Hành Trang Tịnh Độ
04/04/2014 23:07 (GMT+7)

1. Quê hương đích thực

Quê hương có đó mà không chịu về

Để cho Từ Phụ dõi mắt chờ trông.

Trong chúng ta, ai cũng ít nhiều được nghe qua những giai điệu mượt mà của bài hát“Quê hương” với những ca từ giản dị, gần gũi, gợi lên trong lòng người một miền quê êm ả, rất đỗi thân thương, dù trong ký ức quê hương không ai giống ai, có người quê miền sông nước, có người quê miền cát trắng, hay thôn làng vườn tược xanh mát cho đến nơi đô thành thị tứ v.v., nhưng mỗi khi giai điệu quê hương cất lên là ký ức về một vùng quê yêu dấu trong mỗi người chợt trỗi dậy mạnh mẽ, từ đó làm cho họ thấy yêu thương và gắn bó với mảnh đất ruột rà.

Với những ca từ như chùm khế ngọt, là đường đi học, là cánh diều tuổi thơ, đã làm thức dậy những hình ảnh thân quen luôn gắn bó với cuộc đời mỗi con người Việt Nam chúng ta. Nếu quê hương mà thiếu vắng tình mẹ, tình cha, thì quê hương ấy tiêu điều lắm. Bởi vậy, quê hương trong tâm thức mỗi người chúng ta phải gắn bó hài hòa với phong cảnh hữu tình, và cả lòng mẹ bao la như biển cả không bờ bến, tình cha cao vời vợi như núi Thái Sơn chất ngất. Có cả tình cha lẫn tình mẹ gắn chặt vào thì bức tranh quê hương mới thật sống động.

Nhưng bức tranh ấy dù có thơ mộng, có ngọt ngào đến mấy đi chăng nữa rồi cũng sẽ phai nhạt dần qua năm tháng, theo định luật vô thường và chìm vào dĩ vãng. Vì quê hương mà chúng ta đang sinh sống đây, trên hành tinh này luôn mang tính chất vô thường, huyễn ảo, giả hợp của thế gian pháp. Do bản chất giả tạm không thật nên không thể an trú vĩnh hằng được. Một thế giới đầy dẫy những yếu tố may rủi, hỗn độn, tai ương đan xen vào nhau thì không thể là thế giới tốt đẹp được.

Mở rộng vấn đề, đưa quê hương lên phạm vi toàn cầu, thì thế giới mà chúng ta đang sống đây là quê hương gắn chặt trong tâm thức của hàng tỷ con người đang sinh sống trên hành tinh này. Nhìn từ lăng kính thế giới quan Phật giáo, chúng ta cảm nhận rõ sự bất ổn nơi ngôi nhà chung mà chúng ta đang sống. Ngôi nhà ấy tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ xuất phát từ thiên nhiên và vô số hệ lụy do sự tác động nguy hiểm, trực tiếp của con người, như: động đất, sóng thần, mưa bão, dịch bệnh, chiến tranh, v.v. Những biến dịch của một đời sống đầy bất trắc như thế đang từng ngày, từng giờ đe dọa sự an bình của hành tinh chúng ta đang sống, khiến mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được mối nguy treo lơ lửng trên đầu nhân loại.

Vậy đâu mới là quê hương đích thật để chúng ta có được một đời sống an lành? Đó chính là quê hương Cực Lạc. Đức Thích-ca Mâu-ni bằng tuệ nhãn của mình, Ngài đã thấy và giới thiệu về thế giới Cực Lạc, một thế giới thật sự trang nghiêm, thanh tịnh như kinh Di-đàgiới thiệu, một cõi Tịnh độ trang nghiêm.

Hãy đọc một đoạn trong kinh Di-đà, chúng ta sẽ thấy rõ: “Này Xá-lợi-phất! Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui. Nên gọi là Cực Lạc”.

Thế giới mà chúng ta đang sinh sống khác xa một trời một vực với thế giới Cực Lạc. Đây là thế giới “cực khổ”, còn thế giới kia là Cực Lạc. Khổ và Lạc hai phạm trù hoàn toàn đối lập nhau. Thế giới chúng ta đang sống vui ít khổ nhiều, vui tạm bợ khổ dài lâu, nhưng vì sống trong cảnh khổ và đã thích nghi với điều kiện sống nên không ai còn thấy khổ và mong muốn tránh khổ nữa cả. Vì thế mà chúng sanh trong thế giới Ta-bà này rất là cang cường vậy.

Xin nói lược qua các điều khổ của thế gian như tam khổ, bát khổ. Còn thế giới Cực Lạc có tam lạc, bát lạc.

Tam khổ:

- Khổ khổ: Tức là khổ chồng thêm khổ. Như thọ thân có sanh, lão, bệnh, tử đã khổ mà lại còn đèo bòng thêm những nỗi khổ như oán tắng hội khổ, ân ái biệt ly, sở cầu chẳng thỏa và vô vàn các nỡi khổ khác.

- Hoại khổ: Ta-bà rốt cuộc cũng hoại diệt, không có gì là vĩnh cửu cả, không có sự vui chân thật, rốt ráo, vì vui trước khổ sau nên không thật. Dù có đắc được những thứ thiền định cao quý như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì cũng chỉ là định hữu lậu. Khi đã hưởng hết phước lạc ấy, chư thiên trên các cõi trời tứ thiền vẫn phải bị đọa lạc. Vì thế gọi là hoại khổ.

- Hành khổ: Hành là dời đổi không ngừng, sanh diệt trong mỗi sát-na. Các pháp biến đổi vô thường, sanh ra khổ não nên gọi là hành khổ. Chư thiên ở cõi Vô sắc giới tuy chứng thiền định Tứ không, thọ mạng đến tám vạn bốn ngàn đại kiếp, không có thân sắc vật chất, được hưởng niềm vui trong Không định, nhưng khi mất định lực cũng lại bị đọa như thường. Dục giới đủ cả 3 thứ khổ. Sắc giới thiếu khổ khổ. Vô sắc giới chỉ chịu mỗi hành khổ.

Bát khổ: Gồm bốn nỗi khổ nơi thân (sanh, lão, bệnh, tử) và bốn nỗi khổ nơi tâm (khổ vì cầu chẳng được, khổ vì yêu thương phải chịu xa lìa, khổ vì oán ghét mà cứ phải gặp gỡ, khổ vì năm ấm lừng lẫy). Ta-bà khổ nói không hết. Muốn có niềm vui phải lao tâm khổ trí mới đạt được. Nhưng lại không lâu dài. Rốt cuộc niềm vui lại mất đi. Ngược lại, thế giới Cực Lạc hết thảy mọi thứ từ y phục, ăn uống v.v. đều thù thắng trang nghiêm, hoàn toàn theo ý muốn, chẳng có chút lao nhọc mà tự có, nên có vô lượng niềm vui,  vô lượng an lạc. Nên gọi là “Đản thọ chư lạc”.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu thế nào là tam lạc.

Tam lạc:

- Thanh tịnh vô lụy lạc: Người ở cõi Cực Lạc được thân Na-la-diên bền chắc, lại đủ 32 tướng tốt, thân sắc vàng ròng, thân không sai khác, hoàn toàn không có ái dục. Tức là không có khổ khổ.

- Y chánh thường nhiên lạc: Thọ mạng con người sống lâu vô lượng. Cõi nước chẳng biến hoại. Không có hoại khổ.

- Chánh trí bất động lạc: Tâm chúng sanh nơi Cực Lạc luôn trụ trong Chánh định tụ và tâm luôn vui như lậu tận. Đấy là không có hành khổ.

Bát lạc:

- Liên hoa hóa sanh thân lạc: Hóa sanh từ hoa sen, không nằm trong bụng mẹ tối tăm. Sanh ra liền thấy Phật nghe pháp ngộ vô sanh. Nên không có sanh  khổ.

- Tướng hảo trang nghiêm lạc: Thân như thân Phật không khác, thân bằng công đức trang nghiêm. Không có hiện tượng lão hóa.

- Tự tại thanh thái lạc: Thân bằng chất kim cang cứng rắn, bất sanh bất diệt. Thân thanh tịnh, vĩnh viễn không bị đau bệnh. Không có hiện tượng tứ đại bất hòa, luôn khinh an, tự tại.

- Thọ mạng vô lượng lạc: Thọ mạng bằng Phật. Không có cái chết chia lìa. Nên không có tử khổ.

- Hân dục như ý lạc: Các thứ y phục, thức ăn, lầu gác hễ nghĩ đến liền có, không phải lao động mệt nhọc mà có. Nên không có cầu bất đắc khổ.

- Hải chúng thường tụ lạc: Chư thượng thiện nhân số đông vô lượng thường làm bạn bè thân thiết với nhau. Không có ân ái chia lìa.

- Thượng thiện câu lạc: Nhân dân cõi Cực Lạc tâm thường vui như lậu tận nên luôn yêu kính lẫn nhau. Không có oán tắng hội khổ.

- Thân tâm tịch tịnh lạc: Thân thanh tịnh, tâm hằng tịch chiếu. Không có Ngũ ấm xí thạnh khổ.

Nói chung: Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Chúng sanh cõi Ta-bà nghiệp sâu chướng nặng, tâm tánh cang cường, gây nhiều tội lỗi chiêu cảm cảnh giới thô xấu, nhiều tai nạn. Còn chúng sanh nơi cõi Cực Lạc tâm như lậu tận, thanh tịnh trang nghiêm, chiêu cảm y chánh báo trang nghiêm, thế nên có tam lạc, bát lạc, thậm chí vô lượng thứ pháp tánh lạc.

Tự tánh chúng ta vốn không sanh diệt, nhưng vì mê mờ vọng động tạo nhiều lầm lỗi nên lên xuống sáu đường. Đem cái không sanh diệt bỏ vào trong thân sanh diệt, trôi lăn trong cõi vô thường thật là thương cho ông chủ quá. Nay biết thế giới kia trang nghiêm thù thắng, sao không dám coi Cực Lạc là quê hương, Đức Di-đà là cha lành, Thánh chúng làm bạn lữ, cầu mong sớm sanh về an dưỡng gởi chất trong hoa sen. Một khi sanh về rồi không còn sanh nữa. Thọ hưởng niềm vui vô lượng an lạc. Đây mới đích thật là quê hương của chúng ta.

2. Niệm Phật sanh nhà tôn quý

Thời đại chúng ta đang sống có quá nhiều rủi ro, và đầy những yếu tố bất ngờ nên không lường trước được những hậu quả có thể xảy ra. Vì thế hình thức bảo hiểm ra đời. Có nhiều loại bảo hiểm từ sức khỏe đến tuổi thọ con người, nào là bảo hiểm tài sản, hàng hóa, tai nạn lao động, đến cả trong học tập. Bảo hiểm là hình thức bảo đảm cho người mua bảo hiểm có một sự bồi thường nhất định khi có sự cố xảy ra hoặc làm giảm đáng kể sự thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người mua bảo hiểm.

Đó là những hình thức bảo hiểm của thế gian. Có giá trị trong khoảng một thời gian nhất định, dài lắm là cả một đời người mà thôi. Hoàn toàn không có chuyện bảo hiểm đời sau cho khách hàng.

Nhưng ở đây, pháp môn Tịnh độ trong Phật học lại mở ra một chương mới, có tính cách vượt trội thời gian vì lòng bi mẫn đối với chúng sanh vô hạn nên Đức Phật Di-đà phát khởi đại nguyện nhằm bảo đảm cho hành giả tu Tịnh độ, nếu vì lý do gì đó, trong kiếp này họ có niệm Phật nhưng không được vãng sanh thì có điều nguyện thứ 26 “Nghe tên được phước” bảo vệ họ. Kinh văn viết: “… Nếu nghe tên tôi, sau khi hết tuổi thọ sẽ sanh nhà tôn quý, các căn chẳng khuyết…”.

Sách Đại luận giảng câu “sanh nhà tôn quý” như sau: “Sanh dòng Sát-đế-lợi thì có thế lực, sanh nhà Bà-la-môn thì có trí huệ, sanh nhà cư sĩ thì giàu có lớn nên có thể làm lợi ích chúng sanh”.

Sách Hồi sớ bảo: “Sanh nhà hạ tiện bị đời khinh rẻ chẳng thể tạo lợi ích rộng rãi”. Vả lại, được các căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, đã sanh vào nhà tôn quý, có thế lực, lại được thân tướng tốt đẹp. Không khuyết mất căn nào. Đây quả thật là một mẫu người toàn vẹn về thể chất lẫn tinh thần.

Điều nguyện này nhằm bảo đảm cho hành giả tu Tịnh độ, trong kiếp này vì niệm Phật mà không nguyện vãng sanh nhưng vẫn được hưởng đại phước báo ở đời sau, được sanh ra trong một gia đình quý tộc, thân tướng tốt đẹp không khuyết mất căn nào. Có điều kiện thù thắng như vậy nhằm trợ duyên cho hành giả có thể tiếp tục tu học, mãi đến khi nào vãng sanh mới thôi.

Trong quyển Niệm Phật thập yếu, Hòa thượng Thích Thiền Tâm có kể câu chuyện: Vào thời Hậu Lê, có một vị sư ở chùa Quang Minh hàng ngày đều niệm Phật, nhưng không phát nguyện vãng sanh tha thiết. Nên khi mãn báo thân đã sanh qua nước Trung Hoa, làm đế vương triều đại nhà Thanh, về sau nhân dùng nước giếng của chùa xưa rửa vết chữ son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thi, trong ấy có hai câu:

Ngã bản Tây phương nhất Phật tử

Vân hà lạc tại đế vương gia.

Ý nói ta vốn là một Phật tử Tây phương sao lại lạc vào nhà đế vương. Câu chuyện này rất khế hợp với điều nguyện trên. Nên lấy ví dụ trên làm tiêu biểu để chúng ta hiểu rõ thêm đại nguyện thứ 26 “nghe tên được phước”. Nhưng thật ra mà nói, niệm Phật nhất định vãng sanh trong một đời mới là bảo đảm nhất cho sự giải thoát của chính mình. Đại nguyện thứ 26 nhằm bảo vệ hành giả trong lúc còn tu nhân Tịnh nghiệp đến khi thành tựu sự vãng sanh mới thôi.

3. Phật Di-đà luôn thương yêu chúng ta

Cổ đức dạy: “Ta chẳng niệm Phật, mà Phật vẫn nghĩ đến chúng ta, huống chi nay ta khẩn thiết niệm Phật, thì Phật càng nghĩ đến chúng ta nhiều hơn vậy”.

Đọc xong đoạn văn trên, không biết hành giả tu Tịnh độ suy nghĩ như thế nào, riêng bản thân tôi hoàn toàn tin tưởng và rất tôn kính Đức Phật Di-đà.

Không nói đâu xa, mỗi khi có Phật tử nào đó muốn tìm hiểu về đường lối tu tập của pháp môn Tịnh độ, tôi thấy đó là việc làm ưu tiên số một. Tôi luôn sắp xếp thời gian nhanh nhất và sớm nhất đến để khuyên họ tu tập ngay. Niệm Phật sớm được ngày nào hay ngày đó. Đi trước về trước. Tôi rất vui khi có người phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới. Chẳng ngại nơi mình vốn liếng ít ỏi, cũng không phải là giảng sư, nhưng với chút vốn liếng kiến thức sở học, tôi luôn sẵn lòng tận tình hướng dẫn họ tu tập pháp môn niệm Phật, thấy ai thích niệm Phật tôi rất vui. Tâm mình đã như vậy thì đối với Phật, Ngài cũng hoan hỷ và nghĩ đến chúng ta rất nhiều.

Lại nữa, Phật có đủ lục thông là: 1. Túc mạng thông, 2. Thiên nhãn thông, 3. Thiên nhĩ thông, 4. Tha tâm thông, 5. Thần túc thông, và 6. Lậu tận thông. Vì Phật có đủ lục thông nên hễ có chúng sanh nào lễ Phật, niệm Phật, tán thán Phật, Phật đều biết rõ.

Vả lại, chúng sanh luôn trong tâm Phật Di-đà, do ở trong tâm nên khi niệm Phật nhất định được Phật cảm thông và gia hộ.

 Câu “Pháp giới Tạng thân A-di-đà Phật” ý nói ở đâu cũng có thân Phật Di-đà ẩn hiện bên trong, trùm khắp pháp giới.

Phật Di-đà có 84.000 tướng hảo, trong mỗi tướng hảo lại có 84.000 tướng tùy hình hảo, trong mỗi tướng tùy hình hảo lại có 84.000 tia hào quang, mỗi tia hào quang ấy chỉ nhiếp thủ người niệm Phật cầu sanh Tây phương chẳng rời bỏ. Riêng người không niệm Phật hào quang ấy không tìm tới.

Vậy thì, mỗi khi hành giả nắm lấy chuỗi tràng trì danh Phật hiệu, Phật liền biết rõ và gia hộ cho mình. Đừng nghĩ rằng Phật, Bồ-tát ở xa nên không thấy, không hay, không biết mình đang niệm Hồng danh của Ngài.

4. Nan tín chi pháp

Trong kinh Di-đà có đoạn: “Xá-lợi-phất, hãy biết rằng Ta ở trong đời ác ngũ trược, làm được việc khó khăn này; đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì hết thảy thế gian nói pháp khó tin này, thật là điều rất khó”.

Đây là lời tự thuật của Đức Thích-ca Mâu-ni Phật. Vì ở trong cõi đời ngũ trược ác thế mà Ngài đã thành đạo là một việc khó làm, đã vậy giữa thế gian điên đảo thị phi này, Ngài lại nói pháp môn Tịnh độ rất khó nói này nên gọi là “nan tín chi pháp”. Vì thời mạt pháp con người vốn ít căn lành, ít có chủng tử thiện căn từ trước, lại hay có tánh khinh mạn, nghi ngờ, bất định, biếng lười, nên khó tin nổi pháp môn này.

Trong kinh có dạy: “Nếu nghe kinh Vô lượng thọ, mà tin ưa thọ trì được thì đó là điều khó nhất trong các điều khó, không có gì khó hơn nổi”. Hay nói cách khác, tin nổi pháp môn Tịnh độ này là một điều khó nhất trong các điều khó trong thế gian.

Thế mới thấy được lòng bi mẫn đối với chúng sanh của Đức Thích-ca Mâu-ni Phật. Vì chúng sanh thời mạt pháp mà Ngài thị hiện vào cõi Ta-bà nói pháp khó tin, để độ thoát chúng sanh vô lượng, đồng thời khiến cho vô lượng chúng sanh được bất thối nơi đạo Vô thượng. Nếu chúng ta không lo tu pháp môn thù thắng này là đã đánh mất tình thương và sự giáo hóa khổ nhọc của Đức Thích-ca vậy.

5. Học tập theo gương bà lão “Bá Bất Quản”

Quả thật, tu pháp môn Tịnh độ rất khó, thưa quý vị. Vì tu các pháp môn khác khổ nhọc rất nhiều, công phu không gián đoạn mà còn chưa thấy được thành quả. Huống gì tu hành nhẹ nhàng, thong thả làm sao có kết quả như mong đợi. Nếu hôm nay, chúng ta nói pháp môn Tịnh độ nhân thì ít, quả thì nhiều trái với suy nghĩ của rất nhiều người nên họ không dám tin. Sao lại có pháp môn dễ tu dễ chứng như vậy chứ? Dễ tu là niệm từ một niệm đến mười niệm cũng có thể vãng sanh, ai cũng có thể tu được, dù gái hay trai, trí hay ngu cũng có phần. Dễ chứng vì khi vừa đặt chân về đất Phật liền chứng ba ngôi bất thối; vì đây là môn Siêu Tình Ly Kiến, vượt lên trên chỗ thấy biết, nghĩ tưởng của chúng ta. Nói dễ thì cũng rất dễ nhưng cũng không dám lơ là.

Tín thọ phụng trì đã khó, tu hành giữ được nhịp bền lâu lại càng khó hơn, bền lâu cũng chưa khó, khó nhất ở chỗ được nhất tâm hay không.

Bởi vậy nhìn vào đạo tràng, thấy rất đông người tu tập, nhưng trong số ấy được mấy người tin sâu, nguyện thiết, trì chuyên. Có nhiều Phật tử tại gia cũng phát tâm tu Tịnh nghiệp cầu sanh Tây phương. Nhưng khi khuyên họ niệm Phật, họ hay than thở là mình luôn bận rộn, không có thời gian niệm Phật, nào là lo đi làm kiếm kế sinh nhai, phải vất vả bên ngoài, còn đến khi về nhà thì bận rộn đầu tắt mặt tối với bếp núc, ruộng vườn v.v. không rảnh rang chút nào. Niệm Phật rất ít. Từ niệm ít đi đến quên lãng luôn. Vì vậy không đủ ba món tư lương là Tín, Nguyện, Hạnh. Nhưng nếu không đủ ba món này, chắc rằng khó đảm bảo cơ hội được vãng sanh. Đây là vấn đề cần được xem xét kỹ càng, xem thử nó thuộc về yếu tố hoàn cảnh hay là căn bệnh hay than van dẫn đến thối thất tâm Bồ-đề của đa số Phật tử hiện nay.

Vậy thì chúng ta cùng tìm hiểu qua câu chuyện bà lão “Bá Bất Quản”, may ra tự mỗi người suy ngẫm xem mình nên giải quyết vấn đề về thời gian như thế nào.

Vào khoảng cuối đời nhà Thanh bên Trung Hoa, ở Hàng Châu có một Phật tử đến am Hiếu Từ hỏi Đạo Nguyên hòa thượng: “Con niệm Phật đã lâu, nhưng chưa thấy có chi tiến bộ, không biết tại sao?”. Hòa thượng bảo: “Niệm Phật không khó, mà khó ở giữ cho được bền lâu, chắc có lẽ bà lão niệm không được đều và bền nên mới như thế”. Bà thưa: “Quả đúng như vậy, con vì mắc gia duyên bận buộc, nên niệm Phật thường hay gián đoạn, không được bền, từ đây xin gác hết mọi duyên, nguyện giữ đúng như lời thầy dạy”.

Ít lâu sau, bà lại đến hỏi: “Từ khi nghe lời chỉ giáo đến nay, con dẹp hết mọi việc ngoài, mỗi ngày niệm Phật đều đều, sao vẫn chưa thấy có hiệu lực?”. Hòa thượng dạy tiếp: “Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu; niệm bền lâu không khó, mà khó ở nơi nhất tâm. Bên ngoài tuy gác hết mọi duyên, nhưng trong tâm còn lo đến việc nhà cửa, ruộng vườn, luyến tưởng đến cháu con quyến thuộc, ý lo lắng chưa dứt, gốc tình ái vẫn còn, làm sao mà nhất tâm thấy Phật”. Bà nghe xong liền than: “Thật quả có như vậy! Con duyên ngoài tuy bỏ, nhưng tâm vẫn còn vấn vương. Từ đây xin trăm việc không quản đến, để nhất tâm niệm Phật”. Sau khi lãnh giáo, bà lão về nhà, con cháu hoặc người ngoài có hỏi han, hoặc bày tỏ việc gì, bà lão đều bảo: “Tôi muốn yên tâm niệm Phật, trăm việc xin không quản đến”. Vì cớ duyên ấy, mà mọi người đều gọi bà là bà lão “Bá Bất Quản”.

Vì thấy câu chuyện súc tích, cô đọng, có lợi ích thiết thật, gần gũi với đời thường nên ghi lại nguyên văn câu chuyện để những ai đã đọc hoặc chưa đọc vẫn thấy có thêm lợi ích từ câu chuyện trên.

Ở đây, chúng ta thấy bà lão Bá Bất Quản là hiện thân cư sĩ của chúng ta ngày nay, tức là hàng tại gia có đủ nhiệt tâm tu Tịnh độ, nhưng lại bị gia duyên ràng buộc đến nỗi không thể vượt lên chính mình. Bà lão khi xưa có nhiều điều rất hay mà chúng ta cần phải học tập, đó là dám nhìn nhận yếu điểm của chính mình và đã trình bày cái khó khăn đó để bậc thầy uyên thâm chỉ dạy cách khắc phục và từ từ buông xả mọi chướng duyên từ bên ngoài trước, rồi sau đó mới dứt hết mọi duyên ràng buộc bên trong, chỉ còn lại duy nhất tâm niệm Phật mà thôi.

Quý vị thấy đó, bà lão xưa cũng có tín tâm và cũng bận rộn như chúng ta ngày nay. Vậy mà bà đã làm nên điều kỳ diệu. Đó là đã đạt đến thành tích nhất tâm bất loạn, tức là chứng niệm Phật tam muội, cũng là Phổ đẳng tam muội. Sau đó vãng sanh. Đây là tấm gương để chúng ta cũng có thể học tập và làm theo như bà lão. Mong quý Phật tử quyết chí vượt lên, cố gắng sắp xếp thời gian, gác hết mọi duyên cả ngoài lẫn trong, chuyên tu Tịnh nghiệp lo gì không vãng sanh.

Hòa thượng Thiền Tâm có dạy:

“Phai khách viếng thăm phai tục lụy

Đậm câu trì niệm đậm liên hương”.

Nếu trước đây, chúng ta thích làm những công việc như thăm viếng bạn bè, tổ chức tiệc tùng, thích đi ra ngoài nhiều hơn. Thì nay, những việc đại loại như vậy, chúng ta nên hạn chế để ở nhà chuyên tâm vào việc niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Làm được như vậy thì sự tu tập mới tiến bộ.

THÍCH MINH TRÍ

theo daibi.vn

Các tin đã đăng: