Chúng ta hiện nay, rất nhiều chúng sanh trong mộng mị trông thấy quỷ thần. ‘Mộng’ là mơ hồ, chẳng rõ ràng, ‘mị’ là ngủ. Phàm lúc mơ hồ, chẳng rõ ràng, lúc có, lúc không, cảnh giới ấy đều gọi là cảnh mộng. Trong lúc ngủ, mộng cảnh thường thường xuất hiện, hầu như mỗi người đều có kinh nghiệm này. Nhìn thấy một số quỷ thần, đặc biệt là nhìn thấy người nhà thân quyến đã mất, hoặc mộng thấy những quỷ thần chẳng quen biết, thấy hình dáng của họ rất đáng thương, phía sau nói “buồn, khóc, sầu, than, hãi hùng, sợ sệt” trông thấy những hình tướng này. Người chẳng học Phật nhìn thấy cảnh giới hãi hùng, sợ sệt nhiều. Sau khi chúng ta học Phật, cảnh giới hãi hùng sợ sệt trong mộng dần dần ít đi, những thứ này thuộc về ác mộng, mộng [có cảnh tượng] khủng khiếp, dễ sợ ít đi, nhưng mộng thấy một số quỷ thần buồn, khóc, sầu, than nhiều, thường thường gặp cảnh giới này khởi lên. Gặp những chuyện này là vì nguyên nhân gì? Đức Phật trong kinh nói với chúng ta:
Đây đều là cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, quyến thuộc từ một đời, mười đời, trăm đời, hay ngàn đời trong quá khứ, còn đang đọa lạc trong ác đạo, chưa được thoát ra, lại không trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt, nên mới nói với kẻ có tình cốt nhục trong đời trước để họ tạo phương tiện hòng thoát khỏi ác đạo. (Kinh Địa Tạng)
Phải ghi nhớ họ đến cầu xin bạn giúp đỡ. Nếu bạn chẳng học Phật thì họ chẳng đến cầu bạn, tại sao? Vì bạn chẳng có khả năng giúp đỡ họ. Hiện nay bạn học Phật, họ biết bạn có khả năng giúp đỡ họ nên họ tới xin bạn. Do đó phàm mộng thấy những cảnh giới này, chúng ta nên niệm Phật hồi hướng cho họ, niệm kinh hồi hướng cho họ. Bạn niệm kinh Địa Tạng cũng rất tốt, niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát cũng rất tốt. Niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm kinh A Di Đà, niệm danh hiệu A Di Đà Phật cũng tốt, đây là pháp môn chính của chúng ta, sức mạnh của pháp môn chính thù thắng phi thường. Tại sao vậy? Mỗi ngày tụng, mỗi ngày niệm, chúng ta đặc biệt hồi hướng cho họ. Họ đến xin giúp đỡ, cầu cứu.
Trong ‘Ảnh Trần Hồi Ức Lục’ chúng ta thấy có một câu chuyện do Đàm Hư pháp sư kể, gọi là ‘Tám Năm Đóng Cửa Đọc Lăng Nghiêm’, bạn hãy coi đoạn này. Lúc đó họ đều là cư sĩ tại gia, tiếp xúc đến Phật pháp, biết Phật pháp hay, vô cùng hâm mộ kinh Lăng Nghiêm, vài người chí đồng đạo hiệp hợp lại mỗi ngày cùng nhau nghiên cứu, mỗi ngày đọc tụng. Cũng vì cơ duyên chẳng thành thục, phương bắc rất ít người giảng kinh, cho nên chỉ có thể kiếm vài người cùng nhau nghiên cứu, y theo phương pháp này tu học. Nhưng họ cũng rất chịu khó, mấy người tụ lại cùng nhau thảo luận nghiên cứu học tập, và có thể duy trì được tám năm, rất hiếm có! Trải qua một thời gian dài như vậy, ít nhiều cũng có một ít công phu; một chút công phu này vô cùng khó được, rất hy hữu, thế nên cảm động quỷ thần đến cầu siêu độ.
Cụ Đàm không kể chuyện của chính mình mà kể chuyện của một người bạn của cụ; họ hùn vốn mở một tiệm thuốc nhỏ để duy trì đời sống. Buổi trưa lúc ít khách, họ ngủ gục ở quầy. Một người bạn của cụ ngủ gục và nhìn thấy hai người đi vào, đây là chuyện ông đó kể lại cho Đàm Hư lão pháp sư nghe sau khi tỉnh dậy. Ông ấy nói hai người đi vào là oán thân chủ nợ đời trước, vì xích mích tiền bạc nên phải thưa kiện; [kết quả là] ông thắng kiện nên hai người kia thắt cổ tự tử. Vì chuyện này nên ông ấy cũng thường cảm thấy buồn bực và hối hận; lúc đòi nợ đã làm cho hai người này phải chết, khi thấy hai người này đi vào tiệm ông cứ tưởng là họ đến kiếm chuyện, sợ họ lại để trả thù. Thấy vẻ mặt hai người này rất hòa hoãn, ông cũng hơi yên bụng và hỏi: “Quý vị đến đây làm gì?”. Họ nói: “Đến cầu xin siêu độ”. Lúc đó ông mới yên tâm, biết họ chẳng phải đến gây phiền phức mà đến xin siêu độ. Ông nói: “Được, làm sao siêu độ?”. Họ nói: “Chỉ cần ông đồng ý là được”. “Vậy thì được, tôi đồng ý”. Bèn thấy hai linh quỷ này đạp lên đầu gối, lên vai ông rồi bay lên trời, chỉ cần đồng ý siêu độ là được. Bạn nghĩ xem dựa vào sức mạnh gì? Dựa vào việc đóng cửa tám năm đọc Lăng Nghiêm. Hai người này đi khỏi chẳng bao lâu lại có hai người khác đến, là một phụ nữ và một đứa trẻ, nhìn lại thì ra đó là vợ và con đã qua đời của ông. Ông hỏi: “Đến làm gì?”. [Họ đáp] “Để xin siêu độ”. Cũng giống như khi nảy: “Tôi đồng ý siêu độ”. Sau đó hai linh quỷ đó đạp lên đầu gối, lên vai rồi bay lên trời, chẳng cần nghi thức gì cả. Người siêu độ phải có công phu thật sự mới được, nếu không có công phu, dù làm nghi thức gì cũng chẳng có tác dụng, nhất định phải có công phu tu hành chân chánh. Nói cách khác, ban đêm mộng thấy những quỷ thần này đến xin bạn siêu độ, đó là chứng minh bạn cũng có một chút công phu, nếu bạn chẳng có công phu thì họ chẳng đến.
Do đó lúc chúng ta tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, thậm chí khi giảng kinh trên giảng đài, khi gần xong chúng ta đều hồi hướng, hồi hướng nhất định phải dùng tâm chân thành ‘trên đền bốn ân nặng, dưới độ ba đường khổ’. Làm thế nào cho công đức hồi hướng được viên mãn? Phải làm đến có hiệu quả thật sự? Cũng là do một tâm chân thành. Lúc thường ngày chúng ta tu học, từng ly từng tí công phu đều vì chúng sanh, chẳng vì mình thì công đức hồi hướng sẽ viên mãn. Hôm nay tôi mở cuốn kinh ra, tụng kinh này là vì ai? Vì hết thảy chúng sanh. Ngày hôm nay tôi bước vào Niệm Phật Đường niệm câu A Di Đà Phật này, như nói trong kinh, niệm vài phút cũng được, vài giờ cũng vậy, niệm nửa ngày, một ngày, hai ngày hai đêm, tôi niệm vì ai? Vì hết thảy chúng sanh mà niệm, công đức hồi hướng ấy sẽ viên mãn. Ngày nay chúng ta học Kinh Giáo, phát tâm giảng kinh thuyết pháp là vì ai? Vì hết thảy chúng sanh. Nếu nói phát tâm là vì mình thì lợi ích rất nhỏ, công đức chẳng lớn; vì hết thảy chúng sanh, vì Phật pháp trụ thế lâu dài, công đức sẽ chẳng thể nghĩ bàn! Trong kinh đều dạy những công đức như vậy.
Quý vị nhất định phải biết vì chính mình thì công đức rất nhỏ, cùng làm một việc nếu vì chúng sanh, vì Phật pháp thì công đức lợi ích vô lượng vô biên. Bởi lẽ chúng sanh vô biên, Phật pháp vô biên nên công đức lợi ích của bạn sẽ vô biên. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì tại sao lại vẽ cái vòng[1] đó nhỏ như vậy, chỉ vì mình, vì nhà mình, vì đoàn thể của mình. Cùng làm một việc như nhau nhưng được phước nhỏ, công đức nhỏ, lợi ích nhỏ. Người ta cũng làm việc như vậy, tại sao lại được vô lượng vô biên công đức, lợi ích? [Khác nhau] chỉ trong vòng một niệm. Phật pháp nói “một niệm tương ứng”, niệm này có tương ứng hay không? Tương ứng với tự tánh, tương ứng với chân tâm; tự tánh tức là pháp giới, chân tâm tức là pháp giới. Đức Phật đã nói rất nhiều rồi, chúng ta nhất định phải thấu hiểu, phải ghi nhớ, y giáo phụng hành.
Trích Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Ký
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, 5-1998