Thiền tập Phật giáo giúp giảm bạo lực tại nhà tù
Ray Reeves
18/02/2011 22:07 (GMT+7)

Sâu bên trong trại cải huấn đông đúc nổi tiếng lộn xộn, những tay sát thủ bị kết án, những tên cướp của và các tay hiếp dâm cùng tập hợp lại trong một căn nhỏ. Nhắm mắt, họ ngồi yên lặng với sự tỉnh thức. 

Cuộc sống hàng ngày của họ chỉ là bên ngoài hành lang của dãy nhà tù, nơi mà người ta có thể những âm thanh hỗn tạp của những chiếc cửa sắt kêu lanh lảnh, tiếng la hét, tiếng chân lê dọc theo sàn nhà bằng bê tông lạnh lẽo. Tiếng ồn không bao giờ thực sự dừng lại, sự yên tĩnh là của hiếm nơi nhà tù khắc nghiệt nhất tại bang Alabama.
 
Bất kể một lịch sử đầy bạo lực tại trại cải huấn William E Donaldson thuộc thành phố Birmingham, bang Alabama - nhà tù được đặt theo tên của một sĩ quan cải huấn bị đâm chết -  tù nhân ở đây đã trở thành kiểu mẫu cho chương trình thiền tập mà các quan chức nói rằng nó giúp cho các tù nhân học cách tự kiểm soát và cũng như những kỹ năng ứng xử mà họ không bao giờ có được khi sống ở thế giới bên ngoài.
 
Warden Gary Hetzel không hiểu được hoàn toàn tại sao chương trình được gọi là Vipassana sử dụng pháp môn thiền quán của Phật giáo này có thể chuyển hóa những người tù bạo lực thành những con người điềm tĩnh .
 
Nhưng Hetzel biết một điều.
 
Ông nói về khóa thiền mà khoảng 10% tù nhân tại trại đã hoàn tất, “Nó hiệu quả. Chúng tôi đã thấy sự khác biệt ở tù nhân và ngay cả không khí  ở trong tù cũng vậy. Nó yên tĩnh hơn.”
 
Từ Vipassana có nghĩa “ Nhìn sự vật y như chúng thực là” cũng là mục tiêu của một chương trình thiền tập tích cực 10 ngày sử dụng phương pháp thiền quán đã có từ 2.500 năm trước.
 
Các khóa thiền Vipassana được tổ chức bốn lần một năm trong phòng tập thể dục tại nhà tù. Nơi đây khoảng 40 tù nhân hành thiền 10 giờ mỗi ngày. Hầu hết đều ngồi trên tọa cụ đặt trên sàn nhà trong khi một số ngồi trên ghế.
 
Các khóa tu bắt đầu với ba ngày đầu tập thở, tù nhân học để tập trung tâm ý trên những cảm thọ trên thân hoặc theo dõi cảm giác của hơi thở xúc chạm vào vùng nhân trung khi vào, đi ra qua cửa mũi. Thiền sinh được yêu cầu không nói chuyện với nhau.
 
Ở bên ngoài, những người tình nguyện hướng dẫn họ thực hành cùng với những băng ghi âm các bài kinh tụng và những lời hướng dẫn thực hành (của các thiền sư)
 
Vào ngày thứ tư, thiền sinh được hướng dẫn hãy để cho những ý nghĩ sâu thẳm nhất trong tiềm thức của họ - chẳng hạn như các ý nghĩ căng thẳng do bị dồn nén hoặc sân hận-  trồi lên một cách tự nhiên lên mặt ý thức để họ có thể thấy được ảnh hưởng của chúng đến thân. Mục đích tối hậu của phương pháp thực hành này là thiền sinh không phản ứng lại với những cảm thọ này.
 
Thiền sinh buộc phải nhìn thẳng vào tận cùng bản chất thân tâm của mình. Một số người trào nước mắt, một số ít bỏ cuộc. Sẽ là chuyện bình thường nếu có phân nữa thiền sinh hoặc hơn bỏ cuộc hoặc bị trả về nhà tù do không chấp hành các quy định.
 
Các quan chức nhà tù nói rằng những người theo đuổi hết khóa thiền có sự thay đổi.
 
Tù nhân bị kết tội sát nhân Grady Bankhead nói rằng những giờ thiền tập đã buộc anh phải chấp nhận trách nhiệm về tội ác của mình và giúp cho anh tìm thấy sự an ổn trong nội tâm. Nơi Bankhead,  người chịu án chung thân không được cứu xét đặc ân tại ngoại, đang tỏa ra sự điềm tĩnh.
 
Bankhead, 60 tuổi, phát biều sau khóa thiền gần đây nhất tổ chức vào tháng trước tại Donaldson, “Tôi đã ở đây 25 năm và lời tuyên bố sau đây của tôi nghe có vẽ điên nhưng tôi cho mình là người may mắn nhất trên đời.”
 
Với Ronald McKeithen, Vipassana trở thành một công cụ để kiếm soát hành động của mình.
 
McKeithen, 48 tuổi, bị kết án chung thân không được cứu xét đặc ân tại ngoại do cướp của nói, “ Tôi rất nóng tính, và thiền tập đã giúp cho tôi cách để đối phó với nó.” Mắt nhắm, mặt của anh ta thư giãn trong suốt khóa thiền một tuần dành cho những bạn tù đã hoàn tất chương trình 10 ngày.
 
Các khóa thiền Vipassana đã được dạy tại các nhà tù Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua và bắt đầu dạy tại Donalson vào năm 2002. Chương trình tạm thời bị ngưng lại do những mối quan tâm của những người theo Cơ đốc giáo cho rằng Vipassana là một loại phúc âm của Phật giáo – các thiền sư và tù nhân khẳng định là không phải – và chương trình đã bắt đầu hoạt động trở lại vào năm 2006.
 
Timothy Lewis, 45 tuổi, chịu án tù chung thân không được cứu xét đặc ân tại ngoại do cướp của và hành hung nói, “ Nó là một  liều thuốc cho tâm.”
 
Bác sĩ Ronald Cavanaugh, người đưa chương trình thiền tập này đến với Donalson trong quá trình công tác ở đó, và nay là giám đốc khoa điều trị tại Trại Cải huấn Alabama, nói rằng có khoảng 380 tù nhân của bang đã hoàn tất một khóa thiền Vipassana. Ông phải mất ba năm để thuyết phục ban quản lý trại giam cho phép áp dụng chương trình và tìm mặt bằng để thực hiện nó.
 
Cavanaugh nói rằng nghiên cứu của Trại Cải huấn trên 100 tù nhân đã hoàn tất chương trình và vẫn còn ở trong tù vào cuối năm 2007 phát hiện rằng họ giảm 20% các hành động vi phạm kỷ luật sau khóa thiền.
 
Cavanaugh nói, “Mục đích của Vipassana là thay đổi mối quan hệ giữa các ý nghĩ thay vì thay đổi nội dung của các ý nghĩ. Bạn không cần phải hành động hay phản ứng lại với các suy nghĩ. Bạn chỉ đơn thuần quan sát chúng.”
 
Harry Snyder  thuộc tổ chức Vipassana Prison Trust nói rằng các khóa thiền Vipassana đã được dạy cho một số ít các nhà tù khác tại California, Massachusetts Washington, nhưng đã ngưng vì các lý do như mặt bằng hạn chế, an ninh và kinh phí. Donaldson hiện nay là ngôi nhà tù duy nhất tại Hoa Kỳ đang tổ chức các khóa thiền, nhưng các nhà ủng hộ đang cố gắng lôi kéo sự quan tâm của quần chúng. Tổ chức này trả thù lao cho các nhà thiện nguyện đi đến các nhà tù để hướng dẫn các khóa thiền.
 
John Gannon, giám đốc điều hành của Hiệp hội quốc tế về Tâm lý học Cải huấn và Pháp y nói rằng ông ủng hộ các nỗ lực của bang Alabama.
 
Gannon của Pismo Beach bang Californianói, “ Bất cứ điều gì giúp giảm sự bốc đồng  đều có thể làm giảm khả năng tái phạm … và đó   – theo tôi hiểu – chính là mục đích của tiến trình thiền tập.”
 
Jenny Phillips, một chuyên gia trị liệu bằng liệu pháp tâm lý của bang Massachusettes, người đã giới thiệu thiền Vipassana với Cavanaugh nói rằng số tù nhân Baptists (theo giáo phái chỉ rửa tội cho người lớn) vượt trội so với số theo đạo Phật tại Alabama, và các quan chức phụ trách công tác cải huấn tại tiểu bang này đáng được ghi nhận công lao vì sự sốt sắng của họ trong việc thử thực hiện chương trình
 
Phillips viết một cuốn sách và sản xuất một cuốn phim tài liệu về chương trình thiền tập tại Donaldson có tên là “Pháp hữu”. Trong tên của cuốn phim có đưa vào một từ tiếng Ấn Độ (Dhamma) dựa vào khái niệm của Vipassana có nghĩa là đạt được hạnh phúc qua việc làm điều tốt đẹp cho người khác.
 
Bankead, tù nhân  làm trưởng nhóm của chương trình thiền tập nói, “Bạn có thể cảm nhận được năng lượng của một pháp hữu khác đi ngang qua bạn. Bạn cứ thoải mái. Một người đang làm dịu sự căng thẳng của năm hoặc sáu người”
 
Trong khi những người giám sát nói rằng Vipassana giúp các quan chức và các nhà quản lý quản lý tốt Donalson thì trại cải huấn này vẫn bị xem như là trại tù khắc nghiệt nhất của bang. Đây là trạm dừng cuối cùng cho những tù nhân có vấn đề về hành vi, và hơn 1/3 trong số họ tương đương khoảng 1.500 người hoặc đang bị tù chung thân không được cứu xét đặc ân tại ngoại hoặc đang chịu án tử hình.

 

Một vị quan tòa hiện này đang xem xét trường hợp một tù nhân kiện Donalson về việc nhà tù quá đông và bạo lực và vì vậy nó vi phạm quyền hiến định của các tù nhân. Các quan chức của tiểu bang không phủ nhận  việc Donalson có vấn đề, nhưng họ phản bác việc cho rằng trại cải tạo khắc nghiệt là trái với hiến pháp.
 
Một tổ chức của các quan chức cải huấn đã thựchiện một bước bất thường là ủng hộ với các tù nhân bằng cách đồng ý với các khiếu kiện của họ đối với Donalson, nhưng ngày xử thì chưa ấn định.
 
Việt dịch: Supanna
Nguồn: AP Association Press

Các tin đã đăng: