Phương pháp thực hành bố thí
04/05/2011 22:52 (GMT+7)

I- LỜI MỞ ĐẦU:

      Bố thí vốn là một hành động cao cả, không chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ về vật chất, mà còn là sự giúp đỡ kể cả về tinh thần và trí tuệ đối với người khác. Có thể nói, đây được coi là một trong những hạnh tu quan trọng nhất của Phật giáo đại thừa. Trong sáu pháp môn tu[1]của Bồ Tát, thì Bố thí được đặt lên hàng đầu và thậm chí còn được coi là quan trọng nhất. Cũng cần nói thêm rằng, để thực hành được việc Bố thí, chúng ta phải thực sự có đủ điều kiện, năng lực, sự kiên nhẫn và nguyện lực lớn lao thì mới có thể thực hiện được. Nếu không, sẽ rất dễ vấp phải những chướng ngại, hoặc chưa hội đủ duyên lành mà đành phải bỏ dở giữa chừng. Có lẽ, đây là điều mà không ít những người đã và đang thực hành việc Bố thí thường xuyên gặp phải.

1- Tiêu đề của bài viết:

      Bài viết này được lấy tiêu đề là: “Phương Pháp Thực Hành Bố Thí”. Trước hết, chúng ta hãy hiểu sơ qua về ý nghĩa của từ “Thực Hành Bố Thí”. Trong tiếng Phạn (tiếng Sanskrit), chữ “Caryā[2]” có nghĩa là “thực hành”, “sở hành”, hay là “hành”. Do vậy, trong tiêu đề của bài viết tôi lựa chọn từ “thực hành”, vì thực hành nó mang tính hành động, hoặc muốn thực hiện hay làm một việc gì đó. Giống như câu: “hành Bồ Tát đạo” (Bodhā caranti), tức là thực hành đạo của Bồ Tát. Theo Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo giải thích: “thân hành và tâm nguyện, hai việc này tương hỗ lẫn nhau mà thành được việc lớn”. Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn chép: “có nguyện mà không thực hành, giống như muốn đưa người qua sông mà không chuẩn bị thuyền bè[3]”. Đúng vậy, nếu chúng ta vừa có “tâm nguyện” lại cộng thêm với sự nỗ lực “thực hành” thì không có việc gì khó.

      Hai chữ “Bố Thí” (布施) là dịch từ chữ “Dāna[4] (tiếng Sanskrit). Bố thí nên được hiểu là giúp đỡ người khác, hay giúp đỡ rộng khắp. Trong chữ Hán, chữ「布」(bố) là động từ, nghĩa là phân tán hay là ban bố; chữ「施」(thí) cũng là động từ, nghĩa là cho (cũng có thể hiểu là giúp).

      Như vậy, “Phương Pháp Thực Hành Bố Thí” nên được hiểu là phương pháp thực hành giúp đỡ người khác, hay là giúp đỡ rộng khắp. Từ “rộng khắp” ở đây không có nghĩa là tràn lan, hay chung chung, mà là sự giúp đỡ một cách bình đẳng và không phân biệt người thân hay kẻ sơ.

2- Mục đích của bài viết:

      Xưa nay, có rất nhiều các nhà hảo tâm, các đại thí chủ[5]đã và đang không tiếc thân mạng và đang ngày đêm thực hành việc Bố thí. Có nhiều những tấm gương lăn xả, thậm chí là đã hy sinh thân mạng để giành lại sự sống cho người khác. Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít những người chỉ biết “làm và làm”, “giúp và giúp”, tức là họ chỉ biết làm bằng bản năng và theo sự mách bảo của lương tri, nhưng họ thật sự chưa hẳn đã hiểu về ý nghĩa và công đức của việc Bố thí. Ngoài ra, cũng có số ít phần tử đã không những không hiểu về ý nghĩa sâu sắc, nghĩa cử cao đẹp và sự tích cực của việc Bố thí, thậm chí họ còn muốn lợi dụng việc này để mưu cầu danh lợi cho bản thân mình. Do vậy, bài viết này với mục đích là để giúp ích phần nào cho quý độc giả và nhất là những ai đang ngày đêm hăng say thực hành việc Bố thí hiểu biết thêm về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc làm Bố thí.

II- Ý NGHĨA CỦA HAI CHỮ BỐ THÍ:

      Là người thường xuyên thực hành việc Bố thí, mà chúng ta lại không hiểu về ý nghĩa của hai chữ Bố thí thì quả là một điều thiếu sót. Tuy nhiên, sự thiếu sót này nó cũng không gây nên tác hại nghiêm trọng, nhưng nếu chúng ta vừa chăm chỉ làm việc Bố thí, lại vừa hiểu được ý nghĩa của việc Bố thí thì có khác gì như hổ lại mọc thêm cánh? Do vậy, khi hiểu rõ về ý nghĩa của hai chữ Bố thí thì chúng ta sẽ thực hành việc Bố thí một cách đúng đắn, nghiêm túc và đem lại hiệu quả cao hơn. Nếu không, cho dù chúng ta có quyên góp bao nhiêu triệu, hoặc giúp đỡ bao nhiêu người đi chăng nữa, nhưng hiệu quả cũng sẽ bị hạn chế, mà đôi khi còn bị người khác chê cười và cho đó là hành động mành mành che mắt thánh mà thôi. Nhà triết học cổ điển Đức Immanuel Kant (1724 - 1804) cho rằng, hành vi đạo đức đích thực của con người phải được xuất phát từ nghĩa vụ, chứ không phải chỉ làm cho “phù hợp[6]” với nghĩa vụ. Dưới đây là một vài định nghĩa về hai chữ Bố thí trong một số cuốn từ điển như sau:

      - Theo Trung Quốc Từ Điển (《中國辭典》) : “Bố thí (布施 - bù shì) có nghĩa là đem tiền tài và vật chất của mình cho người khác”.

      - Theo Phật Học Đại Từ Điển (《佛學大辭典》) của Đinh Phúc Bảo: “Bố thí là ta đem hạnh phúc và lợi ích đến cho người khác”.

      - Theo Phạn Hoà Từ Điển (《梵和辭典》) : “Phạn âmDāna”, dịch âm là「檀那」- đàn na), Hán dịch là Bố thí (布施)”. Chữ “Dāna” ngoài dịch là Bố thí ra, cũng có thể dịch là Huệ thí (惠施), Hành thí (行施), Năng thí (能施) hay là Năng xả (能捨) v.v…

      Nếu căn cứ theo ba định nghĩa nêu trên, ý nghĩa của hai chữ Bố thí trong Phật Học Đại Từ Điển và Phạn Hoà Từ Điển có phần phong phú và phù hợp với ý nghĩa Bố thí của Phật giáo hơn. Bởi lẽ, Bố thí không chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ cho người khác bằng tiền bạc vật chất, mà điều quan trọng là còn đem hạnh phúc, lợi ích và pháp lạc[7]đến cho họ. Do vậy, chúng ta càng không nên coi việc Bố thí như một dạng “ban ơn” và “chịu ơn”, tức là người cho là “ban ơn”, còn kẻ nhận thì phải “chịu ơn”. Việc làm này, dường như đã đi ngược lại với ý nghĩa Bố thí của Phật giáo.

      Tóm lại, Bố thí có nghĩa là đem tiền tài vật chất, tinh thần và trí tuệ để giúp đỡ cho người khác. Điều đáng chú ý là, Bố thí phải được xuất phát từ tâm bình đẳng, lòng trắc ẩn và sự chân thành. Như thế, mới thực sự gọi là thực hành việc Bố thí. Đại Trí Độ Luận chép: “khi chúng ta dùng tâm thanh tịnh để thực hành Bố thí, thì không cần cầu danh lợi và phúc báo v.v…Ngược lại, nếu chúng ta đem tâm bất tịnh mà thực hành Bố thí, thì gọi đó là vọng tâm cầu phúc báo, cầu danh lợi v.v…[8]

III- CÁC LOẠI BỐ THÍ:

      Trong Phật giáo có nhiều loại Bố thí khác nhau, nhưng đại thể có sáu loại như sau:

      - Nhị chủng Bố thí (hai loại Bố thí);

      - Tam chủng Bố thí (ba loại Bố thí);

      - Tứ chủng Bố thí (bốn loại Bố thí);

      - Ngũ chủng Bố thí (năm loại bố thí);

      - Thất chủng Bố thí (bảy loại bố thí);

      - Bát chủng Bố thí (tám loại bố thí).

      Trong bài viết này, sẽ không liệt kê chi tiết của các loại Bố thí, mà chỉ tập trung đề cập và thảo luận về hai loại Bố thí mà thôi. Thế nào là hai loại Bố thí? Kinh Đại Bát Nhã quyển 68 chép: “Bồ Tát dùng hai loại bố thí để thâu nhiếp chúng sinh. Hai loại bố thí là gì? Một là: Tài thí; hai là: Pháp thí[9]”. Dưới đây là hai loại Bố thí như sau:

1- Tài thí (財施):

      Tài thí, có nghĩa là đem của cải vật chất để cho, hoặc giúp đỡ đối với các cá nhân và những tổ chức đang cần được sự trợ giúp. Theo Phật Học Đại Từ Điển của Đinh Phúc Bảo, Tài thí là: “mang của cải vật chất ra để giúp đỡ người nghèo khó”.Ví dụ, gần đây Nhật Bản bị động đất và sóng thần nghiêm trọng, nó đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng và của cải vật chất, khiến cho nhiều gia đình nhà tan cửa nát, đất nước thì lâm vào cảnh nguy khốn. Với tinh thần tương thân tương ái, giọt máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, chúng ta người có của góp của, người có công góp công, nhằm làm dịu đi những nỗi đau mất mát và sự thiếu thốn tức thời của bạn, đó chính là chúng ta đã và đang thực hiện được một việc làm gọi là Tài thí. Đúng vậy, mỗi khi lâm vào cảnh khó khăn hoạn nạn, thì lại càng thấy được sự trỗi dậy của lòng trắc ẩn, tình tương thân tương ái và sự chân thành vốn đang tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta.

      Tựu trung, Tài thí chính là việc giúp đỡ, hoặc ủng hộ người khác bằng vật chất, đặc biệt là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn về tiền tài vật chất. Tuy nhiên, để phân biệt được người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, hoặc đang cần sự giúp đỡ cũng không phải là việc làm dễ dàng. Bởi lẽ, trong xã hội ngày nay những kẻ giả nghèo, giả khổ và lười làm ham ăn cũng không phải là ít. Do đó, trước khi thực hành việc Tài thí, chúng ta cũng nên có sự quan sát và dùng trí tuệ để phân biệt đâu là thật và đâu là giả. Có như thế, đồng tiền, hay bát gạo của chúng ta bỏ ra mới thực sự có ý nghĩa và hữu ích, tức là giúp đúng người, đúng đối tượng. Đây không phải là chuyện phân biệt Bố thí (bố thí với tâm không bình đẳng), mà là việc phân biệt phải hay trái, nên hay không nên trước khi chúng ta hành động.

2- Pháp thí (法施):

      Pháp thí, là đem những đạo lý, hay chân lý để thuyết giảng cho người khác nghe, khiến cho họ không đi lầm đường, không gây tội lỗi, hoặc thân tâm được an lạc v.v…Trong Đại Trí Độ Luận chép: “đem những lời pháp vi diệu (chân lý) của đức Phật để diễn thuyết cho người khác nghe, đó gọi là thực hành Pháp thí[10]”. Thêm vào đó, nếu thấy ai hơn mình mà mình không những không mang lòng đố kị, ghanh ghét mà còn biết tùy hỷ công đức, hoặc đưa ra những lời khích lệ và tán thán v.v…, đó cũng chính là một phương pháp thực hành Pháp thí. Ví dụ, trong thời gian gần đây hầu như tất cả mọi người trên thế giới, đều đang hướng tâm về đất nước mặt trời mọc, để cầu nguyện, động viên, tiếp sức và an ủi v.v…, khiến cho họ giảm bớt đi phần nào những đau thương mất mát để sớm trở lại với một cuộc sống thanh bình và an lạc, đó không chỉ là một phương pháp thực hành Pháp thí hết sức hữu hiệu mà còn mang đậm tính nhân văn.

      Tóm lại, Pháp thí chính là đem chân lý và trí tuệ để thuyết giảng cho người khác nghe, khiến cho họ bỏ ác làm lành, tạo niềm an lạc và tìm cầu đến một cuộc sống Chân - Thiện - Mỹ. Thêm vào đó, chúng ta bớt đi lòng đố kị và ích kỷ hẹp hòi, mà thay vào đó bằng sự khích lệ, tán thán và động viên, đó cũng chính là một biện pháp thực hành Pháp thí. Đức Khổng Tử cũng dạy rằng: “khi thấy người hiền đức thì chúng ta nên cố gắng học hỏi sao cho bằng họ. Ngược lại, nếu thấy người bất hiền thì hãy nên suy ngẫm, hoặc xem xét lại chính bản thân mình[11]”. Thật vậy, chỉ có biết thường xuyên xem xét lại bản thân mình, thì mới có sự tiến bộ được[12].

      Như vậy có thể thấy, chỉ cần có đủ khẳ năng về tiền bạc vật chất cộng với tấm lòng tương thân tương ái là chúng ta đã có thể thực hiện được việc giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn hoạn nạn - Tài thí. Tuy nhiên, đây chỉ là đối với những người có lòng nhân ái, vị tha và biết thương người như thể thương thân mà thôi. Còn đối với những kẻ trọng phú khinh bần, một cắc[13]cũng không chịu bỏ ra thì đây quả là một việc làm hết sức khó khăn đối với họ.

      Đối với việc Pháp thí, thì đây quả là một việc làm không đơn giản. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ có kiến thức, trí tuệ và lòng vị tha là đủ, mà điều quan trọng là phải có sự kiên nhẫn và thời gian thì mới có thể thuyết giảng đạo lý cho họ nghe được. Có thể nói, trong hai việc Tài thí và Pháp thí, thì Pháp thí là một việc làm phải mang tính kiên trì, thường xuyên, lâu dài và thậm chí là phải có “kỹ xảo” thì mới thực hiện được. Tuy nhiên, giúp đỡ về mặt tinh thần nó là một tài sản vô giá, đặc biệt là đối với những người đang cần sự trợ giúp về mặt tinh thần. Bởi lẽ, tinh thần nó đóng một vai trò hết sức quan trọng, đôi khi chỉ một lời nói, hoặc một lời khuyên đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp nó sẽ có tác dụng cho cả cuộc đời họ. Nhất là trong thời buổi công nghiệp, với cuộc sống tất bật và áp lực như hiện nay, một lời động viên khích lệ, hoặc một câu đạo lý sẽ khiến cho họ giảm đi không ít áp lực. Trong xã hội hiện nay, nhiều người về mặt vật chất tuy được sung túc dồi dào, nhưng đôi khi tinh thần của họ thật là trống rỗng, hoang mang và vô định, họ thực sự cảm thấy bất an về nhiều mặt. Ví dụ, tiền nhiều như thế thì tiêu như nào, hoặc nay gia sản có cả ngàn tỉ đồng, nhưng qua một đêm lại tay trắng thì sao? Ôi! quả là nỗi lo chồng chất lên nỗi lo. Thế nên, chúng ta hãy đừng xem họ là “biển”, hãy đừng bao giờ xa lánh họ, vì biển càng rộng càng cô đơn. Do vậy, những người thầy tâm linh, những người thầy tinh thần đối với họ quả là vô cùng cần thiết. Tôi có những người bạn gia sản của họ có tới hàng ngàn tỉ đồng, nhưng cuộc sống của họ lúc nào cũng thấy thiếu hụt, tinh thần thường xuyên trong trạng thái trống rỗng và hoang mang. Mỗi khi gặp họ, tôi lại cảm thấy sót thương làm sao. Đúng là chỉ có bản thân họ mới có thể cảm nhận được cuộc sống của họ như thế nào, cũng như chỉ có biển mới có thể biết được thuyền đi đâu về đâu mà thôi.

IV- BỐ THÍ NÊN ĐƯỢC COI LÀ MỘT VIỆC LÀM THƯỜNG XUYÊN:

      Có thể nói, Bố thí là một hành động cao cả, một việc làm đầy tính nhân văn và rất thiết thực, miễn là chúng ta có đủ điều kiện và năng lực. Chúng ta đừng bao giờ đợi khi có đủ tiền bạc vật chất và đủ điều kiện mới thực hiện việc Bố thí. Bởi lẽ, thế sự biến đổi vô thường, có có không không, thịnh thịnh suy suy cũng chẳng khác gì như giọt sương mai đầu cành[14]. Thêm vào đó, thời gian như dòng nước cứ trôi đi mãi[15], nó chẳng bao giờ chờ đợi chúng ta. Do vậy, nếu chúng ta nghĩ rằng cứ đợi tích góp của cải cho thật nhiều và thật giàu rồi mới đem ra làm từ thiện, thì cũng chẳng khác gì như một ông chủ trang trại uổng công gom sữa để tích trữ vào bụng con bò cái. Rốt cuộc, sữa cũng chẳng thấy đâu mà lại còn bị người thì dè bỉu, kẻ thì dèm pha[16]. Bởi vì, chẳng ai lại đem sữa tươi mà tích trữ vào bụng của con bò cái cả, đừng có nói là một tháng, chỉ cần một ngày mà không bảo quản tốt sữa cũng đã bị phân hủy và biến dạng đi mất rồi. Trong Kinh Bách Dụ chép: “muốn làm việc Bố thí, thì đừng đợi khi có đủ tiền bạc, hoặc đủ điều kiện mới làm. Bởi lẽ, chúng ta chưa kịp tích góp tiền bạc thì đã bị bọn tham quan chiếm đoạt, hoặc là “bà hoả”, thiên tai và trộm cắp cướp đi mất, thậm chí là chưa kịp làm việc Bố thí thì chúng ta đã phải chào vĩnh biệt cuộc đời này rồi[17]. Thật vậy, cuộc đời chẳng khác gì như con ong làm tổ, sớm mai hớn hở, bay khắp gần xa, tìm đủ mọi loài hoa để đem về gây mật. Nào ngờ, chỉ một trận cuồng phong, ong cũng đi đằng ong mà tổ thì cũng chẳng còn thấy đâu nữa[18].

      Sống trong cuộc đời này, chúng ta đã và đang hưởng thụ (lấy đi) của xã hội, của thiên nhiên rất nhiều thứ, thì chúng ta cũng nên làm điều gì đó nhằm bù đắp và đền đáp lại cho xã hội, cho thiên nhiên. Chúng ta không nên chỉ biết lấy mà không biết cho (tặng), “lấy” và “cho” ta nên cân nhắc sao cho phù hợp và cân bằng. Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “có cho mới có được” (有捨才有得). Cái “được” ở đây không có nghĩa là sự trao đổi bằng vật chất, tức là ta cho họ cái này, thì họ lại cho ta cái khác. Hoàn toàn không phải là như thế, mà khi ta cho, hoặc ta giúp đỡ ai đó bằng vật chất hay tinh thần, mà ta thấy tâm họ được hoan hỷ và nét mặt toát lên một nụ cười an lạc đó chính là ta đã “được”, mà cái “được” vô hình này nó còn quý giá gấp bội lần so với cái được bằng vật chất. Bởi lẽ, lúc đó cả thân lẫn tâm của ta đều cảm thấy tự tại, sảng khoái và an lạc. Như vậy, cả “người cho” và “người nhận” đều cảm nhận được sự hoan hỷ và niềm an lạc, đó chẳng phải là niềm hạnh phúc của việc Bố thí hay sao?

      Nếu chúng ta có đủ điều kiện, nhân duyên và khả năng mà không thực hành việc Bố thí thì quả là lãng phí cơ hội và uổng phí duyên lành. Bởi lẽ, cho dù có là tỉ phú thì bạn cũng chỉ ăn ngày tới ba bữa và cùng lắm thì thỉnh thoảng ăn thêm bữa đêm mà thôi, vì ăn lắm thì ta lại càng tốn kém tiền mua thuốc để giảm béo, thậm chí lại còn sinh ra nhiều bệnh tật. Chúng ta hãy siêng năng làm những việc có ích ngay trong hiện tại, đừng để diễn ra cảnh ngộ như của Tề Cảnh Công (ông vua của nước Tề). Chuyện là thế này, Tề Cảnh Công có đến hàng ngàn cỗ xe bốn ngựa (xe có bốn con ngựa kéo), nhưng ông ta vốn là người keo kiệt, bủn xỉn và chỉ biết vụ lợi cho bản thân mình, đến lúc ông ta sắp sửa lìa xa cõi đời thì dân chúng chẳng tìm thấy cái gì đáng để mà ca tụng. Ngược lại, nghèo như Bá Di và Thúc Tề[19]và bị chết đói ở dưới chân núi Thủ Dương, nhưng cho đến ngày nay vẫn được người đời tán tụng[20]. Trang Tử cũng đưa ra lời khiển trách đối với những người giàu có mà không chịu giúp đỡ người khác như sau: “sống mà không chịu làm việc bố thí, thì chết phải ngậm ngọc để làm gì?[21]”.

      Quả thực, giàu sang là điều mà ai cũng mong muốn, còn nghèo hèn thì ai cũng chán ghét[22]. Chỉ có điều, chúng ta đã giàu có về tiền bạc vật chất, nhưng lại còn giàu lòng nhân ái, tức là biết giúp đỡ người khác trong những lúc khó khăn hoạn nạn thì “kim cương” cũng không thể đem ra mà sánh kịp, chứ đừng có nói là vàng.

V- PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH BỐ THÍ:

      Có người cho rằng, cứ có tiền của là làm từ thiện và làm Bố thí thôi, đâu cần phải có phương pháp? Tất nhiên, không có phương pháp thì chúng ta cũng vẫn có thể giúp đỡ người khác được, nhưng nếu có phương pháp cộng thêm với lòng hảo tâm thì việc thực hành Bố thí của chúng ta sẽ có hiệu quả và ý nghĩa hơn nhiều. Do vậy, trước khi thực hành việc Bố thí chúng ta nên dành chút thời gian để tìm hiểu qua về ý nghĩa, mục đích và phương pháp của việc thực hành Bố thí.

      Nếu chúng ta làm việc Bố thí với tâm không bình đẳng, không vô tư và làm để cho người khác nhìn, hoặc người khác khen ngợi v.v…, thì đó gọi là “Bố thí với tâm chấp trước” - cầu danh lợi mà Bố thí. Ngược lại, nếu chúng ta thực hiện việc Bố thí mà xuất phát từ lòng trắc ẩn, sự chân thành và không phân biệt người thân kẻ sơ v.v…, thì gọi đó là “Bố thí với tâm không chấp trước” - không cầu danh lợi mà Bố thí. Dưới đây là một số phương pháp thực hành việc Bố thí như sau:

1- Bố thí với tâm chấp trước:

      Trong Phật giáo rất chú trọng đến việc “giúp đỡ người khác mà không cần đến sự báo đáp” (施恩不求報). Bởi lẽ, nếu giúp đỡ người khác mà chúng ta lại mong đợi ở sự đền đáp, hay trả ơn của họ, thì đó là sự giúp đỡ với ý đồ và mục đích. Một khi đã có ý đồ và mục đích (thiên về hướng tiêu cực), thì ý nghĩa của việc Bố thí nó sẽ bị lệch lạc và kém hiệu quả. Thêm vào đó, nếu chúng ta giúp đỡ ai, hoặc quyên góp tiền tài vật chất cho một tổ chức nào đó mà lại không ngừng khoe mẽ, kể lể và tuyên truyền v.v…, thì công đức và ý nghĩa của việc Bố thí cũng sẽ bị suy giảm, không muốn nói là sẽ bị mất hết. Kinh Kim Cương có chép: “nếu Bồ Tát trụ tâm ở pháp mà làm việc bố thí, thì như người vào nơi tối, mà không nhìn thấy bất kể cái gì[23]”.Pháp” ở đây là chỉ cho chúng sinh, nhân và ngã v.v…, tức là Bồ Tát khi thực hiện việc Bố thí thì không có sự phân biệt “ta” với “người”, hoặc người này ta thích thì cho nhiều, còn kẻ kia ta ghét thì không cho ít v.v…Nói cách khác, đối với Bồ Tát thì sự giàu - nghèo - giỏi - dốt (quý - tiện - hiền - ngu) đều bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, đây là hạnh nguyện cao cả của Bồ Tát, còn chúng ta vẫn còn là người phàm tục, đang trên bước đường tu tập và rèn luyện, thì việc phát tâm giúp đỡ người khác đã là điều quý hoá lắm rồi. Do vậy, việc cầu chút danh lợi, hay uy tín trong khi thực hành việc Bố thí là điều dễ hiểu và cũng khó có thể tránh khỏi, miễn sao chúng ta không nên thái quá và coi đó là một công cụ để trục lợi là được.

2- Bố thí với tâm không chấp trước:

      Như đã đề cập ở trên, nếu chúng ta giúp đỡ người khác mà xuất phát từ tình thương yêu đùm bọc, thương người như thể thương thân và bình đẳng vô tư không cầu danh lợi v.v…, thì đó có thể “được coi” là thực hành việc Bố thí với tâm không chấp trước. Kinh Kim Cương chép:“ nếu Bồ Tát tâm không trụ ở pháp mà thực hành việc bố thí, thì cũng giống như người có mắt, dưới ánh sáng soi rọi, nhìn thấy đủ mọi màu sắc[24]”. Thực vậy, nếu Bồ Tát coi tất cả chúng sinh đều bình đẳng, không có sự phân biệt mà thực hành việc Bố thí thì chẳng khác gì như người có đôi mắt sáng, lại được ánh sáng của mặt trời rọi soi nên có thể nhìn thấy được đủ mọi loại màu sắc ở trên thế gian này. Có thể nói, đây là một hạnh nguyện vô cùng cao cả của Bồ Tát[25], một việc làm không thể ai cũng có thể làm được. Khó như vậy, liệu chúng ta có thể thực hành theo được hay không? Câu trả lời là: “khả năng” sẽ làm theo được. Trước hết, chúng ta phải có nguyện lực (phát tâm Bồ đề), tinh tiến tu tập, nỗ lực thực hành và cũng cần phải có thời gian chứ không thể một bước mà lên đến trời được.

3- Bố thí với lòng khiêm tốn và bao dung:

      Ngoài việc không phân biệt thực hành Bố thí ra, chúng ta cũng nên có lòng khiêm tốn và bao dung trong mỗi khi thực hiện việc Bố thí. Ví dụ, khi giúp đỡ tiền bạc hay vật chất cho một ai đó, chúng ta hãy nên dùng hai tay và với sự trịnh trọng để đưa cho họ, không nên cầm tài vật mà “vứt” hay “ném” vào trước mặt họ, thậm chí còn coi họ như là một kẻ đáng thương. Xin hãy đừng bao giờ làm như thế, bởi lẽ thế sự vô thường, nay ta có điều kiện, cũng có thể ngày mai ta lại tay trắng và “không may” lúc đó cảnh ngộ của ta cũng giống như họ, thì sự cảm nhận của ta sẽ như thế nào đây? Thú thực, mỗi khi có cơ hội giúp đỡ cho những người sa cơ lỡ vận, tôi đều dùng bằng hai tay, với sự trịnh trọng và thêm vào đó là lời chúc phúc đối với họ. Lúc đó, tự lòng mình cảm thấy ấm cúng và an lạc làm sao.

      Một điều đáng chú ý nữa là, chúng ta không nên cáu bẳn hay tức giận mỗi khi có người đến quyên góp, hoặc là xin được giúp đỡ về tiền bạc vật chất v.v…, mà hãy nên nghĩ đó là một cơ hội, một niềm vui, đồng thời cũng là phúc báo của chúng ta. Bởi lẽ, do chúng ta có phúc báo nhiều đời cộng với duyên lành và sự nỗ lực không ngừng của bản thân nên mới có được sự hạnh phúc và giàu có hơn người. Do vậy, chúng ta nên có lòng hoan hỷ, còn việc giúp đỡ hay không thì còn tùy thuộc vào nhân duyên và điều kiện. Nếu chúng ta mà coi họ là những người gây phiền phức và nhiễu nhương v.v…, thì không những chúng ta đã thiếu đi lòng bao dung độ lượng, mà chính bản thân chúng ta đã tự “chuốc lấy” sự phiền não trước họ.

4- Bố thí không nên phân biệt ít nhiều:

      Cốt lõi của việc thực hành việc Bố thí là ở cái tâm, chúng ta đừng bao giờ có suy nghĩ vì tôi có ít tiền nên không dám giúp đỡ người khác. Cho dù chỉ là một đồng, về mặt vật chất tuy là nhỏ, nhưng tấm lòng và sự an ủi của bạn đến được với họ là quý lắm rồi. Người Việt Nam có câu: “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” là vậy. Cái miếng khi đói đó, mà được xuất phát từ tấm lòng trắc ẩn và sự chân thành của bạn, thì họ đã cảm thấy rất no và ấm áp lắm rồi.

      Cũng có người nghĩ rằng, nếu như mình nghèo không có tiền của để thực hành việc Bố thí thì sao? Không có sao cả, bạn vẫn có thể làm được tốt. Vì sao? vì khi không có tiền tài vật chất thì bạn nên dùng lời nói để động viên, khích lệ, hoặc đem đạo lý ra để nói cho họ nghe v.v…(như đã nêu rõ ở phần Pháp thí), thì đó cũng chính là bạn đã và đang làm việc Bố thí rồi đó. Thêm vào đó, nếu bạn biết khuyến hoá và kêu gọi những người có điều kiện vật chất mà họ chịu nghe theo và phát tâm giúp đỡ người khác, đó chẳng phải là biện pháp thực hành việc Bố thí sao? Có thể nói, chúng ta có thể làm việc Bố thí ở mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh, miễn là chúng ta biết dụng tâm.

5- Bố thí sao cho phù hợp và đúng đối tượng:

      Bố thí là một việc làm cao cả, thiết thực và đặc biệt là chúng ta nên làm với tâm không phân biệt hay cầu danh lợi. Mặc dù vậy, đối tượng cần được sự trợ giúp thì nhiều không kể xiết, mà điều kiện và khả năng của chúng ta thì lại có hạn. Vậy làm cách nào để có thể thực hiện việc Bố thí một cách phù hợp và đúng đối tượng? Đây quả là một việc làm không đơn giản, nếu chúng ta làm không khéo sẽ trở thành “làm phúc phải tội”.

      Thứ nhất, chúng ta nên lượng sức mình trong khi làm Bố thí, không nên quá gượng ép hay làm quá với khả năng cho phép của mình. Có một số người nghĩ rằng, làm phúc, Bố thí và cúng dàng v.v…, sẽ được nhiều công đức hay phúc báo vô lượng, nên họ “dường như”đã đem hết cả tài sản trong gia đình mình để đi làm Bố thí và cúng dàng. Kết cục, vợ chồng trở nên bất hoà, con cái nheo nhóc và gia đình thì tan nát. Hành động như vậy, không chỉ là làm việc Bố thí một cách thái quá và mù quáng, mà thậm chí còn chẳng được tí phúc nào cả. Do vậy, trước hết muốn sửa “cầu ao” cho người khác, thì chúng ta cũng nên xem “cầu ao” của nhà mình như thế nào đã.

      Thứ hai, thực hành việc Bố thí cũng cần nên đúng đối tượng, tức là chúng ta giúp đỡ đúng người, hoặc đúng đối tượng cần giúp. Nếu chúng ta cứ làm cho xong, cho được, hoặc với hành động “vứt tiền qua cửa sổ”, không may lòng hảo tâm của chúng lại rơi vào tay những kẻ lừa đảo, hoặc nghiện hút v.v…, thì vô hình trung chúng ta đã tạo cơ hội cho họ gây thêm tội lỗi. Do vậy, trước khi thực hành việc Bố thí, chúng ta nên dùng trí tuệ để phân biệt đâu là người cần giúp và đâu là kẻ chưa, hoặc không đáng giúp.

VI- CÔNG ĐỨC CỦA VIỆC THỰC HÀNH BỐ THÍ:

      Thực hành việc Bố thí có công đức hay không? Câu trả lời là có, nhưng đạt được đến mức độ nào thì lại còn thùy thuộc vào hành vi và mục đích của người làm Bố thí. Theo Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh (《月燈三昧經》[26]) chép rằng, thực hành việc Bố thí sẽ được mười công đức như sau:

       - Một là, chúng ta sẽ hàng phục được tâm bủn xỉn, keo kiệt và phiền não.

       - Hai là, tâm luôn được hỷ xả và không lúc nào bị gián đoạn.

       - Ba là, không phân biệt “ta” và “người”, cùng nhau thụ dụng chung tài sản.

       - Bốn là, đời sau dứt khoát sẽ được sinh vào nhà giàu có.

       - Năm là, đời sau khi sinh ra liền được người khác bố thí và cúng dàng.

       - Sáu là, thường khiến cho Tứ chúng[27]được an lạc và không sinh tâm sân hận.

       - Bảy là, vì có lòng từ bố thí, nên Tứ chúng thường gần gũi mà không thấy sợ hãi.

       - Tám là, tiếng tăm lẫy lừng, được nhiều người khen ngợi.

       - Chín là, tay chân thì mềm mại và thân tướng thì được trang nghiêm.

       - Mười là, thường được gần chư Phật, Bồ tát và các bậc thiện tri thức.

      Trên đây là sơ lược về mười công đức của việc thực hành Bố thí, nếu như chúng ta luôn siêng năng làm việc Bố thí, hoặc giúp đỡ người khác bằng tâm bình đẳng và không cầu danh lợi, thì chắc chắn mười công đức nêu trên sẽ không bao giờ xa rời chúng ta.

            VII- KẾT LUẬN:

      Nói theo ngôn từ Phật giáo thì gọi là “Bố thí”, còn nếu nói theo ngôn từ đời thường thì nên gọi là “giúp đỡ người khác”, đặc biệt là đối với những người đang gặp phải những hoàn cảnh khó khăn về vật chất, hoặc hoang mang về tinh thần. Do vậy, thực hành việc Bố thí không chỉ là việc giúp đỡ, hoặc hỗ trợ về mặt vật chất mà còn kể cả về mặt tinh thần. Điều quan trọng là, trong khi thực hành việc Bố thí, chúng ta nên “cố gắng” làm với tâm bình đẳng, vô tư, khiêm tốn, bao dung, đúng đối tượng, đồng thời cũng phải nên lượng sức mình chứ không nên thái quá. Sự hài hoà, tức là không bất cập và cũng không thái quá là điều rất quan trọng trong cuộc sống thường nhật và đặc biệt là trong khi thực hành việc Bố thí. Nếu chúng ta bất cập đến mức “nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ, mà cũng không chịu làm” (ví với sự keo kiệt không chịu giúp người khác) như ông Dương Chu thì quả là không nên; nhưng chúng ta lại thái quá đến mức “mài mòn đầu, đi mòn chân để làm lợi ích cho thiên hạ” như ông Mặc Địch thì cũng chưa hẳn đã phải là tốt[28]. Một ông thì “chỉ vì mình”, còn một ông thì “quá vì thiên hạ - kiêm ái”. Đây là hai hành động có phần cực đoan, thiếu sự uyển chuyển, thậm chí là đã đi ngược lại với đạo Trung dung nên đã bị Mạnh Tử kịch liệt phê phán. Vậy nên, mỗi khi giúp đỡ người khác, chúng ta nên tùy tâm và lượng sức sao cho phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, không nên bất cập và cũng đừng nên thái quá.

       Thêm vào đó, đối với người được giúp đỡ (người nhận) cũng nên có lòng tri ân và báo ân, đồng thời phải tự mình nỗ lực để vươn lên. Báo ân ở đây, không nhất thiết là ta phải đền đáp hay trả ơn cho người đã giúp đỡ ta, mà là nếu có cơ hội, hoặc điều kiện thì ta cũng sẽ lại giúp đỡ cho những người còn đang khó khăn và vất vả hơn ta. Nếu làm được như vậy, thì xã hội sẽ ngày một trở nên hài hoà và sự phân hoá giàu nghèo cũng dần dần sẽ được thu hẹp lại.

       Nói chung, nếu khả năng và điều kiện cho phép thì chúng ta hãy nên ân cần giúp đỡ người khác bằng vật chất, hoặc tinh thần, tùy theo với sự thiếu thốn hay nhu cầu của họ. Mà việc làm này nên được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Còn không, xin hãy tôn trọng họ và hãy để cho họ được yên, chúng ta đừng nên buông ra những lời thị phi, hoặc đừng “sát thêm muối” vào vết thương của họ.

      Ngôn ngữ văn tự vẫn chỉ là ngôn ngữ văn tự, nó luôn làm hạn chế, thậm chí là còn làm mất đi ý nghĩa đích thực của chân lý (ngôn ngữ đạo đoạn). Thêm vào đó, biển học là vô bờ, mà sở học của tôi thì chỉ có hạn, nếu có gì chưa được hoàn chỉnh trong bài viết này, rất mong được sự chỉ giáo và góp ý chân thành của quý độc giả cũng như các bậc cao minh.

           

                                                                                 Taipei, mùa Phật đản năm 2011

                                                                                   THÍCH MINH QUANG - HN



[1] Sáu pháp môn tu, hay còn gọi là Lục Độ Ba La Mật (Ba La Mật là được dịch âm từ Phạn âm “pāramitā” (từ âm tính), có nghĩa là đến bờ trí tuệ, hay là trí tuệ đáo bỉ ngạn). Lục Độ Ba La Mật bao gồm: “Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Trí tuệ”.

[2] Tự căn (gốc chữ) của “Caryā” (từ âm tính) là √Car, có nghĩa là “hành động”, hay “thực hành”.

[3] 論云:「有願而無行,如欲度人彼岸,不肯備於船筏。」

[4] Trong tiếng Phạn, từ “Dāna” thuộc về từ trung tính. Tiếng Phạn phân biệt rất rõ về danh từ Dương tính (masculine), danh từ Âm tính (feminine) và danh từ Trung tính (neuter).

[5] Thí chủ tiếng Phạn là “Dāna-pati” (từ dương tính), dịch âm là (檀越), Hán dịch là「施主」, có nghĩa là người bố thí hay là người cúng dàng.

[6] Chữ “phù hợp” ở đây nó mang tính gượng ép, bắt buộc, thậm chí là làm để cho người khác nhìn vào, chứ không mang tính tự giác, tự nguyện, hoặc xuất phát từ lòng trắc ẩn và sự chân thành.

[7] Pháp lạc: là nói cho họ những đạo lý, chân lý, thậm chí là những lời tán thán và ca tụng v.v…, khiến cho họ nghe xong thân tâm cảm thấy được an lạc và tăng thêm nghị lực trong cuộc sống. Có thể nói, đây chính là một sự tiếp sức bằng tinh thần và sự tiếp sức này tuy là vô hình nhưng nó mạnh mẽ và có hiệu quả hơn bao giờ hết. Cũng như gió vậy, nó tuy là vô hình nhưng khi những trận cuồng phong nổi lên thì tường cũng sẽ đổ và nhà cũng phải sụp.

[8] 論云:「一淨施,謂布施時不求世間之名譽福利等報…;二不淨施,謂以妄心求福報而行布施也。」

[9] 經云:「菩薩摩訶薩以二種施攝諸有情。何等為二?一者財施,二者法施。」Kinh này rất chú trọng đến Tứ Nhiếp Sự của Bồ Tát. Tứ Nhiếp Sự bao gồm: “Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự”.

[10] 論云:「以諸佛語妙善之法,為人演說,是為法施。」

[11] Trong thiên Lý Nhân của sách Luận Ngữ chép:「見賢思齊,見不賢而內自省。」

[12] Tăng Tử cũng nói rằng: “mỗi ngày ông ta thường xuyên xem xét lại mình ba lần” (一日三省吾身). (Xem thiên Học Nhi của sách Luận Ngữ).

[13] Người Trung Quốc có câu Thành ngữ: “một sợi lông cũng không chịu nhổ” (一毛不拔) , tức là chỉ cho người keo kiệt, bủn xỉn và chỉ biết vụ lợi cho mình.

[14] Đúng như lời Thiền sư Vạn Hạnh nói:「身如電影有還無,萬木春榮秋又枯;任運盛衰無怖畏,盛衰如露草頭鋪。」Ngô Tất Tố dịch là: “Thân như bóng chớp có rồi không, cây cối xuân tươi thu não nùng; Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi, kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

[15] Một hôm, khi đức Khổng Tử ngắm nhìn dòng sông chảy hoài nên ngài đã thốt lên một câu rằng:「逝者如斯夫,不捨晝夜!」Tạm dịch: “cứ chảy (trôi) mãi như thế sao? chẳng kể ngày đêm.” Cuộc đời là thế, cuộc đời ví như dòng nước cứ chảy hoài, còn chúng ta ví như những cánh bèo trôi nổi bồng bềnh, nay dạt bờ đông mai ghá bờ tây mà thôi.

[16] Xem câu chuyện ngụ ngôn “Để dành sữa” (積存牛乳) trong Kinh Bách Dụ (《百喻經》).

[17] 經云:「欲修布施,方言待我大有之時。然後頓施,未及聚頃或為縣官水火盜賊之所侵奪,或卒命終不及時施。」

[18] 誌公禪師省世歌云:「朝走西來暮走東,人生恰似採花蜂;採得百花成蜜後,到頭辛苦一場空。」Tạm dịch: “sáng lượn tây chiều bay đông, đời người chẳng khác như ong lấy mật (làm tổ); sau khi lấy được mật ở đủ mọi thứ hoa rồi, vất vả uổng công rốt cuộc cũng tay trắng lại hoàn tay trắng.

[19] Hai nhà hiền sĩ của cuối thời nhà Thương, hai anh em ông đều là con của vua nước Cô Trúc nhưng sau khi cha mất đã không chịu kế vị ngôi vua mà bỏ đi lang thang đó đây và sống với một cuộc đời đạm bạc. 

[20] Trong thiên Quý Thị của sách Luận Ngữ có nói đến chuyện Tề Cảnh Công và hai anh em Bá Di và Thúc Tề. Đây là câu chuyện mang tính giáo dục cao, đặc biệt là đối với những ai đang trọng phú khinh bần.

[21] Thiên Ngoại Vật của sách Trang Tử viết:「生不布施,死何含珠為?」. Có lẽ xưa kia người giàu khi mất đi đều cho ngậm ngọc, nên Trang Tử mới đưa ra lời khiển trách như thế.

[22] Xem thiên Lý Nhân của sách Luận Ngữ, Khổng Tử có nói rõ về vấn đề phú và quý.

[23] 經云:「若菩薩心住於法而行布施,如人入暗,則無所見。」

[24] 經云:「若菩薩心不住法,而行布施,如人有目,日光明照,見種種色。」

[25] Trong Phẩm Phật Quốc của Kinh Duy Ma Cật chép: “Bố thí là cõi Tịnh độ của Bồ Tát” (布施是菩薩淨土。).

[26] 經云:「一者,降伏慳悋煩惱;二者,修習捨心相續;三者,共諸眾生同其資產,攝受堅固而至滅度;四者,生豪富家;五者,在所生處施心現前;六者,常為四眾之所愛樂;七者,處於四眾不怯不畏;八者,勝名流布遍於諸方;九者,手足柔軟足掌安平;十者;乃至道樹不離善知識。」

[27] Tứ chúng gồm có hai loại: Một là Tứ chúng xuất gia gồm có: “Tỷ khưu, Tỷ khư ni, Sa di và Sa di ni”; hai là Tứ chúng bao gồm cả người xuất gia và người tại gia như: “Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, Ưu bà tắc (Cư sĩ Nam) và Ưu bà di (Cư sĩ nữ) ”.

[28] Xem thiên Tận Tâm của sách Mạnh Tử nói rõ về hai hành động mang tính bất cập và thái quá của hai ông Dương Chu và Mặc Địch. Một người thì “chỉ vì mình”, còn một người thì “quá vì thiên hạ - kiêm ái” Nguyên văn như sau: 「楊子取為我,拔一毛而利天下,不為也。墨子兼愛,摩頂放踵利天下,為之。」

---------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc:

Người gửi: Tạ thị hà
Địa chỉ: hà nội
Email: hoasentrang....@gmail.com

Tiêu đề: biết lắng nghe và thấu hiểu

Qua bài viết của thầy con thấy thật thiết thực với cuộc sống đô thị hóa,sự phát triển của internet thì con người đang một ngày xa cách nhau.xã hội đang càng ngày càng phân cấp,người có tiền mà sử dụng lãng phí,hoặc có làm bố thí nhưng không hiểu gì về bố thí,mục đích lệch lạc.đây như 1hồi chuông thức tỉnh mỗi người,hãy biết cho chúng ta sẽ có rất nhiều cái để nhận lại,vô thường chẳng ai dám chắc được điều gì.bên cạnh đó thầy cũng dạy cho chúng con hãy biết đặt mình vào cương vị của người khác để thấu hiểu,ta không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người,như 1người vất vả ngày đêm lo nghĩ kiếm tiền giữ của cũng có lúc họ thật cô đơn,lạc lõng. Một người nghèo khó vì phúc báo không đủ nhưng lòng tự trọng của họ thì không nghèo chút nào.lời văn tuy mộc mạc nhưng hàm chứa bao tâm sự của các đối tượng,cám ơn thầy đã miệt mài vất vả để truyền đạt đến cho chúng con ý nghĩa của cuộc sống này. xin kính chúc thầy pháp thể an khang,bồ đề tăng trưởng,chúng sinh dị độ.luôn là nhà tâm lý khiến mọi người gần nhau hơn thấu hiểu nhau hơn,(hãy lắng nghe hãy thấu hiểu)

Các tin đã đăng: