp báo, Đức ThếTôn
nói thẳng đức tin rất lý tưởng: “Tự mình là nơi nương tựa của mình – không ai
khác có thể nương tựa được – khi tự mình đã trở nên thuần tịnh – là đạt được
nơi nương nhờ khó đạt”. Để rồi người chết lại “mỗi người là Thượng đế của chính
mình” (tiếp phần định nghĩa về Nghiệp).
Nhìn rộng
ra ta thấy, các tôn giáo khẳng định sự sống chết, vui buồn, thọ yểu, giàu nghèo
của con người do Thần thánh, Chúa trời, Thượng đế quyết định. Đức Thế Tôn lại
khẳng định con người quyết định toàn bộ mọi nỗi của đời mình. Rõ ràng, Đức Thế
Tôn đã tôn con người “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác” ngang tầm với Thần
thánh, Chúa trời, Thượng đế của các tôn giáo. Và thấy rõ ràng, đạo Phật, đạo
của Đức Thế Tôn là đạo con người.
Hình
tượng cao vọi giữa nhân sinh vũ trụ với vầng trán lấp lánh trí tuệ “dẫn đầu” và
gương mặt “làm chủ” sắc như ánh thép trong mọi “tạo tác” đầm ấm yêu thương,
hình tượng con người vượt lên trên bốn giai cấp xã hội Ấn Độ đương thời và
ngang tầm chúa tể Phạm Thiên, và hình tượng được Đức ThếTôn đặt nhiều hy vọng
“Mỗi người là Thượng đế của chính mình” là những luồng hào quang “ý tại ngôn
ngoại” của “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác”, cũng đồng thời là yêu cầu
tràn đầy trong lập giáo của Đức Thế Tôn.
(đăng trong Tạp chí
nghiên cứu Phật học – số 6 )