Địa Ngục - Nên Hiểu Như Thế Nào?
22/10/2013 01:28 (GMT+7)

Trong 10 pháp giới, có 4 thuộc về Thánh pháp giới bao gồm: Phật, Bồ Tát, Thanh văn và Duyên giác; 6 pháp giới thuộc về Phàm: Trời, người, Atula, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

ĐỊA NGỤC – CẢNH GIỚI ĐẦY ĐAU KHỔ.

Địa có nghĩa là đất, ngục có nghĩa là nơi giam giữ tội nhân – những người tạo nhiều ác nghiệp trong lúc làm thân người. Trong kinh viết, địa ngục là cảnh giới đau khổ nhất. Ở đó, không có một niềm vui nhỏ nhoi nào, cho dù chỉ kéo dài bằng khoảnh khắc của một sát na. Nơi địa ngục, chỉ có những tội nhân với nghiệp quả nặng nề thọ khổ, chỉ có những quỷ dữ ngày đêm hành hạ, chỉ có những dụng cụ tra hình, chỉ có đồng sôi, hầm lửa, vạc dầu,… ngày đêm thiêu đốt thảm khốc vô cùng.

Kinh Địa Tạng, phẩm 5: “Danh xưng địa ngục” có liệt kê những tên gọi và những cực hình nơi chốn địa ngục như sau:

“… phía đông Diêm Phù có dãy núi tên Thiết Vi. Giữa dãy núi ấy đen tối thăm thẳm, không có ánh sáng của mặt trời mặt trăng, có địa ngục lớn nhất tên Cực Vô Gián, cũng còn gọi là Đại A Tỳ, có địa ngục tên bốn góc, có địa ngục tên dao bay, có địa ngục tên tên lửa, có địa ngục tên núi ép, có địa ngục tên phóng giáo, có địa ngục tên xe sắt, có địa ngục tên giường sắt, có địa ngục tên trâu sắt, có địa ngục tên áo sắt, có địa ngục tên ngàn mũi nhọn, có địa ngục tên lừa sắt, có địa ngục tên nước đồng sôi, có địa ngục tên ôm cột đồng, có địa ngục tên lửa tuôn, có địa ngục tên cày lưỡi, có địa ngục tên chặt đầu, có địa ngục tên đốt chân, có địa ngục tên ăn mắt, có địa ngục tên viên sắt, có địa ngục tên cãi cọ, có địa ngục tên rìu sắt, có địa ngục tên giận nhiều…”

“…cực hình nơi địa ngục như thế này. Có chỗ kéo lưỡi tội nhân cho trâu cày. Có chỗ moi tim tội nhân cho dạ xoa ăn. Có chỗ đun vạc dầu sôi cuồn cuộn mà nấu thân tội nhân. Có chỗ nung đỏ cột đồng mà bắt tội nhân ôm lấy. Có chỗ phun lửa táp vào tội nhân. Có chỗ toàn là băng lạnh. Có chỗ tràn đầy phẫn giải. Có chỗ phóng toàn viên sắt có cạnh sắc gai nhọn. Có chỗ đâm toàn giáo lửa. Có chỗ chỉ đánh lưng bụng. Có chỗ chỉ đốt tay chân. Có chỗ rắn sắt cắn. Có chỗ toàn là bắt cỡi lừa sắt…”

Tuy nhiên, chúng ta cần có một cái nhìn thật chuẩn xác và thiết thực, đúng đắn đối với hai chữ địa ngục vừa nêu.

NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ ĐỊA NGỤC

Địa ngục tiếng Hán dịch là vô lạc, khả yếm, khổ khí, khổ cụ, hữu và vô. Sáu nghĩa trên mang nội hàm như sau: vô lạc – không có niềm vui, khả yếm – chỉ cảm thấy đau khổ, khổ khí – không khí làm người ta cảm thấy đau khổ, khổ cụ – dụng cụ tạo nên đau khổ, hữu là có, vô là không. Điều này có nghĩa đen, địa ngục là nơi không có niềm vui, chỉ toàn là đau khổ, là nơi chứa đựng nhiều cực hình và nhiều dụng cụ tra khảo. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta cần nhìn nhận một khía cạnh nghĩa khác mang phổ quát hơn, rộng lơn hơn.

Bất kỳ nơi nào có một trong sáu yếu tố trên thì đó chính là nơi địa ngục xuất hiện. Và sự xuất hiện của một yếu tố sẽ kéo theo sự xuất hiện của năm yếu tố còn lại. Nơi nào chúng ta cảm nhận đau khổ thì nơi đó không có niềm vui (hoặc chúng ta không thể cảm nhận được niềm vui cho dù niềm vui vẫn đang hiện diện). Nơi đó sẽ có không khí đau khổ với những con người và những dụng cụ là nguyên nhân gây ra nỗi khổ niềm đau cho chúng ta. Mà nguyên nhân chính gây ra những nỗi khổ niềm đau trên đều xuất phát từ việc chấp có hoặc chấp không ở mỗi người.

Chúng ta thật dễ dàng để cảm nhận địa ngục mà không cần phải sau cái chết diễn ra. Chỉ cần chúng ta có dịp đi đến các bảo tàng chứng tích chiến tranh, những nhà tù, nơi trưng bày những dụng cụ tra tấn đã được sử dụng vào những ngày tháng chiến tranh xảy ra ở bất cứ nơi nào trên Thế Giới. Chúng ta sẽ thấy địa ngục hiện diện thật rõ ràng và mang đầy đủ ý nghĩa của sáu yếu tố vừa nêu.

Song song bên cạnh đó, cũng thật dễ dàng để thấy được cảnh giới địa ngục hiện diện ngay ở xung quanh ta. Nếu như đối diện với một cảnh tượng hai bên đang to tiếng, tranh cãi hoặc thậm chí là ẩu đã với nhau thì địa ngục lập tức được xây dựng tại nơi đó và trong khoảng thời gian đó. Chính vì một bên chấp có và một bên chấp không là nguyên nhân gây ra địa ngục. Không khí căng thẳng, những vật dụng luôn luôn trong tình thế chuẩn bị gây tổn thương cho đối phương. Không chỉ là những dụng cụ vô tri mà lời nói, suy nghĩ và hành động đều trong trạng thái sẵn sàng gây ra nỗi khổ niềm đau cho phía còn lại. Khi những yếu tố đó hiện diện thì lập tức những đối tượng đang ở trong cảnh giới địa ngục sẽ chỉ cảm nhận được toàn khổ đau mà không có được một niềm vui nhỏ bé nào cả.

ĐỊA NGỤC – NHỮNG NƠI CHÚNG TA ĐÃ SỐNG

Khi có cách nhìn và thái độ đúng đắn về địa ngục chúng ta sẽ thấy địa ngục không phải là một cảnh giới nằm ở đằng sau của cái chết mà địa ngục luôn hiện diện trong đời sống nếu như chúng ta sống không có chất lượng và không bằng chất liệu của sự tỉnh thức. Nếu chúng ta nhìn nhận địa ngục qua sáu yếu tố vừa nêu, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy được những sự thật rất ý nghĩa luôn luôn tồn trại trong cuộc sống nhưng vì thiếu chánh niệm nên chúng ta không nhận thức được.

Ví dụ như người giàu, nếu nhờ vào phước báu của những hành động thiện ở quá khứ, người nọ được giàu sang tột bậc. Thay vì tiếp tục sử dụng điều kiện thuận lợi là thế mạnh về tài chính để tiếp tục gieo trồng các hạt giống thiện, thì người này lại để lòng tham lấn át và chiếm hữu lấy hết toàn bộ tâm trí của họ khiến họ lao vào vòng xoáy của cuộc chạy đua về vật chất mà cái đích đến là vô hạn của sự mong cầu. Chính lúc này họ đã vào địa ngục.

Với nhiều người, hình ảnh của một đại gia giàu sang với khối tài sản kếch xù là một ước mơ và là một mục đích sống cả đời. Nhưng thực tế, ước mơ này chưa hẳn đã hoàn toàn hạnh phúc. Họ phải sống trong khoảng thời gian bận rộn chạy đua theo sức mạnh của đồng tiền. Khi đó, niềm vui thì ít mà nỗi đau khổ thì nhiều. Và cho dù họ có được niềm vui thì niềm vui đó cũng chỉ là niềm vui tạm bợ, giả tạm; một niềm vui vị ngọt rất ít và vị đắng thì lại rất nhiều. Bao lấy và vây kín họ là sự ngột ngạt, áp lực và khó chịu trong tâm trí bởi những dự án, kế hoạch và những con số. Lúc này, tiền và những khối tài sản khổng lồ kia lại chính là khổ cụ đối với những doanh nhân thành đạt nói trên.

18 TẦNG ĐỊA NGỤC, CÓ THẬT HAY KHÔNG?

Quan niệm dân gian và ngay cả trong một số kinh điển Phật giáo có đề cập đến khái niệm 18 tầng Địa Ngục và 10 vị Diêm Vương cai quản với vô vàn những cực hình, những nỗi khổ niềm đau cùng cực vây kín lấy tội nhân.

Khái niệm Địa Ngục cũng được một số tôn giáo khác đề cập đến như một con đường đen tối dành cho những ai không phục tùng, tuân theo và tôn thờ vị giáo chủ của những tôn giáo đó. Ai nghe theo những giáo điều thì sau khi chết sẽ ở nơi hạnh phúc vĩnh hằng, còn ai không tin tưởng thì sẽ bị đọa đày nơi địa ngục đớn đau. Điều này trở thành một công cụ đắc lực cho các tôn giáo nói trên vì nó nắm bắt được tâm lý của các tín đồ. Thật hấp dẫn vô cùng khi chỉ cần nghe theo những điều được chỉ dạy và đổi lại được sống vĩnh hằng nơi hạnh phúc. Đánh vào lòng tham của con người là mục tiêu của địa ngục theo quan điểm của những tôn giáo khác.

18 tầng địa ngục nếu hiểu đúng theo như nghĩa nội hàm của nó thì sẽ khác rất nhiều so với những hình ảnh mà chúng ta thường thấy. Nơi đó cũng có những đau khổ, nhưng không phải là do vua Diêm La phán xét, không có các quỷ sứ hành hình ngày đêm. 18 tầng Địa Ngục này không phải là một cảnh giới sống, chúng ta cần hiểu nó là một trạng thái vật lý ở ngoại cảnh kéo theo trạng thái tâm lý trong nội tâm.

Con số 18 chính là từ 6 căn tiếp xúc 6 trần sinh ra 6 thức song hành cùng chấp có hoặc chấp không; mà trở thành ngục tù 18 tầng giam hãm mỗi người. Sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần là: sắc (màu sắc và chất ngại của các đối tượng) – đối tượng thị giác, âm thanh – đối tượng thính giác, mùi hương – đối tượng khứu giác, mùi vị – đối tượng của vị giác, những xúc chạm – đối tượng của xúc giác và cuối cùng là đối tượng của tâm ý. Khi một căn của cơ thể tiếp xúc với một đối tượng tương đồng của ngoại cảnh thì sẽ sinh ra sự nhận biết. Sự nhận biết này được gọi là thức. Mắt thấy sắc sinh ra đẹp xấu, tai nghe âm sinh ra hay dở, mủi hửi mùi sinh ra thơm thúi, lưỡi nếm vị sinh ra ngon dở, thân xúc chạm sinh ra thích ghét, ý tiếp nhận những tối tượng của tâm ý sinh ra khổ vui. Những cặp phạm trù đẹp xấu, hay dở, thơm thúi, ngon dở, thích ghét và khổ vui trên chính là hữu và vô – ý nghĩa thứ 5 và thứ 6 trong nội hàm của chữ Địa Ngục.

Những cặp phạm trù có và không sẽ tạo ra những nỗi khổ niềm đau liên quan đến việc ghét mà gặp mặt hoặc yêu phải chia lìa ở mỗi người. Và khi đối diện với những nỗi khổ niềm đau như vậy, thì chính là lúc con người bị đọa lạc vào trong địa ngục. Chỉ cần xuất hiện sự chấp trước, phân biệt giữa hữu và vô thì ngay lập tức các yếu tố kéo theo như bất lạc, khả yểm, khổ khí và khổ cụ lập tức cùng xuất hiện.

Bên cạnh đó, khi đối diện với những nỗi khổ niềm đau, nếu không có thái độ buông xả và thường xuyên tập luyện trên tinh thần vô thường, vô ngã thì chúng ta dễ dàng bị nhấn chìm bởi cảm thọ đau khổ. Và khi bị cảm thọ đau khổ vây kín thì lúc đó đại địa ngục Vô Gián được thiết lập và giam cầm người đang thọ khổ. Vô có nghĩa là không, gián là gián đoạn; ý chỉ nỗi khổ niềm đau luôn luôn được duy trì và không có lúc nào ngưng nghĩ đối với người chịu đựng. Xét về khía cạnh tâm lý học, chúng ta dễ dàng nhận thấy được điều này ở mỗi con người khi họ sống cùng với những niệm tham, sân, si phát triển trong tâm thức. Một người đang nóng giận và không biết thực tập hạnh buông xả sẽ bị sự nóng giận thiêu đốt cùng cực. Một người với lòng tham lam không giới hạn mà không biết quán niệm bố thí thì sẽ bị chính lòng tham bức bách, thôi thúc. Một người sống thiếu trí tuệ tự giam mình vào những vô minh, phiền não mà không biết tự mình chuyển hóa những lối sống sai lầm thì tự thân cũng đang bị ngục vô gián giam giữ.

Nếu có một cái nhìn về Địa Ngục như vừa trình bày ở trên, chúng ta sẽ thấy được rằng: “Địa Ngục vừa thật có mà lại vừa không thật có”. Địa Ngục có khi nào chúng ta bị đọa đày trong những nỗi khổ niềm đau do sự chấp trước về có hoặc không gây ra những mâu thuẫn, tranh cãi. Và bên cạnh đó, Địa Ngục không thật sự có ở dưới lòng đất, cũng không thật sự có ở đằng sau cái chết diễn ra; bởi vì, Địa Ngục có khẳ năng hiện diện ngay trong đời sống hiện tại của mỗi người. Sự có và không có của Địa Ngục không phải là hai phạm trù đối nghịch nhau, phản biện nhau và trái ngược nhau. Ngược lại, sự có và không có sự hiện diện của Địa Ngục lại là sự bổ sung cho nhau, tương quan với nhau và là hai mặt của một chỉnh thể hợp nhất.

ĐỊA NGỤC TẠI THẾ GIAN

Về phương diện tiêu cực, Địa Ngục dễ dàng làm cho con người rơi vào những quan điểm mê tín dị đoan, thần quyền và thuyết định mệnh. Về phương diện tích cực, Địa Ngục là bài học thiết thực nhất về quy luật Nhân Quả và là động lực thúc đẩy mỗi người sống có chất lượng hơn. Tuy nhiên đa phần các bạn trẻ, có phần e ngại, lo sợ khi tiếp xúc với Địa Ngục và các cực hình nơi Địa Ngục. Nguyên nhân là các bạn chưa hiểu rõ Địa Ngục là gì và sự lầm tưởng rằng sau cái chết thì địa ngục mới hiện diện và hiện hữu. Điều này không đúng, bởi vì, địa ngục hiện diện ngay tại thế gian này và sau cái chết kia, không có một nhà tù nào được xây dựng, không có vua Diêm La, Phán quan, đầu trâu, mặt ngựa hay các quỷ sứ hành hình các tội nhân. Nếu sau cái chết, có Địa Ngục đi chăng nữa, thì đó chính là sự “không chấp nhận” cái chết đang diễn ra với mình và sự không chấp nhận đó trở thành sự chấp trước, níu kéo sự sống của kiếp sống vừa qua.

Thay vì suy nghĩ Địa Ngục là một cảnh giới đằng sau cái chết, chúng ta hãy tự thực tập nhìn Địa Ngục đang diễn ra ngay trong kiếp sống hiện tại của chúng ta. Trong kinh Địa Tạng Thập Vương Biến Tướng có kể ra những danh hiệu Địa Ngục điển hình như sau: địa ngục dùng roi đánh, địa ngục chém chặt, địa ngục lạnh giá, địa ngục giường lửa... Chỉ cần nghe cái tên của Địa Ngục chúng ta cũng đã dễ dàng tưởng tượng được những cực hình trong ngục và cảm nhận được nỗi thống khổ trong ngục. Để sinh động hơn trong việc thực tập nhìn Địa Ngục tại thế gian, chúng tôi xin mời bạn nhìn vào một đĩa thịt dê nướng mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được trong các quán nhậu.

Thông thường khi chế biến thịt dê, để tránh cho mùi khai đặc trưng của thịt dê, người đầu bếp thường cho con dê uống rượu thật say rồi dùng roi đánh thật mạnh để con dê tiết ra mồ hôi. Nếu làm theo phương pháp này, thì miếng thịt khi ăn không còn mùi hôi đặc trưng nữa. Chúng ta không bàn về giá trị ẩm thực và giá trị dinh dưỡng của thịt dê. Nhưng thông qua phương thức chế biến này, chúng ta sẽ thấy được địa ngục hiện diện. Chúng sanh đang đau khổ là con dê chuẩn bị làm thịt. Nó sẽ chịu đựng đau đớn của “ngục dùng roi đánh”. Rồi con dê bị giết và chặt ra nhiều miếng thịt nhỏ hơn – đó là “ngục chém chặt”. Để bảo quản thịt cho được tươi ngon, người ta đem những miếng thịt cho vào ngăn đá để giữ đông – đây là “ngục lạnh giá”. Và cuối cùng là phương thức chế biến món ăn, nếu là đem nướng thì địa ngục “giường lửa” thật sự đang hiện diện và hiện hữu ngay tại thế gian. Và nếu nhìn kỹ hơn nữa, thì lúc này, người đầu bếp chẳng khác nào là vua Diêm La, dụng cụ làm bếp là những khổ cụ tra tấn và thực khách chẳng khác nào những quỷ sứ đang hành hạ tội nhân nơi địa ngục.

Nếu một ai đó, phản bác lại rằng, sau khi con dê nó chết đi thì nó không cảm nhận được đau đớn về mặt thể xác, nên địa ngục lạnh giá và địa ngục giường lửa như vừa giải thích ở trên là không được hợp lý hoàn toàn. Chúng tôi xin phép không phân tích và biện luận, sau cái chết thì còn có “sự đau” nữa hay không. Thay vào đó, chúng tôi xin được phép dẫn chứng những ví dụ điển hình hơn cho hai ngục vừa nêu. Xin mời toàn bộ đại chúng cùng nhìn vào một đàn cá vừa mới được bắt lên khỏi đại dương và cho ngay vào hầm nước đá trên những con tàu lớn – đó là địa ngục lạnh giá. Và mời đại chúng tiếp tục nhìn những con cá Kèo bị nước sống trên những lò than hồng – đây là địa ngục giường lửa thực tế nhất.

Bên cạnh những danh hiệu Địa Ngục biểu thị sự đau khổ của thể xác, chúng ta cũng cần nhận định có những danh hiệu Địa Ngục biểu thị sự đau khổ của nội tâm. Khi chúng ta buông xuôi tự thả mình trôi theo dòng ác nghiệp thì đó chính là “ngục mọt ăn”. Những thói hư tật xấu sẽ gặm nhắm dần dần, từ từ và ăn chết đi những hạt giống thiện trong mỗi người, nếu như họ cứ có thái độ bỏ mặc và không có thái độ sống tích cực hơn trong đời sống hiện tại. Điều này, dễ nhận thấy nhất ở một số lượng lớn các thanh niên trẻ ngày nay với lối sống hưởng thụ và hủy hoại tuổi trẻ. Quên mình trong những cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt; đốt cháy tuổi xuân bằng các thứ xì ke, ma túy, thuốc lắc,… Lối sống buông thả, bất cần và không nhìn nhận hậu quả về sau là những con mọt đang ăn dần ăn mòn mỗi con người. Đây là hình ảnh rõ nét nhất của “ngục mọt ăn”

Mỗi khi ai đó đang trong cơn giận dữ, địa ngục “chảo dầu sôi” được kiến lập. Địa ngục “phân và nước tiểu” là hình ảnh biểu trưng của những ai chìm đắm trong khối vô minh. Hình ảnh của địa ngục “phân và nước tiểu” cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy khi quan sát những lồng chim phóng sanh trước cửa chùa. Khoảng từ một đến vài trăm những tội nhân đang bị giam cầm trong cái ngục bằng sắt và sống chung với phân và nước tiểu của chính mình thải ra vô cùng hôi thối. Địa ngục “treo ngược” hiện ra với những con gà bị treo hai chân lên trong quá trình di chuyển từ chợ này sang chợ khác hoặc đến những lò giết gia cầm. Thật không khó để thấy được những địa ngục đang hiện diện ở hiện tại chứ không phải là đằng sau của sự chết.

THÁI ĐỘ SỐNG VỚI ĐỊA NGỤC.

Khi nhìn nhận Địa Ngục không hẳn đằng sau của sự chết, chúng ta cần có một thái độ sống thích hợp với những Địa Ngục “hiện tại”.

Nếu bản thân mỗi người đang bị giam giữ trong những Địa Ngục tâm lý như Địa Ngục “vạc dầu sôi”, “ngục mọt ăn”,… thì hãy tự thức tỉnh, nhận thức được rằng mình đang đau khổ vì những ngục tù do chính bản thân của chúng ta xây dựng nên. Chỉ cần nhận diện được, ta đang đau khổ vì những ngục tù do ta tạo dựng; lập tức, Địa Ngục sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, hãy tập nhìn những Địa Ngục khác đang giam hãm những chúng sanh đầy đau khổ khác. Dùng sự quán chiếu Từ Bi để có cách nhìn và lối sống tích cực hơn, chất lượng hơn; có như vậy, ta vừa giúp được những chúng sanh đang bị khổ đau và cũng vừa nuôi dưỡng được những hạt giống thiện trong tâm thức của chúng ta.

Với hình ảnh ẩn dụ từ cây Tích Trượng với 4 vòng – Tứ Đế và 12 khoen – 12 nhân duyên; cùng viên Minh Châu tượng trưng cho Trí Tuệ chiếu sáng Vô Minh của ngài Bồ Tát Địa Tạng; mỗi người học Phật cần sáng suốt nhận định Địa Ngục có thật hay không có thật không quan trọng bằng việc phá vỡ và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau do Địa Ngục gây ra cho chúng ta và cho chúng sanh.


Các tin đã đăng: