Nghiệp có thể chuyển được chăng?
12/08/2014 22:48 (GMT+7)

Con người từ trong quá khứ đã tạo biết bao Nghiệp Báo, mà cứ mỗi nghiệp chính là một nét vẽ, một vết mực điểm tô dần dần để hoàn thành bức tranh cho cuộc đời của họ ở đời sau. Một lời nói thiện vừa thốt ra thì lập tức một niềm vui đã hình thành và ngược lại, một hành vi ác vừa thực hiện xong thì Luật Nghiệp Quả vô hình cũng lập tức kiến tạo một nỗi khổ để sắp đặt cho họ phải thọ lãnh ở đời sau. Do đó bao nhiêu hạnh phúc, khổ đau, cay đắng hay vinh quang đều đã được hình thành xong từ kiếp trước.

 


Như vậy khi con người vừa mới kết tinh vào noãn bào của người mẹ thì hài nhi đã cưu mang một định mệnh do chính nó tạo ra từ kiếp trước. Vâng, cái định mệnh vô hình nầy sẽ quyết định mọi thưởng phạt cho cuộc đời của nó khi nó lớn lên. Nhưng đây là một định mệnh không do thần linh áp đặt mà do chính nó tự tạo lấy cho mình. Vậy con người có thể thay đổi được cái định mệnh nầy không?  Hay là với những nghiệp đã hình thành, con người bị sức mạnh của nghiệp cuốn trôi khó mà chống lại?

 

  Để trả lời nghi vấn nầy, trong kinh A Hàm, Phật có dạy:

 

-      Người gây nhân bất thiện, dù đời trước hay sau, nếu họ biết tu tâm, tu thân và tu giới thì quả sẽ đổi thay. Còn nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu tâm, tu thân và tu giới thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy. Đó là nhân nào quả nấy và nếu gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả cũng đổi thay.

 

Chính Đức Phật đã cho chúng ta một nhận định rõ ràng về cuộc sống để chúng ta không còn bận tâm về sự may rủi thành bại trong đời. Nhưng làm thế nào để chuyển nghiệp?

 

Tâm hồn của chúng ta đã tích lũy biết bao khuynh hướng vị kỷ, tham lam, thù hận, đố kỵ, hơn thua…từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Vì chúng nó là Ý nghiệp của đời quá khứ nên đời hiện tại tất cả những khuynh hướng bất thiện nầy thúc đẩy chúng ta tiếp tục tạo tác những hành vi bất thiện để đưa chúng ta mãi mãi vào con đường tối tăm tội lỗi. Vậy muốn chuyển nghiệp chúng ta phải cố gắng chuyển hóa nội tâm của mình trước đã, rồi hành động và hoàn cảnh sẽ dần dần thay đổi theo sau.

 

Trong xã hội có nhiều người nhận thấy cuộc đời của họ không được may mắn, khổ nhiều hơn vui và thường gặp cảnh trái ý nghịch lòng. Vì tin sâu vào luật Nghiệp Quả nên họ công nhận rằng trong đời quá khứ họ ít làm việc phước  mà tạo quá nhiều nghiệp bất thiện. Vì khao khát muốn chuyển nghiệp, họ đi chùa cầu nguyện sự gia bị của thần thánh. Họ cúng dường một mà muốn hưởng phước đức tới mười. Họ cũng chịu khó làm những việc thiện khác, nhưng nội tâm tham lam, ích kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Đối với họ thì làm việc thiện vì muốn quả báo tốt cho chính họ chứ không phải tình thương chân thật đối với con người. Chính họ đã xây lâu đài phước thiện trên bãi cát vì nó không xuất phát từ nội tâm thuần thiện nào cả. Theo luật Nghiệp Quả thì đời sau họ sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng trong họ bản chất tham lam, ích kỷ vẫn còn và chính bản chất tham lam ích kỷ nầy sẽ thúc đẩy họ làm các việc bất thiện khác.

 

Vậy tu tâm hay chuyển hóa nội tâm là cố gắng loại bỏ cho được lòng tham lam, tính sân hận và tật si mê…Tham thì có nội tham như tham ăn, tham uống, tham mặc, tham sống lâu…và ngoại tham như tham tiền, tham sắc, tham danh, tham lợi…Ăn thì lúc nào cũng muốn ăn ngon, ăn no đủ, còn ngủ thì phải ngủ cho đủ giấc, hay nệm ấm gường êm… Ai đụng đến chút tự ái là nổi điên và hễ thấy vật đẹp, cao quý thì muốn chiếm lấy. Đây là tâm trạng chung của con người vì tham, sân, si đã ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Do đó chuyển hóa nội tâm là phải can đảm từ bỏ cho được tham, sân, si để tâm được sáng suốt. Một khi tâm được sáng suốt thì thân khẩu ý trở thành thanh tịnh và dĩ nhiên con người sẽ không còn tạo nghiệp nữa.

 

Phật dạy tu thân là thân nầy không làm điều ác dù lớn hay nhỏ đều phải tránh xa. Còn điều thiện thì phải cố gắng hoàn thành. Còn tu giới là người Phật tử phải giữ tròn ngũ giới, đó là không được sát sanh, không được trộm cướp, không được vọng ngữ, không được uống rượu và không được tà dâm. Tuy nói tu tâm, tu thân và tu giới nhưng chủ yếu vẫn là tu tâm. Nếu chúng sinh tu tâm được viên mãn thì mọi nghiệp chướng không còn do đó nghiệp khổ sẽ chấm dứt và cuộc đời sẽ được an vui tự tai.

 

Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh và ái dục, hay nói một cách khác chính lòng tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi tranh chấp, oan trái để rồi đem đến những sự lo âu sầu muộn và bất mãn. Con đường chuyển hóa nội tâm thiết thực là chúng ta phải biết giữ mình theo Giới, Định, Huệ để có thể diệt trừ tham, sân, si thì đời sống sẽ được tự tại bởi vì tham thì có thể phá giới, sân thì có thể phá định, còn si thì có thể phá tuệ.

 

Một số người nói rằng điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức khỏe, có tiền tài và có địa vị trong xã hội, nhưng một đời sống hạnh phúc chân thật chưa chắc đã hoàn toàn dựa vào những điều kiện vật chất như thế. Chẳng hạn như một người mạnh khỏe lại dùng sức mạnh của mình làm những điều tội lỗi thì chẳng được ích lợi gì. Còn người giàu sang mà sống bỏn xẻn, ích kỷ, tham lam vô độ thì chính họ chẳng tìm được hạnh phúc cho chính mình mà còn làm hại đến kẻ khác. Người có địa vị lại lạm dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù mà thôi. Như thế thì tiền tài danh vọng chưa phải là yếu tố chính cho một đời sống hạnh phúc mà điều kiện tiên quyết để đem lại an vui là phải có tinh thần sáng suốt và lành mạnh. Được tinh thần sáng suốt lành mạnh nầy thì sẽ không còn bị dục lạc, oán thù hay mê loạn chi phối. Vì thế Phật lại dạy rằng:

 

-  Người tùy theo thế tình thức là chạy theo tham cầu danh vọng. Khi được công danh hiển đạt, thì thân thể đã già yếu. Kẻ tham danh lợi ở đời mà không lo học đạo thì chỉ uổng công nhọc xác mà thôi. Ví như cây hương đốt, khi được người ta ngửi thấy mùi thơm thì thân hương đã hóa thành tro bụi, vì lửa nung đốt cháy liền thân hương vậy.

 

Mặc dù tôn chỉ của đạo Phật là giúp chúng sinh chứng ngộ Niết Bàn, nhưng phát huy lòng  từ bi, có nghĩa là đem vui cứu khổ, vẫn là cứu cánh để chúng sanh đạt được tâm thanh tịnh. Bởi vì nếu trong hiện tại tâm chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì đây chính là Niết Bàn trong cuộc sống nầy vậy.

 

Thật vậy, mục đích của đạo Phật là không dùng những triết lý hay phương pháp tạm bợ để giúp con người khai trừ những khổ đau hệ lụy trong nhất thời mà mục đích của đạo Phật là giúp con người giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nô lệ của phiền não và khổ đau.   

 

Muốn chuyển hóa nội tâm được chu toàn thì trước hết chúng ta phải phá tan cái bản ngã của mình. Trong kinh A Hàm, Phật   dạy rằng một khi chúng ta chứng được “ngã không” nên khi làm việc lợi ích cho người thì làm với một tâm niệm vô tư, không dính mắc. Có nghĩa là khi làm việc thiện thì đừng nghĩ đến lợi lạc cho mình mà hướng tâm về sự lợi lạc cho chúng sanh do đó việc thiện đó sẽ mang nhiều thiện quả về sau. Ví dụ như khi chúng ta đi chùa lạy Phật thì thường hay cúng dường chút ít tiền hay hoa quả, nhưng khi bái Phật thì chúng ta thường cầu nguyện cho con trai có vợ đẹp, con gái có chồng giàu sang, làm ăn mua may bán đắt, bà con thân quyến được bình an mạnh giỏi…Như vậy chúng ta đi chùa với tinh thần bản ngã là cầu lợi cho mình nên không đúng với lời Phật dạy. Mục đích tới chùa lạy Phật là để bớt tham mà chúng ta đi chùa lạy Phật mà lại càng tham hơn thì một ngày nào đó cái bản ngã mê lầm của chúng ta sẽ biến đạo Phật thành ra mê tín di đoan. Vì thế chúng ta nên làm việc phước đức với lòng vô ngã, tức là làm việc thiện mà không cần quả báo cho mình hay hướng lòng từ bi về người khác, thì Luật Nhân Quả chẳng những sẽ đền bù cho ta nhiều phước đức ở đời sau mà còn tạo cho ta một nhân cách cao thượng và một tâm hồn trong sáng để tiếp tục hưởng phước thiện và làm việc thiện.

 

Chúng ta quỳ dưới chân Đức Phật, đầu ta cúi sát đất để biểu lộ rằng chúng ta vô cùng nhỏ bé kém cỏi, còn Đức Thế Tôn thì vòi vọi như núi cao biển rộng. Trong giây phút thiêng liêng đó, cái ngã mạn tự cao âm thầm bên trong bị lay động dữ dội bởi vì chúng ta ý thức được sự thấp kém của mình bởi trước mắt chúng ta là đấng cao cả sáng chói như ánh mặt trời rực rỡ. Thông thường, do lòng đố kỵ và ích kỷ, chúng ta ít chịu chấp nhận cái hay của người khác vì người khác nổi bật sẽ làm chúng ta bị lu mờ. Chúng ta thờ ơ trước những ưu điểm của kẻ khác và vui mừng khi tìm thấy khuyết điểm của người vì người lu mờ thì ta sẽ nổi bật. Do tâm vị kỷ chúng ta dễ dàng rơi vào cạm bẩy “tán kỷ, hủy tha”, tức là chê người, khen mình. Đây là cội nguồn phát sinh ra phiền não và tạo nghiệp cũng tại vì cái ngã mạn mà thôi. Phải đổi tính vị kỷ nầy bằng tinh thần vị tha thì cuộc sống sẽ an vui tự tại. Thấy họ giỏi thì khen, thấy họ giàu thì mừng, thấy họ khổ thì giúp đỡ thì tâm không còn phiền não và lòng từ bi xuất hiện để giúp chúng ta tạo thêm thiện nghiệp.

 

Giáo lý đạo Phật là giúp con người tẩy trừ phiền não để tâm được thanh tịnh. Tâm có thanh tịnh thì trí tuệ mới phát sinh để giúp chúng sinh đi thong dong trong con đường chánh đạo. Mà gốc của phiền não chính là tham, sân, si. Ví dụ có người khoe rằng vì nhờ tu thiền hay niệm Phật nên có thể xuất hồn đi ngao du khắp thế giới hay gặp được Phật và Bồ Tát…Ngày xưa trong số đại đệ tử của Phật không ai giỏi thần thông bằng tôn giả Mục Kiền Liên, nhưng thần thông đâu có thắng nghiệp lực cho nên chính tôn giả cũng phải bị bọn ngoại đạo lăn đá đến chết. Do đó chúng ta không quan tâm đến chuyện xuất hồn đi ngao du sơn thủy bởi vì nếu phiền não chưa dứt thì dù có ngao du ở đâu rồi cũng phải trở về trần gian để thọ lãnh quả báo đau khổ như thường.

 

Do đó người tu Phật không cần phép mầu cao siêu huyền bí, mà điều căn bản là phải tự xét mình để thấy rằng thân làm, khẩu nói và ý tưởng suy nghĩ của mình có hợp với Phật pháp hay không? Nói một cách khác khi đối diện với ngoại cảnh thì chúng ta luôn luôn tự hỏi nếu việc đó Phật và Bồ Tát có làm thì chúng ta làm, còn nếu họ không làm thì chúng ta đừng nghĩ tới. Không làm điều ác tức là không gây nghiệp, mà không tạo nghiệp thì khỏi lo đau khổ và chặt đứt dây luân hồi.

 

Chuyển nghiệp có nghĩa là chuyên làm việc thiện và tránh xa điều ác. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả điều nầy thì tâm của chúng ta phải bền vững kiên trì để không chạy theo ngoại cảnh ngay cả tám thứ gió phong trần cũng không lung lay thay đổi được. Tám gió đó là:

 

1)   Khi có nhiều tiền của, hoặc do mình làm ra, hoặc được biếu tặng, tâm có vui mừng chăng?

2)   Đang có tiền của mà làm ăn lỗ lã, hay bị trộm cướp, hoặc oan gia phá tan, tâm có buồn chăng?

3)   Người vô cớ làm nhục, tâm có buồn tức chăng?

4)   Được danh tiếng tốt đồn khắp xa gần có thấy hài lòng không?

5)   Được khen tâm có thấy vui chăng?

6)   Bị chê trước mặt hay sau lưng, lòng có buồn chăng?

7)   Gặp cảnh khốn khổ, thiếu ăn thiếu mặc, nhà cửa hư hại, có thấy nao lòng chăng?

8)   Gặp cảnh thật vui, thật sung sướng, lòng có tham đắm chăng?

 

Nếu tám thứ gió nầy thổi đến mà tâm chúng ta như như bất động, đó là đắc đạo, là thành chánh quả. Nhưng chúng ta là phàm phu chớ không phải thánh nhân do đó nếu muốn tâm mình được như như bất động thì nên cố gắng theo thời gian đánh tan từng ngọn gió một thì chắc chắn một ngày nào đó tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh, có nghĩa là đạt được cảm ứng ngoại bất chấp tướng nội bất động tâm. Ví dụ như hiện tại chúng ta đang bị giặc bên trong nổi loạn và giặc bên ngoài bao vây. Trước hết phải chận giặc bên ngoài, tức là đừng cho lục trần quyến rũ mê hoặc chúng ta, rồi sau đó vận dụng trí tuệ để dẹp giặc bên trong, tức là đừng để lục căn bị sức lôi cuốn của dục vọng từ bên ngoài. Chúng ta đóng sáu cửa thành bên trong lại, tức là kiềm chế kiểm soát lục căn của mình đừng để cho nó chạy theo ngũ dục lục tình, thì giặc bên ngoài không có nội ứng mà tiến vào bên trong được. Khi giặc trong ngoài biến mất thì chúng ta mặc tình ung dung tự tại để tìm lại cuộc sống an vui và hạnh phúc. Vì mỗi người chúng ta đều có thể tánh bất sanh bất diệt gọi là chơn như hay Phật tánh. Lý do mà chúng ta không sáng suốt là vì cái Phật tánh nầy bị các chủng tử nhiễm tịnh che lấp làm cho vọng tưởng khởi dậy liên miên. Càng bớt nhiều vọng tưởng thì càng dễ dàng khôi phục cái Phật tánh nầy để tâm trở thành thanh tịnh.

 

Thời nay người tu không quan tâm đến việc chứng ngộ bản tâm thanh tịnh của mình để  loại trừ phiền não.Thậm chí có người lấy thời khóa tụng kinh làm sự nghiệp tu hành. Khi Phật còn tại thế, chính Đức Phật và các vị đại đệ tử A La Hán chỉ tọa thiền chứ không có tụng kinh. Sau khi Đức Phật nhập diệt, chư Tổ dạy ra sự tụng kinh là muốn mượn phương tiện cho Phật tử kiềm chế  vọng tưởng của họ. Trong khi tụng kinh, tay gỏ mõ, tay đánh chuông, ý duyên vào lời kinh thì thân khẩu ý được thanh tịnh. Nếu tụng kinh được nửa giờ thì được thanh tịnh nửa giờ…Nhưng người tu không tụng kinh với chủ ý ấy mà lấy sự tụng niệm làm sự nghiệp. Cả đời tu thì sáng một thời công phu, chiều một thời tịnh độ, còn bày ra cầu an cầu siêu, loanh qoanh lẩn quẩn. Tâm mình thì chất đầy phiền não, vọng tưởng mà lại đi cầu an cho người. Chính mình không siêu nổi cho mình thì làm sao mà siêu cho kẻ khác được. Muốn siêu thì tâm phải thanh tịnh, tinh khiết có nghĩa là không còn tham, sân, si, ái dục, do đó tự mình đã không mang lợi ích gì cho mình mà còn hướng dẫn người đi sai lầm nữa. Thật là đáng thương xót. Tụng kinh là việc tốt, là việc thiện, chỉ có việc không tốt là không hiểu được ý kinh để áp dụng tu hành. Nếu biết nương theo kinh để thấy được tánh giác của mình là chánh tín và nếu biết nương theo kinh để cho thân khẩu ý được thanh tịnh là chánh đạo.

 

Kinh Phật có câu:”Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” cho nên một khi chúng ta gây ra một nghiệp căn nào thì nó sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi hội đủ nhân duyên thì nó sẽ thành cái quả và đó là kết quả của mọi sự khổ vui của chúng ta trong đời nầy. Nhưng nếu chúng ta muốn chuyển nghiệp thì phải cố gắng làm việc tốt, việc thiện thì nhân duyên xấu không có cơ hội kết cấu với nghiệp bất thiện để biến thành quả xấu mà tạo cảnh khổ cho chúng ta. Vì thế muốn chuyển nghiệp viên mãn là phải tùy duyên để tiêu nghiệp cũ bằng cách không được gây thêm nghiệp mới. Bởi vậy cổ nhân mới có câu:

 

Tùy duyên tiêu cựu nghiệp

Thiết mạt tạo tân ương.

 

Phật lại dạy rằng: 

 

-   Quan sát tứ đại trong thân nầy, mỗi cái đều có tên riêng như đất, nước, gió, lửa, thì không có cái nào có tên là cái ta cả. Cái ta cũng không có thì thân nầy cũng giả dối, không thật.

 

Thêm nữa, trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức phật cũng phân tích rõ ràng là trong thân người ta có ba trăm sáu mươi lóng xương, năm trăm mạch máu, năm trăm sợi gân, chín mươi ngàn lỗ chân lông và tám mươi ngàn hộ trùng.

 

Nếu quan sát kỹ, chúng ta thấy rõ ràng không có gì là ta và của ta cả. Chẳng hạn như khi nhìn một ngón tay thì chúng ta thấy nó dài thon và đẹp, nhưng khi nhìn xuyên qua lớp da bọc ngoài thì thấy các lóng xương được cột lại bởi các sợi dây gân, chung quanh bọc một mớ thịt bầy nhầy và bên ngoài được phủ lên bởi một lớp da. Khi nhìn thì chúng ta chỉ nhìn giả tướng bề ngoài chớ không chịu nhìn cái thật thể của nó. Đáng lẽ bác sĩ phải là những kẻ giác ngộ hơn ai hết vì hàng ngày họ được nhìn rất tường tận biết bao nhiêu thân thể của bệnh nhân. Nhưng họ đâu có thấy thân thể là bất tịnh, là giả tạo nên họ cũng như bao nhiêu người khác vẫn còn đắm say sắc dục và dĩ nhiên phải chịu khổ đau như mọi người.

 

Vì chúng sinh không chịu quán chiếu để thấu rõ sự giả dối của vật thể mà mù quáng chạy theo ái dục để tạo nghiệp nên khi nói về Lý Không của sự thọ dụng, Đức Phật có dạy rằng:

 

-         Tất cả sự thọ dụng tức là Không. Như thọ dụng bao nhiêu món ăn ngon, lúc buông đũa rồi tức là Không, khi đi ra ngoài nhiều người theo hầu, đến lúc tới nơi không còn ai hầu nữa tức là Không. Cả ngày ham đi chơi bời phóng túng, nhưng lúc về nhà rồi tức là Không.

 

Thật vậy, nếu chúng ta làm việc lành đã xong thì sự mệt nhọc kia chấm dứt, tức là Không, nhưng nghiệp lành vẫn còn đó. Làm việc ác thì cũng thế, lúc ai làm ta tức giận, chúng ta chửi mắng họ cho thỏa lòng. Khi mắng xong tức là Không, nhưng nghiệp ác khẩu vẫn còn. Do đó, khi đối diện với việc ác thì đừng tưởng làm rồi là Không, mà nghiệp ác đeo đuổi đời đời kiếp kiếp là Có.   

 


Vậy chuyển nghiệp là cố gắng giải thoát cái bản ngã vị kỷ thấp hèn để có một đời sống đạo đức xả kỷ, quên mình để sống trọn vẹn vì mọi người chung quanh.

 

Đời sống xả kỷ vị tha được coi là một đức hạnh cao đẹp nhất của con người. Cho dù chúng ta chưa chứng được trạng thái vô ngã thực sự, nhưng từng giây từng phút, từng tâm niệm, chúng ta biết từ bỏ những lợi ích của mình để lo cho lợi ích của mọi người thì cái tự ngã đang từ từ bị tiêu diệt.

 

Thật vậy, đạo Phật có mặt để đem lợi ích cho cuộc đời, chớ không phải để cuộc đời đem lợi ích lại cho đạo Phật.

 

Do đó một Phật tử chân chính là người thấm nhuần giáo lý Đức Phật, rồi sau đó quay lại sống với mọi người bằng lòng từ bi vô ngã. Phật pháp là con đường để sống, là ánh sáng trí tuệ hướng dẫn mọi người sống đúng với chân lý và chắc chắn sẽ mang lại an vui tự tại cho mình và cho tất cả mọi người.

 

Ở Trung Hoa đời nhà Đường có nhà thơ rất nổi tiếng là Lý Bạch. Vì nghe danh Thiền Sư Ô Sào là một cao tăng đắc đạo nên tìm tới tham vấn. Ô Sào có nghĩa là con quạ đen vì thiền sư thích ngồi trên cháng ba của một cây cổ thụ trên một nắm cỏ giống như một ổ quạ nên từ đó người đời gọi Ngài là Thiền Sư Ô Sào.

 

Nhà thơ Lý Bạch đứng dưới đất nhìn lên hỏi:

 

-    Bạch Hòa thượng, xin Hòa Thượng dạy cho tôi một phương pháp tu ngắn và gọn để tôi có thể tu được.

 

Thiền Sư Ô Sào ở trên nói xuống:

Chư ác mạc tác

Chứng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo

 

Có nghĩa là:

Tất cả các nghiệp ác chớ có làm\

Nên làm tất cả các việc lành

Cố gắng làm cho tâm ý được thanh tịnh

Đó là lời dạy của chư Phật.                             

 

Lý Bạch nghe qua, cười và nói:

 

 Hòa Thượng nói bài kệ đó con nít tám tuổi cũng thuộc lòng, vậy Hòa Thượng đem dạy tôi để làm gì?

Thiền Sư Ô Sào nói:

 

Ông nói đúng, con nít tám tuổi cũng thuộc nhưng ông già tám mươi tuổi làm cũng chưa xong.

 

Tuy đạo Phật là đạo ban vui cứu khổ, nhưng con người phải sáng suốt để chọn con đường sống cho mình. Con đường thiện mang đến sự an lạc, hạnh phúc và ngược lại con đường ác dẫn đến sự phiền não, khổ đau. Cốt tủy của đạo Phật vẫn là tâm thanh tịnh để gạn lọc tham, sân, si, phiền não cho mình trước, rồi mới trải lòng thương giúp đỡ cho người, làm cho mọi người được an vui hạnh phúc. Khi xưa chúng ta làm việc thiện với hy vọng quả báo tốt ngày sau cho mình thì dĩ nhiên kiếp sau chúng ta sẽ được hưởng phước báu nhưng tâm vẫn còn nặng tính tham lam, ích kỷ để dẫn dắt chúng trở lại làm việc ác. Ngày nay chúng ta cũng làm nhiều việc thiện nhưng với tâm hồn trong sáng, vị tha. Chúng ta thi ân mà không cần quả báo, làm việc thiện chỉ cầu lợi ích cho chúng sanh chớ không cầu phước riêng cho mình thì tinh thần vô ngã, vị tha của nhà Phật đã nẩy nở rộng lớn để che lấp chỗ tham lam, ích kỷ trong tâm chúng ta.

 

Sự hạnh phúc và khổ đau của chúng ta trong đời nầy chẳng qua chỉ là Nghiệp Quả mà chúng ta đã tạo ra trong đời quá khứ mà thôi. Cái định mệnh vô hình nầy không phải là do thần linh sắp đặt, hay là ông trời áp xuống mà chính là do tự tay chúng ta tạo ra. Mỗi nghiệp chúng ta đã tạo ra từ đời trước chính là cái vui hay cái khổ mà chúng ta nhận lãnh ở đời nầy. Thế thì nếu mình tạo nghiệp được thì chính mình có thể sửa nghiệp được, nhưng muốn chuyển nghiệp thì trước hết phải chuyển tâm. Tâm có trong sáng thì hành động mới thanh cao, ngược lại tâm ngã mạn thì hành động đen tối.

 

Sau cùng, người tu Phật là người sáng suốt để lìa xa mọi hành vi bất thiện và không làm việc ác bởi vì sống trong thế gian nếu gặp cảnh thuận thì con người sẽ nổi tánh tham còn gặp cảnh      nghịch thì lòng sân nổi dậy. Do đó cho dù chúng ta có gặp cảnh thuận hay cảnh nghịch thì tâm vẫn khởi động niệm như thường. Vì thế khi gặp bất cứ hoàn cảnh tốt hay xấu thì đó cũng chỉ là cách tăng thượng duyên cho chúng ta mà thôi. Nếu gặp cảnh khó khăn thì cứ nghĩ đây là sự thử thách của Phật hay Bồ Tát thì tâm của chúng ta sẽ thanh tịnh.

 

Thêm nữa, có buông xả thì tâm mới được thanh tịnh. Nếu chúng ta cứ ôm giữ khư khư vào lòng bao nhiêu phiền não, tức là không bớt được tham-sân-si, thì khó lòng mà đạt được tâm thanh tịnh. Phật pháp là đoạn phiền não, nếu như học Phật mà vẫn còn phiền não tức là đi ngược lại hướng đi của Phật pháp. Do đó chúng ta luôn luôn làm việc lành, việc tốt, tránh xa việc ác, việc xấu và cố giữ tâm của mình cho được thanh tịnh là chúng ta đã tự giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy đau khổ của thế gian để tìm về cảnh giới an vui, tự tại và hạnh phúc viên mãn.

 

trích"Thanh Tịnh Tâm"
Tác Giả: Lê Sỹ Minh Tùng

theo:tangthuphathoc

Các tin đã đăng: