Pháp môn niệm Phật, câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” họăc ngắn gọn hơn “A Di Đà Phật”
đã hiện hữu với dân tộc Việt Nam hơn ngàn năm nay. Lúc tôi lên tám tuổi
(1950), sống ở Hải Phòng, bà nội thường kể cho nghe Hội Chảy Chùa Hương
lúc bà nội còn trẻ (thập niên 1920&1930). Lúc này đường đi còn khó
khăn, đường lên Chùa núi dốc quanh
co. Thế nhưng các cụ cứ chống gậy trúc mà miệng thì niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Theo
lời bà kể lại thì chẳng mấy chốc mà leo tới nơi, chẳng mệt nhọc gì cả.
Đòan người lên núi gặp đoàn người xuống núi, đòan người đi ra gặp đòan
người đi vào. Khi gặp nhau ai nấy đều cất tiếng chào “A Di Đà Phật! ”.
Câu niệm, câu chào âm vang cả một vùng núi non hùng vĩ, biến cuộc hành
hương thành một hành trình vừa linh thiêng vừa nên thơ có lẽ độc đáo
nhất trên thế giới. Hình ảnh này đã được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi
lại trong bài thơ Chùa Hương:
Mẹ bảo “ Đường còn lâu,
Cứ đi ta vừa cầu.
Quan Thế Âm Bồ Tát.
Là tha hồ đi mau.”
Trong đoàn người đi như nước chảy đó, giữa khói hương trầm nghi ngút, “Hương như là sao lạc”
cô gái15 tuổi – nhân vật chính của bài thơ Chùa Hương, theo cha mẹ đi chảy hội, vì còn e thẹn cho nên:
Thẹn thùng em không nói.
Nam Mô A Di Đà.
Lúc còn nhỏ thì không để ý. Nay lúc tuổi già, hồi tưởng lại tâm linh dân tộc, suy nghĩ lại câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “A Di Đà Phật”
của dân mình mới thấy nó có một ý nghĩa linh thiêng và đẹp tuyệt vời.
Nó không phải chỉ nằm trong phạm vi tôn giáo mà còn hòa nhập thành
truyền thống văn hóa dân tộc. Nó trở thành phong cách sống hài hòa giữa
đạo và đời. Khi đi chùa gặp nhau, hoặc trong các lễ hội Phật, chúng ta
cất tiếng “A Di Đà Phật !” thì tiếng “A Di Đà Phật” trở thành một câu chào hỏi, một lời thân thiện, một lời mừng rỡ rằng ta còn có nhau, một lời chúc tụng, một sự kính trọng, một ước vọng sau này (khi vãng sinh) sẽ lại gặp nhau trên Quốc Độ Thanh Tịnh của Phật A Di Đà.
Đó
là hình ảnh đẹp ngòai đời. Còn trong gia đình, mỗi tối chúng ta thấy bà
nội, bà ngọai, mẹ ta ngồi lâm lâm lần chuỗi hạt niệm Phật. Các cụ niệm
Phật để làm gì vậy? Đối với chư tăng ni, hoặc Phật tử tu tại gia chắc
chắn ai cũng đã hiểu rõ mục đích của niệm Phật. Thế nhưng đối với thế hệ
trẻ, người khác đạo có thể họ không hiểu ông/bà/cha mẹ hoặc chúng ta
niệm Phật để làm gì? Hoặc giả nếu có hiểu thì cũng có thể hiểu sai cho
nên chúng ta cần nói ra cho rõ. Chúng ta cần phân biệt đi chùa lễ Phật và niệm Phật
là hai chuyện hòan toàn khác nhau. Đi lễ chùa có khi chỉ là hành vi
hòan tòan tín ngưỡng, nhưng niệm Phật lại là hành vi huân tập, tu dưỡng
bản thân. Ngòai ra chúng ta cần phải làm sáng tỏ cái Có và Không Có
trong niệm Phật để cho thấy Đạo Phật không phải là Thần Giáo, chuyên cầu
nguyện van vái để xin xỏ cái này cái kia, rồi trở thành tôi tớ cho Thần
Linh.
Những Cái Không Có Trong Niệm Phật:
1) Niệm Phật không phải để cầu xin Phật ban cho một điều ước nào đó.
2) Niệm
Phật không phải để tăng thêm sức mạnh, thêm can đảm để đối phó với kẻ
thù. Cho nên trong Phật Giáo trải qua hơn 2500 năm, không hề có chuyện
một đòan quân lâm trận dương cao biểu tượng hay hình Đức Phật để hăng máu, can đảm xông lên chém giết kẻ thù.
3) Niệm Phật không phải là để van xin Phật ban cho môt giải pháp để giải quyết một tình thế khó khăn.
4) Niệm Phật không phải để xin Phật ban bố phép mầu, vặn cổ kẻ thù giúp chúng ta.
5) Niệm Phật không phải là quỵ lụy khóc than, trở nên hèn kém đối với Phật.
6) Niệm Phật không phải xin Phật chỉ lối, đưa đường cho chúng ta buôn may, bán đắt.
7) Niệm Phật không phải để dông dài kể lể, tâm sự chuyện kín, chuyện riêng tư với Phật.
8) Niệm Phật không giống như cầu nguyện, van vái Thần Linh.
9) Niệm Phật không phải để trở nên đời đời kiếp kiếp làm tôi đòi cho Phật.
10) Niệm Phật nhất thiết không phải để quên đời.
Những Cái Có Trong Niệm Phật:
1) Niệm Phật để tâm hồn thanh thản.
2) Niệm
Phật để an trụ tâm. Đang nóng nảy, niệm Phật lòng dịu hẳn xuống. Đang
tức giận niệm Phật, lửa Sân từ từ hạ. Đang điên cuồng, niệm Phật tự
nhiên bớt điên cuồng. Đang thù hận, niệm Phật hận thù hóa giải. Tham
lam, niệm Phật bớt tham. Kẻ hung hăng, niệm Phật bớt hung hăng.
3) Niệm Phật để không cho niệm Ác nảy sinh. Nếu niệm Ác đã nảy sinh thì không cho nó phát triển. Do đó Chư Tổ nói rằng “Niệm Phật quên niệm Ma”. Khi niệm Phật thì tà ma, quỷ thần sẽ lánh xa.
4) Niệm Phật để giữ gìn Thân-Khẩu-Ý.
5) Niệm Phật là phương thuật giữ gìn Chánh Niệm.
6) Niệm Phật tới vô niệm chính là Thiền. Lúc đó sẽ không còn Chỗ Niệm (năng) và Người Niệm (sở), hành giả hiển lộ Phật tánh có sẵn trong con người mình và đi vào trạng thái Định.
7) Niệm Phật để nuôi dưỡng lòng Từ Bi.
8) Niệm Phật riết rồi trở thành Phật chứ không phải trở thành nô lệ hay tôi tớ cho Phật.
9) Niệm
Phật cũng là phép điều hòa hơi thở cho nhẹ nhàng. Đi, đứng, nằm ngồi
đều có thể niệm Phật. Cho nên niệm Phật cũng là phép trị liệu, bảo vệ
sức khỏe.
10) Niệm Phật để giải trừ bớt Ác Nghiệp gây tạo trong quá khứ.
11) Niệm
Phật để lúc lâm chung chẳng còn lo sợ. Chẳng cần phải nhờ ai cứu rỗi.
Một mình thẳng tiến lên Thế Giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.
12) Càng niệm Phật đấu óc càng trong trắng, lòng dạ thảo ngay, tâm tính hiền từ.
13) Kẻ
ác khẩu, nói năng hung dữ chuyên niệm Phật sẽ giải trừ được khẩu
nghiệp. Niệm Phật khiến ta không vấp ngã trong lời nói. Một lời nói lầm
lỡ có thể tiêu tan sự nghiệp.
14) Niệm Phật khiến lời nói dịu dàng, khiếm tốn do đó không gây thù chuốc oán, không bị “vạ miệng”.
15) Mặt mày hung dữ, niệm Phật trở nên hiền từ, dễ coi. Niệm Phật để chuyển nghiệp.
16) Niệm Phật khiến đi đứng dịu dàng, cử chỉ khoan thai.
17) Niệm Phật có thể ngăn chặn được cám dỗ điên cuồng.
18) Chán
nản, thất vọng não nề, cùng đường không lối thoát muốn tự tử chết cho
rồi, niệm Phật khiến tâm địa bình ổn từ đó mà tìm ra giải đáp hợp lý.
19) Lâm
vào vòng lao lý, tù tội mỗi tối nên ngồi ở tư thế “bán già”, xoay mặt
vào tường niệm Phật khoảng nửa tiếng đồng hồ, sẽ thấy tâm hồn thanh
thản, thời gian ở tù qua nhanh, không phạm thêm tội lỗi, may mắn ân xá,
giảm án sẽ tới. Nhờ niệm Phật mà sau khi ở tù ra lấy lại tự tin để xây
dựng cuộc đời mới. Đây không phải là chuyện bịa đặt vì người viết bài
này đã từng ở tù 9 năm. Những năm cuối cùng, tuyệt vọng, chán nản muốn
tự tử chết, sau trở sang nghiên cứu Phật pháp, chuyên chú niệm Phật, kể
cả tụng kinh và giờ đây dù bao gian khổ vẫn sống khơi khơi và sống đẹp.
20) Trong
một đám đông hỗn lọan, đâm chém, phẫn nộ, cuồng điên, niệm Phật khiến
ta bình tĩnh, không hăng máu lao vào chuyện thị phi, hoặc a tòng theo
phe này phe kia, bênh-chống, khiến sau này hối không kịp. Tâm bình thế
giới bình là như thế. Xin nhớ cho bình an là chân hạnh phúc.
21) Niệm
Phật có thể trở thành Thánh Tăng. Cứ thử nhìn vào hình của Bồ Tát Thích
Quảng Đức mà xem. Lúc nào trên tay ngài cũng có chuỗi hạt. Điều đó
chứng tỏ ngài theo pháp môn Tịnh Độ tức tụng kinh, niệm Phật. Ai đã có
lần gặp ngài phải ngạc nhiên, trong lúc ngồi hay đi, đứng, cả thân hình
và khuôn mặt ngài ôn tĩnh như một pho tượng. Điều đó chứng tỏ ngài luôn
luôn nhập Chánh Định, tức xác thân ngài ở đây nhưng thần thức ngài đã ở
Quốc Độ tức ở Cõi Phật rồi. Chính
vì thế mà vào năm 1963 để phản đối Ngô Triều đàn áp tôn giáo, ngài ngồi
kiết già tại ngã tư Phan Đình Phùng –Lê Văn Duyệt, bật ngọn lửa để
thiêu đốt thân hình, cả thân thể ngập trong biển lửa mà không hề lay
động. Thế gới Phương Tây đã kinh hãi và kính phục gọi ngài là Bậc Đại Định. Đó là công năng của phép niệm Phật chứ ngài chẳng có phép mầu nhiệm của thần linh nào hết.
Tại sao niệm Phật lại có uy lực ghê gớm như vậy?
Niệm
Phật phát xuất từ pháp môn Tịnh Độ mà pháp môn Tịnh Độ phát xuất từ bộ
Kinh A Di Đà. Phật nói kinh này tại Thành Xá Vệ do tấm lòng thành của tỉ
phú Cấp Cô Độc, dám trải vàng để mua vườn ngự uyển của Thái Tử Kỳ Đà
làm đạo tràng cho Phật thuyết pháp. Trong pháp hội này Phật nói rằng
Kinh A Di Đà còn có tên Nhất Thiết Chư Phật Hộ Niệm. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy ngài Xá Lợi Phất:
“ Này Xá Lợi Phất, ý ông thế nào? Sao
gọi kinh này là Nhất Thiết Chư Phật Hộ Niệm? Xá Lợi Phất, nếu có thiện
nam hay thiện nữ, nghe kinh này rồi mà chịu nhớ lấy, cả những danh hiệu,
chư Phật sáu phương nghe rồi nhớ lấy, thì thiện nam ấy, thiện nữ ấy đều
được hết thảy chư Phật hộ niệm và được tới cõi A Nậu Da La Tam Miệu Tam
Bồ Đề chẳng hề thối chuyển.“ Lại nữa, “ Xá Lợi Phất ơi, Phật kia
sáng láng vô cùng, vô lượng, soi khắp các nước suốt cả mười phương,
không đâu chướng ngại, vì thế nên gọi A Di Đà.” (1)
Chính vì thế mà khi chúng ta cất tiếng niệm “ Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “A Di Đà Phật”
thì chư Phật sáu phương cùng hoan hỉ và hết lòng trợ lực. Hơn thế nữa,
vì hào quang của A Di Đà Phật chiếu xuyên suốt không chướng ngại cho
nên, dù ở đâu, khi chúng ta niệm danh hiệu ngài thì Phật A Di Đà cũng sẽ
hộ trì cho chúng ta đạt mục đích và không thóai chuyển.
Còn
trong pháp hội ở Núi Kỳ Xà Quật, ông trưởng giả Diệu Nguyệt cũng là
Phật tử tại gia (Ưu Bà Di) của Phật, từ trong đại chúng đứng lên khẩn
thiết thưa thỉnh Phật như sau:
“Như
Đức Thế Tôn từng chỉ dạy, đời mạt pháp các chúng sanh trong cõi Diêm
Phù Đề cang cường, ngỗ nghịch, tâm tạp, nghiệp nặng, mê đắm ngũ dục,
không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết cung kính sư trưởng, không thực
lòng qui y Tam Bảo, thiếu năng lực thọ trì năm giới cấm, làm đủ mọi
chuyện tệ ác, phỉ báng thánh nhân v.v.. Cho nên con suy gẫm như thế này,
phải có một môn tu thật đơn giản, thật tiện lợi nhất, dễ dàng nhất để
tất cả những chúng sanh kia khỏi đọa vào các đường ác, chấm dứt luân
chuyển sanh tử trong ba cõi, được thọ dụng pháp lạc (pháp vui), sớm bước
lên
địa vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Sau lời thưa thỉnh tiếp theo của Quốc Mẫu – Hoàng Thái Hậu Vi Đề Hi, Đức Phật đã dạy như sau:
“Muốn
hàng phục và chuyển biến cái sát-na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp
nào hơn là pháp niệm Phật. Này Diệu Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện nam tử,
thiện nữ nhân nào, đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật,
suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện
tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cưc Lạc.” Và Đức Phật nhấn mạnh thêm “ Đây là môn tu Đại Oai Lực, Đại Phứơc Đức.” (2) Ngay các bậc thượng thủ như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền cũng
đều niệm Phật. Còn thiền sư Bách Trượng (720-814) cũng phải nhận định rằng “Tu hành, dùng pháp môn niệm Phật là vững vàng nhất.” (3)
Những
oai lực và phước đức của phép niệm Phật nói ở trên thuộc về mặt kinh
điển và tín niệm. Còn về phương diện lý giải khoa học. Khi chúng ta chí
tâm, chí thành, chí thánh niệm Phật thì chúng ta sẽ phát huy hết năng
lực của trí tuệ, tâm đại bi, sự dũng mãnh của chính chúng ta
(Bi-Trí-Dũng). Đạt tới trạng thái này rồi thì ung dung tự tại, không còn
lo sợ gì nữa (Vô hữu khủng bố) giống như sự “hành thâm”
thực chứng Bát Nhã Ba-la-mật Đa Tâm Kinh của Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát. Đó
cũng là trạng thái Vô Ngại và Tự Tại của Chư Phật ẩn dụ chư Phật ngồi
tòa sư tử.
Do những kết quả tốt lành nói trên mà chúng ta:
- Buổi tối nên niệm Phật.
- Trước khi đi ngủ nên niệm Phật cho đến khi nào đầu óc thanh thản để từ từ đi vào giấc ngủ.
- Sáng
thức dậy nên niệm Phật, dù vài câu, bởi vì sau giấc ngủ dài đầu óc con
người thường hôn trầm. Niệm Phật vào đầu sớm mai cũng là dấu hiệu bắt
đầu một ngày mới tốt lành.
- Khi nào thấy buồn chán nên niệm Phật.
- Thấy mất tự tin nên niệm Phật.
- Thấy long xao xuyến nên niệm Phật.
- Thấy có thể bị cám dỗ nên niệm Phật.
- Thấy thời gian kéo dài, vô vị nên niệm Phật.
- Gặp rắc rối về pháp lý nên niệm Phật để bình tĩnh ứng phó.
- Bị ai chọc giận, công kích nên niệm Phật.
- Tại đám đông tụ họp, ăn nhậu, vui chơi, thấy người ta nói chuyện “vô duyên”, tào lao, nhảm nhí mất thì giờ, nên niệm Phật để không giây dưa vào chuyện vô ích
- Các
em khi vào thi, nên niệm Phật để đầu óc thanh thản, bình tĩnh. Thiếu
bình tĩnh, quá lo âu, xao xuyến đưa đến việc không đọc kỹ câu hỏi, đề
tài, tính tóan sai, lạc đề v.v..
- Đêm khuya thanh vắng một mình trên tàu, xe, trên sông nước nên niệm Phật.
- Khi
bệnh tật, đau ốm nằm nhà thương nên niệm Phật để không mất tinh thần,
không sợ chết. Càng rên la, càng mất tinh thần, càng chết sớm, càng làm
khổ gia đình.
- Nếu niệm Phật cùng lúc lại quán sổ tức (theo dõi hơi thở) thì công năng rất lớn chẳng khác gì thiền định vậy.
Kết Luận:
Niệm Phật miễn phí, không phải trả tiền ( free) mà cũng không bị đóng thuế, đem lại tốt lành cho đời tại sao chúng ta không thử xem? (why not?).
Xin quý vị, quý bạn mạnh dạn thực hành. Nếu thấy chẳng công hiệu gì cả
thì bỏ đi cũng chẳng mất mát gì. Đức Phật cũng chẳng phiền trách hay
trừng phạt bạn. Cuối cùng, xin thưa rằng như chúng ta đây- những con
người gọi là trần tục, sống, thở hít không khí, gia đình đầy đủ và hưởng
tất cả những lạc thú của kiếp người mà vẫn cảm thấy lo âu, xao xuyến,
bất an và lo sợ ngày mai. Trong khi đó, hằng vài trăm ngàn, có khi hằng
triệu tăng/ni trên khắp thế
giới, sống đời âm thầm, đơn sơ, đạm bạc, không gia đinh, không của cải,
không danh vọng, không quyền thế, không lạc thú trần gian như chúng
ta…thế mà các vị lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, cử chỉ dịu dàng, giới
hạnh trang nghiêm, miệt mài đi tới mục đích cuối cùng: Giải thóat cho chính mình và cứu độ chúng sinh. Tại sao những vị này có thể “hy sinh” và sống đời cao thượng đến như thế? Các
ngài có gì bí mật chăng? Xin thưa qúy ngài chẳng có lọai “vũ khí” bí
mật nào cả. Các ngài cũng chẳng có phép mầu hoặc sự che chở của bất cứ
thần linh mầu nhiệm nào cả. Hành trang duy nhất mà các ngài mang theo
là giáo lý của Đức Phật và phương tiện tiến tu là Thiền Định hoặc Tụng Kinh, Niệm Phật…điều mà tôi và quý bạn đã thấy rõ như ban ngày.
Không
còn bàn cãi gì nữa. Tụng kinh niệm Phật công năng ghê gớm và lợi lạc có
thể nhìn thấy. Còn như chuyện tu hành như thế nào, hành trì như thế
nào, giới luật như thế nào, phát nguyện lớn như thế nào mà có thể đắc
đạo, ngồi yên trong biển lửa, cắt xẻ thân thể mà không kêu than như Đức
Phật thường nói trong nhiều bộ kinh…thì hàng sơ cơ, thô thiển như tôi
hòan tòan không biết. Không biết mà nói bừa sẽ mang tội vọng ngữ. Để
nghiên cứu thấu đáo hơn về uy lực của Pháp Môn Niệm Phật, quý vị, quý
bạn có thể tham khảo: Cuốn sách nhỏ nhan đề Nam Mô A-Di-Đà Phật: Tông Chỉ Pháp Môn Tịnh Độ của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh biên sọan năm 1956. Cuốn Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiện Tâm biên sọan hết sức công phu và cuốn Kinh Niệm Phật Ba-la-mật cũng do Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch ra Việt Ngữ xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2001. Một Đời Vãng Sanh, Chấm Dứt Luân Hồi của HT. Tịnh Không xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2010. Kính chúc quý vị, quý
bạn thành công. Thành công ở đây có nghĩa là An Vui và Tự Tại - một giá trị tinh thần to lớn không gì đối sánh được trên thế gian này.
Đào Văn Bình
(Tháng 8 năm 2554.PL – 2010.TL)
(1) A Di Đà Kinh Yếu Giải của Hòa Thượng Tuệ Nhuận.
(2) Kinh Niệm Phật Ba-la-mật.
(3) Một Đời Vãng Sanh Chấm Dứt Luân Hồi