Niệm Phật để làm gì?
22/02/2014 06:56 (GMT+7)



Một số người có mục đích niệm Phật tầm thường hơn: Niệm Phật để được Phật gia hộ, niệm Phật để được Phật thương tưởng, niệm Phật để Phật chấm công mà rước về Cực lạc. Một số khác niệm Phật để quên những chuyện buồn, những phiền não khổ đau trong lòng, niệm Phật để chạy trốn những khó khăn, chạy trốn thực tại bất như ý v.v…

Dù niệm Phật với mục đích nào cũng đáng khích lệ. Bởi vì nếu có niềm tin, có sự hành trì tinh tấn đều đạt được những thành tựu, lợi ích. Tuy nhiên, muốn có được nhiều giá trị từ pháp môn Niệm Phật thì việc xác lập mục tiêu và phương pháp hành trì, chọn lựa những cách thức phù hợp với căn cơ, trình độ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh tu tập là điều cần thiết.

Phải xác định rõ vì sao mình niệm Phật, mục đích niệm Phật của mình là gì để có sự dụng tâm, dụng công phù hợp. Cũng như người đi đường phải xác định rõ mục tiêu mình đang hướng đến để chọn cho mình con đường thích hợp, để mang theo những hành trang cần thiết giúp mình đi đến đích. Nếu không chọn đúng con đường vừa nhanh, vừa an toàn, vừa dẫn mình đi đến nơi cần đến, không trang bị cho mình những thứ cần thiết trên đường đi thì có thể mình sẽ bị lạc đường hoặc là chậm đến đích, mà cũng có thể không đến đích. Ví dụ niệm Phật vì cầu vãng sanh thì phải có đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh. Nếu chỉ có Tín và Hạnh, hành giả có thể đạt được nhất tâm, có thể thành tựu chánh định, nhưng khó có thể vãng sanh vì không có chí hướng vãng sanh.

Khi xác định rõ mình niệm Phật để cầu được vãng sanh thì phải trang bị cho mình đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh và một số điều kiện hỗ trợ cho chánh nhân niệm Phật, chẳng hạn như trì trai, giữ giới, làm phước, bố thí, phóng sanh. Phải chọn cho mình phương pháp hành trì phù hợp với căn cơ trình độ của mình, phù hợp với sức khỏe, điều kiện, hoàn cảnh sống và tu tập, như trì danh niệm Phật hay quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật; sắp xếp thời gian niệm Phật ở giai đoạn đầu, giữa, cuối nhiều ít như thế nào; ăn chay kỳ hay ăn chay trường; thọ trì những giới pháp nào; tùy khả năng mà tu tạo công đức phước báo để trợ duyên như thế nào (Về chánh nhân và trợ duyên niệm Phật, hành trang Tín, Nguyện, Hạnh, các phương pháp niệm Phật…nên xem các kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và các bộ luận, sớ thuộc tông Tịnh Độ).

Có rất nhiều điều hành giả tu niệm Phật cần lưu ý. Người mà gia đình đang gặp phải khó khăn trong đời sống, rơi vào hoàn cảnh bế tắc chưa tìm được hướng giải quyết, nếu không đoái hoài mọi việc, cứ mặc tình chuyện gì xảy đến, ai ra sao mặc ai, chỉ biết suốt ngày niệm Phật, bỏ mặc bổn phận, trách nhiệm của mình, muốn niệm Phật để tìm quên những buồn phiền, đau khổ, trốn tránh, không muốn đối mặt hoàn cảnh khó khăn, hoặc niệm Phật để cầu Phật giúp đỡ, bảo bọc, chở che hay giải quyết giúp những khó khăn cho mình, như thế là đã đi sai con đường, đã dụng tâm và dụng công chưa đúng, chẳng những không đạt được kết quả mà còn rơi vào tình trạng bế tắc.

Bởi chúng ta không thể chạy trốn nhân quả. Những gì xảy đến cho chúng ta không phải là vô duyên vô cớ, nó là nhân là duyên do chúng ta tạo ra trong quá khứ đời trước hoặc đời này, chúng ta không thể trốn chạy, mà chỉ có thể dùng nhân, dùng duyên để chuyển hóa nó hoặc nhìn nó dưới ánh sáng tuệ giác, thấy nó là vô ngã không có thật tướng, thật thể (Muốn có tuệ giác giác ngộ hành giả phải có công phu tu tập Giới, Định, Tuệ hoặc thành tựu niệm Phật tam muội).

Nếu hành giả niệm Phật với dụng tâm sai, thực hành không đúng phương pháp, dùng phương tiện không thiện xảo (khéo léo), niệm Phật như thế sẽ không có kết quả. Khi không thấy kết quả như mình mong đợi sẽ mất niềm tin nơi pháp môn mình đang hành trì, mất tín tâm mà không biết nguyên nhân do mình tu không đúng.

Nếu dành thời gian cho việc niệm Phật để tâm định tĩnh, sáng suốt trước những sự việc, biến cố không may, thì nhờ đó mà mình bớt khổ, bớt não; hoặc khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc mà mình biết niệm Phật để có được sự bình tâm, tỉnh trí, nhờ nhiếp tâm vào câu niệm Phật mà tâm an ổn, trí sáng suốt, từ đó có thể tìm ra những giải pháp làm thay đổi hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Nhờ tâm an định, trí sáng suốt, hành giả nhìn thấy rõ vấn đề đang đối mặt là gì, nguyên nhân sanh ra những vấn đề đó nằm ở đâu và cách giải quyết nó. Từ đó hành giả chủ động giải quyết nhưng trên tinh thần tùy duyên, không miễn cưỡng, gượng ép, không cố chấp, làm hết sức mình, hết khả năng mình, nhưng làm trên tinh thần duyên sanh nhân quả, phù hợp với quy luật duyên sanh nhân quả.

Không nên niệm Phật với tâm cầu Phật gia hộ cho mình bình an. Bởi vì nếu tâm không thanh tịnh, vọng niệm điên đảo, phiền não tham sân si dẫy đầy (thương, ghét, tham muốn, giận hờn, đố kỵ, oán thù…) thì không thể nào có sự bình an được, dù niệm Phật ngày đêm cũng khó có sự cảm ứng, làm sao Phật gia hộ cho mình an được? Phật và ta không phải là một, cũng không phải khác. Phật không phải ngoài ta, cũng không phải trong ta; không phải ở xa, cũng không phải ở gần. Khi tâm là tâm Phật (thanh tịnh, sáng suốtthì Phật hiện, tâm không cầu mà có Phật, vắng bóng phiền não, vọng tưởng đảo điên thì tâm tự bình an mà không cần ai gia hộ.

Không nên niệm Phật với ý niệm cầu Phật đưa lối dẫn đường hoặc giải quyết giúp mình những khó khăn trong đời sống. Nên niệm Phật để lòng bình an, tâm định tĩnh, sáng suốt, từ đó trí tuệ soi sáng cho hành giả tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn, khai thông những bế tắc gặp phải trong đời sống. Tùy nhân quả, nghiệp duyên mà việc làm của mình có thành tựu hay không, những vấn đề mình gặp phải có giải quyết được hay không dù mình đã cố gắng, tuy nhiên nếu tâm an ổn, trí sáng suốt thì mình vẫn thấy bình an, vẫn không khổ, không não, hoặc ít khổ, ít não. Nếu thành tựu được niệm Phật tam muội thì mọi vấn đề chẳng còn là vấn đề nữa.

Người niệm Phật phải có niềm tin chân chính, đúng đắn, phải căn cứ vào lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong các kinh và những lời khai thị dựa trên kinh nghiệm của chư vị Tổ sư, các bậc thiện hữu tri thức mà thực hành, không nên tu tập theo niềm tin, theo hiểu biết, suy luận của riêng mình.


Phan Minh Đức

Các tin đã đăng: