Người học rộng đức cao được gọi là Thầy
07/06/2010 00:48 (GMT+7)

Người có học rộng thì được gọi là “Thầy”, người có đức cao thì được coi là “khuôn mẫu”. Từ “Thầy” cho đến nay vẫn còn giữ nguyên được ý nghĩa ban đầu để gọi những người có đức độ học vấn đáng để người học tập. Trong bài “Thi Tiên Sinh mộ” (bài minh trên mộ Thi Tiên Sinh) của Hàn Dũ đời Đường có câu: “Từ hiền sĩ đại thu, thầy giáo và bậc túc nho cho đến môn sinh mới tựu học, khi nghe Tiên sinh mất đều khóc thương và tới phúng viếng”, trong đó từ “Thầy” dùng để chỉ những người truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Hồi 52 trong sách “Quan trường hiện hình ký” (Ghi chép về chốn quan trường) viết: “Cha qua đời sớm, môn sinh ít được nghe lời giáo huấn của bậc bề trên. Nay được Thầy rèn giũa, mới có thể hiểu được đôi chút đạo lý làm người”. Sau đó, phàm là những người có quyền quản lý và giáo dục học sinh đều có thể được gọi là “Thầy”.

Ngay từ thời Minh, Thanh, các Tú tài, Cử nhân gọi các quan Chủ khảo, Giám khảo và học quan là “Thầy”. Ngoài ra, ngày xưa còn tôn vinh các vị Tăng lữ là “Thầy” như trong bài thơ “Tầm lý sơn nhân bất ngộ” (Tìm người ở Lý Sơn nhưng không gặp) của Vương Kiến đời Đường viết: “Lưu tên trên vách đá, chỉ quay về ngọn núi phía Nam hỏi Thầy”. “Thầy” từ xưa đến nay luôn được mọi người kính trọng.

Khi gọi người khác là “Thầy”, thì hiển nhiên đã đặt mình ở vị trí là người học trò, ít nhất cũng là biểu thị sự tôn trọng, nguyện vọng được học tập, thỉnh giáo họ. Trong những ví dụ nói trên chúng ta dễ dàng thấy được như vậy. Điều đó làm cho từ “Thầy” có nhiều điều kiện trở thành từ xưng hô tôn kính được sử dụng ngày một rộng rãi.

Thoạt đầu, từ “Thầy” chỉ người giáo viên chuyên nghiệp, sau đó mở rộng ra chỉ tất cả những người làm công tác giáo dục. Đến cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, phạm vi sử dụng từ “Thầy” lại được mở rộng một lần nữa. Ông Hoàng Nam Tùng đã từng thực hiện một cuộc điều tra vào năm 1987. Ông phát hiện thấy lối xưng hô này cũng đã tồn tại trong giới văn nghệ, báo chí, phát thanh truyền hình ở các mức độ khác nhau. Nhưng tỉ lệ sử dụng từ “Thầy” trong giới văn nghệ là cao nhất.

Gần 10 năm đã trôi qua, tình hình trên không có thay đổi lớn. Trong cuộc điều tra của chúng tôi tiến hành cuối năm 1996 đã phát hiện được tỉ lệ số người tiếp nhận từ “Thầy” giữ ở mức khoảng 18.23 %. Trong đó, tuyệt đại bộ phận vẫn là những người trong giới kể trên.

Điều đáng lưu ý là, hiện nay, không chỉ có các chuyên gia, học giả, biên tập viên, phóng viên, nhà văn, người dẫn chương trình, diễn viên gạo cội đều có thể gọi là “Thầy”, hơn nữa cả trong giới quản lý văn hóa như viên chức của công ty biểu diễn, người chủ trì hội chợ triễn lãm, giám đốc phòng triễn lãm tranh … cũng dùng lối xưng hô này. Đồng thời, các nhà văn hóa trên một bình diện lớn hơn như nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, nhạc sĩ, thậm chí cả nhà thám hiểm, võ sư khí công, người có kỹ năng đặc biệt … cũng bắt đầu dùng từ “Thầy” để gọi nhau.

Có người nói, từ “Thầy” có thể bước vào hàng ngũ những từ xưng hô thông dụng. Hiện tượng này có liên quan đến việc cả xã hội bắt đầu tôn trọng tri thức, nhân tài và địa vị xã hội được nâng cao của người Thầy. Nhưng tôi cho rằng không hoàn toàn như vậy. Bởi lẽ, phạm vi sử dụng của từ “Thầy” tuy ngày càng được mở rộng, nhưng không thể mở rộng tới mức phổ cập, ai ai cũng sử dụng như các từ “Sư phụ”, “Đồng chí”, “Ngài”. Từ “Thầy” rốt cuộc cũng vẫn phải chịu sự hạn chế bởi ý nghĩa cơ bản của nó là: “Người học rộng được tôn là Thầy, người có Đức cao được coi là khuôn mẫu”.

Từ “Thầy” trước sau như một, luôn gắn chặt với các ấn tượng tâm lý như học thức uyên bác, đạo đức cao cả, niềm tin kiên định, không vẩn bụi trần. Trên một ý nghĩa nào đó, nó thuộc về một thế giới tinh thần của nhân loại. Người ta thích dùng từ “Thầy” để xưng hô, chứ không hoàn toàn do xã hội khởi xướng, mà hoàn toàn xuất phát bởi tâm lý con người. Đồng thời, với việc biểu đạt sự kính trọng, người ta nhất định sẽ tìm ra được ánh hào quang tâm linh trên con người được gọi là “Thầy”.

Chúc Tiếp dịch - vi tính: Q.Như

Các tin đã đăng: