Lược Giải Tranh Chăn Trâu Thiền Tông
31/10/2011 04:45 (GMT+7)


Do chủ trương nầy, chư thiền sư đã diễn tả quá trình tu tập bằng những bức tranh chăn trâu, mà người hành giả có thể nương vào đó để thâm nhập đạo mầu. Tranh chăn trâu có nhiều loại, loại sáu bức cổ nhất đã thất truyền, loại được truyền tụng nhiều nhất là 10 bức tranh chăn trâu kèm theo thi kệ dẫn giải của thiền sư Quách Am. Để có một nhận định về quá trình tu tâm, xin quý vị tự chiêm ngưỡng tranh, tụng kệ hướng dẫn và suy gẫm. Các bài kệ dẫn giải, trừ bài 3 và 4, đều trích dẫn từ bản dịch của hòa thượng Quảng Độ. Ngoài ra, tác giả mạo muội đóng góp phần lý giải ngắn gọn bằng sự hiểu biết thô thiển của mình, tác giả rất mong được những bậc cao nhân chỉ giáo, những điểm lầm lạc.




* Tranh 1: Tìm trâu (tầm ngưu):

Kệ:     Nước biếc non xanh nhuộm một mầu

          Um tùm lối cỏ biết tìm đâu?

          Hơi tàn chân mỏi, hồn hiu quạnh

          Chiều xuống ve kêu gợi nỗi sầu.

Lý giải:

Hành giả biết tu là điều phục tâm, nhưng tâm là cái gì? trốn ở đâu? làm sao ta tìm ra được để điều phục? Hắn nhọc lòng tìm tâm trong cuộc đời, trong chùa chiền, trong rừng kinh điển, nhưng tâm là thứ không có ngữ ngôn nào mô tả nỗi, nên càng tìm kiếm bên ngoài, hắn càng phân vân chẳng biết đâu là đầu mối!

* Tranh 2: Thấy dấu chân trâu (kiến tích):

Kệ:     Ven suối bìa rừng in dấu chân

          Hỏi tin hoa lá đứng tần ngần

          Trời xa, ráng nhạt mờ sương khói

          Núi thẩm rừng sâu một chiếc thân           

Lý giải:

Nhờ kinh điển, thầy bạn hướng dẫn, hắn bắt đầu hiểu là phải tự tìm kiếm tâm ở bên trong. Tranh vẽ hành giả hăng hái tìm trâu một mình không còn cảnh bên ngoài. Vọng tâm (tức con trâu) vô hình khó thấy bóng dáng, nhưng nhờ biết quan sát hắn bắt đầu khám phá được những dấu vết mà con trâu tâm còn để lại trong cuộc đời. Tâm tham, tâm sân, tâm thương ghét... biến dạng, nhưng dấu vết tai hại, những đổ vở chua xót do nó gây ra vẫn còn lưu lại đâu đó. Đầu mối của con trâu tâm đây rồi, sự nghiệp chăn trâu cũng bắt đầu từ đây.

* Tranh 3: Thấy trâu (kiến ngưu):

Kệ:     Trên cành ríu rít tiếng vàng anh

          Liễu xanh nắng ấm gió mong manh

          Bóng trâu thoáng thấy đâu dễ trốn

          Đầu sừng rối rắm vẽ không thành.

                             (tác giả phỏng dịch)

Lý giải:

Đến đây, người hành giả, nhờ tiếp tục quan sát mình đã thấy được phần nào bóng dáng của vọng tâm, hắn có thể chợt thấy tâm sân, tham... của mình còn chất chứa trong lòng, nhưng khi tâm tham, tâm sân đó khởi đầu xuất hiện thì hắn chưa đủ khả năng khám phá. Tranh vẽ trâu chỉ mới thấy phần đuôi, còn phần đầu và sừng theo kệ của thiền sư Quách Am rắc rối quá nên vẽ không thành.

*Tranh 4: Được trâu (đắc ngưu):

Kệ:     Trăm đường mới chộp được mi

          Cứng đầu hăng tiết chưa qui thuận nào

          Thoảng khi lỡ bước đồi cao

          Mãi mê mây nỗi dạt dào buông lung

                             (phỏng theo Tuệ Sỹ)                    

Lý giải:

Trâu bao giờ cũng vậy, chẳng hề trốn đi đâu, chỉ vì ta không biết quán sát, nên tưởng là mất trâu và phải đi tìm. Trâu đã hiện nguyên hình nhưng vẫn còn quen thói hoang đàng ngang bướng, do đó, phải dùng giây xỏ ngàm, canh giữ nghiêm nhặt và dùng roi vọt trừng trị, thì mới tránh việc sơ sẩy, trâu vuột giây vàm gây tai họa. Hành giả đã quán thấy niệm khởi thì phải cố gắng cột “trâu tâm” một chỗ (giây vàm) không để tâm lăng xăng loạn động, việc làm nầy phải được hỗ trợ bằng giới (roi), và sự chuyên cần tinh tấn (tay cầm giây vàm, mắt đăm đăm nhìn)... Giai đoạn xỏ mũi trâu và dạy dỗ trâu tuy chỉ mô tả bằng một bước tranh nhưng những kẻ tu hành mấy mươi năm, mấy ai giữ tâm đứng yên một chỗ, trong khi đó, chỉ một phút lơ là, thì vọng tâm đã vùng lên lăng xăng sinh khởi như cũ. Nội dung kệ “đắc ngưu” câu 3 và 4, thiền sư Quách Am đã nhắc nhở chúng ta điều đó.

* Tranh 5: Chăn trâu (mục ngưu):

Kệ:     Sợ quen đường cũ lại đi hoang

          Từng phút, từng giây phải buộc ràng

          Đến một ngày kia nên thuần thục

          Tha hồ trời rộng bước thênh thang.

Lý giải:

Tuy vẫn cần dẫn dắc, giây vàm và roi cầm tay, nhưng trâu tương đối đã thuần, đầu không còn nhìn ngược xuôi toan tính chuyện buông lung phá hại ruộng lúa của người.

Sở ngộ của thiền sư Đại An núi Qui có lẽ tương ứng với giai đoạn cuối cùng của bức tranh nầy. Thiền sư tuyên bố: “Sở dĩ Đại An nầy ở tại núi Qui 30 năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui, mà không học thiền núi Qui, vìø chỉ làm công việc coi chừng trâu mà thôi. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ bèn lôi nó lại, nó ăn lúa mạ của người liền đánh đập nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi”. Ở đây, trâu tâm đã thuần, đứng yên, nhưng chưa mềm mỏng để ung dung cỡi về nhà...

* Tranh 6: Cỡi trâu về nhà (kỵ ngưu quy gia):

Kệ:     Cỡi trâu lững thững trở về nhà

          Tiếng địch chiều thu tiển ráng xa

          Bát ngát bốn bề hương trầm tỏa

          Tri âm nào biết cõi lòng ta.

Lý giải:

Trâu hoàn toàn thuần phục thì giây vàm và roi không còn cần thiết, mục đồng thông thả ngồi trên lưng trâu thổi khúc sáo đồng, an vui trở về nhà. Khi vọng tâm đã được điều phục thì công phu và giới luật cũng không cần thiết nữa, chư thiền sư có thể phát ra ngôn ngữ và hành động lạ lùng, tưởng như ra ngoài giới luật, mà thật ra tâm họ vẫn an nhiên không vọng động. Cỡi trâu về nhà nghĩa là trở về với chính mình, không còn nương vào ngoại cảnh để điều phục tâm nữa, nên tranh vẽ chỉ có người và trâu, không cảnh vật. Trở lại tranh số 5 mục ngưu, ta thấy có vẽ ngoại cảnh vì trong giai đoạn chế phục tâm nầy, hành giả cần phải nhập chúng và liên hệ với xã hội..., có chung đụng thì hành giả mới giảo nghiệm xem tâm mình có còn bị trần cảnh lung lạc không?

* Tranh 7: Quên trâu còn người (vong ngưu tồn nhân):

Kệ:     Cỡi trâu giờ đã đến nhà rồi.

          Roi gác, trâu buông, ngủ thảnh thơi

          Rực rỡ vừng hồng còn dệt mộng

          Trong gian nhà cỏ, một mình thôi.

Lý giải:

Về nhà rồi, buông bỏ roi, giây vàm, buông bỏ trâu, người mục đồng thảnh thơi nằm ngủ. Do tâm khởi vọng nên mới thấy được tâm, một khi tâm không khởi vọng nữa thì bóng dáng tâm cũng biến mất. Nếu không khởi vọng mà bóng tâm vẫn còn, chỉ vì ta chấp tâm vọng là “có”ù chưa chịu buông bỏ nó. Trở về nhà tức quán chiếu tự tâm, để thấy vọng tâm không thật nên buông bỏ thì bóng trâu tâm đương nhiên mất dạng. Ta nên lưu ý là hành giả phải buông bỏ tâm ác và cả tâm thiện nữa, vì thiện vẫn là vọng chớ chưa là chơn. Tổ Nam Tuyền đi thăm trang trại dưới núi thấy trang chủ đã sẵn sàng chuẩn bị để đón rước, hỏi lý do thì trang chủ thưa: “Hôm qua có thổ địa mách nên biết hôm nay Hòa thượng đến”. Tổ Nam Tuyền than: “Thầy già họ Vương nầy tu hành vô lực bị quỷ thần thấy tâm”. Thiền sư Đạo Ưng ở Nam Phong được thiên thần cúng dường, nhưng lại bị tổ Động Sơn khiển trách là vẫn chưa được kiến giải. Buổi chiều Đạo Ưng đến tham vấn thì Động Sơn gọi: “Ưng am chủ”. Đáp “Dạ”. Động Sơn bảo: “Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác là gì?”. Đạo Ưng trở về am ngồi lặng lẽ, Thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng dường. Lắm khi con trâu tâm tưởng đã biến mất hẳn rồi, nhưng khi đối cảnh, nhất thời cũng hiện trở ra. Xin đơn cử trường hợp Ngài Động Sơn Lương Giới như sau: Một hôm tổ thấy cơm gạo bị rơi rớt tại nhà bếp, nên cất tiếng rầy dạy đệ tử “Của đàn na thí chủ không nên hủy hoại”. Ngài vừa dứt lời, bỗng có vị thần hiện ra, quỳ trước mặt. Ngài hỏi “Oâng là ai”. Thần thưa “Con là thần Thổ địa, trong ba mươi năm nay con chỉ nghe tiếng nói của Ngài, nay nhờ Ngài rầy đệ tử mới thấy được Ngài, nên vội xin yết kiến”. (Trong 30 năm, tâm tổ lặng lẽ an nhiên quỷ thần không thấy được Ngài, khi tổ động tâm rầy đệ tử hủy hoại của tín thí, quỷ thần mới thấy được)

Tranh nầy có lẽ phản ảnh đúng theo sở đắc và tâm trạng của Thần Quang khi Ngài thỉnh cầu Đạt Ma tổ sư dạy “phép an tâm”: Đạt Ma bảo “Đưa tâm đây ta an cho”, Thần Quang ngần ngừ rồi đáp “Con kiếm mãi chẳng thấy tâm đâu”. Tổ dạy “Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”. Thần Quang liền ngộ đạo. (Thần Quang dày công tu tập không tạo nghiệp, không khởi tâm thiện ác... nhưng bóng vọng tâm vẫn còn lảng vảng chỉ vì chưa buông bỏ, và do đó tâm không an. Khi được Đạt Ma hỏi, sư sực tỉnh nên quán sát kỹ, buông bỏ, bóng dáng vọng tâm biến mất và được an tâm).

* Tranh thứ 8: Người trâu đều quên (nhân ngưu câu vong):

Kệ:     Trâu, người, nhà, cỏ thảy đều không?

          Lồng lộng trời xanh tin chẳng thông

          Sợi tuyết trên lò đang rực lửa

          Đến được đấy rồi hợp tổ tông.

Lý giải:         

Vọng tâm biến dạng thì chân tâm hiển bày. Đây là chỗ mà chư tổ chứng ngộ, “kiến tánh” thấy rõ bản lai diện mục vô thủy vô chung,”bổn lai vô nhất vật”, là lãnh vực vô ngôn, không thể nghĩ bàn, không mô tả được... nên chỉ tạm tượng trưng bằng một vòng tròn.

Tranh nầy có lẽ phản ảnh đúng theo sở ngộ của Ngài Huệ Năng. Khi vừa nghe ngũ tổ giảng đến câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền bạch với thầy mình: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh! Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt! Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ! Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lai động! Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp”.

Cũng chỉ nằm trong phạm vi bức tranh nầy thôi, nhưng chỗ sở đắc của chư thiền sư có mức độ nông sâu rất rõ rệt. Thí dụ điển hình là câu chuyện trình sở đắc của môn đồ Ngài Đạt Ma:

- Ni Tổng Trì đã thấy tự tánh một lần, rồi không thấy nữa, nên có thể hiểu là mới đến ngưỡng cửa chớ chưa thật sự bước vào.

- Ngài Đạo Dục thực sự bước vào thấy được phần chân không nhưng chưa thực sự tiếp xúc diệu hữu, nên cái thấy vẫn còn giới hạn ở chỗ “bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có...”

- Riêng Ngài Huệ Khả đã đạt đến chỗ cùng tột không thể nghĩ bàn nên mới lặng lẽ lễ tổ Đạt Ma, rồi đứng qua một bên để trình sở đắc của mình.

Trong bộ tranh chăn trâu, tranh vẽ Vòng tròn thuở mới xuất hiện có tên là “Vòng tròn Viên Giác”, sau mới đổi lại là “Người trâu đều quên” cùng một lượt với sự xuất hiện của tranh 9 và 10. Xin xem phần bổ túc trong dấu ngoặc nếu thấy cần thiết.

(Ghi chú sơ lược về sự xuất hiện tranh 9 và 10: Tranh chăn trâu cổ xưa nhất có 6 bức, rồi bổ túc thêm lần lần thành 10 bức do nhiều tu sĩ đại thừa khác tông phái sáng tác. Dù sáu hay mười thì bức tranh chót cũng vẽ một vòng tròn tượng trưng cho sự viên giác. Đến thế kỷ thứ 12, thiền sư Quốc Aán, giòng Lâm Tế cho rằng tranh chấm dứt với vòng tròn Viên Giác dễ khiến cho thiền sinh lầm lẫn dừng lại nửa đường, nên mới sáng tác thêm hai bức 9 và 10. Từ đó, tranh chăn trâu thiền tông mang một sắc thái riêng, so với tranh chăn trâu đại thừa.

Vòng tròn Viên Giác của tranh xưa tượng trưng cho Pháp tánh, chân tâm diệu minh, là chân lý tuyệt đối không thể nghĩ bàn, là cứu cánh tột cùng chư Phật mà bậc toàn giác thể nhập. Thế nhưng, vì thiền tông chủ trương “thấy tánh thành Phật”, tôn sùng quá khích thông điệp “kiến tánh”, nên có một số thiền sinh đạt kiến tánh, dù chỉ trong nhất thời, cũng tự mãn là đã hoàn thành sự nghiệp tu tập, và đó là một sự lầm lẫn lớn, vì sau khi “ngộ” (kiến tánh) thì phải đến giai đoạn “sống thực” (nhập) với cái mình đã ngộ. Đó là lý do thâm sâu mà Vòng tròn Viên Giác được cải sửa thành Vòng tròn “trâu người đều quên”, kèm theo hai tranh 9 và 10).

* Tranh 9: Về nguồn (phản bản hoàn nguyên):

Kệ:     Tìm lối quay về những uổng công

          Nào biết xưa nay lý vốn không

          Trước mắt bao la nhưng chẳng thấy

          Hoa cười tươi thắm, nước mênh mông.

Lý giải:

Kiến tánh nghĩa là thấy rõ chân tâm từ vô thủy đến nay vốn thanh tịnh, hồn nhiên rổng lặng, không sanh không diệt, rằng Phật, ta và pháp giới chúng sanh, hữu tình và vô tình đồng một thể (tình dữ vô tình đồng viên chủng trí). Cổ đức thường mượn “hoa vàng trúc biết” để chỉ cho chân tâm diệu minh, nhưng đúng ra thì vạn vật muôn loài dù nhỏ nhoi ti tiện như côn trùng, như hòn sỏi, hạt bụi... tất cả cũng đều là ảnh tượng của chân tâm cả. Cho nên “về nguồn” (tranh 9) là về với thiên nhiên trời đất, “thỏng tay vào chợ” (tranh 10) là về với chúng sanh, cả hai đồng mang ý nghĩa là hội nhập với chân tâm, với chính mình.

Tóm lại, Về nguồn nghĩa là hội nhập hài hòa với trật tự thiên nhiên, “vào rừng không khua lá, vào nước không quậy sóng (nhập lâm bất động thảo, nhập thủy bất lập ba)”, tiếp xúc vạn vật bình thường mà cũng rất trang trọng. Hành giả cũng thấy “núi chỉ là núi, nước chỉ là nước”, nhưng vạn vật ở đây sinh động sáng ngời vì tất cả đều ảnh hiện từ chân tâm diệu minh.

Đây có lẽ chính điều mà Tổ Thanh Nguyên Duy Tín mô tả: “Sãi tôi, ba mươi năm trước, khi chưa học thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước; sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng là núi, thấy nước chẳng là nước. Rồi nay sau khi thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh y nhiên, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”.

(Có vị cho rằng tranh Về nguồn có nghĩa là nhập pháp giới, nhưng thiết nghĩ nhập pháp giới là cảnh giới của chư Đại Bồ Tát; trong phạm vi 10 bức tranh chăn trâu hành giả vẫn tiếp tục điều phục tâm nên chưa thong dong tự tại đến mức đó)       

* Tranh 10: Thõng tay vào chợ (nhập thị):

Kệ:     Mình trần lem luốc cười ha ha

          Ngất ngưởng rong chơi chốn chợ xa

          Phép lạ thần thông không màng tới

          Cây cỗi, cành khô khiến trổ hoa.

Lý giải:

Thỏng tay vào chợ nghĩa là hội nhập với thế tục, vào chỗ bụi trần mà không nhiễm ô, tự tại nhưng lại rất bình thường mà hòa hợp với kẻ thế tục: thân mật “đánh bạn với bạn hàng thịt, với bọn trộm cắp, đĩ điếm”, họ và mình không khác, họ “đều là Phật kia mà”. Ơ Ûđây người hành giả, tùy duyên tùy hoàn cảnh mà hội nhập vào giòng đời để hóa độ người, vừa có cơ hội điều phục những vọng niệm vi tế còn sót lại: “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp. Nhậm vận trứớc xiêm y” (Tổ Lâm Tế).

Hành hoạt của nhị tổ Huệ Khả sau khi đắc pháp là thí dụ điển hình. Nhị tổ ẩn hình dười dáng người hạ lưu cùng khổ, đánh bạn với bọn đầu đường xó chợ một cách hồn nhiên vui vẻ. Có vị tu sĩ trách:”Oâng là đạo nhân sao như thế được”. Tổ đáp: “Ta tự điều tâm ta, có gì dính líu đến ông mà hỏi?”. Về sau, tổ bị vu cáo, bị tù tội và chết trong ngục tù, nhưng lúc nào tổ cũng ung dung hội nhập vào cuộc đời, coi ngục tù là đạo tràng để độ người và cũng để tiêu trừ nghiệp cũ của mình.

Tóm lược:

Quá trình tu tâm phát họa bởi 10 tranh chăn trâu có thể phân thành 3 giai đọan:

- Giai đoạn hướng ngoại “khiến Phật đi tìm Phật, dùng tâm để biết tâm” (tổ Hy Vận): thấy dấu vết của tâm, thấy lỗi thấy nghiệp của mình, và dùng “giới” để điều phục tâm (tranh 1 đến 5).

- Giai đoạn hướng nội “đem tâm trở về với tâm” (tranh 6 và 7: cỡi trâu về nhà, quên trâu còn người) hầu đạt đến cứu cánh là sự kiến tánh, tức thấy “tâm chính là vô tâm” (người trâu đều quên, tranh 8).

- Giai đoạn hướng ngoại hội nhập với thiên nhiên (tranh 9) và thế tục (tranh 10) bằng “tâm bình thường” để thực sự sống với cái “tâm không tâm”.

       


Các tin đã đăng: