Vô Ngã
Minh Lạc
05/11/2011 07:38 (GMT+7)


Nhiều phái sáng tác ra những bộ kinh mới để bày tỏ lập trường của mình, nhưng muốn cho bộ kinh có nhiều uy tín, nên nói rằng kinh này chính do Đức Phật thuyết và cũng ghi bốn chữ Như Thị Ngã Văn ở đầu quyển kinh sách  mà nội dung có thể ngược lại với giáo lý của Đức Phật. Càng xa Phật kinh, điển càng nhiều, sai khác càng lắm, khiến những người mới bước chân vào ngưỡng cửa Phật học không biết làm sao phân biệt thật giả.

Đức Phật biết trước sự việc sẽ xảy ra như thế nên đã dạy các đệ tử một phương pháp đặc biệt để khảo sát kinh điển gọi là Tam Pháp Ấn, nghĩa là ba phép tắc để xác nhận sự chân chánh của một bộ kinh. Tam Pháp Ấn gồm có 3 điều:

Chư hành vô thường (Sabbe sankhara anicca)

Chư Pháp thị khổ (Sabbe dhamma dukkha)

Chư Pháp vô ngã (Sabbe dhamma anatta)

Những bộ kinh nào chứa đựng 3 điều trên đây là kinh do Phật nói hoặc hợp với giáo-lý của Phật; nếu thiếu một trong ba điều thì không phải kinh điển của Đức Phật. Phương pháp khảo sát này ví như một cây thước hình lăng trụ có 3 mặt, một mặt tượng trưng cho luật vô thường, một mặt là lý vô ngã, còn một mặt nói về sự khổ của thế gian. Khi gặp một bộ kinh nào cần khảo sát, các đệ tử đem cây thước Tam Pháp Ấn ra dùng, đo mặt này đúng rồi lật qua mặt khác, nếu cả 3 mặt đều đúng thì đó là kinh của Phật. Tam Pháp Ấn được ví như 3 con dấu đóng trên một văn kiện để chứng nhận sự đúng đắn của văn kiện đó, phải đủ 3 dấu, thiếu một không được. Những người nào hiểu được và nắm vững được Tam Pháp Ấn, sống theo Tam Pháp Ấn thì người đó đã nắm được bí quyết để tìm ra giải đáp của bài toán về nhân sinh và vũ trụ, người đó đã có chìa khóa để mở cửa đi vào chốn giác ngộ và giải thoát.

Chư hành vô thường (Sabbe sankhara anicca)

Chữ hành (sankhara) ở đây không có nghĩa là làm, mà có nghĩa là những gì tụ tập mà thành, hòa hợp mà có, biến dịch luôn luôn. Tất cả những “hành” đều vô thường, nghĩa là không thừong trú, chỉ là giả có trong một khoảng thời gian và không gian, không có thực thể và luôn luôn biến đổi, đủ duyên thì hiện, hết duyên thì ẩn, trước có sau không, chẳng bền vững, chẳng có thật. Những “hành” đó là sản phẩm của những sự vật đã có từ trước và chúng sẽ tạo ra những sự vật sẽ có sau này. Tóm lại, tất cả đều do liên tập (interdépendance) mà ra, không đứng tự lập riêng biệt một mình được. Có hợp thì có tan, có thành thì có hoại, vì vậy nên gọi là vô thường.

Chư Pháp thị khổ (Sabbe dhamma dukkha)

Chữ pháp (dhamma) có nghĩa rộng hơn chữ hành nhiều, và trong Phật-giáo, không có danh từ nào lại có nghĩa rộng hơn chữ pháp. Nó bao gồm tất cả sự vật hữu hình, vô hình, những vật có thật hay không có thật (lông rùa, sừng thỏ) những trạng thái tâm linh tương đối hay tuyệt đối.... Nói cho gọn, tất cả mọi sự mọi vật đều gọi chung là pháp.

Chữ Dukkha có nhiều nghĩa, người ta có thể đứng về 3 phương diện: triết-học, tâm lý, vật lý, và dùng nhiều danh từ để dịch chữ dukkha; thông thường nhất, người ta dịch dukkha là khổ đau, sầu não, buồn bực; nhưng trong phạm vi  Tam Pháp Ấn, ý nghĩa đúng hơn hết của danh từ dukkha là sự bất mãn, không hài lòng (Unhappiness, unstisfactoriness), bao hàm nhữngý nghĩa sâu xa hơn, như vô thường, giả huyển.

Tất cả các pháp đã vô thường thì đó là nguồn gốc của bất mãn và khổ đau. Người ta thường nói: đời là bể khổ. Phật-giáo cũng dạy ba điều khổ (khổ khổ, hành khổ, hoại khổ), hoặc tám điều khổ (sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ầcu mong mà không được là khổ, yêu thương mà chia lìa là khổ, oán ghét mà chung đụng là khổ, ngũ ấm không điều hòa bốc lên rừng rực là khổ), nhưng ở đây chúngtôi muốn đứng về khía cạnh tríêt học mà phân tích chữ Dukkha. Đức Phật dạy: “Năm uẩn trói buộc là Dukkha, Dukkha chính là năm uẩn họp lại thành cái ta và các pháp. Khi hết duyên, hết các điều kiện cần và đủ (conditions necessaires et suffisantes) thì năm uẩn rời rã, các pháp tan biến, cái ta không còn. Chúng ta thương yêu thân ta, chúng ta yêu của cải, danh vọng, gia đình thân thuộc của ta (Ngã và ngã sở) chúng ta mong tất cả đều tốt đẹp, đều bền vững, đều làm vừa ý ta, nhưng mỗi khi vật đổi sao dời, những việc trái ý nghịch lòng xảy đến thì chúng ta đau khổ, bất mãn; chỉ vì chúng ta bám víu vào các pháp nên chúng ta bị cái khổ lôi cuốn, nhận chìm trong bể ái dục. Đức Phật hỏi một đệ tử: “Sắc là thường hay vô thường?”. Đệ tử thưa: “Bạch Thế Tôn, vô thường”. Phật hỏi tiếp: “Cái gì vô thường làm người ta thỏa mãn hay bất mãn?”. Tất cả các pháp đều vô thường, đều gây bất mãn, đều là khổ, đó chính là ý nghĩa của Pháp Ấn thứ hai: chư pháp thị khổ.

Chư Pháp vô ngã (Sabbe dhamma anatta)

Lý vô ngã đã làm rất nhiều người hiểu lầm Phật-giáo, cho rằng Phật-giáo là ngụy biện hư vô, ai cũng có thân thể mà sao lại nói là vô ngã? Giáo-lý Đức Phật dạy rằng: cái thân của ta là do tứ đại hợp thành, có sinh có diệt, thân ta sống trên đời nhiều lắm là 100 năm, nó là cái giả tạm phù du, không phải cái ngã trường tồn bất biến. Hơn nữa, ta không làm chủ được thân ta, ta không thể giữ nó trẻ đẹp mãi, không bệnh, không suy, thân ta phải chịu sự chi phối của luật vô thường, chịu nhiều điều đau khổ thì nó không phải là của ta, nó không là tự ngã của ta, cái ta thật nhứt định không phải là cái thân ấy.

Nếu nói linh hồn là tự ngã thì lại càng sai; nhiều người thường lầm tưởng là con người có một linh hồn bất diệt, chuyển từ thân này sang thân khác sau khi chết, ví như con sâu rời bỏ chiếc lá này để bò sang lá khác Phật-giáo chủ trương không có linh hồn bất diệt và con người do ngũ uẩn tạo thành, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan, không lưu lại cái gì trường tồn bất biến cả. Linh hồn hay là “thức” chỉ là sự hiểu biết phát sinh do sự phối hợp của căn và trần. Căn và trần đều vô thường vô ngã thì thức cũng vô ngã vô thường theo, không thể nào tồn tại vĩnh viễn được; sau khi chết, lục căn tan rã, lục thức cũng tiêu diệt theo.

Đến đây lại có người cho rằng lý vô ngã đưa đến hư vô chủ nghĩa; con người sau khi chết không còn gì cả, không luân hồi, không nhân quả. Sự thật trái hẳn; lý vô ngã chống đối tà thuyết thường kiến (có linh hồn bất diệt) và chống luôn cả tà thuyết đoạn kiến (sau khi chết không còn gì cả). Lý vô ngã là trung đạo đưa ra một sự thật được phát hiện nhờ sự phân tích vạn vật một cách thấu đáo.

Ngoài con người, các vật khác cũng vậy, từ động vật qua thực vật đến khoáng chất, từ thế giới vật lý đến tâm lý, tất cả đều biến chuyển, đều vô ngã. Tất cả các pháp đều vô ngã, nghĩa là không có chủ thể, không đứng riêng biệt một mình, không cái gì trường tồn bất biến gọi là ta (hoặc linh hồn) bỏ thân này đầu thai sang thân khác, ví như người bỏ áo cũ để mặc áo mới. Vạn vật mà có là do nhiều duyên hợp lại, tương tùy tương sinh; khi hết duyên thì ta rã, không có tự thể, mà cũng không do một Đấng nào muốn tạo là có, muốn hủy là diệt. Câu truyện giữa Na-Tiên tỳ-kheo và vua Milinda đã làm sáng tỏ vấn đề vô ngã. Cái ta là gì? Chỉ không được. Cái ta không phải đầu, không phải bộ óc, không phải trái tim, không phải tư tưởng, không phải tâm thức, mà cũng không phải cái tên do cha mẹ đặt cho; tất cả những bộ phận vật chất và phần tinh thần hợp lại tạo thành một cái tạm gọi là ta (Ngã). Cái ta này không thật, nó giả hợp, không trường tồn bất biến, vì khi thiếu những điều kiện để tạo thành thì cái ta tan rã, không còn gì cả. Danh từ Phật-học gọi đó là Giả Danh Ngã.

Một thí dụ khác: cái xe được tạo ra bằng những bộ phận rời: thùng, bánh, tay cầm, sắt, đồng, gỗ... Khi chúng kết hợp thì ta có một vật để vận chuyển đặt tên là cái xe, khi những bộ phận rời rã thì không còn gì là cái xe cả. Cái nhả cũng vậy, gồm có gạch, ngói, cát, vôi, hồ, sắt, gỗ... chồng chất lên nhau, nương tựa vào nhau, tạo thành một vật để che mưa nắng gió bão, chúng ta đặt tên là cái nhà; rồi khi bị bom đạn tàn phá, lửa cháy nước trôi, những bộ phận bị tan rã, đổ nát, không còn gì là cái nhà nữa.

Từ những thí dụ trên, chúng ta nhận thấy vô ngã bao gồm luôn vô thường, vì đã vô ngã dĩ nhiên là vô thường, và đã vô thường thì dĩ nhiên là vô ngã; chúng ta  có thể tạm phân biệt vô ngã là đứng về khôg gian, thể tánh mà nói, còn vô thường là đứng về thời gian mà luận, nhưng muốn giản dị, chúng ta có thể viết theo công thức toán học: Vô Ngã = Vô Thường.

Xem như vậy thì tuy nói là Tam Pháp Ấn, nhưng đúc kết lại thì chỉ một điều kiện cũng đủ: đó là vô ngã, vì vô ngã bao gồm luôn vô thường và khổ. Chúng ta có thể nói vô ngã là chỗ lập cước căn bản của Phật-giáo, và lìa vô ngã thì không còn là Phật-giáo.

Đức Phật đưa ra lý vô ngã là để đối nghịch với thuyết hữu ngã của Bà-la-Môn giáo đang thịnh hành lúc bấy giờ. Bà-la-Môn giáo chủ trương có một nguyên lý đầu tiên sáng lập ra vũ trụ gọi là Brahman hay Đại Ngã; nguyên lý này trường tồn bất biến, tuyệt đối, vô hình vô tướng, nhưng được biểu hiện nhân-cách-hóa bằng một vị Thượng-Đế Tối Cao gọi là Brahma, toàn trí toàn năng. Brahma sáng tạo ra vũ trụ vạn vật. Trong mỗi người chúng ta đều có một phần rất nhỏ của Đại Ngã tiềm ẩn gọi là Tiểu Ngã (Atman). Bản chất của Đại Ngã và Tiểu Ngã là một, đồng tính chất, chỉ khác nhau ở sự thể hiện bên ngoài mà thôi. Ngã là một thực thể vĩnh cửu bất biến và không bao giờ hòa hợp với một vật gì khác ngoài chính nó. Con người muốn giải thoát phải làm sao cho Tiểu Ngã nhập một với Đại Ngã, bằng những phương pháp tu luyện, thiền định, suy gẫm, để thấu hiểu những vấn đề siêu hình. Trong khi chờ đợi sự thăng hóa cùng tột đó, Tiểu Ngã bị luân hồi, bỏ xác này sang xác khác, khi lên khi xuống tùy theo nghiệp lực, hành động thiện hay ác. Mọi việc làm thiện của chúng ta gây ra một sức mạnh lôi kéo chúng ta hướng về đường lành và mọi việc ác gây ra một sức mạnh lôi cuốn chúng ta hướng về nẻo dữ. Sức lôi cuốn đó gọi là nghiệp lực. Tiểu Ngã được ví như một khách lữ hành rời quán trọ này sang quán khác, bỏ quần áo cũ để mặc quần áo mới, hoặc ví như tài tử sân khấu bỏ vai tuồng này sắm vai trò khác. Tiểu Ngã cứ trôi lăn mãi trong vòng luân hồi, lãnh hội những bài học quý giá, thâu nhập những kinh nghiệm tốt lành, cho đế khi nào nhập một với Đại Ngã thì được giải thoát.

Phật-giáo chấp nhận thuyết luân hồi, nhưng cực lực chống đối thuyết hữu ngã (có linh hồn bất diệt); Phật-giáo chủ trương vô ngã. Con người hay cái ta chỉ là một bộ máy sắc tâm (appareil physicopsychique) do ngũ uẩn hợp thành, các duyên hòa hợp mà có, đủ điều kiện thì sinh, hết duyên thì diệt, trước có sau không, luôn luôn thay đổi biến chuyển, vô thường, vậy vô ngã. Đến đây một câu hỏi tự nhiên được đặt ra: “Nếu chấp nhận luân hồi và vô ngã thì cái gì luân hồi, cái gì liên lạc giữa hai đời sống nối tiếp nhau?”.

Một số Phật-tử cho rằng đó là thức, một trong năm uẩn cấu tạo nên con người. Đức Phật bác bỏ và dạy rằng: “Người nghe ta nói ở đâu rằng thức thường còn và luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác? Thức được phát sinh khi căn tiếp xúc với trần, và trái lại thức biến đi khi một trong hai điều kiện (căn hoặc trần) bị thiếu. Thức tùy thuộc căn và trần, vậy nó không thể hiện hữu và tồn tại một cách độc lập được”.

Phật còn dạy trong kinh A-Hàm: “Có nghiệp báo nhưng không có người tạo; khi ngũ uẩn này diệt, ngũ uẩn khác tương tục sinh khởi”. Tất cả mọi vật đều biến chuyển như giòng thá đổ, không phút nào ngừng; giòng thác tiếp tục chảy, cuốn theo mọi vật, những giọt nước được tạo thành, trồi lên ngụp xuống thành những đợt sóng, đợt này xô đẩy đợt kia, tan rồi lại hợp, chảy mau hay chậm tùy theo luồng gió, chiều dốc của đất, tùy theo những chướng ngại vật mà giòng nước cuốn quanh. Một làn sóng biến đi tạo điều kiện cho một làn sóng khác xuất hiện kế tiếp nhau, nhân thành quả, quả trở lại thành nhân. Con người cũng vậy, do nghiệp lực đưa đẩy mà luân hồi trong ba cõi sáu đường, thân này chết đi tạo điều kiện cho thân xác xuất hiện tiếp nối.

Nếu vô ngã thì cái gì luân hồi? Trong Vissuddhi Magga, Ngài Buddhaghosa viết: Có nghiệp, nhưng không có kẻ tạo; có báo, nhưng không có kẻ thọ; chỉ có giòng nghiệp báo triền miên. Ngài viết thêm: Nghiệp báo là một luật tự hành, tự ứng, không cần có sự can thiệp của một ngoại lực nào, không cần phải dựa vào vật gì. Cái tiềm lực báo ứng nằm ngay trong nghiệp, hễ có nhân là có quả, và nhân nào quả nấy. Trong ngũ uẩn tạo ra con người thì hành uẩn tạo nghiệp, thọ uẩn lãnh chịu những báo ứng của nghiệp; ngoài những uẩn ấy, ngoài những tâm trạng ấy, không có kẻ nào gieo, người nào gặt hết.

Chúng ta có thể hiểu là chỉ có một sự lưu chuyển nghiệp lực của cá thể trước để tạo thành một cá thể sau, chứ không có sự lưu chuyển thức hay ngã được. Chỉ có sự lưu chuyển ảnh hưởng của mọi hành động tạo tác chứ không có ngã hay thức bị luân hồi.

Trong dòng thác, một giọt nước tan đi, nhập làm một với biển cả, rồi nhờ nhiều điều kiện: gió, bụi, sức đẩy, trọng lực,... cấu tạo một giọt nước khác được tạo ra. Con người cũng vậy, khi chết thì ngũ uẩn tan rã, rồi do nghiệp lực thúc đẩy, các duyên tụ họp ngũ uẩn hoà hợp để tạo thành một người khác. Người sau này có phải là người trước không? Xin đáp: Không và có. Không, vì người sau có tên họ khác, mầu da khác, tiếng nói khác.... Có, vì người sau có nghiệp lực của người trước mà có; nếu không có người trước thì không có người sau. Nhưng điều quan trọng cần nhớ rõ là nghiệp lực không hình không tướng, chuyển từ kiếp trước sang kiếp sau theo một sức hút tự nhiên, không do một Đấng nào điều khiển, không một ngã trường tồn.

Phật-giáo căn cứ vào tâm lý mà giảng thuyết vô ngã, phân tích tâm thành những hiện tượng phức tạp là Tâm Vương và Tâm Sở, rồi quy định các luật nhân duyên sinh khởi của chúng. Tuy Phật-giáo chia ra làm nhiều bộ phái, có phái chủ trương ngã không pháp hữu, có phái chủ trương ngã pháp câu không, tất cả đều đồng ý về vấn đề vô ngã. Về sau, có một số rất ít bộ phái Phật-giáo chủ trương hữu ngã để giải thích luân hồi, nhưng không được mấy người theo và không tồn tại được bao năm.

Để giải đáp câu hỏi: “Cái gì làm mối liên lạc giữa hai đời sống?” Phật chỉ trả lời: “Nghiệp”, và không qui định và giải thích rõ ràng. Các bộ phái Phật-giáo sau này cố gắng giải thích và chia ra thành 2 khuynh hướng:

1) Phái Cơ Giới Luận lấy thí dụ lửa từ cây nhang nầy bắt cháy sang cây nhang khác, liên tục vô cùng; khi cây nhang hết thì lửa cũng không còn; lửa không phải là một thực tại bất biến, nó tàn lụi theo cây nhang và di chuyển cái sức đốt cháy sang cây nhang khác. Đây là một sự di chuyển ảnh hưởng chứ không có di chuyển vật thể.

2) Phái Độc-Tử-Bộ thành lập một thứ ngã gọi là “không phải uẩn cũng không phải rời uẩn” (phi tức uẩn phi ly uẩn ngã). Thứ ngã đặc biệt này được phái Độc-Tử-Bộ gọi bằng danh từ Thắng Nghĩa Ngã. Cái ngã này, không phải là ngũ uẩn đã đành, mà cũng không phải do sự tổ hợp của ngũ uẩn, nhưng lìa bỏ ngũ uẩn thì không tìm ra nó. Sự liên hệ giữa uẩn và ngã giống như sự liên hệ giữa nước và sóng, nước không phải là sóng, nhưng lìa nước không tìm ra sóng, hoặc sự liên hệ giữa nhiên liệu và lửa, nhiên liệu không phải là lửa, nhưng lìa nhiên liệu tìm lửa không ra.

Độc-Tử-Bộ cho rằng bản thể của Ngã là bất khả thuyết, không thể nói ra được, người tu hành chỉ do công phu tự chứng mà thôi. Phái này bị các nhà Phật-học đả kích kịch liệt, cho rằng đó là chủ trương của những người ngoại đạo báo vào Phật-giáo, nhưng chúng ta cũng phải thành thực nhìn nhận cái ngã phi tức uẩn phi ly uẩn của Độc-Tử-Bộ là hạt giống, là tư tưởng làm phát sinh ra thuyết A-lại-da-thức của Duy-thức-học sau này, và Độc-Tử-Bộ đã cố gắng vượt khỏi hai thái cực thiên chấp là đoạn kiến và thường kiến.

Đến đây, chúng ta đã thấy rõ sự khác biệt căn bản giữa hữu ngã của Bà-la-môn giáo và vô ngã của Phật-giáo. Bà-la-môn giáo quan niệm hữu ngã (Đại Ngã và Tiểu Ngã) thường còn bất biến, và y vào đó để phân chia giai cấp. Để đả phá quan niệm sai lầm đó, để san bằng mọi phân cách giai cấp và chủng tộc, Đức Phật đưa ra thuyết vô ngã, chủ trương không có cáo ngã nào là thường còn bất biến cả. Nhưng đối với những đệ tử đã thâm nhập lý vô ngã rồi, thì sau này Đức Phật lại dạy cho họ cái Chơn Ngã tuyệt đối, một trong tứ đức Niết-Bàn, cái Chơn Ngã mà khi xuất thế, Ngài đã nói ra trong câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Ngã đây là Chơn Ngã, Chơn Lý tuyệt đối, chứ không phải cái ta hẹp hòi, ích kỹ mà nhiều người đã lầm tưởng.

Lý thuyết vô ngã đã dạy cho chúng ta nhận biết bộ mặt thật của mọi sự mọi vật, đã vạch cho chúng ta con đường cân chánh phải theo, đã chỉ cho chúng ta thái độ đúng đắn phải có; lý thuyết vô ngã đã mở mắt cho chúng ta trước sự thật phũ phàng, đã phân tích dùm chúng ta những nguyên nhân của những căn bệnh tâm của con người và chỉ bày những phương thuốc để chửa những bệnh đó. Trong những bài sau, chúng ta sẽ bàn đến những căn bệnh của thời đại như: sợ hãi, ích kỷ, chiến tranh, giáo dục.... mà lý vô ngã sẽ giúp chúng ta giải quyết một cách dễ dàng, nhẹ nhàng và hợp tình hợp lý.

(đăng trong tạp chí Từ Quang, số 190-191, tháng 6 & 7 năm 1968)
WP: Mỹ Hồ
Nguyệt San Liên Hoa Số 305 Tháng 5 năm 2003
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen Thực Hiện


Các tin đã đăng: