Về Giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy
Hòa Thượng Thánh Nghiêm (Hòa Thượng Thích Minh Cảnh dịch)
10/06/2011 01:59 (GMT+7)


A. GIÁO LÝ PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Phật Giáo Nguyên Thủy, lẽ ra phải chỉ về các ngôn hạnh của Phật lúc sinh thời, và các ngôn hạnh của các đệ tử được Phật ấn khả. Những điều này chúng ta có thể tìm thấy ở trong kinh A Hàm và các luật bộ, mà A Hàm càng đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên hiện tại, nội dung Kinh A Hàm so với thời kỳ kết tập lần đầu có thể thêm bớt ít nhiều, thậm chí có thể nói nội dung của A Hàm hiện tại không phải là hoàn toàn đung y như hồi Phật Giáo Nguyên Thủy. Nhưng từ sự ghi chép chất phác của A Hàm ta còn có thể tìm thấy bộ mặt thật một phần nào của Phật Giáo Nguyên Thủy.

Về giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy, thật rất chất phác và đơn giản. Đức Phật không thảo luần vòng vo về hình nhi thượng, tất cả chỉ nhằm trình bày những kinh nghiệm về lý tính: Đức Phật dạy người ta con đường giải thoát thực tiễn. Khi các đệ tử hỏi về cảnh giới Niết Bàn, Ngài lặng thinh không đáp. Vì lẽ người chưa đạt đến cảnh giới Niết Bàn, dù cho diễn tả ba ngày ba đêm họ cũng không thể hiểu được cảnh giới thưc tế của Niết Bàn là gì.

Đức Phật rất khéo về việc đơn giản hoá sự việc lại cũng rất khéo vận dụng các thí dụ tại chỗ. Mỗi khi Ngài thuyết pháp cho các đệ tử đều nói ngắn gọn không rườm rà, ít biện luận dài dòng. Nội dung những điều Ngài khai thị không ngoài Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, nếu khai triển thật vô cùng.

Nhưng nếu anh mới bắt đầu tiếp cận Phật pháp, chưa biết tu hành như thế nào thì trước tiên Phật dạy về thân, khẩu, ý; sống đời trong sạch không tì vết thì khi mạng chung được tái sanh là người. Còn "bố thí, nhân ái, làm lợi cho người, chia sẻ khó khăn công việc với người khác" thì khi mạng chung sẽ sinh lên cõi trời (như trong điều 7 ở phẩm Tăng Thường, Tăng Nhất A Hàm 23 và điều 4 phẩm Thiên Tụ, Tăng Nhất A Hàm 24)

Trước hết Phật dùng pháp nhân thiên, khiến cho anh thực hành theo cách làm trời, làm người để anh trở thành người đáng kính, làm cho căn lành của anh thêm lớn. Sau khi anh thọ trì 5 giới cấm, Phật lại dạy cho pháp môn giải thoát. Pháp lành nhân thiên là một thứ mọi người cùng tin giữ được, còn pháp môn giải thoát chỉ có thể đạt đến qua kinh nghiệm chứng ngộ của Phật. Tóm lại, Đức Phật không những không dùng quyền uy thần giáo bao che tội lỗi và chuộc tội dùm ai, cũng không chủ trương dùng bất cứ hình thức tế tự nào để cầu phước và giải thoát; mà là dạy người tự mình thực hành một phương pháp rất thực tiễn. Cho nên trong tinh thần Phật Giáo Nguyên Thủy, tất cả những mê tín và thần thoại đều không có chỗ đứng.

B. THẾ GIỚI QUAN CỦA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Nếu lìa bản vị mà khảo sát thế giới quan, đều không phải là bản ý của Phật. Trong kinh Tiểu Dụ, đệ tử Màlùnkyaputtà đã hỏi: "Thế giới là thường hay vô thường? Đức Phật tồn tại hay không tồn tại sau khi chết? Thế giới là có hạn hay vô hạn?...", tất cả mọi vấn đề khó giải quyết. Với thái độ vô cùng từ tốn, Đức Phật đã trả lời: "Ta không phải nói hoàn toàn như thế. Điều đó không phải là nghĩa tương ưng, không phải là pháp tương ưng, không phải là gốc của Phạm hạnh, không đạt được trí tuệ, không hướng đến giác ngộ , không đến Niết Bàn". Đó là vì Đức Phật không muốn anh hiểu biết tất cả trước, mà phải hoàn thành Niết Bàn giải thoát đã, chừng đó tự nhiên anh sẽ hiểu tường tận mọi việc như mây tan trăng hiện vằng vặc giữa không.

Nói như thế, không phải trong kinh Phật không đề cập đến thế giới quan. Kinh Thế Ký thuộc kinh Trường A Hàm quyển 18 đến 22 (Bản dịch khác: Kinh Khởi Thế Nhân bổn, kinh Đại Lâu Thán) đã giới thiệu rộng rãi các thứ tướng trạng của thế giới quốc độ và thế giới hữu tình.

Nhân đây, chúng ta không thể nói rằng Đức Phật tuyệt đối không hề đề cập đến việc ấy. Nhưng khi khảo sát về căn nguyên của nó thì phát hiện đại thể này là sản phẩm bắt nguồn từ thế giới quan của Phệ đà của Bà La Môn, hợp với tư tưởng Duy Vật phát sinh.

Khi thuyết pháp giáo hoá, Đức Phật khéo xử dùng tài liệu tại chỗ và dùng thí dụ thích hợp để nêu rõ vấn đề khi thuyết pháp cho đồ chúng ngoại đạo. Chắc chắn Ngài có mượn dùng những truyền thuyết của ngoại đạo để hướng về Phật pháp. Cho nên những quan niệm về thế giới lúc bấy giờ được Đức Phật lợi dụng để đưa vào, nhưng những điều đó không phải là những chủ đề chính mà Đức Phật muốn thuyết minh. Điều rất dễ hiểu là vì Đức Phật không công kích biểu lộ sự không đồng tình, nên các đệ tử cho là quan niệm ấy được Đức Phật chấp nhận. Đến kinh "Tượng Thế Trí" thì quan niệm ấy được trình bày dài dòng và có hệ thống, điều này chắc chắn là do sự biên tập tỉ mỉ của các nhà kết tập. Kinh này có sau đời vua A Dục, vì trong Tam tạng Trường bộ Pàli không thấy có ghi chép. Cho nên nội dung của kinh này không phải là do pháp phát minh mà là tài sản chung của văn hoá Ấn Độ đương thời, Đức Phật lợi dụng những quan niệm này là mượn dùng mà không biểu lộ sự chấp nhận, giống như các vị thần Phệ Đà, đặc biệt là Phạm Thiên, Đức Phật phủ nhận thực thể mà khéo dùng sự tín ngưỡng của Phạm Thiên.

Nhưng sau khi Phật diệt độ, hàng đệ tử chấp nhận luôn quan niệm thực thể của Phạm Thiên. Về quan niệm ấy, lấy núi Tu Di làm trung tâm theo sự khảo sát của địa lý học và thiên văn học hiện đại thì quan niệm này không thể chấp nhận được nhưng lại là thông thường của địa lý và thiên văn học Ấn Độ vào thời Phật tại thế và sớm hơn. Do đó, hàng đệ tử Phật phải nên chú ý đến trọng tâm của sự giáo hóa của Đức Phật là chú trọng đến sự tu hành giải thoát khỏi vô minh của con người. Cũng không cần phải chấp nhận hết mọi vấn đề khác mà Đức Phật đã giải đáp cho chúng ta. Nhiệm vụ của Đức Phật là làm lợi ích theo từng trường hợp một, mỗi thứ mỗi khác, ta không nên bỏ gốc theo ngọn. Nếu không thì tự mình sẽ tiến vào ngỏ cụt rồi đưa đến oán hận. Đó là lỗi của chúng ta tự chuốc lấy thôi.

C. TÂM CỦA CHÚNG TA

Đức Phật lấy việc giải thoát con người ra khỏi vô minh làm mục đích, mà chủ tể của con người lại là "Tâm". Tâm không thể tự chủ vì tâm ở trong trạng thái niệm niệm liên tục biến đổi luôn. Đó làvô thường, mà vô thường tức là không chủ thể, lại chính là nghĩa vô ngã. Nhưng mà muốn nó biết nó là vô thường, vô ngã, rồi làm cho nó biến đổi thành bất động, làm thánh nhân siêu việt cả phàm phu, thật không phải dễ.

Ở đây, Đức Phật đặc biệt khảo sát ở tâm phàm phu để hướng dẫn họ, từ tâm nhiễm ô thành tâm thanh tịnh. Chỉ một danh từ "thanh tịnh bất động" đã nói lên quá trình biến đổi liên tục của tâm nhiễm ô. Khảo sát kỹ về trạng thái của tâm, sớ có rất nhiều. Căn cứ vào tư liệu của Phật giáo Nguyên thủy, ta có thể qui nạp phân loại thành 12 loại:

1. Năm cái: Tham dục cái, sân khuể cái, thuỳ miên cái, điệu cử cái, nghi cái.

2. Bảy kiết (sử): Dục tham, hữu tham, sân khuể, mạn, nghi, kiến, vô minh.

3. Chín kiết: Lấy 7 kiết trên làm cơ sở, chỉ đổi hữu tham thành thủ, rồi thêm vào tật và xan.

4. Năm hạ phần kiết: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham và sân.

5. Năm thượng phần kiết: Sắc tham, vô sắc tham, điệu cử và vô minh.

6. Bốn bộc lưu: Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu.

7. Bốn lậu: Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.

8. Bốn thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ.

9. Bốn hệ: Tham hệ, sân hệ, giới cấm hệ, thị chân chấp hệ.

10. Ba cầu: Dục cầu, hữu cầu, Phạm hạnh cầu.

11. Mười sáu tâm cấu: Bất pháp dục (ham muốn bậy bạ), sân, phẫn, hận, phú, não, tật, xan, siểm, cuống, cương phúc, báo phục tâm, mạn, quá mïan, kiêu, phóng dật.

12. Hai mươi mốt tâm uế: Tà kiến, phi pháp dụcc, ác tham, tà pháp, tham, khuể, thùy miên, điệu hối, nghi hoặc, sân triền miên, du siểm, vô tàm, vô quý, mạn, đại mạn, mạn ngạo, phóng dật.

Trong các trường hợp thích đáng, Đức Phật dùng những từ ngữ thích hợp để nói lên trạng thái của bệnh. Giống như phần liệt kê này, mười một hạng mục trước lấy từ "Phật giáo sử Ấn độ" của Long Sơn Trương Chơn, hạng mục thứ 12 lấy từ 93 loại trong kinh Trung A-hàm quyển 23.

Nếu rút gọn lại, không ngoài ba thứ tham, sân, si mà Đức Phật gọi là ba độc hay ba bất thiện căn, hoặc ba thứ lửa. Cận đại có người giải thích ba độc này như sau: "Tâm là một loại đạn tham dục hành vi và không biết đủ, liên tiếp tiến hành cấu thành sự tuần hoàn" (Ấn độ Phật giáo sử, quyển 2, chương 3 của Chu Trước). Lời giải thích này không nhất định là chính xác nhưng có vẻ dễ hiểu.

Do tham, sân, si mà phân biệt ra rất nhiều tên trạng thái tâm lý; vì đối trị với tham, sân, si, lại chia ra rất nhiều tên trạng thái tâm lý, kết quả của sự phân tích đó lại xuất hiện về sau này những cái gọi là Tâm vương, Tâm sở, Thiện tâm sở và Bất thiện tâm sở. Nhân đây, chúng ta có thể nói Đức Phật phân tích tâm lý không giống như sự phân tích của Tâm lý học hiện đại. Đức Phật phân tích tâm lý là nhằm hướng dẫn con người đối trị tâm phiền não, còn Tâm lý học hiện đại chỉ là môn khoa học nhằm giới thiệu sinh lý học và khoa học xã hội. Nếu miễn cưỡng biện biệt thì có thể nói: Tâm pháp của Đức Phật hướng dẫn đối trị tận cội rễ phiền não của con người, còn Tâm lý học hiện đại chỉ phân tích hiện tượng tâm lý bề mặt của con người mà thôi.

Theo: DPNN

Các tin đã đăng: