Không
phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái
Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm
linh trong các Thiền đường nước Đại Việt. Mặc dầu vào thời kỳ này với
sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, hẳn nhiên việc thực tập hành thiền
là phương thức tu tập được xem trọng để kiến tính thành Phật. Tuy nhiên
phương thức niệm Phật vẫn được Thiền phái Trúc Lâm khuyến cáo mọi giới,
mọi thành phần trong xã hội cần phải nỗ lực tu tập, tinh tấn hành trì
mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh là điều đáng nói.
Thiết nghĩ, kể từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam đến thời Lý, thì
quá trình hình thành hội nhập và phát triển đã hội tụ đầy đủ các tông
Thiền, Tịnh, Mật trong diễn trình sinh hoạt tâm linh của cộng đồng
người Việt. Vì thế, có thể nói phương thức niệm Phật cũng đã được giới
Phật tử nước ta quan tâm thực hành từ lâu lắm rồi. Mục đích của niệm
Phật là nhất tâm bất loạn và cũng để cầu vãng sinh về nước Cực lạc của
Phật A Di Đà. Ở Trung Hoa, ta thấy giáo lý niệm Phật được ngài Huệ Viễn
khởi xướng đầu thế kỷ thứ V, chú trọng vào phương pháp quán niệm. Tại
nước ta, vào thời Lý, năm 1057, một tượng Phật A Di Đà bằng đá cao hai
thước rưỡi tây đã được một lang tướng của vua Lý Thái Tông thực hiện
tại núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tượng Di Đà này vẫn còn
ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Bia đá chùa Phật Tích vẫn còn ghi về sự
tích kiến tạo ngôi tượng này1. Sách Thiền uyển tập anh cũng ghi
nhận, ngoài việc thiền sư Không Lộ tôn trí tượng Phật A Di Đà để phụng
thờ, còn đề cập đến việc thiền sư Tịnh Lực là một người đã chứng đắc
pháp “niệm Phật Tam muội” nhờ công phu niệm Phật mà được đại định.
Thiền sư cũng dạy các môn đồ của mình không nên cầu sự chứng ngộ từ bên
ngoài và nếu muốn diệt trừ các ác nghiệp thì nên áp dụng phương pháp
niệm Phật bằng cả tâm lẫn miệng. Rõ ràng chủ trương niệm Phật theo giáo
lý tông phái Tịnh độ ở nước ta đã được phổ biến và hành trì trong các
ngôi tự viện có thể đã được vận hành trước thời Lý, nhưng có thể khẳng
định đến thời Lý thì pháp môn Niệm Phật đã đi vào đời sống thực nghiệm
tâm linh trong sinh hoạt của mọi người dân Đại Việt.
Đến đời Trần, trên tinh thần hợp nhất các tông phái thành Phật giáo
Nhất tông, lấy tông Thiền làm hệ tư tưởng chính để sinh hoạt và phát
triển Giáo hội, nhưng các nhà lãnh đạo Phật giáo cũng như các nhà lãnh
đạo quốc gia bao gồm những thiền gia, thiền sư, đồng thời cũng là những
vị vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung và Tam Tổ Trúc
Lâm vẫn thừa kế các pháp môn tu tập truyền thống vốn đã được định hình
và phát triển như niệm Phật để đưa vào chương trình sinh hoạt và tu tập
trong các thiền môn. Căn cứ vào tài liệu Khóa hư lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Tam Tổ thực lục, Cư trần lạc đạo phú...
của Phật giáo Nhất tông đời Trần, chúng ta thấy tiến trình hình thành
và phát triển Thiền phái Trúc Lâm đã tác động vào đời sống nước ta trên
nhiều lĩnh vực. Cũng qua các tài liệu nói trên, chúng ta cũng tiếp cận
được đời sống sinh hoạt tu tập Thiền qua nhiều phương thức khác nhau
như niệm Phật, bái sám, tọa thiền nhưng mang sắc thái thiền là
dấu ấn lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá trình tiếp biến và hội nhập
phát triển mang bản sắc Việt. Và như thế, Thiền phái Trúc Lâm dưới sự
lãnh đạo của các nhà khai sáng thiền phái, đã thiết lập một đời sống tu
tập thực nghiệm tâm linh cho các hành giả, mục đích cuối cùng là giác
ngộ ngay giữa cuộc đời theo quy tắc thiền môn, mà được sử sách ghi lại.
Người học thiền có thể dùng các phương thức thiền khác nhau, nhưng cuối
cùng là tìm thấy sự giác ngộ ở đời này. Ngay từ buổi đầu, Trần Thái
Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông rồi Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền
Quang và các vị thừa kế thiền phái đều nhất quán quan điểm như thế.
Phương thức thiền có khác nhau là do căn cơ, căn trí khác nhau,
nhưng chân lý chỉ là một. Do đó, mỗi tác phẩm trước tác của các vị
trong thiền phái đều bàn đến những khía cạnh khác nhau về Thiền. Đặc
biệt, trong các tác phẩm ấy, pháp môn Niệm Phật đã được đề cập đến như
là một phương thức hành thiền được hướng dẫn từ thấp đến cao, từ đơn
giản đến phức tạp, hợp với từng căn cơ đối tượng tham thiền học đạo.
Mục đích cuối cùng là kiến tính thành Phật.
Thực tế, vào đời Trần, trong một bối cảnh lịch sử cả dân tộc quyết
tâm xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập, tự chủ, hưng thịnh, bền
vững không chỉ trên biên cương lãnh thổ mà còn trên nhiều phương diện,
lĩnh vực khác nhau. Ta chẳng ngạc nhiên gì khi Trần Thái Tông - vị vua
đầu tiên đời Trần, cũng là thiền gia chứng ngộ đề xuất với chính mình
cũng là lời khuyến cáo với mọi người “Hãy lấy ý muốn của thiên hạ làm ý
muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”. Do đó, mọi người cần
phải giữ tâm thanh tịnh, không để bụi trần làm cáu bẩn tâm nhằm phát
huy tinh thần sẻ chia ý muốn và tấm lòng của mình đối với mọi người
trong gia đình và bên ngoài xã hội. Tất cả không ngoài mục tiêu là cùng
nhau xây dựng và bảo vệ đất nước với cuộc sống tốt đời đẹp đạo.
Mục đích niệm Phật theo Thiền phái Trúc Lâm là loại bỏ niệm xấu,
thay vào đó là niệm tốt để tâm trở nên trong sạch hoàn toàn. Con người
sống trong một xã hội đầy biến động, việc cần xác định trước tiên nói
như trong tác phẩm Khóa hư lục qua bài Niệm Phật luận là tâm luôn phải khởi niệm thiện, khi niệm thiện khởi thì niệm ác không có cơ duyên hiện khởi “Tâm khởi điều thiện tức là điều thiện. Niệm thiện khởi thì thiện nghiệp báo ứng lại”. Vì
vậy, con người cần có những niệm thiện, những niệm tốt, ý nghĩ lành thì
không cách gì hơn là niệm Phật. Niệm Phật nhằm có khả năng xử lý những
sai lầm, ngõ hầu dập tắt ba nghiệp thân khẩu ý xấu ác. Trong bài Niệm Phật luận, Trần Thái Tông viết: “Ư
niệm Phật thì chánh thân đoan tọa, bất hành tà hạnh, thị tức thân
nghiệp dã. Khẩu tụng chân ngôn, bất đạo tà ngữ, thị tức khẩu nghiệp dã.
Ý tồn tinh tiến, bất khởi tà niệm, thị tức ý nghiệp dã”.2 (Trong
lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắt
được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân chính, không nói điều xằng bậy,
thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh
ý nghĩ tà, thế là tắt được nghiệp ý). Công năng niệm Phật là thế,
nhưng phương thức hành trì của mỗi đối tượng dựa trên sự phân chia căn
trí cao thấp. Thực tế, theo Trần Thái Tông, trong xã hội có ba hạng
người ứng với ba loại trí: thượng trí, trung trí và hạ trí, ứng với ba
cách thức hành trì niệm Phật.
Cách thứ nhất dành cho bậc thượng trí là những người tự thân biết
tâm mình chính là tâm Phật, sống trong bụi trần mà không nhiễm trần,
không cần tu niệm thêm gì cả. Chính họ là những người đã được giác ngộ,
tâm không còn sự nhiễm ô, sống trong đời mà không nhiễm bụi đời, an
nhiên tự tại, mà đóng góp cho đời, đúng như bài Niệm Phật luận ghi: “Bậc
thượng trí thì tâm tức Phật, không phải nhờ thêm sự tu hành. Ý nghĩ là
bụi trần không vướng một mảy. Ý nghĩ bụi trần vốn tịnh, cho nên nói
“như như không động là thân Phật”. Thân Phật tức là thân ta,
không có hai tướng. Tướng và tướng không phải là hai, lặng lẽ tồn tại
hằng thường. Tồn tại mà không biết, đó là Phật sống” 3.
Cách thức thứ hai dành cho đối tượng có căn trí bậc trung. Đây là
thành phần thứ hai trong xã hội. Người có căn trí bậc này thì phải huy
động ý chí, dùng niệm thiện để đẩy lùi các niệm ác, không cho chúng có
cơ hội xuất hiện. Cuối cùng, họ cũng đạt được trình độ như người có trí
tuệ cao hơn: “Bậc trung trí ắt nhờ niệm Phật. Chú ý tinh cần, luôn
luôn niệm mà không quên thì tâm mình ắt tự thuần thiện. Ý nghĩ thiện đã
hiện ra thì ý nghĩ ác sẽ bị tiêu tan. Ý nghĩ ác đã bị tiêu tan thì chỉ
còn ý nghĩ thiện. Dùng ý nghĩ mà ý thức về nghĩ thì mọi ý nghĩ đều bị
diệt hết. Khi ý nghĩ đã bị tiêu diệt ắt trở về chính đạo; lúc mệnh hết
qua đời sẽ được niềm vui cõi Niết bàn” 4.
Cách thức thứ ba dành cho người có căn cơ hạ trí, đông nhất trong xã
hội. Đối với những người này, tâm họ chỉ hướng về nước Phật, mong sao
thoát khỏi những bụi bặm ở đời này. Khi lâm chung lòng thanh tịnh, thác
sinh về Phật quốc: “Kẻ hạ trí miệng chuyên cần niệm lời Phật, lòng
mong thấy hình tướng Phật, thân nguyện sinh ở nước Phật, ngày đêm tu
hành chăm chỉ, không thối chí thay đổi, như vậy đến khi mệnh hết qua
đời sẽ theo ý nghĩ thiện mà được sinh ở nước Phật; sau đó lĩnh hội
Chính pháp mà chư Phật nêu ra và chứng được Bồ đề cũng được Phật quả” 5.
Tuy căn trí mỗi hạng người khác nhau nhưng sở đắc giải thoát phải là
một. Trong ba cách thức niệm Phật, Trần Thái Tông đánh giá cao phương
thức hành trì niệm Phật sau cùng vì nó được xây dựng trên một nền tảng
vững chắc, thích hợp với quần chúng số đông. Ông khuyến cáo mọi người
hãy bắt đầu tẩy rửa thân tâm từ cách thức này, hai cách kia nói thì dễ
nhưng thực sự đòi hỏi căn duyên cao, không phải ai cũng thực hiện được:
“Ba hạng trí ấy nông sâu khác nhau, nhưng cái nhận được là một… Kẻ
hạ trí lấy niệm làm bậc, lấy sự tinh tiến làm thang, chú ý đến thiện
duyên, nguyện sinh vào nước Phật. Nếu chuyên cần không nhác, tâm tính
thuần thục thì sau khi chết sinh vào nước Phật. Kẻ học ngày nay đã nhận
thân người, ắt ba nghiệp đều có. Thế không dùng niệm Phật để cầu sinh
vào nước Phật, chẳng cũng khó sao! Như muốn niệm Phật hãy lấy cách của
hạ trí làm đầu”, đúng như tinh thần mà Trần Thái Tông viết trong Khóa hư lục.
Và như vậy, niệm Phật trở thành phương thức tu tập loại bỏ tập khí
dần dần, hướng đến thuần thục để tâm trở nên tịch tịnh. Nhà vua có lý
khi nhắm vào thành phần đông nhất của xã hội là bậc hạ trí. Đối tượng
để tu tập là nhớ nghĩ về Phật. Tập trung nghĩ vào một đối tượng là một
hình thức “chỉ”, sâu hơn nữa thấy rõ tâm thức ấy biểu hiện những hành động gì, có sai trái thì phải sám hối. Đây là một hình thức “quán”. Khi đã quán thấy rõ sự vật, tỉnh thức với những việc sai trái thì sẽ điều chỉnh. Đây là một phương thức “chỉ quán song tu”, thực chất là những bước đi đầu tiên của thiền.
Sự vận dụng pháp môn Niệm Phật truyền thống vào việc hành thiền,
chứng tỏ Thiền phái Trúc Lâm khéo léo hướng quần chúng bước vào con
đường thiền đi từ thấp đến cao, chú tâm hướng nội, tìm lại Phật thân.
Đây là kết quả biến đổi từ một nội dung mang màu sắc Tịnh độ sang sắc
thái “thiền” mà vua cố tình xây dựng và phát triển dòng Thiền
Trúc Lâm. Chủ trương này đã thành hiện thực qua việc các thư tịch cổ
còn lại minh chứng. Trong Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung, tờ 34b4-6 có ghi lại một bài thất ngôn tứ tuyệt Thị tu Tây phương bối 6:
Tâm nội Di Đà tử má khu (Thân báu Di Đà tại đáy lòng),
Đông Tây Nam Bắc pháp thân chu (Bốn phương thân pháp tỏa mênh mông).
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt (Cả trời chỉ thấy vừng trăng quạnh)
Sát hải trừng trừng dạ man thu (Đêm lắng vào thu vũ trụ trong).
Đến Trần Nhân Tông, phương thức niệm Phật theo quan điểm thiền, được ghi lại trong Cư trần lạc đạo phú, ở hồi thứ hai:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc” 7.
Từ đây ta có thể nói nếu trong buổi đầu đời Trần, Trần Thái Tông đề
xuất phương thức niệm Phật theo phong thái thiền mà không nói rõ niệm
danh hiệu Phật nào qua văn bản Niệm Phật luận thì đến khi Tuệ Trung Thượng Sĩ của Tuệ Trung và Cư trần lạc đạo phú của
Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất hiện trên văn đàn Phật giáo Đại Việt thì
ta biết danh hiệu để mọi người niệm là Phật A Di Đà. Rõ ràng, cách niệm
Phật, danh hiệu Phật và lý giải tư tưởng niệm Phật của Trần Thái Tông,
Tuệ Trung, Trần Nhân Tông và mọi người sau này trở thành phổ biến mang
phong thái thiền. Không còn gì để bàn luận thêm nữa! Chủ trương niệm
Phật để đoạn tận các điều ác, cho đến khi nào đạt tới vô niệm là tối
hậu. Vô niệm là phạm trù lớn của Thiền tông mà bất cứ hành giả nào cũng
phải trải nghiệm và chứng đạt. Nói như ngài Vĩnh Gia Huyền Giác
(665-713) trong Chứng đạo ca là “Thùy vô niệm, thùy vô sinh”8, mà Trần Thái Tông cố tình trích dẫn để kết thúc phần nhập đề của bài Niệm Phật luận. Phương
thức niệm Phật theo tinh thần Thiền tông từ đó trở thành phương thức
hành thiền và phát triển cho đến ngày nay trong các Thiền đường Việt Nam.
Nói chung, phong cách thiền của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần theo
phương thức niệm Phật là tùy duyên và hết sức tự tại. Với phương thức
hành thiền niệm Phật như vậy, là nhằm nói lên chủ đích mà Thiền phái
Trúc Lâm hướng đến việc kiến tạo đời sống tâm linh cho mọi người được
an lạc, hạnh phúc đời này và đời sau, góp phần xây dựng và phát triển
đạo pháp và dân tộc Đại Việt ngày mỗi hưng thịnh, vững bền.