Thực hành tâm bình đẳng là khó
28/04/2015 20:41 (GMT+7)

image

Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hoá thể hiện nét đẹp của con người trong gia đình và xã hội. Nam nữ bình đẳng giúp cho gia đình an vui, hạnh phúc và góp phần làm cho xã hội giàu mạnh, văn minh. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong gia đình và xã hội mang một ý nghĩa lớn đối với truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Nhờ bình đẳng nên trong gia đình vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, nên con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc. Một gia đình như vậy sẽ luôn là điểm tựa cho con người vượt qua mọi chướng ngại, khó khăn trong cuộc sống.

Dù tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã dần mất đi, nhưng một nghịch lý vẫn đang tồn tại là việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là công việc của phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường nhiều hơn nam giới. Dù pháp luật quy định trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ; nhưng trên thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng, còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong nhà thường được coi là “thiên chức” của người nữ. Để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, điều quan trọng là chúng ta phải biết nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền rộng rãi không chỉ với phụ nữ mà còn với nam giới. Công tác giáo dục về bình đẳng nam nữ đối với các đối tượng thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp các em có sự hiểu biết, ý thức và trách nhiệm trong việc xây dựng cuộc sống gia đình sau này.

Bên cạnh đó, việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong gia đình cũng nên được xây dựng thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, để mọi người cùng được học hỏi lẫn nhau và được công nhận là gia đình văn hóa. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng nam nữ nhằm loại bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, từng bước thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động, sản xuất và các hoạt động khác trong xã hội. Bình đẳng là biểu hiện văn hoá trong đời sống con người, có bình đẳng trong gia đình mới thực sự có bình đẳng trong xã hội. Hạnh phúc bao giờ cũng là tài sản quý giá nhất trong gia đình mà mỗi thành viên luôn ước mơ và mong muốn để sống đời an vui, hạnh phúc.

Bình đẳng trong Phật giáo vừa gắn liền với lịch sử thế giới là xóa bỏ giai cấp, phủ nhận mọi kỳ thị, phân chia, phân biệt giữa con người với con người và giữa con người với con vật. Theo Phật giáo, mọi con người phải có giá trị ngang nhau khi người ta hoàn thiện đạo đức. Chỉ có đạo đức mới phân định chính xác giá trị, nhân phẩm con người. Giai cấp, địa vị, sự sang trọng, quyền uy, thế lực… tất cả những thứ này đức Phật đều phủ nhận để đề cao bình đẳng. Bình đẳng trong Phật giáo là nam nữ bình đẳng theo tinh thần trách nhiệm của một con người. Trong kinh có nói Pháp Hoa Long Nữ 8 tuổi cũng thành Phật, và cụ thể nhất là mọi người nữ đều được gia nhập Tăng đoàn, trở thành các Tỳ kheo ni với những quyền lợi ngang nhau như các Tỳ kheo Tăng trong lịch sử Phật giáo xưa và nay. Tính bình đẳng của Phật giáo ra đời nhằm chuyển hoá mọi định kiến, kỳ thị lâu đời của những quan niệm cổ hủ từ xa xưa. Giá trị bình đẳng cao nhất trong Phật giáo là Phật tánh, là tính biết sáng suốt của mọi người, ai cũng có khả năng quay lại chính mình để trở thành con người có trí tuệ và từ bi viên mãn. Phật tánh không phải chỉ có trong loài người mà có cả trong các loài có tình thức. Tất cả chúng sinh đều tiềm tàng một năng lực sáng suốt là tính biết của mình đi ngược lại các tập tục, truyền thống từ xa xưa. Mọi người đều bình đẳng với nhau trong mọi phương diện, không có kẻ ban phước giáng hoạ hay quan niệm chồng chúa vợ tôi.

Nhờ sự ra đời của Phật giáo đã giúp mọi người biết tôn trọng, bình đẳng với nhau về mọi phương diện. Chỉ với những quan điểm bình đẳng trên cũng đủ chứng minh sự siêu việt của Phật giáo trong việc đề cao nhân bản và đem lại cho con người sự bình đẳng tuyệt đối; do đó thực hành bình đẳng là một điều vô cùng khó, nhất là đối với những người có quyền lực, địa vị cao trong xã hội, những gia đình nặng về gia giáo, phong kiến và nặng nhất là sự chấp ngã của con người.

Các tin đã đăng: