Niệm Phật
Viên Ngộ
19/12/2012 09:33 (GMT+7)

Niệm Phật là một trong những pháp môn tu tập có công năng chuyển hóa phiền não khổ đau, đem lại niềm an vui giải thoát cho tự thân và cho cả cuộc đời. Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải ai cũng có thể thành tựu được một cách dễ dàng như ý, mà đòi hỏi hành giả phải thấu hiểu nội dung của việc niệm Phật và ứng dụng đúng mức mới đem lại kết quả viên mãn.

Niệm Phật, tất nhiên, không chỉ đơn thuần là trì niệm danh hiệu của một vị Phật nào đó, mà còn phải làm cho tính Phật (từ bi và trí tuệ) trong ta có mặt trong đời sống. Nếu một hành giả tu niệm Phật mà thấy lòng mình vẫn còn nhiều buồn giận, đố kỵ, tranh cãi và bất an thì sự hành trì ấy chưa thể hiện đúng nội dung của pháp môn Niệm Phật. Bởi vì, Phật có nghĩa là tỉnh thức, là giác ngộ, không còn tham sân si chi phối, nhiễu hại. Do đó, người niệm Phật cũng phải thiết lập một nếp sống tỉnh thức, biểu hiện cụ thể các đức tính như hiểu biết, thương yêu, cảm thông, tha thứ, giúp đỡ, dễ chịu… có mặt ngay nơi sự sinh hoạt hàng ngày. Người ấy sẽ không khởi tâm oán trách, đổ lỗi hoặc xa lánh ai cả, trái lại họ dễ dàng chấp nhận lắng nghe để hiểu và thương yêu!

Sống tỉnh thức, tức là thân tâm bạn có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, không ảo tưởng tới tương lai và cũng không vướng kẹt vào quá khứ hay hiện tại. Bởi vì, chữ niệm theo phép chiết tự gồm chữ tâm và chữ kim có nghĩa là cái tâm có mặt hoàn toàn ngay tại đây và bây giờ chứ không phải ở một nơi nào khác. Do đó, niệm Phật chính là trở về sống trọn vẹn với chính mình ngay nơi đương tại.

Thói thường, tâm ý của chúng ta hay lăng xăng tìm cầu, nghĩ ngợi miên man về những chuyện quá khứ và mơ tưởng đến tương lai, ít khi chịu dừng lại quan sát thân tâm mình để biết được những ý nghĩ nào tốt đẹp cần nên phát huy, và tư tưởng nào bất thiện cần phải chuyển hóa. Vì khi có ý niệm xấu ác phát sinh, nếu bạn thiếu sự định tĩnh và tâm không sáng suốt, thì đương nhiên sẽ dễ dàng tạo ra lời nói và hành động gây khổ đau cho bản thân và ảnh hưởng không nhỏ đến với những người chung quanh. Chính vì tâm ý có công năng làm chủ, điều phối lời nói và hành động nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo”.

(Kinh Pháp cú, 1)

Thật rõ ràng, lời nói và hành động chỉ thực hiện khi có ý thức xen vào lãnh đạo, điều khiển. Nếu với ý nghĩ bất thiện, nhiễm ô thì hệ quả chắc chắn sẽ có mặt ngay sau đó, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Vì vậy, nếu chúng ta muốn cho tâm ý mình trở nên an ổn thanh tịnh; sử dụng được những lời nói thanh tao hòa nhã để tiếp xử với mọi người; tạo nên một nếp sống an vui hạnh phúc thì bạn phải nhận diện, điều phục và làm chủ được tâm ý mình.

Để thực hiện được điều này, trước hết bạn cần phải tìm chọn một pháp môn nào đó thích hợp để tu niệm. Ở đây, niệm Phật là một trong những pháp môn thù thắng, vi diệu mà Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy rằng: “Có một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. (Tăng chi bộ I, tr.64).

Như đã trình bày ở trên, niệm Phật chính là thân tâm trọn vẹn với thực tại đang là, hay nói cách khác, tâm bạn thường trực tỉnh thức trong mỗi hành động, lời nói và sự suy nghĩ của mình. Vì tâm ý ta thường hay vọng niệm, tạp niệm và thất niệm cho nên mục đích của việc niệm Phật là làm cho tâm trở nên chánh niệm và tỉnh thức. Nếu trong khi bạn trì niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Dược Sư hoặc Phật A Di Đà, nhưng tâm ý không có mặt trọn vẹn với câu danh hiệu ấy, thì kể như bạn chưa thực hành đúng pháp môn niệm Phật như lời Thế Tôn đã dạy. Không chỉ đối tượng quán niệm là danh hiệu Đức Phật mà kể cả niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Hơi thở ra, Hơi thở vô v.v… vẫn đòi hỏi tâm bạn hoàn toàn tỉnh thức trọn vẹn với các đối tượng ấy trong đương tại. Tâm ý và đối tượng quán niệm không còn là hai thực tại riêng biệt; trong niệm chỉ có niệm, trong hơi thở chỉ là hơi thở, không có cái ta đứng ngoài kiểm duyệt, thêm bớt và mong cầu một mục đích nào cả, cho nên Thế Tôn gọi là nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn. Như vậy, niệm Phật chính là buông cái bản ngã ra để cho tánh biết (Di Đà) biểu hiện, hay nói cách khác khi bản ngã chết đi thì cõi Tịnh độ hiện tiền.

Có không ít người trì niệm danh hiệu Nam-mô A Di Đà Phật và đã đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn; tạo dựng một nếp sống thanh lương an lạc, có khả năng làm chủ đời mình trong giây phút lâm chung và dễ dàng sinh về cảnh giới an lành tương ứng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cuộc sống phải lo toan, bận rộn trăm công ngàn việc nên đại đa số người vẫn thiếu chuyên cần tu niệm. Thậm chí, có những người hứa hẹn vào một ngày kia sau khi hoàn tất mọi công việc sẽ tinh tấn tu tập cũng chưa muộn. Vì nhận định sai lầm như thế, nên khi gặp phải những chuyện không may xảy ra thì họ không đủ sự bình tĩnh và sáng suốt để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Thực ra, trong khi tu tập là đã tạo cho mình một nếp sống thanh lương cao đẹp rồi, nếu bạn hứa hẹn sau này rảnh rang mới bắt đầu tu niệm tức là đã từ chối hạnh phúc mà bạn đang có. Trong khi đó, mạng sống của con người vốn vô thường và ngắn ngủi, còn công việc thì muôn thủa, biết chừng nào chúng ta mới làm xong?

Thực chất, niềm an lạc giải thoát chỉ biểu hiện khi tâm hồn ta thực sự an tịnh và sáng suốt. Nếu dòng tâm ý cứ mãi lao xao, vọng động thì tánh biết chân thật sẽ bị vô minh che lấp, và như thế, dù miệng bạn có lẩm bẩm trì niệm danh hiệu Đức Phật, nhưng trong thực tế tâm bạn vẫn chưa hiện hữu trọn vẹn từ đầu câu cho đến cuối câu danh hiệu ấy. Trong khi đó, niệm Phật chính là một cái tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng (vô lượng quang), và tuệ giác thường trực soi chiếu không gián đoạn (vô lượng thọ). Với một người đã chấm dứt tham sân si, sống trọn vẹn với thực tại đang là, thì những việc làm của họ đều đem lợi ích an vui cho tất cả mọi loài chúng sinh không thể nghĩ bàn (vô lượng công đức).

Thực tế cho thấy trong xã hội ngày nay, con người phải đối diện với rất nhiều vấn đề khó khăn phức tạp; từ việc học hành, tìm kiếm công ăn việc làm, chuyện gia đình chồng con, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế, vật giá leo thang… khiến cho tâm trí con người trở nên rối ren căng thẳng và dẫn đến triệu chứng stress trầm cảm nặng nề. Mặc dù họ sống ở phố thị có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, vật chất sung mãn nhưng các điều kiện ấy không đủ khả năng để trị liệu và chuyển hóa cơn giận, nỗi buồn, sự bế tắc ở cõi lòng. Nhưng may mắn thay! Trong số đông đó, vẫn có không ít người biết tìm đến cửa Phật để học hỏi đạo lý, tụng kinh niệm Phật, tọa thiền, làm phước… nhờ vậy, nên tâm trí của họ dần dần được khai thông tỏ rạng, tạo dựng một nếp sống lành mạnh an vui.

Thực ra, trong tâm của mỗi người đều có sẵn Phật tính và chúng ta tu niệm là làm cho đức tính cao quý ấy được biểu hiện. Và một trong những điều kiện để Phật tính hay tuệ giác hiện hữu chính là thực hành chánh niệm và tỉnh thức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bởi vì, việc tu hành không phải chỉ giới hạn trong lúc trì danh niệm Phật, tụng kinh, tọa thiền mà kể cả quán niệm trong khi đi đứng, nằm ngồi, lái xe, bổ củi, quét nhà, nấu cơm, tắm giặt, chải tóc, soi gương v.v… ta đều phải rõ biết tiến trình vận hành sinh diệt của chúng. Việc quan sát này giúp cho bạn có sự trầm tĩnh và sáng suốt, làm chủ được bản thân mình trong mọi lúc mọi nơi, tạo dựng một đời sống an lạc hạnh phúc, và sự hành trì này chính là công phu niệm Phật đích thực của những người tu học theo đạo giải thoát mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. 

Viên Ngộ (GNO)

Các tin đã đăng: