GIỜ PHÚT QUYẾT
ĐỊNH CỦA KIM CƯƠNG THỪA
Một Giáo lý của
Jetsunma Ahkon Lhamo
Thanh Liên Việt
dịch
|
Jetsunma Ahkon Lhamo, Giám
Đốc Tâm linh của Kunzang Palyul Choling (KPC). Jetsunma là phụ nữ Tây phương
đầu tiên được His Holiness Penor Rinpoche chính thức công nhận là một Lạt Ma
Hoá Thân hay Tulku trong Truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. (1)
Một trong những mẩu thông tin đã xuất hiện trong
tiến trình thời gian là sự hiện hữu luân hồi đó chỉ là thế – nó chuyển động
theo những chu kỳ. Có một chu kỳ trong đó Đức Phật xuất hiện trước tiên, chu kỳ
đó rất rộng mở. Trong một thời đại như thế, ở một vài phương diện nào đó thì
cuộc đời rất đơn giản và thật dễ dàng, đặc biệt là để đạt được Giác ngộ. Cơ cấu
của dòng tâm thức của chúng ta khoáng đạt hơn nhiều do bởi công hạnh của sự
xuất hiện của Đức Phật.
Sau đó là một thời đại trung gian khi Đức Phật đã
nhập Niết Bàn, Giáo Pháp rất hưng thịnh và được tiếp tục bởi những vị có thể
nhớ lại những giáo lý, đã thuộc lòng và có thể lập lại nguyên văn giáo lý. Giáo
lý được giảng dạy trong một dòng truyền thừa không đứt đoạn bởi những vị từng
thực hành Pháp và đã thành tựu một số kết quả, nhưng không có trí nhớ chính xác
của những bậc đã thực sự nhìn thấy Đức Phật lịch sử, hay thậm chí nhìn thấy
những đệ tử của Đức Phật.
Giờ đây ta nhận thấy mình trong một thời đại được
coi là thời đại suy thoái. Cơ cấu của những mối quan hệ nhân và quả, nó bao gồm
chính cơ cấu của dòng tâm thức của riêng ta, bị thu hẹp tột bực. Giờ đây việc
thành tựu sự chứng ngộ còn khó khăn hơn nữa. Ta phải làm việc hết sức cực nhọc
trong thời đại này. Ta phải thọ nhận những giáo lý, tích lũy nhiều lần trì tụng
thần chú và lời cầu nguyện, và thành tựu puja. Ta phải thực hành lòng sùng mộ
tới mức độ cao nhất, và thành tựu Bồ Đề tâm, lòng Bi mẫn Vĩ đại. Ta phải từ bỏ
đời sống bình thường, là một nhàsư hay ni cô, hay trong một cách thế sâu xa hơn
tận đáy lòng, kiên cố và bất thối chuyển trong tâm thức.
Mặc dù giờ đây có khó khăn, nhưng ở một mặt khác
thì sự Giác ngộ có thể được thành tựu còn rõ ràng và chắc chắn hơn trước nữa,
bởi trong thời đại của sự suy thoái này khi nội dung của dòng tâm thức của ta
bị cô đọng và thu hẹp tới tột độ, nghiệp thực sự chín mùi thật nhanh chóng. Bạn
có thể ý thức điều đó. Nếu bạn tốt lành và từ ái và nếu bạn thực hành Bồ Đề tâm
đối với chúng sinh, những điều đó sẽ làm bạn hạnh phúc. Và ngược lại, nếu bạn
không tốt, ích kỷ, sân hận, thì những điều đó sẽ quay trở lại với bạn tức thì.
Không phải là điều này đã xảy ra cho bạn sao? Bạn có thể đối xử thật tệ hại với
ai đó, và trong ngày hôm ấy bạn có thể thấy nó trở lại ngay trên mặt bạn. Cái
mũi của bạn phản ảnh điều đó.
Tin tức tốt lành trong việc này là sự lợi lạc của
việc thực hành cũng trở lại nhanh chóng hơn nhiều. Nếu ta thực hành thực sự tập
trung và với lòng sùng mộ nhiệt tâm (ở đây lòng sùng mộ là điều then chốt), thì
ta có thể hưởng được kết quả của việc thực hành của ta. Nếu điều đó không xảy
ra trong đời ta thì vào lúc chết, khi Phật Tánh tự hiển lộ với chúng ta lúc các
yếu tố (các đại) tan rã, ta sẽ nhận thức rằng Phật Tánh là sự phô diễn của Bổn
Tôn và nhận ra Bản Tánh đó một cách tương ứng. Khi đã nhận ra Bản Tánh đó, ta
sẽ giác ngộ.
Truyền thống ta thực hành ở đây được gọi là Kim
Cương thừa. Loại giáo lý đặc biệt này mang lại lợi lạc vô cùng to lớn cho những
người được sinh trong thời đại suy thoái này. Người ta nói rằng Kim Cương thừa
thì như thể ngọn nến đốt cả hai đầu. Chẳng hạn như khi ta thực hành giai đoạn
phát triển, ta không dập tắt sự thôi thúc coi ta là một “bản ngã” mà đúng hơn,
ta sử dụng khuynh hướng đó. Có một năng lực được liên kết với sự bám chấp vào
bản thân ta như một bản ngã rất giống một sợi dây cao su. Bạn có thể cố nghĩ về
một điều gì khác, nhưng dù bạn kéo dài nó tới đâu thì nó sẽ luôn luôn trở lại
hình dạng ban đầu của nó. Sự thôi thúc coi bản ngã như có thực một cách bẩm
sinh thì tương tự như năng lực khiến cho một sợi dây cao su biến dạng; ta có
năng lực đó theo bản năng trong tâm thức.
Kim Cương thừa thực sự sử dụng khuynh hướng đó
trong việc thực hành giai đoạn phát triển. Ở giai đoạn đó ta thiền định về tánh
Không, về trạng thái nguyên sơ tự nhiên không giả tạo của tánh Không. Ta xem
xét rằng mọi yếu tố của các hiện tượng thuộc phạm vi của sự nhận thức đột nhiên
biến thành yếu tố tự nhiên của chúng: sự chói sáng nguyên sơ.
Khi thiền định về Tánh Không hay Shunyata, khi ấy
ta phát triển Bổn Tôn sử dụng cùng một năng lực đó khiến chúng ta xem xét bản
ngã. Khi phát triển bản thân ta là Bổn Tôn, ta phát triển sự phô diễn thuần
tịnh sở hữu mọi phẩm tính thanh tịnh của Bổn Tôn. Phát khởi từ tánh Không, ta
phát triển Bản tánh Nguyên sơ theo cách nó là một sự vật thuộc phạm vi hiện
tượng, một sự phô diễn. Điều đó đôi mắt và ý thức của ta có thể nhìn thấy.
Chúng ta sử dụng chính năng lực đã làm ta bám chấp vào một cái ngã để thành tựu
sự chứng ngộ. Kim Cương thừa có phẩm tính độc nhất vô nhị đó. Bạn có thể thấy
làm thế nào đốt cây nến cả hai đầu? Ta sử dụng những gì ta có – ngọn lửa đó, sự
đam mê đó, ngay cả sự tham muốn, để thành tựu Bản tánh Trí tuệ Nguyên sơ.
Trong thời đại suy thoái này, tôi được dạy rằng sẽ
tới một lúc không giáo lý nào trong thế giới này có thể đưa chúng ta tới Giác
ngộ. Sẽ không có con đường, không có các Bồ Tát hóa thân, và Đức Phật sẽ không
hiện diện trong thế gian này. Đó sẽ là một thời đại của bóng tối và những cuộc
chiến tranh khủng khiếp. Và cuối cùng sẽ là một thời đại của đêm tối, của sự
tăm tối. Ngay sau thời đại đó vị Phật kế tiếp sẽ lại xuất hiện.
Giờ đây trong khi những sự việc đang trở nên tối
tăm hơn và cô đọng hơn, ta vẫn còn một phát đạn. Những sự việc đang sẵn sàng
đến nỗi nếu ta thành tâm thực hành một kỹ thuật có thể dẫn dắt tới sự Giác ngộ
và đã từng liên tục đưa những người khác tới Giác ngộ, nếu ta thực hành nó với
sự chú tâm, lòng sùng mộ, và niềm tin nồng nhiệt ở một phương pháp nguyên sơ,
thì ta có thể thành tựu kết quả tốt lành – sự chứng ngộ ngay trong tiến trình
của cuộc đời này, hay trong Bardo, hoặc một sự tái sinh tốt đẹp để thực hành
một cách thuần tịnh và toàn hảo.
Thật kỳ diệu biết bao khi có được mọi sự sẵn sàng:
việc đến với con đường, có một vị Thầy mà bạn có thể gắn bó, một vị Thầy có thể
ban cho bạn con đường và cung cấp những yếu tố cần thiết của con đường và những
sự ban phước của nó; có một con đường có thể mang lại kết quả tốt lành. Chúng
ta sẽ hoàn toàn là những kẻ điên khùng nếu không tận dụng được cơ hội. Vào lúc
này khi hầu như đã quá trễ, đây là thời đại mà chúng ta nên nắm bắt cơ hội.
Không lúc nào tốt hơn lúc này, đặc biệt là để gặp được con đường Kim Cương thừa
này là con đường có một vài yếu tố đặc biệt có giá trị cho thời đại này.
Trong đời bạn, đã bao nhiêu lần bạn nhận ra mình
bị đối mặt với bữa tiệc thịnh soạn nào đó và bạn giữ thái độ của một nông dân
chỉ dùng những vụn bánh của bữa tiệc ấy? Bạn đã mất cơ hội bởi bạn không biết
làm thế nào để nắm lấy. Bạn nhận ra mình lưỡng lự, nhảy nhót ở bên lề.
Đó không phải là điều đang xảy ra sao? Chẳng phải
là chúng ta đang ở giữa một bữa tiệc thịnh soạn, đang nắm giữ một viên ngọc quý
báu mà phải trải qua vô tận cuộc đời mới tìm thấy nó, và ta hoàn toàn không
biết phải làm gì hay sao? Cách này hay cách khác, ta cứ mải ngó quanh. Ta không
thể tự cứu giúp mình.
Vì thế hãy nắm lấy nó, sử dụng nó. Bạn đang đứng ở
ngưỡng cửa của sự giải thoát, đang nhìn ngắm tâm đích thực của sự giải thoát,
khuôn mặt của Guru Rinpoche. Mỗi ngày Guru Rinpoche đang chạm vào đời bạn; Đức
Phật đang chạm vào cuộc đời bạn. Bản tánh đó được tiết lộ cho bạn, nhưng bạn
không thể nhận ra nó bởi bạn có tập quán là hành khất trong một bữa tiệc. Giờ
đây bạn phải thôi làm điều đó. Hãy ngồi vào bàn như vị vua hay hoàng hậu mà bạn
vốn là và thưởng thức bữa tiệc. Không điều gì nhận được tốt hơn hay dễ dàng hơn
điều này. Hãy tận dụng nó.
Khi tôi nói điều như thế này với bạn chính là bởi
sự quan tâm tới hạnh phúc của chúng sinh, và tới bạn. Hãy thành tựu lòng bi mẫn
bằng cách trở thành chư vị Bồ Tát hay chư Phật để bạn có thể liên tục quay trở
lại cõi sinh tử này vì những người khác. Tôi và những Lạt Ma khác không thể tìm
ra phương cách để nói với những người không có nghiệp nghe về Con Đường. Nhưng
một ngày nào đó bạn sẽ có thể. Trong một đời tương lai nào đó những người mà
bạn có duyên nghiệp với họ sẽ xuất hiện và bạn sẽ là niềm hy vọng duy nhất của
họ. Họ sẽ đặt những hy vọng ở bạn. Bạn sẽ sẵn sàng, hay bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội?
Tôi đang nỗ lực để làm cho bạn nghe điều này vì họ. Giờ đây hãy bắt đầu trước
khi quá muộn./.
Jetsunma Ahkon Lhamo
Nguyên tác: “Vajrayana’s Final Hour
A Teaching from Jetsunma
Ahkon Lhamo”
http://tara.org/Teachings/Vajrayana_s_Final_Hour.pdf
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
Chú thích:
(1) Jetsunma Ahkon Lhamo
là phụ nữ Tây phương đầu tiên được công nhận là Đạo sư Hoá Thân hay Tulku của
Phật Giáo Tây Tạng. Sinh tại Brooklyn, New York, được kế thừa truyền thống Ý và
Do Thái, lòng bi mẫn và khát khao chấm dứt nỗi khổ của thế giới đã được biểu lộ
thật rõ ràng trong con người bà từ thủa thiếu thời.
Jetsunma bắt đầu giảng dạy năm 1981, quy tụ những
đệ tử ước muốn tìm ra một con đường thoát khỏi đau khổ và vô minh. Năm 1985,
His Holiness Pedma Norbu (Penor) Rinpoche - hiện là Vị Lãnh đạo Tối cao của
phái Nyingma, dòng truyền thừa cổ xưa nhất của Phật Giáo Tây Tạng, cũng là vị
trì giữ ngai tòa của hệ thống tu viện Palyul rộng lớn - viếng thăm trung tâm
của bà trong lần đầu tiên Ngài du hành tới Châu Mỹ. His Holiness đã tỉ mỉ hỏi
bà về căn bản và những phương pháp giảng dạy của bà. Cuối cùng, His Holiness đã
tuyên bố rằng bà đang giảng dạy những giáo huấn Đại thừa thuần túy. Ngài ban
cho những đệ tử của Jetsunma sự quy y và những giới nguyện Bồ Tát theo truyền
thống Phật Giáo và tiên đoán rằng trung tâm của bà sẽ phát triển mạnh mẽ.
Cũng trong năm này trung tâm của Jetsunma bắt đầu
khóa tỉnh thức cầu nguyện 24 giờ một ngày không ngừng nghỉ được tiếp tục cho
tới ngày nay (tháng 4 năm 1999 đánh dấu kỷ niệm 14 năm).
Năm 1987, Jetsunma du hành tới tu viện của His
Holiness Penor Rinpoche ở Bylakuppe, Ấn Độ, ở đó Ngài và His Holiness Dilgo Khyentse
quá cố chính thức công nhận bà là Hóa Thân của Genyenma Ahkon Lhamo, một vị
thánh Tây Tạng vào thế kỷ 17. Genyenma Ahkon Lhamo đã có công xây dựng tu viện
Palyul nguyên thủy ở đó anh ngài, Vidyadhara Kunzang Sherab là vị trì giữ ngai
tòa đầu tiên. Trong hầu hết đời mình, Genyenma Ahkon Lhamo đã sống và thực hành
trong một hang động phía trên Palyul, là nơi đã trở thành một địa điểm cho
những cuộc hành hương. Những dấu hiệu kỳ diệu xuất hiện vào lúc ngài mất, kể cả
sự phát sinh xá lợi linh thiêng nhất tại Palyul. Trong đời này, Penor Rinpoche
đã cầu nguyện xá lợi này để Ngài có thể tìm thấy Hóa Thân của Genyenma Ahkon
Lhamo. Một phần của xá lợi còn tồn tại sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Cộng Sản
Trung Hoa, và His Holiness đã tặng nó cho Jetsunma năm 1988 vào lễ đăng quang
chính thức của bà. Hiện nay nó được cất giữ tại chùa Poolesville. Trong dịp
đăng quang của Jetsunma, His Holiness cũng tuyên bố trung tâm Poolesville là
trụ xứ của dòng Palyul ở Tây phương và đặt tên cho nó là Kunzang Odsal Palyul Changchub
Choling (Lục địa Pháp Toàn Giác của Tịnh Quang Tuyệt đối).
Năm 1994, Jetsunma được
công nhận thêm là Hóa Thân của Lhacham Mandarawa (một Hóa Thân của Đức Tara
Trắng). Mandarawa là phối ngẫu tâm linh Ấn Độ của Đức Padmasambhava (Liên Hoa
Sanh), Đạo Sư Kim Cương thừa thành lập Phật Giáo ở Tây Tạng. Một quyển tiểu sử
38 chương của Mandarawa do các đệ tử của bà dịch thuật chẳng bao lâu nữa sẽ
được xuất bản. Sự công nhận này cũng đưa tới một chuyến hành hương quan trọng
tới Ấn Độ và Nepal được thực hiện vào tháng Ba năm 1996. Trong chuyến đi này,
Jetsunma và 25 đệ tử của bà viếng thăm những thánh địa được gắn liền với
Mandarawa và Đức Padmasambhava. Một đoàn làm phim tài liệu chuyên nghiệp làm
việc trong một chương trình về Phật Giáo tại Tây phương đã ghi lại chuyến hành
hương này. Cũng theo cách đó, Jetsunma cũng nổi bật trong quyển “Tái sinh ở Tây
phương,” của Vickie MacKenzie, một công trình nghiên cứu về những Tulku ở Châu
Mỹ và Châu Âu.
Tại trung tâm KPC (Kunzang Palyul Choling),
Jetsunma đã duy trì một thời khóa biểu nghiêm nhặt trong việc giảng dạy và
hướng dẫn những cuộc nhập thất, luôn luôn nhấn mạnh rằng cần phải phát triển
lòng bi mẫn và nội quán phi thường vào chân tánh của các hiện tượng. Các đệ tử
của bàhiện lên tới vài trăm người, bao gồm 34 vị thọ giới xuất gia (tăng và ni)
theo truyền thống, một trong những nhóm lớn nhất ở Bắc Mỹ. Bà đã đứng ra tổ
chức những buổi giảng dạy rộng rãi của các Lạt Ma Nyingma vĩ đại nhất còn sống,
bao gồm việc Penor Rinpoche ban giảng toàn bộ các khóa Rinchen Terdzod và Nam
Cho. Jetsunma cũng đã thiết lập một khóa nghiên cứu kinh viện và nhập thất bảy
năm được gọi là Shedra, cũng như giám sát việc xây dựng 28 stupa (tháp) mà 10
cái trong số đó có thể được nhìn thấy trong nơi trú ngụ của muông thú hoang dã
rộng 65 mẫu Anh. Và nổi tiếng do việc cúng dường bài ca sùng mộ cho những vị
Thầy, giọng hát của Jetsunma có thể được nghe qua một đĩa CD mới có tên là “Sự
Khẩn cầu,” hát lên lời cầu nguyện mãnh liệt của bà tới Đức Padmasambhava.