Ý nghĩa ngày rằm tháng 6 trong PG Nam Tông
Tỳ kheo Định phúc
26/07/2013 16:09 (GMT+7)


Tuy nhiên, với Tăng Tín đồ Phật Giáo Nam truyền, ngày Rằm tháng Sáu có rất nhiều ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời lịch sử và hoằng pháp của Đức Phật. Ngày Rằm tháng Sáu còn được gọi là ngày Āsaḷhapūjā.

Pūjā nghĩa là tôn kính, quý kính, còn có nghĩa là sự dâng cúng, cúng dường. Ở đây, Pūjā còn có nghĩa là ngày lễ lớn. Āsaḷha là tên một tháng trong lịch của Ấn Độ. So với âm lịch Việt Nam, Āsaḷha tương ứng với tháng Sáu.

Āsaḷhapūjā là ngày lễ Rằm tháng Sáu, ngày kỷ niệm trọng đại một lúc bốn sự kiện lịch sử:

1/ Bồ tát giáng trần
2/ Bồ tát xuất gia
3/ Ðức Phật chuyển Pháp Luân
4/ Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo
5/ Và sau ngày này, chư Tăng phật giáo Nam truyền bắt đầu mùa An cư Kiết hạ.


 
Mơ màng ứng hiện mộng lành
Uy nghiêm bạch tượng hóa thành thánh thai

1. Bồ tát giáng trần.

Theo Buddhavaṃsa (Phật sử), Bồ tát tu hạnh Trí tuệ phải thực hành pháp độ khoảng 20 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Tiền kiếp của Phật Thích Ca là Ngài Vessantara thực hành pháp bố thí ba-la-mật bậc thượng (Dānaparamatthapāramī) thành tựu viên mãn. Sau đó hết tuổi thọ, Ngài tái sanh vào cõi Trời Tusita có tên là Santusita. Trong những ngày trai giới, Chư Thiên các nơi vân tập về đây để nghe đức Bồ tát Setaketu thuyết pháp. Thường thường Ngài giảng về bố thí, trì giới, tham thiền, tội ngũ trần, đề cao hạnh xuất gia, ba tướng của vũ trụ… giọng nói của Ngài thanh tao như trời Phạm thiên, y phục chỉnh tề, hào quang sáng chói. Sau thời giảng, Chư Thiên vô cùng hoan hỷ, chấp thọ lời dạy của Ngài và cáo biệt trở về cung điện của mình.

Riêng đức Bồ tát lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về chí nguyện độ đời của mình. Vì thế Ngài lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng giáng phàm để thành đạo. Thông lệ các vị Bồ tát mặc dù tu hạnh nào trước khi thành Phật cũng phải ngụ trên cõi Trời này để chờ thời gian thích hợp giáng phàm. Bồ tát Setasetu sống trên cõi Trời Ðâu suất khoảng thời gian rất lâu thì đến thời gian sắp hết tuổi thọ. Lúc đó, trời Ðế Thích và Chư Thiên đã đồng nhau cung thỉnh Ngài giáng phàm để sau này cứu độ chúng sinh. Ngài quán chiếu năm điều:

Thời kỳ (Kāla): Tuổi thọ chúng sanh thời này không quá 1000 tuổi mà cũng không kém 100 tuổi. Lý do là, nếu sống lâu thì con người đâm ra dãi đãi, bất chấp tội phước; còn như yểu số thì con người chỉ lo mưu cầu danh lợi, thỏa mãn vật chất, không đủ thời gian tu niệm. Do đó, Ngài xuất hiện ở thời kỳ này.

Quốc độ (Desa): Ngài chọn Trung Ấn Độ, ở đấy không quá giàu mà cũng không quá nghèo, sự bất công và sự phủ phàng lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống. Hơn nữa, có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn luôn là mối đe dọa con người, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.

Dòng dõi (Kula): Ngài chọn hoàng tộc Sakya. Vì trong 30 tục lệ của chư Phật, tất cả các vị Chánh đẳng giác kiếp cuối không được tái sanh trong dòng dõi thấp hèn, vì nếu tái sanh vào đó thì sẽ bất lợi cho việc hoằng pháp độ đời. Còn như giáng phàm trong giòng dõi cao quý thì việc hoằng pháp sẽ thuận lợi trong việc hoằng pháp.

Châu (Padīpa): Loài người đang sống và tồn tại ở bốn châu thiên hạ: Đông thắng thần châu (Pubbavideha), Tây ngưu hóa châu (Āparagoyāna), Bắc cưu lưu châu (Uttarakuru) và Nam thiệm bộ châu (Jambudīpa). Ngài chọn Nam thiệm bộ châu vì ở châu này loài người không văn minh kiêu kỳ mà cũng không quá lạc hậu đần độn. Nhờ vậy khi gặp Phật, họ dễ dàng lãnh hội giáo lý, tu hành mau đắc đạo.

Cha mẹ (Mātara): Đức Phật là thầy của tam giới nên Ngài phải chọn người có đại duyên, đại nguyện với Ngài trong vô lượng kiếp. Vua Suddhodana và chánh hậu Mahāmāyādevī, hai người này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều kiếp nên Ngài chọn hai vị này làm quyến thuộc.

Sau khi quan sát năm điều thích hợp trên, Ngài đồng ý giáng sanh xuống trần gian để sau này thành đạo tiếp độ chúng sinh. Hôm đó là ngày Rằm tháng Sáu, năm 624 trước tây lịch.


Xa nhau chẳng phải phụ nhau
Quyết tìm phương dứt khổ đau muôn loài

2/ Bồ tát xuất gia.

Một ngày vẻ vang kia, thái tử ra khỏi hoàng cung để nhìn xem thế gian bên ngoài và trực tiếp tiếp xúc với sự thật phũ phàng của đời sống. Trong phạm vi nhỏ hẹp của cung điện, Ngài chỉ thấy phần tươi đẹp, nhưng đám đông nhân loại thì biết bề đen tối, đáng ghê sợ của đời. Chính cặp mắt quan sát của thái tử đã nhận thấy một cụ già chân mỏi gối dùn, một người bệnh hoạn đau khổ, một thây ma hôi thúi và một đạo sĩ nghiêm trang khả kính. Ba cảnh già, bệnh và chết, hùng hồn xác nhận quan điểm của thái tử về đời sống đau khổ của nhân loại. Hình ảnh thong dong từ tốn của nhà tu sĩ thoáng cho Ngài hé thấy con đường giải thoát, con đường an vui hạnh phúc thật sự. bốn quang cảnh bất ngờ ấy càng thúc giục thái tử ghê tởm và sớm thoát ly thế tục.

Nhận định rõ ràng rằng những thú vui vật chất mà phần đông tranh nhau tìm kiếm đều không thể đem lại lợi ích, chỉ có sự xuất gia, sự từ bỏ tất cả mùi danh bã lợi của trần gian này mới thật là chân giá trị, Thái Tử Siddhattha nhất định rời bỏ cung điện đền đài để ra đi tìm chân lý, nơi không còn phải tái sanh, già đau, bệnh, chết như thế.

Giữa lúc ấy thì có tin đưa đến rằng Công Chúa Yasodharā, vợ Ngài, vừa hạ sanh hoàng nam. Đối với thế gian, đó là một tin lành. Nhưng, trái hẳn với mọi dự đoán, Ngài không quá đỗi vui mừng vì thấy đó là thêm trở ngại. Thế thường, khi sanh được người con đầu lòng, cha mẹ cảm nghe trong lòng chớm nở lần đầu tiên một tình thương mặn nồng sâu sắc, một tình thương mới mẻ đậm đà, vô cùng trong sạch. Nỗi vui mừng của người làm cha đầu tiên thật không sao tả được. Nhưng Thái Tử Siddhattha không phải là một người cha thường, Ngài than: "Lại thêm một trở ngại, lại thêm một dây trói buộc". Do đó, Đức Vua Suddhodana đặt tên cháu nội là Rāhula.

Ngài truyền lệnh cho Channa, người đánh xe yêu chuộng, thắng yên ngựa Kaṇṭhaka và thẳng đến điện của công chúa. Ngài khẽ hé cửa nhìn vợ và con đang yên giấc với một tấm lòng từ ái nhưng bình thản, không chao động, không trìu mến. Tình thương đối với vợ, con thật mặn nồng sâu sắc. Nhưng đối với nhân loại trầm luân đau khổ, lòng trắc ẩn của Ngài lại càng thâm thậm vô ngần. Ra đi, Ngài không lo sợ cho tương lai của công chúa và hoàng tử, vì biết chắc chắn rằng vợ và con sẽ có đầy đủ tiện nghi và đảm bảo để sống an toàn và sung sướng. Ra đi, không phải vì kém tình thương vợ, thương con, mà vì tình thương của Ngài mở rộng cho mọi người, bao trùm tất cả nhân loại và chúng sanh.

Thái Tử Siddhattha ra đi giữa đêm khuya, để lại sau lưng tất cả đền đài cung điện, người cha yêu quý, vợ đẹp, con thơ, và cả một tương lai huy hoàng rực rỡ. Ngài trốn ra khỏi thành và giục ngựa thẳng xông trong đêm tối. Cùng đi với Ngài chỉ có Channa. Không tiền của, không cửa nhà, nay đây mai đó, Ngài bắt đầu lần bước trên đường đi tìm chân lý. Thế là Ngài từ bỏ thế gian.

Đây không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hầu hết cuộc đời của mình, hay của người bần cùng nghèo đói không còn gì để bỏ lại phía sau, nhưng là sự khước từ của một hoàng tử vinh quang giữa thời niên thiếu, trong cảnh ấm no, sung túc và thịnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử. Lúc ấy thái tử Siddhattha được 29 tuổi, vào năm 234 trước tây lịch.


Đây đường trung đạo tám ngành
Đây là tứ đế lý chân nhiệm huyền

3/ Ðức Phật chuyển Pháp Luân.

Sau khi giác ngộ, vị trời Phạm thiên Sahampati cung thỉnh Thế tôn vì lòng từ bi thuyết pháp độ đời. Ngài quan sát thế gian và nhận lời thuyết pháp. Ðầu tiên Ngài nghĩ sẽ thuyết pháp cho ai, người được nghĩ đến là đạo sĩ Ālārakālāma và đạo sĩ Uddakarāmaputta, hai vị này là thầy dạy đạo cho Ngài khi còn là Bồ tát, nhưng Chư Thiên báo là hai vị này đã qua đời. Tiếp đến Ngài nghĩ đến năm người bạn Kiều Trần Như đồng tu khổ hạnh với Ngài và hiện giờ họ đang ở vườn Lộc Uyển Isipatana gần thành Bārāṇasī.

Từ Bồ đề đạo tràng sang vườn Lộc Uyển rất xa, khoảng 18 do tuần, chư Phật trong quá khứ chuyển bánh xe Pháp lần đầu thường đi bằng thần thông. Nhưng đức Phật Thích Ca quan sát thấy du sĩ Upaka có duyên với Ngài, nếu Ngài đi bằng thần thông thì du sĩ sẽ không có cơ hội gặp gỡ Ngài, mặc dù cuộc hạnh ngộ với đức Phật ngắn ngủi nhưng là một túc duyên cho Upaka sau này giác ngộ. Chính vì thế nên Ngài quyết định đi bộ. Ðường xá xa xôi, đường đi hiểm trở, tất cả cũng vì tình thương và sự giác ngộ của chúng sinh. Không màng những khó khăn cực nhọc trên một đoạn đường dài như vậy và cuối cùng Ngài đến vườn Lộc Uyển đúng vào ngày Rằm tháng Sáu, năm 228 trước tây lịch.

Ðây là bài pháp nồng cốt trong triết lý Phật Giáo, là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài giác ngộ, cũng còn gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân - Dhammacakkappavattanasutta.

Nội dung bài pháp đầu tiên, gồm có bốn vấn đề:

1. Khổ đế: trình bày tất cả những nỗi đau khổ trên trần gian
2. Tập đế: chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là Ái dục
3. Diệt đế: là trạng thái tịch tịnh, vắng lặng, Níp-bàn
4. Ðạo đế: là con đường Trung đạo có tám ngành.

Tóm lại, Ngài chỉ cho chúng sinh thấy niềm đau nỗi khổ trên cuộc đời và nguyên nhân đưa đến đau khổ. Ðồng thời Ngài giới thiệu sau khi hết khổ sẽ có hạnh phúc, an lạc, tự do và thoải mái và sau đó Ngài chỉ cho thấy những con đường phải đi để thành tựu được niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Kinh ghi lại trước khi Ngài bắt đầu thuyết pháp Tứ diệu đế, Ngài giảng hai điều mà các thầy cần phải tránh xa, đó là khổ hạnh và lợi dưỡng. Khổ hạnh ép xác thái quá và sống lợi dưỡng thái quá cũng không đưa đến giải thoát. Mà tránh xa hai con đường này đó là con đường Trung đạo – Majjhimapaṭipadā. Kết quả sau thời giảng là năm vị Koṇḍañña mở pháp nhãn, giác ngộ đạo quả Tu đà hườn, trở thành 5 vị Thánh Tăng đầu tiên trong Phật giáo

Dù là pháp thuật thần thông
Phô trương sở đắc, sa môn không làm

4/ Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo.

Trong 30 tục lệ của chư Phật, dùng thần thông để nhiếp phục ngoại đạo là một trong ba mươi tục lệ đó. Ðã là tục lệ thì vị Phật tổ nào cũng phải thực thi đúng như vậy. Tục lệ có nghĩa là luật lệ, quy định, điều lệ đã định sẵn để dành cho những vị Phật tổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai thi hành đúng niêm luật. Cho nên câu chuyện Đức Phật nhiếp phục ngoại đạo bằng thần thông là một chuyện bình thường vì đây chỉ là một việc làm kế thừa truyền thống của chư Phật.

Từ khi thành đạo dưới cội Bồ đề và Ngài thuyết pháp giảng đạo, có rất nhiều người hữu duyên tìm đến với Ngài. Pháp của Ngài giảng hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, chúng sinh nào có duyên chắc chắn giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Do đó nhiều đệ tử của Ngài xuất gia, đắc đạo mặc dù họ đã có nhiều năm tu hành theo sáu vị lãnh đạo của lục đại môn phái nổi tiếng khắp nơi tại xứ Ấn Độ bấy giờ. Các vị lãnh đạo đó nhìn thấy đệ tử của mình mỗi ngày mỗi ít, đa số đã từ giã mình đi theo thọ giới với Sa môn Cồ Ðàm. Không nói được, nhưng càng nhìn đệ tử từ giã ra đi lại càng thêm căm phẫn. Thế nên hình ảnh đức Phật và đệ tử của Ngài là một sự căm thù đối với nhóm lục sư ngoại đạo trên. Mọi sinh hoạt của Ngài đều bị họ theo dõi để tìm khuyết điểm xuyên tạc, nhục mạ, hạ uy tín… nhưng tất cả đều như gió thoảng mây bay.

Sở dĩ có chuyện Phật dùng thần thông chiến thắng ngoại đạo là vì Tôn giả Pindolabhāradvāja vâng lời Ngài Mahāmoggallāna đi thâu bát trầm trên hư không của một vị trưởng giả.

Có một ông trưởng giả tìm được một khối trầm, cho tạc thành một bình bát và ông ta treo giải thưởng nếu ai lấy được bát ông sẽ trọng thưởng và cả gia đình theo nương nhờ làm học trò. Nhóm lục sư ngoại đạo nghe vậy cho người môi giới đến xin nhưng ông từ chối. Họ nói với ông trưởng giả chẳng lẽ vì một cái bát mà phải dùng thần thông thì không xứng đáng. Họ tìm nhiều mưu mô để đoạt được bát trầm nhưng không được. Ông trưởng giả nghĩ rằng trong nước mình đang ở có nhiều tôn giáo họ tự xưng là A-la-hán cho nên ông treo giải thưởng như vậy người nào lấy được mới quả là A-la-hán. Nhưng bảy ngày trôi qua nhóm lục sư ngoại đạo không người nào thi hành theo tâm nguyện của ông trưởng giả.

Thế là một buổi sáng tinh sương, Ngài Mahāmoggallāna và Ngài Pindolabhāradvāja vào thành khất thực nghe dân chúng đồn xôn xao về bình bát trầm của ông trưởng giả, nên Mahāmoggallāna bảo Tôn giả Pindolabhāradvāja hãy đi thâu bát. Ông trưởng giả và dân chúng nhìn thấy tận mắt Tôn giả Pindolabhāradvāja lấy bát, ông trong sạch và hoan hỷ cúng dường tứ sự. Từ chuyện lấy bát của Tôn giả Pindolabhāradvāja, dân chúng kính trọng và sùng ái đệ tử của đức phật, nên họ rủ nhau đến chùa đông đảo để tìm. Ðức Phật hay biết chuyện này nên Ngài kêu Tôn giả Pindo vào và cấm từ nay về sau, Tôn giả và chư Tăng không được tự tiện dùng thần thông trước quần chúng.

Khi đức Phật cấm chế điều luật đó, nhóm lục sư ngoại đạo hay biết được và cho người đi tuyên truyền rằng: đệ tử của Sa môn Gotama còn vì danh lợi nên mới đi lấy bát còn chúng tôi là A-la-hán không vì danh lợi nên không lấy bát theo lời yêu cầu của trưởng giả. Sa môn Cồ Ðàm còn đập bát và cấm chế điều luật, không cho đệ tử sử dụng thần thông. Do đó họ quyết định thi thố thần thông với ông Sa môn Cồ Ðàm.

Vua Ajātasattu hay tin ngoại đạo nói như vậy, vội vã vào yết kiến Thế tôn và bạch rõ vấn đề những vị lãnh đạo tôn giáo đó muốn thách thức so tài thần lực với Thế tôn. Ðức Thế tôn trầm lặng trong giây lát, Ngài nói với nhà vua rằng Như Lai đồng ý so tài thần thông với họ. Vua nói:

– Bạch Thế tôn, còn việc Ngài cấm sử dụng thần thông thì sao?
– Tâu Ðại vương, Như Lai cấm đệ tử chứ Như Lai đâu có cấm Như Lai đâu!

Thế là đức Phật báo rõ địa điểm và thời gian để so tài thần thông với nhóm Lục sư ngoại đạo. Ngày đó là Rằm tháng Sáu tại Sāvatthī.

Khi ngoại đạo hay tin đức Phật đồng ý so tài thần thông với họ, nên họ rất sợ và hoang mang. Vì họ nghĩ rằng, Ngài cấm chế không cho đệ tử sử dụng thần thông thì chắc Ngài cũng không được phép sử dụng, ai ngờ bây giờ ông ta đồng ý đấu thần thông với chúng ta thì chúng ta tính sao đây? Nhưng dù sao thì đã lỡ công bố rồi! Nhóm Lục sư ngoại đạo cùng nhau kéo về Sàvatthì và họ kêu gọi tín đồ hùn tiền để xây tháp đài để so tài thần lực với Sa môn Gotama, nên họ thu được một số tiền rất lớn. Vua Pasenadi hay biết tín đồ của nhóm lục sư ngoại lo lắng cho thầy như vậy Ngài cũng nao nao trong lòng. Hôm sau vua vào lễ Phật và xin Phật cho Ðại vương xây một tháp đài giống như ngoại đạo để Thế tôn so tài với họ. Ðức Phật khước từ và Ngài bảo sẽ hiện thần thông dưới gốc cây xoài.

Ngoại đạo biết được cuộc nói chuyện giữa đức Phật và vua Pasenadi, nên họ cho đệ tử chặt hết những cây xoài trong thành Sāvatthī. Ðã đến ngày giờ so tài với ngoại đạo, Phật ngự vào thành nhưng chưa đến thành thì có một người giữ vườn Thượng Uyển thấy xoài chín hái dâng cho Phật. Phật hoan hỷ thọ lãnh và tìm một chỗ thích hợp ngồi thọ xoài, còn hạt xoài Ngài bảo người giữ vườn đào lỗ trồng và chính tay Ngài tưới nước. Chẳng bao lâu hạt xoài mọc lên một cây xoài xanh tươi nhiều hoa lá và có nhiều trái thơm ngon.

Dân chúng đến tham dự cuộc so tài của đức Phật và ngoại đạo, họ thấy xoài có nhiều trái chín nên họ hái cùng nhau ăn. Họ ăn xoài thấy hương vị ngon lạ lùng, càng ngon họ càng nguyền rủa bọn ngoại đạo vô cớ chặt hết những cây xoài trong thành Sāvatthī, nên họ thấy bọn ngoại đạo ở đâu họ dùng hạt xoài ném vào bọn ngoại đạo.

Sắp đến giờ so tài, bọn ngoại đạo khủng hoảng tinh thần trước quần chúng. Liền sau đó đức Phật hóa một con đường bằng ngọc báu, rồi Ngài đi thiền hành trên con đường đó.Tiếp theo, Ngài hóa thân, từ một thân thành nhiều thân, lúc đó quần chúng thấy nhiều Phật, Phật ngồi, nằm hoặc hai vị thuyết pháp với nhau… Cuối cùng, Ngài thị hiện song thông (yamakapāṭihāriya), với năng lực này chỉ có đức Chánh đẳng Chánh giác mới có thể thực hiện được.

Thần thông này cùng một lúc hiện ra hai điều kỳ diệu: từ thân vừa phún tia nước, vừa phún tia lửa; từ thân phát hào quang xanh và đỏ… Trước uy lực của một vị Phật như vậy, bọn ngoại đạo kiếp sợ và rút lui chạy tán loạn chỉ còn lại dân chúng đang hướng về đức Phật thành kính lễ bái. Ðồng thời Ngài thuyết một bài pháp đúng vào tâm lý của từng chúng sinh, nên hôm đó Chư thiên và nhân loại đắc đạo chứng quả nhiều vô số kể.


Trong giây lát, đức Phật chiêm nghiệm bằng tuệ giải thoát, Ngài thấy chư Phật trong quá khứ sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo là ngự lên cõi Trời Tāvatiṃsā thuyết pháp độ Phật mẫu bằng tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Hôm ấy đúng vào ngày Rằm tháng Sáu.
 
5/ Chư Tăng phật giáo Nam truyền bắt đầu mùa An cư Kiết hạ.

Một ngày sau lễ Rằm tháng Sáu, chư Tăng trong truyền thống Phật giáo Nam truyền bắt đầu mùa An cư Kiết hạ. Trong chương “Vào Mùa Mưa”, Đại Phẩm, Tạng Luật, có ghi:

Đức Thế Tôn ngự tại thành Vương-xá, Trúc Lâm. Lúc bấy giờ, việc an cư mùa mưa chưa được đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-kheo. Các vị Tỳ-kheo đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng và cả trong mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các Sa-môn Thích Tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Ngay cả các du sĩ ngoại đạo, dù có giáo lý được thuyết tồi tệ, vẫn sống cố định một chỗ trong mùa mưa, ngay cả những con chim sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa-môn Thích Tử thì lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị ấy đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt chúng sanh nhỏ nhoi.

Các Tỳ-kheo nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Vì thế, các vị đã đem sự việc ấy trình lên đức Thế Tôn. Đức Phật nhân sự việc này mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

- Này các Tỳ-kheo, ta cho phép an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm vào mùa an cư: thời điểm trước và thời điểm sau.

Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Āsaḷha, thời điểm sau là vào ngày sau trăng tròn tháng sau. Tính theo âm lịch của Việt Nam nếu không có tháng nhuần thì thời điểm trước là ngày 16 tháng 6, thời điểm sau là ngày 16 tháng 7. Ngài dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo, trong mùa an cư ba tháng thì không nên ra đi du hành. Vị nào ra đi thì phạm tội tác ác (dukkata).

Tuy nhiên, nếu có chuyện cần kíp và được thỉnh mời, vị Tỳ-kheo được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá bảy ngày. Đức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, ta cho phép đi khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày; và không nên đi, nếu không được thỉnh mời.

Mùa an cư bắt đầu từ ngày rằm tháng Āsaḷha (rằm tháng Sáu). Tuy nhiên, đức Phật cũng cho phép bất kỳ một Tỳ-kheo nào khởi sự chậm hơn một tháng, vào ngày rằm tháng Bảy - gọi là “hậu An cư”. Việc đình chỉ du hành chấm dứt vào ngày rằm tháng Chín (Āssina). Nếu vị nào khởi sự chậm hơn một tháng, thì chấm dứt vào tháng Mười (Kattikā). Chư Tăng tổ chức lễ sám hối Bố-tát (Uposatha) đặc biệt, gọi là lễ Tự tứ (Pavāraṇā), đánh dấu kết thúc mùa an cư. Sau đó, các Tỳ-kheo công bố hoàn tất các phận sự trong Giới luật, rời nơi an cư và bắt đầu du hành truyền đạo.

Như vậy, chúng ta thấy rằng: nếu như mình bỏ quên ý nghĩa của ngày rằm tháng sáu là mình đã bỏ quên một phần quan trọng trong lịch sử hoằng pháp của đức thế tôn.

Ngài giáng sanh vào lòng mẹ vào ngày Rằm tháng Sáu như là mở đầu cho kiếp sống cuối cùng của Ngài, vì sau kiếp sống này, Ngài sẽ không còn tái sanh luân hồi lại nữa. Sự ra đi vĩ đại của bậc vĩ nhân từ bỏ nhung gấm, ngai vàng để mở đầu cho cuộc sống tu sĩ vô gia cư, xuất ly thế gian pháp. Bài pháp đầu tiên được ngài thuyết giảng để mở đầu cho công cuộc hoằng pháp độ sanh, đem đến nguồn nước bất tử cho những chúng sanh hữu duyên với Chánh Pháp. Rồi sau khi dùng song thong nhiếp phục được ngoại đạo, Ngài bắt đầu mùa an cư thứ 7 của mình tại cung trời Đạo Lợi để thuyết pháp A-tỳ-đàm tiếp độ mẫu thân của Ngài như là món quà báo đáp ân hiếu nghĩa. Đối với chư Tăng, sau ngày Rằm tháng Sáu cũng là ngày bắt đầu ba tháng an cư mùa mưa theo Luật định. Có lẽ quá nhiều cái bắt đầu từ ý nghĩa của ngày Rằm tháng Sáu, vậy thì chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu tu tập ngay từ bây giờ. Đừng chần chừ mà hãy bắt đầu đi nhé!

Kính chúc chư Tăng, Tu nữ và quý Phật tử một mùa an cư nhiều sức khỏe, thật an lạc và tràn đầy hạnh phúc trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn.

Source: PTVN

Các tin đã đăng: