Vienna, Tháng Mười 1987
Những phương pháp đặc biệt của Kim Cương thừa nhắm vào
việc đưa những sắc tướng mà chúng ta thường kinh nghiệm là bất tịnh tới một
bình diện thanh tịnh. Trọng tâm của sự chuyển hóa này là thấu hiểu rằng mọi
hiện tượng chỉ xuất hiện trên bình diện tương đối khi chúng ta kinh nghiệm
chúng. Trên bình diện tuyệt đối thì chúng không có bất kỳ hiện hữu chân thật
nào – chúng không là gì ngoài một giấc mộng, một ảo ảnh. Nếu ta thấu hiểu bản
chất đích thực của mọi sự vật, thì tự điều này trở thành kinh nghiệm về sự
thuần tịnh của chúng.
Ta không thể chuyển hóa những kinh nghiệm bất tịnh thành
thanh tịnh chỉ bằng cách trì tụng một thần chú để biến đổi các hiện tượng. Cũng
không nhờ một vài chất thể đặc biệt sở hữu những năng lực như thế, hay nhờ
những sự cúng dường cho một vài vị trời để họ giúp đỡ lại ta. Tất cả những điều
này không có quan hệ gì tới những gì xảy ra trong Kim Cương thừa. Điều cần quan
tâm là phát triển sự thấu suốt rằng thế giới của các sắc tướng tự nó không hiện
diện như một sự vô minh; chính thái độ bám chấp của chúng ta vào các sự vật đã
đem lại vô minh. Để kinh nghiệm tính chất thuần tịnh của mọi sự thì không có gì
đáng làm hơn là thấu hiểu rằng trên bình diện tương đối các sự việc xuất hiện
bởi những điều kiện (duyên) khác nhau và bởi lý duyên sinh, nhưng trên bình
diện tuyệt đối thì chúng không thực sự hiện hữu. Hai phương diện này không tách
lìa nhau.
“Những sắc tướng bất tịnh” hay “những sắc tướng thuần
tịnh” có nghĩa là gì? “Bất tịnh” ám chỉ việc ta tin tưởng rằng các sự việc (các
pháp) thực có và hiện hữu tương thuộc. Việc tin tưởng rằng các sự việc thực sự
hiện hữu là một quan điểm cực đoan không đúng đắn bởi chân tánh của mọi sự là
tánh Không. Nếu muốn nhận ra tánh Không của mọi hiện tượng thì ta không thể
chấp nhận những gì ta được bảo cho biết. Thật ra, rất khó thấu hiểu chân tánh
của các sự việc chỉ bằng cách trò chuyện hay nghe nói về nó.
Không phải sắc tướng đơn thuần của các sự việc gây nên sự
vô minh, mà chính bởi cách thế chúng ta liên kết với các sự việc và bám chấp
vào chúng như thực có. Bởi tự thân các sự việc thì trống không, chúng vượt lên
các phạm trù sinh hay diệt. Việc chúng xuất hiện là phương diện của sự tự-biểu
lộ không ngăn ngại. Các phương pháp khác nhau của Kim Cương thừa được dùng để
thấu hiểu điều đó.
Đối với thực hành Kim Cương thừa, ta cần nhận ta rằng
những sự việc chỉ xuất hiện trên bình diện tương đối nhưng trong chân tánh của
chúng thì chúng không thực sự hiện hữu. Tuy nhiên, ta vẫn tin rằng các sự việc
là thực có. Đây là hai viễn cảnh khác nhau, và tất cả những gì cần quan tâm là
nối kết chúng với nhau để chúng không thường xuyên mâu thuẫn nhau. Những phương
pháp Kim Cương thừa khác nhau, chẳng hạn như thiền định về các phương diện của
Đức Phật (Tây Tạng: yidam, nghĩa đen: mối ràng buộc tâm) và những thần chú được
dùng để chấm dứt những mâu thuẫn hiển nhiên này.
Trong “ba cội nguồn” của Kim Cương thừa – Lạt ma, Bổn tôn
(yidam) và Hộ Pháp (vị Bảo Trợ) – thì Lạt ma là cội nguồn quan trọng nhất; Bổn
tôn và Hộ Pháp là những hiển lộ của Lạt ma. Tâm của Lạt ma là Dharmakaya (Pháp
Thân), tánh Không của Pháp giới. Các Bổn tôn xuất hiện từ đó như một biểu lộ
của lòng bi mẫn và sự quang minh nội tại của tâm. Như thế các ngài không có
loại hiện hữu thực sự như được gán cho những vị trời thế tục.
Lý do khiến các Bổn tôn xuất hiện trong những thân tướng
đa dạng, chẳng hạn như an bình và phẫn nộ, là bởi các đệ tử có những thái độ,
cái nhìn (thị kiến) và những nguyện ước khác nhau. Để đáp ứng những ước muốn
khác nhau này, các Bổn tôn có những sắc tướng khác nhau như một biểu lộ của
lòng bi mẫn của Lạt ma. Các Bổn tôn cũng xuất hiện trong rất nhiều cách thế
khác nhau để tượng trưng rằng toàn bộ việc bám chấp của ta vào những sắc tướng
bất tịnh được tịnh hóa.
Chúng ta có một tri giác nhị nguyên và luôn luôn suy nghĩ
trong những phạm trù nhị nguyên. Vì thế, chúng ta không thể nối kết với Bổn tôn
tối thượng và ta cần một điều gì đó đại diện cho ngài. Nhiều thân tướng của các
Bổn tôn mà ta biết từ những hình ảnh thì ở trong hình thức đại diện đó tượng
trưng cho Bổn tôn tối thượng. Thiền định về các Bổn tôn được phân chia thành
hai giai đoạn là phát triển (Tây Tạng: Kjerim) và thành tựu (TT: Dsogrim). Ý
nghĩa của chúng như sau:
Mọi sắc tướng xuất hiện trong một sự tương thuộc. Điều gì
đó xuất hiện vào một thời điểm, tồn tại một thời gian và lại biến mất. Hai giai
đoạn thiền định được dùng để tượng trưng rằng nguyên lý sinh diệt được tiến
hành trên một bình diện thuần tịnh. Sự xuất hiện của một Bổn tôn tượng trưng
rằng việc bám chấp vào sự xuất hiện (sinh khởi) của thế giới kinh nghiệm thế
tục được tịnh hóa. Các giai đoạn phát triển có những yếu tố khác nhau: trước
tiên ta quán tưởng chính mình là Bổn tôn, sau đó ta quán tưởng Bổn tôn trong
không gian trước mặt ta, ta cúng dường và tán thán v.v.. Lý do khiến trước tiên
ta quán tưởng chính mình là Bổn Tôn như sau: tất cả chúng ta đều thấy mình hết
sức quan trọng. Nếu bây giờ có ai nói với ta: “Anh không thực sự hiện hữu,” thì
ta khó có thể thấu hiểu và chấp nhận điều này. Trong giai đoạn phát triển ta xử
sự với việc này bằng cách không suy nghĩ về việc ta có hiện hữu hay không, mà
chỉ đơn thuần không để ý tới vấn đề này và quán tưởng bản thân ta trong hình
tướng của Bổn tôn. Nếu ta quán tưởng chính mình là Bổn tôn, trong khi tỉnh giác
rằng Bổn tôn là một biểu lộ của sự thuần tịnh viên mãn, thì sự bám chấp vào một
cái “tôi” sẽ biến mất một cách tự nhiên.
Việc quán tưởng Bổn tôn trong không gian trước mặt ta
tiến hành theo một cách thế tương tự. Ta bám chấp vào mọi đối tượng bên ngoài
mà ta tri giác. Trong giai đoạn phát triển ta tưởng tượng toàn thể thế giới bên
ngoài là cung điện của Bổn tôn. Bổn tôn ở giữa cung điện và tất cả chúng sinh
xuất hiện trong hình tướng của Bổn tôn. Bằng cách quán tưởng các sắc tướng bất
tịnh trong hình tướng thuần tịnh của chúng, ta chìến thắng được việc bám chấp
vào chúng.
Vì thế, điều quan trọng là thấu hiểu rằng mọi yếu tố của
giai đoạn phát triển có một nội dung tượng trưng. Không có sự thấu hiểu này,
chẳng hạn như tin rằng Bổn tôn thực sự hiện hữu, ta hoàn toàn mê mờ trong việc
thiền định và thậm chí phát triển ảo tưởng. Nếu ta sử dụng những giai đoạn phát
triển và thành tựu khác nhau về các Bổn tôn, điều quan trọng là phải hiểu rõ ý
nghĩa của những hình tướng khác nhau của các ngài. Ví dụ như, tại sao ta quán
tưởng mười sáu tay, bốn chân v.v.. nếu chỉ có hai tay hai chân thì có thực sự
đầy đủ không? Tin rằng ta phải quán tưởng thế này là vì các Bổn tôn thực sự
trông giống như thế là một nhận thức sai lầm. Tin vào hiện hữu thực sự của Bổn
tôn là một điều khá buồn cười và hết sức vô minh. Thay vì như thế, ta nên hiểu
rằng có điều gì đó được tịnh hóa và cái gì đó là một phương pháp tịnh hóa. Việc
quán tưởng một Bổn tôn có bốn tay, ví dụ thế, là một biểu tượng của việc tịnh
hóa cách thế thông thường của ta khi kinh nghiệm các sự việc trong cái gọi là
các phạm trù có bốn phần. Ví dụ như bốn yếu tố (tứ đại) và mọi sự khác ta tin
tưởng xuất hiện trong một cách thế có bốn phần. Ba mắt của một Bổn tôn tượng
trưng cho việc chiến thắng của cách thế ta suy nghĩ trong những phạm trù có ba
phần. Ví dụ như ba thời (quá khứ, hiện tại, tương lai). Điều tương tự áp dụng
cho tất cả những chi tiết khác của Bổn tôn; tất cả các chi tiết đó là để tịnh
hóa sự bám chấp thông thường của ta vào thế giới của những kinh nghiệm.
Không có sự hiểu biết này, ta kết thúc trong thiền định
đầy những nhận thức sai lầm. Ta tin rằng những sự việc là thật có hay không có
chút hiện hữu nào. Đó là cách ta đi vào một con đường hoàn toàn sai lạc, là con
đường không liên quan gì tới Kim Cương thừa hay Phật Giáo hiểu theo cách thông
thường. Tin rằng các Bổn tôn thực sự hiện hữu và không hiểu rằng các ngài là
những biểu tượng của sự tịnh hóa những ý niệm tri giác của ta về thế giới kinh
nghiệm, điều ấy sẽ chỉ khiến cho những khái niệm phát triển thêm nữa. Kết quả
là những ảo tưởng ta đã có sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, sau đó chúng có thể dẫn tới
kinh nghiệm sợ hãi trong khi thiền định hay dẫn tới sự xuất hiện của những tư
tưởng mà ta không biết phải xử sự thế nào với chúng. Vì thế, trong thực hành
thiền định, đặc biệt là trong Kim Cương thừa, điều hết sức quan trọng là phải
có được cái nhìn đúng đắn (chánh kiến).
Chánh kiến này ra sao? Đó là việc thấu hiểu rằng sự xuất
hiện tương đối của các sự việc và thực tại tối hậu của chúng là một sự hợp
nhất, thấu hiểu rằng chúng không tách lìa nhau và không mâu thuẫn nhau.
Các giai đoạn phát triển về các Bổn tôn tương ứng với
chân lý tương đối, cách thế sự việc xuất hiện.
Các giai đoạn thành tựu tương ứng với nguyên lý rằng rốt
cuộc thì các sự vật không thực sự hiện hữu. Đồng thời ta cần thấu hiểu rằng cả
hai giai đoạn tạo thành một sự hợp nhất.
Các giai đoạn thành tựu thường được dùng để tránh rơi vào
cái thấy cực đoan tin rằng các sự việc thực sự hiện hữu. Các giai đoạn phát
triển ngăn ngừa cái thấy cực đoan khi tin rằng các sự việc không có chút hiện
hữu nào, chỉ là một sự trống rỗng. Việc hiểu rằng cả hai giai đoạn tạo thành
một sự hợp nhất khiến ta thấu hiểu rằng mọi sự là sự hợp nhất của đại lạc và
tánh Không. Nhờ thiền định theo cách này, bằng cách áp dụng thực hành Bổn tôn,
ta có thể đạt được những thành tựu tương đối và tuyệt đối. Trong ý nghĩa đó,
Bổn tôn được gọi là “cội nguồn của những thành tựu.”
Các vị bảo trợ (Hộ Pháp), “cội nguồn của hoạt động,” có
thể được coi là biểu lộ đa dạng của các Bổn tôn, lại là biểu lộ của tâm Pháp
giới của Lạt ma. Bởi Kim Cương thừa là con đường rất sâu xa nên ý nghĩa của các
vị bảo trợ là bảo vệ ta thoát khỏi nhiều tình huống và chướng ngại mâu thuẫn có
thể xuất hiện khi ta đang đi trên con đường đó. Trong Kim Cương thừa, các Bổn
tôn và Hộ Pháp rất quan trọng, tuy nhiên Lạt ma, cội nguồn của sự ban phước, là
yếu tố quan trọng nhất. Lý do là chỉ nhờ Lạt ma mà ân phước và sự hứng khởi mới
có thể đi vào dòng tâm thức của riêng ta.
Mọi yếu tố được sử dụng trên con đường Kim Cương thừa có
một ý nghĩa sâu xa. Thân của Bổn tôn là sự hợp nhất của sắc tướng và tánh
Không, thần chú là sự hợp nhất của âm thanh và tánh Không, và tâm là sự hợp
nhất của tỉnh giác (giác tánh) và tánh Không. Nếu ta áp dụng những yếu tố này
vào thực hành của riêng ta, bằng cách hoàn toàn an trú trong sự tỉnh giác này,
tự hào Bổn tôn có thể phát khởi trong ta. Nhưng để làm được như thế ta phải
thấu suốt ý nghĩa đích thực của những điều này. Chỉ quan tâm tới việc quán
tưởng bản thân ta là Bổn tôn thì không đủ, bởi bằng sự quán tưởng đơn thuần ta
không thành tựu sự thấu suốt này.
Các hành giả phải thấu suốt ba điều. Cái thấy cả hai loại
thực tại tạo nên một sự hợp nhất bất khả phân. Đối với con đường, việc thấu
suốt phương pháp và trí tuệ là một sự hợp nhất thì rất quan trọng. Đối với quả,
ta cần hiểu rằng hai thân (kaya) là những gì được thành tựu là một sự hợp nhất.
Đặc biệt là khi thực hành Mahamudra (Đại Ấn) hay Maha Ati, sự thấu suốt ba yếu
tố này (cái thấy, con đường và quả) hết sức quan trọng. Nếu không, ta không thể
chứng ngộ kết quả nhờ thực hành này.
Cái được gọi là “Bổn tôn tối thượng” ra sao? Chẳng hạn
như Đức Chenrezig (Từ Thị) xuất hiện trong một hình thức hết sức đặc biệt, với
bốn tay v..v.. Tuy nhiên, đây không phải là phương diện tối thượng của Bổn tôn
này mà chỉ là cách thế ngài xuất hiện. Bổn tôn tối thượng là sự tỉnh giác rằng
biểu lộ của Đức Chenrezig là lòng bi mẫn của tất cả chư Phật.
Thân tướng của Dorje Phagmo (Heo nái Kim cương) (1) là
một hình thức tượng trưng. Dorje Phagmo tối thượng là không gian của các hiện
tượng, là trí tuệ siêu việt tối thượng, mẹ của tất cả chư Phật, là người sinh
ra tất cả chư Phật. Bà là ba la mật của trí tuệ./.
Nguyên tác: “Yidams –
the Source of Accomplishments”
by Jamgon Kongtrul
Rinpoche
http://www.diamondway.org/bt/jamgon4.htm
(1)Vajravarahi (Tib.
Dorje Phagmo) Một Dakini là phối ngẫu của Cakrasamvara. Bà là một Bổn tôn chính
của dòng Kagyu và là hiện thân của trí tuệ.
Bản dịch Việt ngữ của
Thanh Liên