Tứ chánh cần
13/07/2011 23:56 (GMT+7)




Hôm nay, nhân mùa an cư, về đây thuyết pháp nhắc tôi nhớ lại tỉnh Bình Phước là tỉnh đầu tiên mà tôi đã đến hoằng pháp khi tôi mới ra trường vào năm 1958, nên tôi có độ cảm sâu sắc với tỉnh nhà; đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, nhân dân ở tỉnh này đã hy sinh quá nhiều. Vì vậy, giữa những người đã khuất và những người đang sống nơi đây có sự Liên hệ mật thiết, gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng cần phải giúp cho người khuất bóng được siêu thoát thì người sống mới phát triển được ý này trong Phật giáo gọi là âm siêu dương thới.

Thực tu chúng ta dễ nhận ra điều này. Riêng tôi, có lần tọa Thiền, thấy triệu chứng bất bình thường xảy đến, tự nhiên tâm mình bất an; tôi kiểm chứng lại, liền phát hiện ra người bạn thân thương chết không siêu thoát đã tìm đến tôi và tâm đau khổ buồn phiền của họ đã tác động tâm tôi. Tôi liền niệm Phật để hồi hướng cho họ thì thấy lòng mình an và người bạn này cũng được siêu thoát. Chúng ta biết họ được siêu thoát, vì họ không còn mang tâm trạng khổ đau đến tìm mình nữa, hoặc chúng ta nhận được những điều may mắn, tốt lành trong hoàn cảnh sống không tốt chút nào là biết họ đã giúp đỡ chúng ta để trả ơn cứu độ.

Quý vị có nhân duyên về tỉnh này sống, nên nghĩ đến những người đã khuất để cầu nguyện cho họ và tạo mối tương quan tương duyên tốt đẹp với họ, quý vị sẽ nhận được sự hỗ trợ của người đã khuất đời sống sẽ được yên ổn. Còn họ không siêu thoát, sẽ quấy nhiễu, khiến tâm chúng ta bất an, khó tu và việc xảy ra cũng sẽ không tốt. Điều cần thiết là tâm chúng ta phải được bình an trước và giúp cho tâm của người được bình an, mới phát triển được đạo lực.

Khi tâm chúng ta chưa an, phải biết là do ngoại ma, tức là những người đã chết còn buồn phiền, bực tức đau khổ đã tác động chúng ta, làm cho bất an. Hai là chúng ta bất an vì trong tâm mình đã có nghiệp gọi là ngũ ấm ma, phiền não ma, tức nội ma. Trên bước đường tu, điều quan trọng là phải phát hiện được nội ma trong lòng và ngoại ma bên ngoài. Ma trong lòng không còn thì ma bên ngoài không thể tác động được. Thật vậy trong lòng ta còn phiền não, chắc chắn người có phiền não sẽ tìm đến và khai thác tâm trạng buồn phiền của ta; ta còn bực tức, người bực tức cũng đến khai thác lòng bực tức của ta. Còn lòng ta hoàn toàn yên tĩnh, vắng lặng, họ không thể khai thác được, phải bỏ đi, nên ta được giải thoát.

Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời , mang thân ngũ ấm để sống cùng chúng ta và Ngài kiểm chứng được lực tác động của nội ma và ngoại ma, mới rút kinh nghiệm chỉ dạy chúng ta. Người có phước dễ dàng phát triển phước, vì với sức khỏe tốt, thông minh, làm được nhiều việc, nên được người thương quý và ngoại hình dễ coi, đến đâu cũng dễ được thiện cảm, được giúp đỡ, phiền não không thể sinh ra. Trái lại, người có ác nghiệp  như xấu xí, bệnh hoạn, chậm hiểu, nghèo thiếu, dễ bị người khác xem thường, tất nhiên sẽ bực tức, khổ đau, phiền não phát khởi hền, tức dễ dàng tạo thêm ác nghiệp.

Có phước, Đức Phật dạy nên tu phước thêm lên, để mất thì tạo lại rất khó. Khi ta còn trẻ, còn khỏe, cần cố gắng học, nỗ lực làm việc; nếu không, sức khỏe yếu lần, muốn làm cũng không được, muốn học cũng không vô. Tôi còn nhớ Hòa thượng Trí Thủ nói với tôi rằng bây giờ còn lạy Phật được mà không lễ lạy, mai mốt già yếu làm sao lễ lạy. Chúng ta nên noi theo hạnh đức của Ngài, ngày nào còn làm được việc lợi ích cho đạo, tốt đẹp cho đời, cố gắng làm để tạo phước cho đời này và đời sau. Đức Phật dạy rằng được làm người rất khó, chúng ta đã có thân người và còn được gặp Phật pháp, phải nỗ lực tu hành cho đắc đạo. Nỗ lực tu cái gì và tu thế nào là đắc đạo.

Thiết nghĩ đắc đạo làm Phật, A la hán thì cao quá, chúng ta tính sau. Đối với chúng ta, đắc đạo là được cái đạo của người xuất gia, đơn giản là có đời sống đức hạnh làm cho người quý trọng mình. Điều này ở trong tầm tay chúng ta, nên làm trước, những việc cao xa chúng ta làm sau.

Thể hiện tinh thần này, Đức Phật dạy rằng đối với những điều thiện lớn hay nhỏ mà chúng ta làm được, đừng nên bỏ qua. Nhiều người thường nghĩ chờ thời, tức chờ có sự thay đổi nào đó, mới ra làm việc lớn, không làm việc nhỏ. Nhưng thực tế cho thấy người chờ thời, đến khi tuổi già cũng không làm được gì và sau cùng chết trong nuối tiếc, ân hận.

Đức Phật của chúng ta đối với việc thiện nhỏ, Ngài cũng làm. Câu chuyện nổi tiếng trên bước đường Đức Phật đi giáo hóa độ sinh, chúng ta còn nhớ. Đức Phật đã xỏ kim cho một bà lão bên vệ đường. Đức A Nan thưa rằng Phật là bậc Thầy của trời người, nhưng tại sao Ngài lại làm việc nhỏ như vậy. Đức Phật dạy rằng nếu ở đây và bây giờ, ta không làm việc này thì còn việc nào lớn hơn để làm hay không.

Theo dấu chân Đức Phật, người tu luôn nhớ "Bây giờ và ở đây" làm được việc thiện nào nên làm ngay; đừng chờ thời gian trôi qua, chê việc nhỏ, chờ việc lớn, để rồi đến lúc không có việc nhỏ nào để làm.

Đức Phật cho biết Ngài thành tựu quả vị Phật chính là nhờ tích lũy công đức từ vô lượng kiếp trên lộ trình hành Bồ tát đạo, ví như giọt nước nhỏ chảy mãi cũng đầy bể. Việc học cũng phải góp nhặt những hiểu biết nhỏ, lần lần cho chúng ta hiểu biết rộng, tìm việc cũng làm từ việc nhỏ, tích lũy nhiều việc thiện nhỏ thành việc tốt lớn lao. Việc thiện nhỏ nằm trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên cân nhắc và điều chỉnh, tích lũy lâu ngày sẽ giúp chúng ta thành tựu việc lớn.

Người làm được việc lớn, bản thân họ không làm, nhưng thực họ làm được; vì họ có tâm hồn lớn và hiểu biết rộng, chính hai điều quan trọng này có được do họ tích lũy từ nhiều năm tháng cho đến nhiều kiếp tu hành. Chúng ta làm việc thiện nhỏ do tự thân mình làm và từ việc thiện nhỏ này sẽ gieo ý niệm tốt vào lòng người về ta, về Phật pháp và thành quả này sẽ giúp chúng ta trong tương lai, người mới hợp tác với chúng ta.

Việc ác nhỏ cũng nên tránh, như việc làm mất lòng người, làm cho người buồn phiền, đau khổ, tránh được thì nên tránh. Theo kinh nghiệm riêng tôi, có những việc không đáng, như một lời nói chơi thôi mà làm người giận thì không nên nói.

Hàng đệ tử Phật, xuất gia và tại gia đều phải tránh dữ làm lành là pháp căn bản Phật dạy phải thực hành thường xuyên, gọi là Tứ chánh cần, đừng dừng nghỉ làm gián đoạn. Phải tuân theo quy luật này để thăng tiến trên con đường giải thoát giác ngộ. Việc thiện chưa sinh phải làm cho sinh, việc thiện đã sinh phải tăng trưởng.

Ý niệm tốt chúng ta khởi lên là phải làm gì lợi ích cho người, làm gì cho nơi này tốt đẹp, trước khi ra đi. Thầy Tổ chúng ta đã từng thể hiện trọn vẹn tinh thần này trên bước đường hoằng hóa độ sinh. Đối với tôi, hiểu sâu sắc lời dạy này và luôn áp dụng trong cuộc sống, nên khi tá túc nơi nào, tôi đều suy nghĩ phải làm tốt cho chùa rồi đi; không rơi vào suy nghĩ sai lầm rằng không phải chùa mình thì không quan tâm. Và gặp một người bạn, tôi cũng nghĩ nên gieo vào lòng họ ý niệm tốt rồi đi; không phải họ ghét đuổi mình đi. Nhờ nuôi dưỡng tâm niệm này, tôi sống từ thành phố cho đến thôn quê, từ trong nước đến nước ngoài, thường được bạn bè thương quý. Và trong kiếp luân hồi trên quả đất tròn này, chắc chắn gặp lại kiếp sau, ta có cảm giác họ đã là bạn thân với mình. Nếu tu hành, tâm lắng yên, trong sáng, chúng ta sẽ phát hiện điều này ngay. Tôi thường cảm nhận rằng trên bước đường tu, trong nhiều đời trước, mình sinh ở đâu, quen với ai và đến đó liền có cảm giác thân quen.

Đến tỉnh Bình Phước hoằng pháp, tôi nghĩ ngay rằng 40 năm trước tôi đã giảng kinh ở đây đã tạo quyến thuộc Bồ đề của tôi ở đây; không phải họ mới gặp tôi hôm nay. Những người đã gặp kiếp trước, nên nay mới nghe giọng nói đã thấy quen, nhìn mặt cũng thấy quen. Vì vậy, gặp người có thiện cảm với chúng ta, tự biết là họ và chúng ta đã có duyên quá khứ tốt đẹp với nhau mới dẫn đến hiện tại tốt như thế. Đối với người thiếu thiện cảm, cũng nghĩ ngay rằng giữa họ với ta đã có vấn đề không tốt từ kiếp trước, nên đời này ta thay hình đổi dạng rồi, mà họ mới gặp đã ghét. Nhớ lời Phật dạy, việc này là ác đã sinh, phải xóa liền, đừng để cho tăng trưởng. Còn không biết, cứ nói rằng vô cớ họ khi dễ tôi phá hại tôi. Việc gì xảy ra trong cuộc sống này cũng đều có duyên cớ, không thể tự nhiên được. Tôi thường nghĩ tại sao họ không phá người khác lại phá mình; phải biết đó là túc nghiệp của mình, túc nghiệp đời trước. Ta không làm gì họ, mà họ cứ quậy phá ta, biết ác nghiệp đã có rồi, nay gặp duyên ác này, phải tìm cách xóa, đừng cho nghiệp ác này tăng trưởng. Nếu ta đối phó lại là tăng trưởng nghiệp ác, gọi là nghiệp cũ tạo thêm nghiệp mới.

Chúng ta xóa nghiệp ác bằng cách nhẫn nhịn. Bị họ chỉn mắng, ý thức đó là túc nghiệp của mình, nên nhận lấy quả báo này; ví như chúng ta thiếu nợ, họ đến đòi, sẵn sàng trả. Làm đạo, gặp việc không vừa lòng, nhịn chịu, chấp nhận là đã nghiệp và trả rồi thì nghiệp hết. Làm sao sao biết nghiệp hết? Họ nói xấu mắng chửi, ta vui vẻ chấp nhận những thứ ô uế đổ lên và nếu lòng ta thanh thản thì sẽ có lợi cho ta sau này. Thật vậy, mọi người thấy họ vu oan, chống phá, nhưng ta không phản ứng chống trả lại, người sẽ đánh giá ta là người tốt thương ta hơn, muốn gần gũi, kế bạn với ta. Thậm chí có người lỡ nói chơi xúc phạm ta, ta cũng bỏ qua, đáp lại bằng lời nói ôn tồn nghiệp ác có, người nói chơi mà mình nổi nóng thì về sau, người dè dặt, không dám chơi với mình. Như vậy, ta đã thực hiện được hạ nhẫn nhịn và ái ngữ.

Dùng lời nói nhẹ nhàng đáp trả lời hung ác là nghĩa giặc đến Bồ đề phải tan. Vì người dữ phải có đối tượng dữ mới phát triển được, họ mắng, ta mắng lại mới sinh chuyện; còn ta hiền lành, vui vẻ , không nói gì cái ác làm sao phát khởi được.

Đức Phật gặp người Bà la môn mắng Ngài từ sáng đến chiều, người ta vây quanh theo dõi, thấy Phật nhập định, còn ông này chửi một mình, không ai ủng hộ, ông tự xấu hổ, rút lui. Đức Phật đã dạy chúng ta và Ngài đã làm như vậy. Chúng ta học theo Ngài, ác nghiệp đời trước chúng ta xóa, đời này chúng ta không tạo tội, nhưng người thấy túc nghiệp của ta, nên họ phá; chúng ta ngăn chặn ác nghiệp này của mình, không cho sinh. Tất cả nhang gì có trong cuộc sống hôm nay khiến chúng ta không vừa lòng, phải biết đó là ác nghiệp đời trước của mình, cần phải xóa. Tôi sinh trong gia đình nghèo, lúc còn bé không khỏe mạnh, biết đó là ác nghiệp đời trước không tạo nữa, nhưng tạo thiện nghiệp mới, tức thiện nghiệp chưa sinh làm cho sinh.

Lần đầu đến chùa này, chưa ai nghĩ tốt xấu về mình, tức là thiện và ác chưa   sinh. Và chúng ta tu, làm cho thiện sinh, ngăn chặn ác, không cho sinh. Thiện là ý niệm tốt trong lòng; mình chưa có ý niệm tốt về ngươi này, về chỗ này thì chúng ta nên phát tâm đại từ bi. Đến nơi nào làm vui lòng người là phát tâm từ, đến nơi nào cứu vớt người là phát tâm bi. Muốn làm như vậy, nên đến nơi người cần ta, không đến chỗ ta cần họ; vì ta cần họ thì dễ bị phiền muộn. Thí dụ sáng nay Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh này cần tôi đến đây thuyết pháp. Vì vậy, khi thấy tôi đến, Ngài vui mừng và Phật tử cũng vui. Như vậy, mang an vui cho người là chúng ta tu thiện. Đến làm cho người buồn phiền, lo sợ thì không nên đến. Người ta hỏi tôi cần gì, tôi trả lời cần các vị tu. Tôi cần Phật cho sức khỏe tốt để làm đạo không biết mệt mỏi; cần sự hộ niệm của Phật và Bồ tát để mình vượt được chướng duyên, đi đến mục tiêu.

Đức Phật dạy chúng ta đến bằng tâm đại bi, đến đâu chỉ nhằm mang đến niềm vui và hóa giải được nỗi khổ niềm đau cho người; không làm được như vậy thì không đến. Và làm được như vậy, người sẽ nghĩ tốt về ta, tự nhiên họ đã trở thành quyến thuộc Bồ đề của ta. Nếu họ nghĩ tốt về ta và ta có trí tuệ , thấy được việc gì làm cho người an vui, giải thoát. Thật vậy, người quy ngưỡng chúng ta rồi, đòi hỏi ta phải cùng với người làm được việc lớn; vì một mình dù giỏi cũng không làm được, phải cần nhiều người hợp tác việc lớn mới thành tựu. Tôi hỏi thăm Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước xem Tăng Ni tỉnh nhà có hòa hợp, đoàn kết hay không. Nhờ có hòa hợp, đoàn kết nên tỉnh nhà đã làm được việc lớn tuy đời sống vật chất chưa phát triển, nhưng Lễ Phật đản vừa qua, đã tổ chức được hơn mười xe hoa, Tăng Ni và Phật tử tỉnh nhà xứng đáng được tán dương.

Đối với việc ác đã sinh mà chúng ta để cho tăng trưởng thì lại càng gặp rắc rối hơn nữa. Vì có nghiệp ác là đã có oan trái với nhau từ kiếp trước, nay gặp lại khiến cho họ dễ bực tức với ta, nếu nhân đây ta lại đối phó với họ là làm cho nghiệp tăng thêm, dẫn đến tái sinh kiếp sau lại gặp nhau, để tiếp tục việc phiền toái nữa. Người khéo tu đã tạo được việc thiện đời trước, nên đời này hành đạo dễ dàng. Còn ác nghiệp quá khứ sinh lại, đừng than trời trách đất; phải ý thức rằng ta không có phước nên  không gặp Phật, không biết tu, nay được biết pháp Phật nên nhẫn nhịn để xóa nghiệp và cố gắng làm việc thiện càng nhiều càng tốt. Như vậy, trải qua một thời gian, nhiều người cũng hiểu và quý ta.

Nếu Tăng Ni, Phật tử tu pháp này cũng đều sẽ có quyến thuộc Bồ đề, xa lìa bạn ác, hiện đời và trong kiếp lai sinh, không gặp đối thủ gây khó khăn. Riêng tôi, trên bước đường hành đạo cũng gặp nhiều chướng duyên, nhưng vui vẻ nhịn, trả dứt nghiệp cũ và tạo được thiện nghiệp. Đến khi người chống phá cần ta, ta sẽ giúp họ. Không phải người chống phá bị sa cơ thất thế, ta mặc kệ họ, hoặc đẩy họ vào đường chết; vì làm ác như vậy, mai kia họ ngoi lên được sẽ tìm ta để báo thù, hoặc họ bị đọa làm rắn rít, mối kiến cũng tìm cách cắn mình trả thù; cứ như vậy mà phải vay trả trả vay trong kiếp sinh tử luân hồi vô cùng tận. Người tu thuần từ tâm, an lạc, giải thoát con kiến cũng không cắn họ, ở đây sống với nhiều dã thú, nếu quý vị biết phát triển tâm từ thì ác nghiệp sẽ hết, mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng.

Có những lúc tôi ở trên núi, hướng tâm từ đến những loài thú vật đang vui chơi, thấy rõ chúng không sợ mình mà cứ bò đến gần mình với vẻ thân thiện tự nhiên; nhưng nếu ta khởi ý niệm hại nó, nó sẽ phản ứng lại. Người tạo ác nghiệp nhiều sẽ gặp quả báo tương ưng như vậy. Khi tôi sang Pháp, trong chùa Trúc Lâm có nuôi một con chó. Mỗi lần thấy tôi về, nó trèo lên mở cửa cho tôi. Tôi cảm giác nó nghe được mình, nó rất khôn, nhưng phải ăn đồ mặn. Một hôm, tôi rờ đầu nó mà nói "Anh nên tập ăn chay theo các thầy trong chùa, đừng ăn mặn  mà tạo nghiệp nữa". Hôm sau, Hòa thượng Phước Đường cho nó thức ăn mặn, nó không ăn nữa. Tôi nghĩ nó không thể nghe ngôn ngữ, nhưng nghe được qua tâm từ của mình. Khi chúng ta hoàn toàn làm việc thiện và luôn an trụ trong pháp Phật, chẳng những loài người mà các loài khác cũng thương mình. Chúng ta sống ở nơi nào, những người xung quanh, người giàu, người nghèo, người giỏi, người dở, người lớn, trẻ con, cho đến mọi loài trong tứ sanh lục đạo đều trở thành thiện tri thức của mình. Còn chúng ta khởi tâm phân biệt, có ý nghĩ không tốt và việc làm ác, thì người tốt cũng trở thành người xấu với chúng ta. Tôi cầu mong chư Tăng Ni và Phật tử hóa giải được nghiệp chướng, phát triển tâm từ, an trụ trong Phật pháp để những vong linh nương nhờ Tam bảo được siêu thoát và những người sống nơi đây cũng trở thành thiện tri thức, cùng nhau phát triển sinh hoạt đạo pháp của tỉnh nhà ngày càng tốt đẹp hơn.  

Bài giảng tại Trường hạ chùa Thanh Long, huyện Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ngày 18-6-2008
(Vi tính: phatphap.wordpress.com & www.phatphapnhiemmau.com)

Các tin đã đăng: