Đại nguyện của Phật A Di Đà (Phần 5)
Thích Thái Hòa
11/10/2010 08:24 (GMT+7)

 

Đại nguyện bốn mươi mốt: Các căn vẹn toàn
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện các căn Bồ tát
Đều thanh tịnh, trang nghiêm.

 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở những cõi nước khác, nghe được danh hiệu của tôi, nếu căn thân của họ có khuyết thiếu, thì liền đầy đủ”.
 
Tu tập theo Thanh văn giới, thì căn cứ vào các tướng của căn thân mà thiết lập giới thể. Do đó, đối với những vị thọ Thanh văn giới, nhất là Tỷ khưu giới, thì các căn thân phải đầy đủ, nếu các căn thân không đầy đủ, thì dù có thọ Thanh văn giới thuộc tỷ khưu, thì giới thể của họ không thành tựu. Nhưng đối với Bồ tát giới là giới được thiết lập trên nền tảng của tâm bồ đề, và từ tâm ấy mà phát nguyện và hạnh của giới, nên dù căn thân không hoàn hảo mà giới thể bồ tát vẫn thành tựu.
 
Vì vậy, đức Phật A Di Đà, khi hành bồ tát, Ngài phát khởi đại nguyện bốn mươi mốt này, để trang nghiêm chúng bồ tát nơi cõi nước của Ngài, sau khi Ngài thành Phật và đồng thời yểm trợ cho các vị bồ tát đã, đang và sẽ phát tâm bồ đề, thọ trì bồ tát giới và hành bồ tát đạo trong vô số thế giới mười phương, khi nghe được danh hiệu của Ngài, thì khiến cho các căn thân của họ đầy đủ, nhằm thuận lợi cho sự tu tập và thực hành các hạnh lợi ích chúng sinh, trang nghiêm các cõi Phật.
 
Nên, nguyện này cũng còn gọi là Chư căn cụ túc nguyện, Chư tướng mạo diệu nguyện, Văn danh linh đắc đoan nghiêm báo nguyện, Văn danh chi Phật cụ túc chư căn nguyện, Cụ túc chư tướng nguyện, Văn danh cụ căn nguyện,...
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, khiến cho giới thể Bồ tát trong ta được thăng tiến và viên mãn cả ba mặt. Đối với mặt pháp thân, thì ta nỗ lực đoạn trừ hết thảy lậu hoặc phiền não, để chứng nhập thể tính bất sinh, bất diệt. Đối với mặt báo thân, thì ta nỗ lực thực hành các thiện pháp, để thành tựu được báo thân với đầy đủ các phúc tướng trang nghiêm. Đối với ứng hóa thân, thì ta nỗ lực làm lợi ích cho hết thảy muôn loài, để thành tựu được ứng hóa thân, tùy căn cơ mà ứng dụng để độ sinh.
 
Đại nguyện bốn mươi hai: Trong định cúng dường

Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện Bồ tát tại định
Thường cúng Phật khắp nơi.

 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở cõi nước khác, khi nghe danh hiệu tôi, họ đều chứng được Thiền định thanh tịnh giải thoát, khoảng một niệm khởi ý, mà cúng dường khắp cả chư Phật mười phương, nhưng tâm vẫn không rời thiền định”.
 
Đại nguyện thứ mười một, đức Phật A Di Đà, nguyện cho chư thiên và nhân loại ở trong quốc độ của Ngài, an trú ở trong thiền định để đoạn trừ hết thảy lậu hoặc cho đến khi thành tựu Niết bàn, còn đối với đại nguyện bốn mươi hai này, thì Ngài nguyện cho chúng Bồ tát ở trong các cõi nước khác, khi nghe danh hiệu của Ngài, thì chứng đắc được thiền định thanh tịnh giải thoát và ở trong thiền định này mà cúng dường chư Phật mười phương.
 
Nghĩa là Phật A Di Đà, trải qua vô số, vô biên kiếp, khi hành bồ tát đạo, thì trong mỗi hạnh, mỗi nguyện của Ngài đều kết thành danh hiệu của Ngài. Nên, trong danh hiệu của Ngài có vô lượng công đức thù thắng, có vô lượng năng lực gia trì không thể nghĩ bàn, không những đối với hết thảy chúng sinh, mà còn cả các vị Thanh văn và Bồ tát tu tập nữa. Nên, không những chúng sinh trong mười phương, nghe và chấp trì danh hiệu của Ngài, có lợi ích và công đức không thể nghĩ bàn, mà các vị Bồ tát trong mười phương từ hàng sơ phát tâm cho đến hàng Bồ tát nhất sinh bổ xứ, nếu nghe và chấp trì danh hiệu của Ngài, thì công đức của họ, thành tựu đối với sự tu học cũng không thể nghĩ bàn.
 
Với đại nguyện này, Ngài nguyện những vị Bồ tát ở những cõi nước khác, khi nghe danh hiệu của Ngài, liền chứng đắc Thiền định thanh tịnh giải thoát, và ở trong thiền định này, mà thực hiện và thành tựu hạnh cúng dường chư Phật mười phương. Nghĩa là một vị Bồ tát tu tập thành tựu được Thiền định Ba la mật, thì các hạnh Ba la mật khác như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, Trí, Nguyện, Lực, Phương tiện và Tuệ, đều cũng có thể thành được cùng một lúc. Và nếu Bồ tát tu tập thành tựu được Trì giới, Nhẫn nhục, hay Trí tuệ,... thì các hạnh Ba la mật còn lại, cũng có thể cùng một lúc thành tựu đúng như vậy.
 
Nên, đại nguyện này, còn gọi là Đắc tam muội ích nguyện, Chỉ quán câu hành nguyện, Văn danh linh đắc thanh tịnh giải thoát tam muội nguyện, Văn danh đắc định nguyên,...
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, là để mỗi ngày giúp tâm ta, thường ở trong thiền định và ngay ở trong thiền định, mà thực hành các hạnh Bố thí, cúng dường, trì giới,... Nghĩa là các hạnh của ta làm mỗi ngày, hoàn toàn không bị điều khiển bởi các loại phiền não, mà trái lại các phiền não ở trong tâm ta đã bị nhiếp phục và chuyển hóa bởi các hạnh ấy.
 
Đại nguyện bốn mươi ba: Sinh nhà tôn quý
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện Bồ tát các cõi
Nhà Tôn quý sinh ra.

 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát ở trong các cõi nước khác, khi nghe danh hiệu tôi, lúc sinh mệnh kết thúc liền sinh vào nhà tôn quý”.
 
Đây là đại nguyện của Phật A Di Đà, nhằm yểm trợ cho các vị Bồ tát tu tập, nhưng đang còn ở trong hai loại sinh tử là Phần đoạn và Biến dịch .
 
Phần đoạn sinh tử cũng còn gọi là hữu vi sinh tử. Chúng sinh trong ba cõi do tạo nghiệp thiện ác khác nhau, nên chiêu cảm quả báo về thân tướng xấu đẹp khác nhau và thọ mạng dài ngắn bất đồng, vì vậy gọi là Phần đoạn sinh tử.
 
Các nhà Duy thức học giải thích rằng: Phần đoạn sinh tử, trực tiếp lấy nghiệp thiện ác hữu lậu làm nhân, lấy phiền não chướng làm nhân gián tiếp, từ đó mà chiêu cảm quả báo thô trọng trong ba cõi, khiến thân mạng có dài ngắn, tùy thuộc vào năng lực của nhân duyên, mà có hạn lượng nhất định, vì vậy gọi là Phần đoạn sinh tử. (Thành Duy Thức Luận 8).
 
Biến dịch sinh tử cũng còn gọi là vô vi sinh tử hay bất tư nghị biến dịch sinh tử. Nghĩa là thân này, do sức mạnh của bản nguyện từ bi vô lậu, làm thay đổi thân phần đoạn sinh tử thô trọng, thành thân thể tinh tế, không có hình sắc, không bị hạn định tuổi thọ,... nên gọi là thân biến dịch. Thân này do năng lực thiền định và bản nguyện từ bi tạo thành, diệu dụng của thân này khó có thể lường biết được, nên gọi là thân bất tư nghị. Lại nữa, thân này do ý nguyện đại bi mà thành tựu, nên cũng gọi là ý sinh thân hay vô lậu thân.
 
Các vị A la hán, Bích chi phật và Bồ tát đại sĩ đã đoạn sạch hết các phiền não làm chướng ngại đối với Niết bàn, nên quý vị không còn thọ thân thuộc về phần đoạn sinh tử ở trong ba cõi, tức là thân thuộc về dục giới, sắc giới và vô sắc giới, nhưng còn phải tiếp nhận thân thể biến dịch ở ngoài ba cõi.
 
Tuy, đã được tự do, ở ngoài ba cõi sinh tử, nhưng do đại nguyện tu hành, quý vị lại sử dụng thân thể biến dịch này để trở lại trong ba cõi sinh tử,  thực hành các hạnh nguyện bồ tát, trải qua thời gian dài lâu, cho đến khi thành tựu đạo quả Vô thượng bồ đề.
 
Đức Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài đã thấy rõ các loại sinh tử như vậy. Và thấy rõ các vị phát tâm tu bồ tát đạo ở trong các cõi nước, có vị tuy phát bồ đề tâm tu bồ tát đạo, nhưng nghiệp chủng vẫn đang còn liên hệ đến phần đoạn sinh tử hoặc có vị đang liên hệ đến biến dịch sinh tử. Vì vậy, Ngài đã phát khởi đại nguyện này, để yểm trợ cho những vị bồ tát trong mười phương, dù họ đang ở trong phần đoạn sinh tử hay biến dịch sinh tử, đều được sinh vào những gia đình phúc đức tôn quý, để thuận lợi cho sự tu tập và thực hành tâm bồ đề đến chỗ viên mãn. Nên, nguyện này còn gọi là Sinh tôn quý gia nguyện, Văn danh tử hậu sinh tôn quý gia nguyện, Sinh tôn quý gia ích nguyện,...
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày tâm ta đều sinh ra những chất liệu tốt đẹp của các bậc Thánh hay các bậc Bồ tát đại sĩ, để đời nào ta sinh ra, cũng nhớ đến tâm bồ đề mà tu tập và luôn luôn được sinh ra ở trong những dòng họ tôn quý, có niềm tin thâm sâu với chính pháp.
 
Đại nguyện bốn mươi bốn: Đủ cội công đức
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện Bồ tát các cõi
Đầy đủ cội công đức.

 
Đại nguyện bốn mươi bốn, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở nước khác, nghe danh hiệu tôi, vui mừng tu hạnh Bồ tát, đầy đủ cội công đức”.
 
Đức Phật A Di Đà, khi còn hành Bồ tát đạo, Ngài đã chứng kiến Bồ tát trong các cõi nước, khi tu tập có những vị muốn thực hành bố thí, nhưng thiếu tài sản; có những vị muốn thực hành trì giới, nhưng không có giới sư truyền thụ và hướng dẫn đúng pháp; có những vị muốn thực hành nhẫn nhục, nhưng lại thiếu tâm từ bi; có những vị muốn thực hành hạnh tinh tấn, nhưng bị mất định hướng; có những vị muốn thực hành thiền định, nhưng tâm thường tán loạn; có những vị muốn thực hành trí tuệ, nhưng tâm trí thường bị muội liệt; có những vị muốn hóa độ chúng sinh, nhưng không có đủ phương tiện trí,... do đó mà con đường tu tập bồ tát hạnh bị trở ngại.
 
Vì vậy, Phật A Di Đà khi hành bồ tát đạo, Ngài đã chứng kiến những điều trở ngại ấy của các vị Bồ tát ở các cõi nước, nên Ngài đã phát khởi đại nguyện, khi Ngài thành Phật, thì chúng Bồ tát ở nơi cõi nước của Ngài có đầy đủ căn bản công đức để thực hành hạnh bồ tát.
 
Và muốn đầy đủ căn bản công đức, thì phải phát khởi tâm bồ đề hành bồ tát đạo. Tâm bồ đề là gốc lành căn bản cho mọi công đức thành tựu. Nếu Bồ tát không từ nơi tâm bồ đề mà khởi lên nguyện và hạnh, thì gọi là Bồ tát không có căn bản công đức. Và nếu Bồ tát từ nơi tâm bồ đề mà khởi lên nguyện và hạnh, thì bồ tát không những có căn bản công đức, mà vô lượng công đức của Bồ tát từ đó mà thành tựu.
 
Ở trong muôn hạnh, Bồ tát chỉ có một hạnh duy nhất là hạnh bồ đề và trong một hạnh bồ đề ấy có đầy đủ cả muôn hạnh. Vì vậy, Bồ tát để mất tâm bồ đề là mất vô lượng công đức. Và Bồ tát thối tâm bồ đề, thì hết thảy công đức đều bị hư mục. Vì vậy, đại nguyện này còn gọi Văn danh quy gia nguyện, Tu hành cụ túc ích nguyện, Văn danh cụ đức nguyện,...
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là để mỗi ngày, ta có cơ hội tiếp xúc với tâm bồ đề và vun bón công đức căn bản của chúng ta từ tâm ấy.
 
Đại nguyện bốn mươi lăm: Trong định thấy Phật
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Tâm Bồ tát thiền định
Thường thấy Phật mười phương.

 
Đây là đại nguyện bốn mươi lăm, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà  nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở những cõi nước khác, nghe danh hiệu tôi, đều chứng được thiền định cùng khắp, an trú ở trong thiền định này và thường thấy chư Phật với số lượng không thể nghĩ bàn, cho đến khi thành Phật”.
 
Thiền định cùng khắp, Hán gọi là Phổ đẳng tam muội. Đối với thời gian, thì Bồ tát ở trong thiền định này, nhiếp phục hết thảy các loại phiền não từ thô trọng đến vi tế, cho đến khi nhất tâm và thành Phật. Đối với không gian, thế giới tuy vô lượng, vô số, vô biên, không thể tính hết, không thể nghĩ lường, nhưng không ra ngoài nhất tâm. Bồ tát do nhiếp phục hết thảy vọng tâm, khiến tâm thường lưu trú ở nơi nhất chân pháp giới, tức là ở nơi pháp thân bình đẳng của chư Phật. Do tâm của Bồ tát thường trú ở nơi thiền định này, nên thường thấy được vô số, vô lượng, vô biên bản thân chư Phật khắp cả mười phương qua bản tâm thanh tịnh, hoàn toàn không còn nhiễm ô của mình. Ngay nơi bản tâm thanh tịnh của Bồ tát, vô số chư Phật trong mười phương thường có mặt ở nơi tâm ấy, để cho Bồ tát thường diện kiến pháp thân của các Ngài.
 
Vì vậy, đại nguyện này còn gọi là Thường kiến chư Phật ích nguyện, Trú định kiến Phật nguyện, Phổ đẳng tam muội nguyện, Bất ly chư Phật nguyện,...
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta có cơ hội nhiếp phục phiền não ở  nơi tâm, đưa tâm đến chỗ thuần nhất thanh tịnh và chính nơi tâm ấy, ta thường diện kiến được vô số chư Phật khắp cả mười phương, không chỉ là ứng hóa thân, báo thân mà còn diện kiến được pháp thân thường trú bất sinh diệt của hết thảy các Ngài.
 
Đại nguyện bốn mươi sáu: Nghe pháp tùy nguyện
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện Bồ tát cõi nước
Thường nghe diệu pháp âm.

 
Đây là đại nguyện bốn mươi sáu, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà  nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở trong nước tôi, tùy chí nguyện muốn nghe pháp của mỗi người, liền tự nhiên được nghe”.
 
Trong kinh Phật Thuyết A Di Đà ghi lại rằng, bấy giờ đức Phật Thích Ca gọi Tôn giả Xá Lợi Phất mà bảo rằng: “Từ quốc độ này, hướng về phía Tây, trải qua mười vạn ức cõi nước chư Phật, có một cõi nước tên là cực lạc. Cõi nước ấy, có đức Phật giáo chủ danh hiệu là A Di Đà, hiện nay vẫn còn đang thuyết pháp”. (Phật Thuyết A Di Đà Kinh, La Thập dịch, tr 346c, Đại Chính 12).
 
Như vậy, ta biết cõi cực lạc và danh hiệu Phật A Di Đà là qua lời chỉ dạy của đức Phật Thích Ca. Đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ thời hiện tại của thế giới Ta bà là thế giới mà chúng ta đang cư trú, còn đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ thời hiện tại của thế giới cực lạc ở phương Tây, và như lời đức Phật Thích Ca dạy là hiện nay, đức Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp ở nơi thế giới của Ngài.
 
Không những vậy, mà đức Phật Thích Ca còn dạy, ở nơi thế giới cực lạc của Phật A Di Đà, còn có các loại chim lạ đẹp, màu sắc xen nhau, đại loại như Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Tần già, Cộng mạng. Các loài chim này ngày đêm sáu thời, thường hót ra những âm thanh hòa nhã. Trong âm thanh ấy đều diễn xướng các pháp thoại như:  Năm căn bản, Năm năng lực, Bảy thành phần tuệ giác, Tám thành phần Thánh đạo,... Chúng sinh trong cõi nước của Ngài, khi nghe âm thanh ấy, họ đều nhớ đến Phật, nhớ đến Pháp, nhớ đến Tăng.
 
Đức Phật Thích Ca còn dạy, cõi nước Phật A Di Đà, cái tên ba nẻo đường xấu ác còn không có, huống gì là có sự thật về các con đường ấy. Các loài chim ấy đều do đức Phật A Di Đà, vì muốn pháp âm được lưu truyền mà biến hóa ra những loài chim ấy.
 
Đức Phật Thích Ca còn nói với Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Ở cõi nước cực lạc của đức Phật A Di Đà, gió nhẹ thổi động những hàng cây báu và lưới báu, phát ra những âm thanh tuyệt diệu, ví như trăm ngàn nhạc khí cùng hòa tấu một lúc. Ai nghe âm thanh ấy, tâm tự nhiên liền sinh ra nhớ đến Phật, nhớ đến Pháp, nhớ đến Tăng”. (Phật Thuyết A Di Đà Kinh, La Thập, tr 347a, Đại Chính 12).
 
Như những lời đức Phật Thích Ca chỉ dạy ở trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà, cho ta thấy rằng, chúng sinh ở thế giới phương Tây của Phật A Di Đà, ở đâu và lúc nào cũng có thể được nghe pháp thoại, qua nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện khác nhau, tùy theo đức tin Tịnh độ và khả năng nhiếp phục tâm, cũng như khả năng loại trừ những phiền não nơi tâm của họ, mà được nghe pháp và chứng ngộ pháp.
 
Chúng sinh hay hàng Bồ tát ở thế giới Tịnh độ Phật A Di Đà được nghe pháp và có thể chứng ngộ được pháp, tùy theo ý nguyện là do đại nguyện thứ bốn mươi sáu này của Phật A Di Đà vậy.
 
Nên, đại nguyện này còn gọi là Tùy ý văn pháp nguyện, Văn pháp tự tại nguyện, Tùy dục đắc văn ích nguyện,...
 
Vì vậy, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta tiếp xúc được với pháp âm vi diệu của Ngài thường thuyết pháp, qua nhiều hình thức và nhiều âm thanh khác nhau, theo hạnh và nguyện của mỗi chúng ta. Và qua nhiều hình thức và nhiều loại âm thanh thuyết pháp mà ta nghe ấy, khiến tâm ta khai ngộ chứng nhập nhất âm, ấy là Phật âm. Phật âm là âm thanh viên giáo. Âm thanh ấy từ nơi chứng ngộ thực tướng các pháp mà nói ra, từ nơi tâm bình đẳng mà diễn xướng và từ nơi tâm đại bi mà diễn thuyết không cùng.
 
Đại nguyện bốn mươi bảy: Không còn thoái chuyển

Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Và Bồ tát các cõi
Bất thối chuyển bước lên.

 
Đây là đại nguyện bốn mươi bảy, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà  nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong các cõi nước khác, nghe danh hiệu tôi, liền đạt được bậc Bất thối chuyển”.
 
Bất thối chuyển, tiếng Phạn là avinivartanīya, Hán phiên âm là a duy việt trí, a bệ bạt trí và dịch là bất thối chuyển, vô thối, tất định,... Bất thối chuyển, nghĩa là không còn quay trở lui. Bồ tát tu tập đạt đến địa vị này rồi thì không còn bị rơi mất những gì mà mình đã tu chứng và giác ngộ.
 
Bồ tát ở vào địa vị Bất thối chuyển này, có nhiều thuyết giải thích khác nhau. Kinh Đại bát nhã quyển 449, giải thích: “Bồ tát tu tập vào vị trí Kiến đạo, được Vô sinh pháp nhẫn, thì không còn rơi lui lại Nhị thừa địa, nên gọi là bất thối”.
 
Theo Khuy Cơ có bốn loại bất thối:

1-       Tín bất thối: Trong mười tín vị, nếu tâm Bồ tát tu tập đạt đến vị trí tín thứ sáu, thì không còn khởi lên tà kiến.
2-       Vị bất thối: Trong mười trú vị, nếu tâm bồ tát tu tập đạt đến vị trí trú thứ bảy trở lên, thì không còn rơi lui địa vị của Thanh văn và Duyên giác.
3-       Chứng bất thối: Trong mười địa vị, nếu tâm bồ tát tu tập đạt đến địa vị đầu tiên trở lên, thì pháp học, pháp hành của bồ tát không còn bị rơi mất.
4-       Hạnh bất thối: Trong mười địa vị, nếu tâm bồ tát tu tập đạt đến địa vị thứ tám trong mười địa vị ấy, có thể tu hạnh hữu vi và vô vi mà không bị lui mất. (Khuy Cơ, Pháp Hoa Huyền Tán 2).
 
Theo Ca Tài có bốn bất thối như sau:

1-       Niệm bất thối: Chỉ cho Bồ tát Bát địa trở lên.
2-       Hành bất thối: Chỉ cho Bồ tát từ Sơ địa trở lên.
3-       Vị bất thối: Chỉ cho Bồ tát từ Thập giải, hay Thập trú trở lên.
4-       Xứ bất thối: Chỉ cho hành giả đạt đến thế giới Tịnh độ phương tây của Phật A Di Đà, đã đạt được “chính định tụ”, vĩnh viễn không còn thối chuyển. (Ca Tài, Tịnh độ luận, quyển thượng).
 
Theo Châu Hoằng có bốn bất thối như sau:
1-       Nguyện bất thối: Chỉ cho hành giả phiền não chưa đoạn hết mà sinh về cõi Tịnh độ Phàm thánh đồng cư.
2-       Hành bất thối: Chỉ cho những hành giả đã đoạn trừ những sai lầm thuộc về nhận thức và những sai lầm thuộc về các tư niệm mà được sinh về cõi Tịnh độ Phương tiện hữu dư.
3-       Trí bất thối: Chỉ cho hành giả đã đoạn trừ được một phần phiền não vô minh mà sinh về cõi Thật báo vô chướng ngại.
4-       Vị bất thối: Chỉ cho hành giả đã diệt trừ hết thảy những sai lầm của nhận thức, của tâm và của trí mà sinh về cõi Thường tịch quang. (Châu Hoằng, A Di Đà Kinh Sớ Sao, quyển 3).
 
Theo Trí Húc có bốn bất thối như sau:

1-       Niệm bất thối: Chỉ cho hành giả phá trừ vô minh, hiển bày Phật tính, mà trực tiếp sinh về cõi Thường tịch quang thực báo phần chứng,
2-       Hành bất thối: Chỉ cho hành giả đoạn trừ những sai lầm thuộc về nhận thức, các tư niệm và những sai lầm nhỏ nhặt như cát bụi, mà sinh về cõi Phương tiện và hướng tới Tịnh độ cực lạc.
3-       Vị bất thối: Chỉ cho hành giả đới nghiệp vãng sinh, mà sinh về Tịnh độ Phàm thánh đồng cư.
4-       Tất kính bất thối: Bất luận là người niệm Phật chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hay không hiểu, nhưng một khi danh hiệu Phật A Di Đà, hay danh hiệu của chư Phật ở trong sáu phương đã đi qua thính giác, thì dù họ phải trải qua trăm ngàn vạn kiếp trong sinh tử, cuối cùng nhờ nhân duyên ấy, nên rồi cũng được độ thoát. (Trí Húc, A Di Đà Kinh Yếu Giải).
 
Đức Phật A Di Đà, khi tu nhân Ngài phát đại nguyện này là để yểm trợ cho các hàng Bồ tát đang tu học trong mười phương vượt qua những chướng ngại do ngoại cảnh mà suy thoái tâm bồ đề, do bị chướng ngại quả báo mà suy thoái tâm bồ đề, do bị chướng ngại bởi phiền não mà suy thoái tâm bồ đề hoặc do bị chướng ngại bởi vô minh mà suy thoái tâm bồ đề. Và tâm bồ đề đối với Tịnh độ không suy thoái là không suy thoái đối với Tín hạnh và nguyện. Tín hạnh nguyện không suy thoái, nghĩa là không suy thoái đối với đạo quả Vô thượng bồ đề.
 
Nên, nguyện này còn gọi là Văn danh bất thối nguyện, Thính danh tức chí đắc bất thối chuyển nguyện, Gia lực bất thối chuyển, Đắc bất thối chuyển nguyện,...
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta thăng tiến tâm bồ đề của ta đến chỗ viên mãn.
 
Đại nguyện bốn mươi tám: Chứng ba pháp nhẫn
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Bồ tát ba pháp nhẫn
Bậc Bất thoái bước lên.

 
Đại nguyện bốn mươi tám, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở những cõi nước khác, nghe danh hiệu tôi, liền được đệ nhất, đệ nhị, đệ tam pháp nhẫn ở nơi Phật pháp và liền được bậc Bất thoái chuyền”.
 
Ba pháp nhẫn, Hán gọi là Tam pháp nhẫn. Phạn là Tisraḥ kṣāntayaḥ. Nhẫn là giác ngộ được bản thể của mọi sự hiện hữu và nhận ra đươc tính chân như đối với sự và lý nơi mọi hiện hữu ấy, mà tâm được an lạc, nên gọi là nhẫn. Nhẫn có ba loại:
 
1-       Âm hưởng nhẫn: Tiếng Phạn là Ghoṣānugamadharmakṣānti. Hán dịch là Tùy thuận âm thanh nhẫn. Nghĩa là do lắng nghe giáo pháp mà tâm được an ổn. Bồ tát ở địa vị Thập tín, nhờ nghe pháp âm mà liễu ngộ pháp tính, nên gọi là âm hưởng nhẫn.

2-       Nhu thuận nhẫn: Tiếng Phạn là Anulomikīdharmakṣānti. Hán dịch là Tư duy nhu thuận nhẫn, Nhu thuận pháp nhẫn. Nghĩa là do tự mình tư duy mà giác ngộ và thuận hợp với chân lý. Các Bồ tát ở vào địa vị tam hiền (Thập trú, Thập hạnh và Thập hướng), do đã nhiếp phục được các mê lầm của phiền não và nghiệp, nên an trú được tự tính vô sinh nơi sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp), gọi là Nhu thuận nhẫn.

3-       Vô sinh pháp nhẫn: Tiếng Phạn Anutpattikadharmakṣānti. Nghĩa là khế hợp với chân lý. Bồ tát từ địa vị thứ bảy trở lên, do tu tập ly hết thảy tướng mà chứng ngộ thực tướng. Nghĩa là do giác ngộ được lý vô tướng nơi các tướng, lý vô sinh diệt nơi các tướng sinh diệt và thường an trú nơi lý vô sinh diệt ấy, nên gọi là Vô sinh pháp nhẫn. Và vô sinh pháp nhẫn cũng đã được một số nhà Phật học giải thích Pháp nhẫn là an trú ở nơi Pháp vô sinh. Vô sinh là Niết bàn, an trú nơi Pháp vô sinh là an trú ở nơi thực tướng của các pháp. Thực tướng của các pháp là tịch diệt tướng. Tịch diệt tướng là tướng hoàn toàn vắng lặng. Vắng lặng các tướng chính là Niết bàn.
 
Theo Quán Kinh Tự Phần Nghĩa, do thấy cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà mà sinh tâm vui mừng, nên được ba pháp vô sinh nhẫn:

1-       Hỷ nhẫn: An nhẫn do tâm vui mừng khi thực hành Tịnh độ.
2-       Ngộ nhẫn: An nhẫn do tâm giác ngộ được sự lý Tịnh độ.
3-       Tín nhẫn: An nhẫn do tâm tin tưởng vào thế giới Tịnh độ.
 
Nghĩa của tam pháp nhẫn, có nhiều kinh luận giải thích sâu cạn, rộng hẹp khác nhau, tùy theo sở ngộ và chỗ lập tông của người giải, ở đây không phiền trích dẫn.
 
Với đại nguyện này, đức Phật A Di Đà, yểm trợ năng lực cho các vị Bồ tát đang tu tập và hành đạo ở mười phương, khiến cho tất cả khi nghe danh hiệu của Ngài, tùy theo sức nghe và sự quán chiếu, mà được đi vào địa vị các nhẫn và bước lên địa vị của bậc Bồ tát không còn suy thoái đối với hạnh nguyện và đạo quả Vô thượng bồ đề nữa.
 
Nên, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, làm cho tâm ta an trú vào sự vững chãi của niềm tin, của nguyện và hạnh, cũng như an trú vững chãi đối với Phật pháp và đối với Giáo hạnh lý quả của Tịnh độ, để giác ngộ tự tính bất sinh, bất diệt ở nơi tự tâm và vạn hữu, khiến thế giới Tịnh độ Phật A Di Đà đối với ta không phải là ước mơ mà là hiện tiền. Và đạo quả Vô thượng bồ đề của chư Phật, đang tinh kết và nở ra cho ta, trong từng phút giây của sự sống.
 
Thư Mục Tham Khảo
 
- Phật Thuyết A Di Đà Kinh, Hán, La Thập, Tr 346, Đại Chính 12.
Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Hán, - Cương Lương – Da Xá, Tr 340, Đại Chính 12.
-Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, Hán, Huyền Trang, Tr 348, Đại Chính 12.
-Phật Thuyết Đại A Di Đà Kinh, Vương Nhật Hưu,
Hiệu Đề?, Tr 326, Đại Chính 12.
-Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, Hán, Pháp Hiền, Tr 318, Đại Chính 12.
- Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, Hán, Khương Tăng Khải, Tr 265, Đại Chính 12.
- Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, Hán, Chi Lâu Ca Sấm, Tr 279, Đại Chính 12.
- Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, Hán, Bồ Đề Lưu Chí, Tr 91, Đại Chính 11.
- Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Hán, Tuệ Viễn Soạn, Tr 91, Đại Chính 37.
- Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Hán, Cát Tạng Soạn,  Tr 116, Đại chính 37.
- Lưỡng Quyển Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, Hán, Nguyên Hiểu Soạn, Tr 125, Đại chính 37.
-Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Hán, Tuệ Viễn Soạn, Tr 173, Đại Chính 37.
- Quán Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Tuệ Viễn Soạn, Tr 173, Đại Chính 37.
- Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh Nghĩa Sớ, Hán, Trí Khải Thuyết, Tr 186, Đại Chính 37.
- A Di Đà Kinh Nghĩa Kinh, Hán, Trí Khải Thuyết, Tr 306, Đại Chính 37.
-A Di Đà Kinh Sớ, Hán, Khuy Cơ Soạn, Tr 310, Đại Chín 37.
-A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, Hán, Khuy Cơ Soạn, Tr 329, Đại Chính 37.
- Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải, Hán, Trí Húc Giải, Tr 363, Đại Chính 37.
- Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh Tạo, Chân Đế, Đời Lương Dịch; Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường Dịch, Tr 575 – 583, Đại Chính 32.
- Sukhāvatīvyūhaḥ |
- Source: Vaidya, Dr. P.L ed.  Buddhist Sanskrit Texts No. 17 Mahāyāna-sūtra-saṁgrahaḥ (part 1).  Darbhanga :The Mithila Institute, 1961, p 221-253
- Amitabha`s forty – eight vows From Wiki Source.
- The Larger Sukhavativiyuha – The Smaller Sukhavatiyuha, Translated By F, Max Muller.
- The Amitayur – Dhyana – Sutra, Translated By J. Takakusu, Tịnh Độ Tông Toàn Thư. 

Theo: hoangphap.info

Các tin đã đăng: