Phật giáo là gì?
Hòa thượng Narada
17/05/2010 03:07 (GMT+7)

Phật Giáo có phải là một Triết Học không?

Được tôn trí trọn vẹn trong Tam Tang Kinh, Giáo Pháp cao siêu đề cập đến những chân lý và những sự kiện mà mọi người đều có thể trắc nghiệm và kiểm chứng xuyên qua kinh nghiệm bản thân, Phật Giáo không hề liên quan đến những lý thuyết suông hay những không luận có thể được chấp nhận ngày hôm nay là chân lý thâm diệu mà qua ngày sau thì bị loại bỏ như một lầm lẫn. Đức Phật không truyền giạy một lý thuyết triết học cách mạng, cũng không có ý định sáng tạo một nền khoa học vật lý mới. Bằng những lời lẽ rõ ràng, không thể lầm lẫn, Đức Phật giải thích những gì ở bên trong và những gì ở bên ngoài ta, có liên quan đến sự giải thoát, vượt ra khỏi mọi hình thức khổ đau của đời sống và Ngài vạch ra Con Đường.

Đức Phật cũng không truyền dạy tất cả những điều mà Ngài biết. Ngày kia, trong cụm rừng nọ, Đức Phật bốc lên một nắm lá và dạy:

"Nầy các Tỳ Khưu, những điều mà Như Lai dạy các con có thể sánh với nắm lá này, còn những điều mà Như Lai không dạy cũng như tất cả lá trong rừng [1]."

Đức Phật chỉ dạy những điều mà Ngài xét là cần thiết để gội rửa, thanh lọc tâm, và không bao giờ bàn đến các vấn đề không liên quan đến nhiệm vụ cao cả của Ngài. Mặc dầu vậy, trên nhiều điểm, Ngài đã đi trước các học giả và các nhà khoa học hiện đại.

Heraclitus (500 năm trước D.L) tin rằng tất cả đều trôi chảy (pante rhei) và vũ trụ luôn luôn đang trở thành. Ông dạy rằng không có cái chi trường tồn, mọi vật đều đang trở thành cái gì khác. Chính ông đã thốt ra câu nói trứ danh: "Không thể bước hai lần lên cùng môt chỗ trên dòng suối". Pythagore (532 trước D.L) dạy thuyết chuyển sinh linh hồn. Descartes (1596-1650) chủ trương cần phải quan sát mọi hiện tượng trên nền tảng của sự hoài nghi hợp lý. Spinoza (1632-1677) vừa chấp nhận có thực thể trường tồn vừa lập luận rằng tất cả những hình thức tồn tại đều tạm bợ nhất thời. Theo triết gia nầy, muốn diệt trừ đau khổ phải tìm ra một nguồn kiến thức không đổi thay, không xê dịch, trước sau như một, trường tồn, vĩnh cửu. Berkeley (1685-1776) cho rằng cái được gọi nguyên tử chỉ là một giả định của siêu hình học. Hume (1711-1776) phân tách phần tâm linh của con người và kết luận rằng đó chỉ là những trạng thái tinh thần luôn luôn biến chuyển. Theo Hegel (1770-1831): "toàn thể hiện tượng là sự đang trở thành". Schopenhauer (1788-1860), trong quyển "Thế Gian Xem Như Ý Chí và Tư Tưởng" diễn tả chân lý về sự đau khổ và nguồn gốc của nó theo lối Tây Phương. Henri Bergson (1859-1941) chủ trương thuyết vô thường và nhấn mạnh giá trị của trực giác. William James (1842-1910) đề cập đến luồng tâm như một dòng nước và phủ nhận một linh hồn trường cửu.

Trên 2500 năm về trước Đức Phật đã dạy những chân lý Vô thường (anicca), Khổ (dukkha) và Vô ngã (anatta).

Giáo huấn mà Đức Phật truyền dạy, dầu có tánh cách luân lý hay triết lý, là để học hỏi, thực hành, và trên tất cả, là để chứng ngộ bằng trí tuệ trực giác: "Giáo Pháp như chiếc bè đưa ta qua đại dương của cuộc sống [2]".

Vậy, một cách chính xác, Phật Giáo không phải là một triết học vì Phật Giáo không phải chỉ là: "Sự yêu chuộng trí tuệ, lòng ham thích thúc đẩy đi tìm trí tuệ" (Webster's Dictionary). Phật Giáo cũng không phải là "một lối giải thích căn cứ trên lý thuyết, cái không bao giờ cũng được biết (như trong siêu hình học) hay cái được biết không rành mạch (như trong triết học, luân lý hay chính trị)" [3].

Nếu hiểu triết học là "nghiên cứu, học hỏi, không phải chỉ một vài sự kiện riêng biệt mà đặc tính căn bản của thế gian trong đó ta đang sống và cuộc sống đáng cho ta sống trong thế gian nầy" [4] thì Phật Giáo có thể gần với triết học, nhưng Phật Giáo hàm xúc hơn nhiều [5].

Triết học đại để quan tâm đến sự hiểu biết và không chú ý đến phần thực hành, trong khi đó Phật Giáo đặc biệt đặt trong tâm trên phần thực hành và chứng ngộ.

Phật Giáo có phải là một Tôn Giáo không?

Giáo sư Rhys Davids viết: "Religion (tôn giáo) là gì? Như người ta biết rõ, danh từ 'Religion' (tôn giáo) không có trong những sinh ngữ không liên quan đến tiếng Anh và căn nguyên của chữ nầy vẫn còn bất định. Trong một đoạn, Ciceron phân tách danh từ nầy làm hai phần, dẫn xuất từ' 're' và 'logo' và định nghĩa 'religion' (tôn giáo) là sự lập lại nhiều lần những câu kinh, câu chú. Một lối giải thích khác, dẫn suất từ 're' và 'logo' chủ trương rằng ý nghĩa đầu tiên là liên kết, trói buộc, là sự hàn gắn, dính liền (chắc chắn đó là sự nối liền với Thần Linh). Lối giải thích thứ ba, dẫn xuất từ 'lex', là sự ẩn náu trong luật pháp, là sự thận trọng đặt tâm linh vào khuôn khổ [6]".

Theo lối định nghĩa thông thường, một cách chính xác, Phật Giáo không phải là một tôn giáo (religion) bởi vì Phật Giáo không phải là "một hệ thống tín ngưỡng và tôn sùng lễ bái", trung thành với một thần linh siêu nhiên.

Phật Giáo không đòi hỏi nơi tín đồ một đức tin mù quáng. Do đó một niềm tin tưởng suông không thể có chỗ đứng. Thay vào đó là lòng tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết.

Trước khi đắc Quả Tu-Đà-Hườn (Dự Lưu), người Phật tử lắm lúc còn hoài nghi Đức Phật, hoặc Giáo Pháp hoặc Tăng đoàn -- gọi ching là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Đến khi thành đạt Đạo Quả cao thượng ấy rồi thì mọi hình thức hoài nghi hoàn toàn chấm dức và hành giả mới thật sự bước theo chân Đức Phật [7].

Niềm tin mà người Phật Tử đặt nơi Đức Phật cũng giống như niềm tin mà bệnh nhân đặt nơi một lương y trứ danh hay của trò đặt nơi thầy. Mặc dầu tìm nương tựa nơi Đức Phật và tôn trọng Ngài là vị hướng đạo vô thượng, là thầy dắt dẫn trên Con Đường Trong Sạch (Thanh Tịnh Đạo), người Phật Tử không quy phục mù quáng như kẻ nô lệ, không tin rằng chỉ quy y Tam Bảo hay chỉ có đức tin suông nơi Tam Bảo mà mình có thể trở nên trong sạch. Không ai, dầu là Đức Phật đi nữa, có đủ quyền lực để gội rửa bợn nhơ của người khác. Nói một cách chính xác, không ai có thể rửa sạch, cũng không ai có thể làm hoen ố người khác. Đức Phật là vị Tôn Sư có thể giúp đỡ bằng cách vạch ra con đường, nhưng chính ta phải lãnh lấy nhiệm vụ gội rửa thân tâm của chúng ta.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

"Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm.
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta.
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.
Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch". -- (Pháp Cú, 145)

Người Phật Tử không làm nô lệ cho một quyển sách hay một cá nhân, cũng không hy sinh tự do tư tưởng của mình khi bước theo dấu chân của Đức Phật. Người Phật Tử hoàn toàn tự do thực hiện ý chí, mở mang kiến thức và phát triển trí tuệ cho đến ngày chính mình đắc quả Giác Ngộ, bởi vì khả năng được giác ngộ   nằm bên trong tất cả mọi chúng sanh.

Lẽ dĩ nhiên, người Phật Tử nhắc lại Phật ngôn như những chân lý bất di dịch, nhưng chính Đức Phật dạy phải nên luôn luôn suy gẫm, không nên nhắm mắt tin càng.

Sự chứng ngộ có thể có trong hiện tại không phải là tiêu chuẩn chân lý duy nhất trong Phật Giáo. Điểm then chốt là Chánh Kiến (samma-ditthi), sự hiểu biết thuần lý. Đức Phật khuyên dạy người đi tìm chân lý không nên chấp nhận điều gì chỉ vì một người đáng tin cậy đã nói như vậy mà phải suy luận kỹ càng và thận trọng xét đoán để biết rõ điều nào là đúng, điều nào sai.

Ngày nọ, dân xứ Kesaputta, thường được gọi là người Kalama, bạch với Đức Phật rằng có nhiều vị tu sĩ và nhiều Bà La Môn đến đây giảng đạo. Người nào cũng khuyến dụ dân chúng chỉ nên tin giáo lý của mình, không nên tin lời dạy của các vị tu sĩ khác. Rốt cùng, người dân không còn biết tin ai.

"Đúng như vậy, nầy hỡi người Kalama, các con hoài nghi là phải, các con ngờ vực là phải. Trong trường hợp khả nghi thì sự ngờ vực phát sanh".

Đức Phật dạy như vậy và khuyên nhủ người Kalama như sau -- và đây là những lời khuyên mà người theo chủ nghĩa duy lý hiện đại có thể áp dụng giống như các vị đạo sĩ hoài nghi thời xưa:

"Hãy đến đây, người Kalama! Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại (tỷ như nghĩ rằng ta đã nghe điều nầy từ lâu). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì tập tục cổ phong truyền lại như thế (tỷ như nghĩ rằng điều nầy đã được truyền lại từ bao nhiêu thế hệ). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì có lời đồn đãi như vậy (tỷ như tin lời người khác mà không suy xét). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được ghi trong kinh sách. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình đã ức đoán như vậy. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình suy diễn như vậy. Không nên chấp nhận điều gì theo bề ngoài. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến của mình. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hình như có thể chấp nhận được (tỷ như nghĩ rằng điều nầy phải được chấp nhận). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều nầy ta đã được kính trọng từ trước (và như vậy, lời nói phải được chấp nhận). [8]

" Tuy nhiên, khi tự các con hiểu rõ rằng -- những điều nầy không hợp luân lý, những điều nầy đáng được khiển trách, những điều nầy bị các bậc thiện trí thức cấm đoán, nếu thực hiện những điều nầy sẽ bị phá sản và phiền muộn -- thì hẳn các con phải từ bỏ, không nên làm điều ấy.

" Khi tự các con hiểu rõ rằng -- những điều nầy hợp luân lý, những điều nầy không đáng bị khiển trách , những điều nầy được các bậc thiện trí thức tán dương, nếu thực hiện những điều nầy sẽ được an vui hạnh phúc -- thì hẳn các con phải hành động đúng như vậy". [9]

Phật ngôn nầy được dạy trên 2500 năm trước đây, nhưng vẫn còn mãnh lực và hiệu năng cho đến thời đại văn minh của thế kỷ hai mươi. Đức Phật dạy các đệ tử nên tìm chân lý, chớ không nên chỉ nghe qua là tin liền, dù người nói có nhiều uy tín đi nữa.

Về sau, Kinh Jnanasara-samuccaya lặp lại lời khuyên nầy với những lời lẽ khác và cho một thí dụ quen thuộc với đời sống hàng ngày:

"Tapac chedac ca nikasat svarnam iva panditaih
Parikshhya blikshavo grahyam madvaco na tu gauravat".

"Cũng như người thợ bạc sáng suốt thử vàng bằng cách đốt lên, cắt và cọ xát trên hòn đá để thử vàng,
Cùng thế ấy, các con nên chấp nhận những lời của Như Lai sau khi thận trọng xét đoán, chớ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai".

Bây giờ, đã chấp nhận rằng không có đức tin mù quáng trong Phật Giáo, vậy có hay không một hình thức tôn thờ hay lễ bái tượng Phật hay những thần tượng tương tự?

Người Phật Tử không cầu xin một ân huệ vật chất hay tinh thần nào khi đảnh lễ tượng Phật, mà chỉ bày tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ của mình đến lý tưởng siêu việt mà bức tượng tiêu biểu. Người Phật tử quỳ trước tượng Phật, dâng bông và dâng hương, không phải dâng đến bức tượng bằng đá, bằng gỗ, hay bằng giấy, mà là đến Đức Phật mà bức tượng là tượng trưng Ngài.

Dâng bông, quỳ lạy, là biểu hiện ra bên ngoài niềm tri ân vô hạn sâu kín trong lòng. Cùng lúc ấy người Phật tử suy gẫm về hồng đức của Đức Thế Tôn và tánh cách vô thường của vạn pháp, xuyên qua những cánh hoa sớm nở tối tàn. Người Phật tử hiểu biết tạo cho mình cảm tưởng đang tôn kính quỳ trước mặt Đức Phật và nhờ đó phát sanh nguồn cảm hứng thúc giục mình noi gương lành trong sạch của Ngài.

Đề cập đến các pho tượng triết gia trứ danh, bá tước Kaiserling, viết: "Trên thế gian này tôi không biết còn cái gì vĩ đại hơn là chân dung của Đức Phật. Đây là sự thể cách hóa toàn hảo một giá trị tinh thần trong thế gian hữu hình".

Người Phật tử cũng đảnh lễ cây Bồ Đề, nhưng không phải để tỏ lòng tôn sùng thờ phượng cái cây, mà xem đó là chỉ tượng trưng của sự giác ngộ. Dầu có nhiều nghi thức lễ bái trong các buổi lễ, người tín đồ Phật Giáo không tôn sùng Đức Phật như một thần linh.

Tượng Phật, cây Bồ Đề và các hình thức lễ bái không phải tuyệt đối cần thiết, nhưng rất hữu ích, vì giúp người hành lễ tập trung tư tưởng vào đối tượng trong sạch. Người trí thức thuần thục có thể khỏi phải nhờ đến những phương tiện ấy để gom tâm quán tưởng và hình dung Đức Phật.

Người Phật tử lễ bái Đức Phật để bày tỏ lòng tri ân ngưỡng mộ của mình đối với Ngài, nhưng điều Đức Phật mong muốn không phải là người tín đồ phải phục tùng vâng lời, mà nghiêm chỉnh thực hành giáo huấn của Ngài.

Trước giờ Đại Niết Bàn của Đức Phật, nhiều vị đệ tử đến đảnh lễ Ngài. Nhưng có một vị không đến, ở luôn trong tư thất, chuyên chú hành thiền. Khi câu chuyện được bạch lại Đức Phật, Ngài cho vời vị tỳ khưu đến và hỏi lý do về sự vắng mặt này. Vị tỳ khưu bạch rằng:

"Bạch hóa Đức Thế Tôn, con được biết rằng Đức Thế Tôn sẽ nhập diệt trong ba tháng nữa và con nghĩ rằng hình thức tôn sùng Ngài tốt đẹp nhất là đắc Quả A La Hán trước ngày ấy".

Đức Phật ngợi khen thái độ cao quý của nhà sư chân thành và cần mẫn như sau:

"Lành thay! Lành thay! Ai thương Như Lai, hãy cố gắng noi gương vị tỳ khưu nầy. Người tôn kính Như Lai nhất là người thực hành đúng Giáo Huấn của Như Lai nhất" [10].

Trong một dịp khác Đức Phật dạy:

"Người nào thấy Giáo Pháp (Dhamma) là thấy Như Lai". [11]

Một đặc điểm khác nên được ghi nhận trong nghi lễ tụng niệm Phật Giáo: câu kinh không phải là lời thỉnh nguyện, cũng không phải là lời cầu xin chuyển đạt một nguyện vọng. Dầu ta có bỏ hết thì giờ để cầu xin cũng không được gì. Đức Phật không khi nào và không thể nào ban bố những ân huệ cho người cầu nguyện. Để được cứu rỗi người Phật tử không nên cầu nguyện mà phải nhận lãnh trách nhiệm, cố gắng trau giồi đức hạnh, kiên trì tu tập để tự thanh lọc và thành tựu giải thoát. Không nên lệ thuộc người khác mà phải nương nhờ nơi mình, tự mình cố gắng. Đức Phật dạy:

"Tumhechi kiccam atappam akkhatar tathagata"
"Các con phải cố gắng, các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy" [12].

Chẳng những cầu nguyện, van xin, là vô ích mà đó còn là thái độ nô lệ tinh thần. Thay vì đọc kinh cầu nguyện [13], Đức Phật khuyên nên cố gắng hành thiền để ghép mình vào kỷ luật, tự kiểm soát, tự thanh lọc tâm, và giác ngộ. Thiền tập là liều thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí.

Trong Phật Giáo không có Thần Linh vạn năng, bắt buộc tín đồ phải sợ hãi cúi đầu vâng lệnh. Phật Giáo phủ nhận sự hiện hữu của một oai lực siêu thế, quan niệm như chúng sanh toàn năng hay có năng lực vô cùng tận. Không có tánh cách thần khải, không có người truyền đạt tin tức và những lời sám của một Thần Linh từ đâu trên cao ban xuống đến cho con người. Do đó người Phật Tử không quỳ lụy phục tùng một oai lực siêu nhiên cầm quyền thưởng phạt và kiểm soát định mạng. Bởi vì không tin nơi thiên khải Thần Linh. Phật Giáo không đòi hỏi độc quyền nắm chân lý và không bài xích bất cứ tôn giáo nào khác. "Tánh thiên chấp là kẻ thù tệ hại nhất của tôn giáo".

Với đức tánh rộng lượng khoan dung của Ngài, Đức Phật hằng khuyên hàng môn đệ không nên giận dữ, bất mãn, hay không vui lòng , nếu có ai nói xấu Ngài, Giáo Pháp của Ngài hay Giáo Hội mà Ngài sáng lập. Đức Phật dạy:

"Nếu các con giận dữ, bất mãn, hay không vui lòng, chẳng những các con tự đặt mình vào chỗ hiểm nguy có thể mất cả nền tảng đạo đức tinh thần mà các con còn không thể xét đoán đúng mức lời chỉ trích có giá trị hay không".

Quả thật là sáng suốt! Để trả lời những điều chỉ trích bất công, vô căn cứ, Đức Phật dạy:

"Cũng như người kia ngửa mặt phun nước miếng lên trời. Nước miếng không hẳn làm dơ trời, mà chỉ rơi xuống người ấy".

Phật Giáo không ban hành những tín điều buộc người tín đồ phải nhắm mắt tin theo, không có giáo điều buộc phải chấp nhận trước khi suy nghĩ, không có nghi thức dị đoan vô lý và lễ tiết bắt buộc phải thực hành, không có hiến tế và không có ép xác khổ hạnh để gội rửa tâm.

Như vậy, một cách chính xác, không thể gọi Phật Giáo là một tôn giáo bởi vì đây không phải là một hệ thống tín ngưỡng và lễ bái. Phật Giáo cũng không phải là hành động hay hình thức biểu hiện ra ngoài tỏ rằng con người chấp nhận sự hiện hữu của một hay nhiều Thần Linh có năng lực chi phối định mạng mình và mình có phận sự vâng lệnh, phục vụ và tôn sùng

Karl Marx nói: "Tôn giáo là linh hồn của những điều kiện không có linh hồn, là trái tim của thế gian không có tim, là nha phiến của dân chúng".

Phật Giáo không phải là một tôn giáo như vậy, bởi vì những quốc gia Phật Giáo đã vươn mình trưởng thành từ trong tổ ấm Phật Giáo, và những tiến bộ văn hóa hiện đại của các quốc gia ấy phần lớn là do ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật.

Dầu sao, nếu hiểu rằng tôn giáo là giáo lý nhìn vào đời sống sâu hơn là lớp vỏ bên ngoài, giáo lý nhìn ngay vào bên trong đời sống, thay vì chỉ nhìn trên mặt, giáo lý cung hiến cho con người một thái độ sống phù hợp với "cái nhìn sâu xa ấy, giáo lý giúp cho những ai cố gắng, có thể đối phó mạnh mẽ với kiếp sinh tồn và trực diện cái chết một cách b́nh tĩnh và yên lành [14]", hay một hệ thống giúp giải thoát ra khỏi những h́nh thức đau khổ của đời sống, thì chắc chắn Phật Giáo là tôn giáo của các tôn giáo.

Phật Giáo và luân lý

Giáo lý của Đức Phật có phần luân lý tuyệt hảo dành cho cả bậc xuất gia lẫn hàng cư sĩ. Tuy nhiên, Phật giáo không phải chỉ là một hệ thống giáo huấn về luân lý thông thường.

Giới (Sila), hay luân lý, chỉ là giai đoạn sơ khởi, là phương tiện nhằm đưa đến mục tiêu, chớ không phải chính nó là mục tiêu. Mặc dầu "giới" là tuyệt đối cần thiết, nếp sống đạo hạnh riêng rẽ không thể dẫn đến giải thoát hay hoàn toàn trong sạch. Vượt lên khỏi giới là Trí tuệ (panna).

Nền tảng của Phật Giáo là Giới. Tuệ là đỉnh tối cao. Giới với Tuệ đối với hành giả như cặp cánh đối với loài chim. Với người, trí tuệ như mắt, giới như chân. Một trong những danh hiệu của Đức Phật là "Vijjacarana sampano" - Minh Hạnh Túc - người đầy đủ trí tuệ và đạo hạnh.

Trong Tứ Diệu Đế, nền tảng của Phật Giáo, ba đế đầu tiên là phần triết lý, đế cuối cùng là phần luân lý căn cứ trên triết lý ấy.

Luân lý Phật Giáo không đặt nền tảng trên những lời dạy thần khải khả nghi, do một thần linh truyền lại dưới hình thức sám truyền, cũng không phải là sáng tác khéo léo của một bộ óc kỹ xảo, mà là những quy tắc hợp lý và thực tiễn, căn cứ trên những sự kiện có thể kiểm chứng và trong kinh nghiệm cá nhân. Theo giáo sư Max Muller, quy tắc Phật Giáo là một trong những quy tắc toàn hảo nhất trên thế gian.

Giáo sư Rhys Davids nói: "Dầu là Phật tử hay không Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế gian, và trong tất cả, tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và toàn vẹn hơn Bát Chánh Đạo của Đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống cho phù hợp với con đường ấy".

Theo Phật Giáo, có những hành động tốt và sấu, có những hành động không tốt cũng không xấu, và những hành động có khuynh hướng chấm dứt mọi hành động. Hành động tốt rất cần thiết để giải thoát, nhưng một khi thành tựu mục tiêu tối thượng rồi thì hành giả đã vượt ra ngoài cái tốt và cái xấu.

Đức Phật dạy [15]:

"Những pháp chân chánh (dhamma), hay thiện pháp, con cũng nên từ bỏ. Càng phải loại bỏ hơn nữa, những pháp không chân chánh (adhamma), hay bất thiện pháp".

Hành động liên quan đến tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) là bất thiện pháp. Hành động liên quan đến không tham (alobha), không sân (adosa) và trí tuệ (panna) là thiện pháp.

Hành động của một vị A La Hán, người đã tận diệt mọi ô nhiễm, không còn liên quan đến luân lý, bởi vì Ngài đã vượt ra ngoài cái tốt và cái xấu. Như vậy không có nghĩa là Ngài thụ động. Một vị A La Hán vẫn tích cực họat động. Nhưng hành động của Ngài hoàn toàn vị tha, hướng về sự trợ giúp kẻ khác đi trên con đường mà chính Ngài đã trải qua. Hành động ấy không có khả năng sáng tạo và khác với hành động của người thường, không gây phản ứng, không tạo nghiệp. Phạn ngữ gọi hành động như vậy là Kiriya (cơ năng, hay hành). Đã là vàng y thì không còn làm cho nó "y" hơn nữa.

Những trạng thái tâm (tâm sở) của bốn loại tâm siêu thế: Sotapatti (Tu Đà Hườn, Dự Lưu), Sakadagami (Tư Đà Hàm, Nhất Lai), Anagami (A Na Hàm, Bất Lai) và Arahatta (A La Hán), mặc dầu là thiện (kusala) không có khuynh hướng tạo nghiệp mới, trái lại, có chiều hướng chấm dứt dần dần dòng nghiệp. Trong các loại tâm siêu thế, yếu tố trí tuệ (panna) là quan trọng hơn tất cả, và trí tuệ có chiều hướng tiêu diệt nghiệp căn. Trong các loại tâm tại thế, tác ý (cetana) - có chiều hướng tạo nghiệp - là quan trọng.

Vậy, theo Phật Giáo, tiêu chuẩn của luân lý là gì?

Câu giải đáp nằm trong lời Đức Phật dạy Rahula (La Hầu La):

"Nếu có điều nào con muốn làm, nầy hỡi Rahula (La Hầu La), hãy nghĩ như vầy: Điều này có hại cho ta hay cho kẻ khác hay điều nầy có hại cho kẻ khác và cho ta. Vậy, đó là một hành động xấu, sẽ đem lại sự đau khổ. Con phải hết sức cố gắng tránh làm điều ấy".

"Nếu có điều nào con muốn làm, nầy hỡi Rahula (La Hầu La), hãy nghĩ như vầy: Điều nầy không có hại cho ta, không có hại cho ai khác, hay điều nầy không có hại cho ai khác và cho ta. Vậy, đó là hành động tốt, sẽ đem lại hạnh phúc. Hành động ấy, con phải làm, và lặp đi lặp lại nhiều lần [16]".

Trong vấn đề luân lý, người Phật tử phải luôn luôn nghĩ đến mình và kẻ khác, luôn cả loài thú.

Trong Kinh Từ Bi (Kanariya Metta Sutta) Đức Phật dạy:

"Cũng như người mẹ hiền hết lòng bảo bọc đứa con duy nhất của mình, dầu có phải hiểm nguy đến tánh mạng đi nữa, cùng thế ấy, ta hãy luyện tâm Từ vô lượng vô biên, bao trùm tất cả chúng sanh".

Kinh Pháp Cú ghi:

"Tất cả đều sợ hình phạt. Tất cả đều quý trọng đời sống. Hãy lấy bụng ta suy bụng người, không nên sát hại, cũng không nên làm tổn thương. [17]"

Muốn hiểu rõ nền luân lý đặc biệt cao thượng của người Phật tử thuần thành, ta nên đọc cẩn thận các quyển kinh sau đây: Dhammapada, Sigalovada Sutta, Vyagghapajja Sutta, Mangala Sutta, Metta Sutta, Parabhava Sutta, Vasala Sutta, Dhammika Sutta v.v...

Về phương diện luân lý, đó là những lời dạy vô cùng cao đẹp, nhưng cũng chỉ là bước đầu, chớ không phải là mục tiêu của Phật Giáo.

Theo một lối hiểu, Phật Giáo không phải là một triết lý. Theo một lối hiểu khác, Phật Giáo là triết lý của các triết lý. Theo một lối hiểu, Phật Giáo không phải là một tôn giáo. Theo một lối hiểu khác, Phật Giáo là tôn giáo của các tôn giáo.

Phật giáo là gì?

Phật Giáo không phải là một con đường siêu hình, cũng không phải là một con đường nghi thức.

Phật Giáo không phải là một chủ nghĩa hoài nghi, cũng không độc đoán.

Phật Giáo không chủ trương rằng đời sống là trường tồn vĩnh cửu, vô thủy vô chung (thường kiến); cũng không chủ trương rằng sau kiếp sống nầy không còn gì nữa, chết là hết (đoạn kiến).

Phật Giáo không dạy lối sống khổ hạnh, cũng không giáo truyền lối sống lợi dưỡng.

Phật Giáo không bi quan, không lạc quan, nhưng thực tiễn.

Phật Giáo không tuyệt đối tại thế, cũng không hoàn toàn siêu thế.

Phật Giáo là con đường giác ngộ duy nhất.

Danh từ Phạn Ngữ gọi Phật Pháp là Dhamma. Đúng căn nguyên, Dhamma có nghĩa là nâng đỡ, hay giữ lại (nâng đỡ người hành động đúng theo quy tắc, hay giữ lại, không để cho người hành động đúng theo quy tắc phải rơi vào những trạng thái đau khổ).

Dhamma, Giáo Pháp, là cái gì thật sự là vậy, là thực tướng, Dhamma là giáo lý của thực tế. Dhamma là phương tiện để giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau. Dhamma chính là sự giải thoát.

Dầu chư Phật có ra đời hay không, Dhamma (Giáo Pháp) vẫn tồn tại vĩnh cửu. Dhamma (Giáo Pháp) luôn luôn bị che lấp trước cặp mắt vô minh của con người, cho đến lúc có một vị Phật ra đời, chứng ngộ và truyền bá lại cho thế gian.

"Dầu chư Phật có thị hiện trên thế gian hay không, nầy các Tỳ Khưu, có một sự kiện, một nguyên tắc nhất định, một định luật thiên nhiên, là tất cả các vật cấu tạo đều Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha) và tất cả đều không có linh hồn trường cửu (Vô ngã, Anatta). Như Lai đã chứng ngộ và thấu triệt điều ấy. Như Lai quảng bá, truyền dạy, tuyên bố, xác định, phân tách và chỉ dẫn rành mạch rằng tất cả các vật cấu tạo (hữu lậu) đều vô thường, khổ và vô ngã [18]".

Trong bộ Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh), Đức Phật dạy:

"Như Lai chỉ dạy một điều: đau khổ và sự chấm dứt mọi đau khổ [19] ".

Đó là giáo lý của thực tế.

Kinh Udana dạy:

"Nầy hỡi Tỳ Khưu, cũng như nước của đại dương hùng dũng chỉ có một vị là vị mặn của muối, Giáo pháp chỉ có một vị là Giải Thoát (Vimutti) [20]".

Đó là phương tiện giải thoát.

Giáo pháp cao thượng không phải là cái gì ở ngoài ta, mà hoàn toàn tùy thuộc nơi ta và chỉ do ta chứng ngộ. Do đó Đức Phật dạy:

"Attadipa viharatha attapatisarana".
"Hãy ẩn náu nơi chính ta như một hải đảo, xem chính ta là chỗ nương tựa". [21]

Phạm Kim Khánh dịch Việt
(Trích "Đức Phật và Phật Pháp", ấn bản 1999)

Chú thích:

[1] Samyutta Nikaya, Tương Ưng, tập 5, trang 437-438. Kindred Sayings, Trang 370.

[2] Majjhima Nikaya, Trung Bộ, số 22.

[3] William Durrant, The History of Philosophy, trang 2.

[4] Webb, History of Philosophy, trang 2.

[5] Một triết học hiểu như một hệ thống tri thức luận đem lại lời giải đáp đầy đủ cho câu hỏi: đời sống là gì? Phật Giáo không phải vậy. (Dr.Dahlke, Buddhism, trang 25).

[6] Dr. Dahlke, trang 1.

[7] Người Phật tử thường (còn phàm nhân) vẫn bước theo chân Đức Phật, nhưng chưa thật sự chứng ngộ Giáo Pháp.

[8] Phần giải thích nằm trong dấu ngoặc trên đây được trình bầy hợp theo bản chú giải và chú giải các bản chú giải. Nguyên văn tiếng Pali là: "Etha tumhe Kalama. Ma anussavena, ma paramparaya, ma itikiraya, ma pitasampadanena, ma takkahetu, ma nayahetu, ma akara-parivitakkena, ma ditthinijjhanakkhantiya, ma bhabbarupataya, ma samano no garu ti."

[9] Angutara Nikaya , Tăng Chi , tập 1, trang 189. Kindred Sayings, phần 1, trang 171-172.

[10] Xem Buddhist Legends, trang 249-250.

[11] Samyutta Nikaya, Tương Ưng, tập 3, trang 129.

[12] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 276.

[13] "Cầu nguyện là một hành động mà tôi chân thành thú nhận là tôi không có xu hướng theo." Canon B.H. Streeter, trong quyển Modern Churchman, tháng 9 năm 1924, trang 347.

"Tôi không hiểu vì sao người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện, ít ra người ta cũng phải biết chắc rằngcó một lỗ tai đang nghe". Rev.C.Beard, trong quyển Reformation, trang 419.

Sri Radhakrishnan viết: "Những lời vái van cầu nguyện có tánh cách là một sự thông cảm riệng tư, một sự mặc cả với thần linh. Đối tượng mà nó tìm là những tham vọng trần tục đang thiêu đốt ý thúc về bản ngã. Đàng khác, hành thiền là tự mình sửa đổi lấy mình."

[14] Silacava. Xem Ceylon Daily News, số đặc biệt Vesak, tháng 4-1939.

[15] Majjhima Nikaya, Trung Bộ, bài kinh số 22.

[16] Majjhima Nikaya, Trung Bộ, Rahulovada sutta (Kinh Giáo giới La Hầu La), số 61.

[17] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 129.

[18] Anguttara Nikaya, Tăng Chi, phần 1, trang 286.

[19] Majjhima Nikaya, Trung Bộ, tập I, trang 140,số 22.

[20] Udana, Tiểu Bộ, trang 67.

[21] Maha Parinibbana Sutta, Kinh Đại Niết Bàn, Trường Bộ, Kinh 16.

 

Các tin đã đăng: