Tu thiền trí tuệ sanh
CHÚC NGUYÊN
26/04/2015 23:25 (GMT+7)

Đức Phật dạy, người tu Thiền (Manobhàvanà) hay thực tập Tăng thượng tâm (Adhicittobhàvanà) với mục đích diệt trừ các lậu hoặc, đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi thì cần phải từng bước nỗ lực thanh lọc tâm tư của mình cho thật trong sáng thanh tịnh; phải kiên trì hành Thiền để thanh lọc tâm, vì tâm có trong sáng thanh tịnh thì tri kiến (nànadassana) hay trí tuệ (panna) mới phát sinh, mới đưa đến dứt trừ các lậu hoặc, đoạn tận khổ đau, chứng đắc Niết – bàn, chấm dứt sinh tử luân hồi, như các bài kệ sau mô tả:

“Tu thiền, trí tuệ sanh

Bỏ thiền, trí tuệ diệt,

Biết con đường hai ngả,

Đưa đến hữu, phi hữu;

Hãy tự mình nỗ lực,

Khiến trí tuệ tăng trưởng”.

“Không trí tuệ, không thiền,

Không thiền, không trí tuệ;

Người có thiền, có tuệ,

Nhất định gần Niết – bàn”.

Những người thực hành Phật pháp biết rất rõ, rằng bên cạnh các lợi ích thiết thực mà việc hành Thiền có khả năng mang lại như sức khỏe, sống thanh thản an lạc, học tập tốt, làm việc có hiệu quả… mục tiêu chính của việc tu Thiền theo giáo pháp của Đức Phật là làm phát sanh trí tuệ đưa đến giác ngộ hay chứng đạt tuệ giác hướng đến giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi. Đây chính là bước ngoặt quan trọng mà người tu Thiền theo lời Phật dạy cần nhận thức cho rõ để tránh nhầm lẫn giữa Thiền định Phật giáo và các hình thái Thiền phi Phật giáo, và cũng để tránh nhầm lẫn giữa cảm thức lợi lạc nhất thời và mục tiêu tối hậu mà Thiền định Phật giáo muốn nhắm đến. Hẳn nhiên, người nào học Thiền và tu Thiền thì cũng đều mong muốn có được kết quả thiết thực và điều đó sẽ đến với Thiền giả một cách hết sức tự nhiên thông qua công phu hành Thiền đúng đắn. Tuy nhiên, dù hành Thiền với mục tiêu nào thì công năng của Thiền theo lời Phật dạy là thanh lọc tâm trở nên định tĩnh trong sang và mục tiêu của hành Thiền là thể nghiệm một đời sống thanh thản an lạc hướng đến cứu cánh giác ngộ.

Phải hiểu công năng và mục tiêu của Thiền như thế thì mới thấy vì sao Thiền trở nên quan trọng đối với người học Phật và hành Thiền chính là lẽ sống suốt đời của người tu Phật. Với kinh nghiệm của mình. Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng cái tâm chúng sinh bị uế nhiễm rất nặng bởi tập khí tham – sân – si, cần phải kiên trì thanh lọc thường xuyên thì các tạp nhiễm tham – sân – si mới dần dần được tẩy rửa và bào mòn cho đến lúc trở nên hoàn toàn trong sạch(3). Cái tâm ấy giống như vàng tinh nguyên, vốn nhu nhuyến và chói sang nhưng bị các tạp nhiễm đất cát đeo bám lâu ngày, cần phải kiên trì tẩy rửa, đãi lọc và tôi luyện thì dần dần mới trở lại thanh tịnh và chói sang. Phật khuyên nhắc người hành Thiền cần phải kiên trì từng bước thanh lọc tâm cho đến khi tâm trở nên nhu nhuyến, trong sạch giống như người thợ kim hoàn phải kiên trì trong các khâu tẩy rửa, đãi lọc và nung chảy quặng vàng cho đến khi vàng ấy trở nên nhu nhuyến, chói sáng, dễ sử dụng (4). Một khi tâm đã được thanh lọc thường xuyên bằng công phu Thiền định thì bấy giờ nó trở nên định tĩnh, trong sáng, nhu nhuyến, có thể vận dụng để nhìn sâu vào bản chất các pháp (vipassanà) khiến phát sanh trí tuệ, đưa đến cắt đứt tham ái, chấp thủ, diệt trừ các lậu hoặc, giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau. Sau đây là lời Phật dạy về công phu hành Thiền hay tiến trình thanh lọc tâm và sự thành tựu các thắng trí (abhinnà) đặc biệt là lậu tận trí đưa đến chấm dứt các lậu hoặc, được xem như là kết quả của công phu Thiền định:

Này các Tỷ – kheo, có những ố nhiễm thô tạp của vàng như bụi, cát, đá, sạn và đá sỏi. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi đem đổ vào trong cái máng, rồi rửa sạch qua rửa sạch lại, rửa sạch thêm nữa.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại các uế nhiễm bậc trung của vàng, như cát đá, sạn tế nhị và các hột cát thô tạp. Người ta lọc bụi hay đệ tử người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn. Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất còn lại các uế nhiễm tế nhị, như cát mịn và cát bụi đen. Người đãi lọc bụi hay đệ tử người đãi lọc bụi lại rửa sạch nữa, rửa sạch thêm lần nữa, rửa sạch hoàn toàn.

Làm xong như vậy, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại bụi vàng.

Rồi người thợ vàng hay đệ tử người thợ vàng bỏ bụi vàng ấy vào trong cái lò, rồi thụt ống bễ, thụt ống bễ thêm, thụt ống bễ cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Vàng ấy được thụt bễ, được thụt bễ thêm nữa, được thụt bễ hơn nữa, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò, chưa được làm xong, chưa sạch các uế nhiễm, chưa có nhu nhuyến, chưa có kham nhậm, chưa có sáng chói. Vàng ấy còn có thể bể vụn và chưa có thể được tác thành tốt đẹp.

Có một thời, này các Tỷ – kheo, người thợ vàng ấy hay đệ tử người thợ vàng ấy lại thụt bễ, thụt bễ thêm nữa, thụt bễ hơn nữa, cho đến khi vàng chảy ra khỏi lò. Vàng ấy được thụt bễ, được thụt bễ thêm nữa, được thụt bễ hơn nữa, cho đến khi vàng chảy ra khỏi lò, được làm xong, được sạch các uế nhiễm, được nhu nhuyến, được kham nhậm và được chói sáng. Vàng ấy không bị bể vụn, và có thể được tác thành tốt đẹp. Và loại trang sức nào người ấy muốn, như vàng lá, hay nhẫn, vòng cổ, hay dây chuyền, người ấy có thể làm thành như ý muốn.

Cũng vậy, này các Tỷ – kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thô tạp, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành. Tỷ – kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho sanh khởi lại.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ – kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thuộc bậc trung, dục tầm, sân tầm, hại tầm. Tỷ – kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ – kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử tế nhị, như tư tưởng về gia tộc, tư tưởng về quốc độ, tư tưởng không bị khinh rẻ. Tỷ – kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho chúng sanh khởi.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại các pháp tầm (tư tưởng về pháp).

Định như vậy không có an tịnh, không có thù thắng, không được khinh an, không đạt đến nhất tâm, nhưng là một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép. Nhưng đến một thời, này các Tỷ – kheo, tâm của vị ấy được nội trú, lắng đứng lại, được nhứt tâm, được định tĩnh. Định ấy được an tịnh, được thù diệu, được khinh an, đạt đến nhứt tâm, không phải một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép; tùy thuộc theo pháp gì tâm vị ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân,, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, ngồi kiết – già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài Người”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Mong rằng với tâm của mình có thể biết được tâm của các loại chúng sanh khác, tâm của các người khác như sau: Tâm có tham biết là tâm có tham. Tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Đại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm Thiền định. Tâm không Thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát”; vị ấy có khả năng có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nế vị ấy ước muốn: “Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp”; vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ ta được sanh tại đây”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh nào làm những ác nghiệp về than, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục, đọa xứ. Các chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân ta có thể thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta có thể biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trọng hiện tại, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào”.

Nhìn chung, việc tu Thiền hay hành Thiền theo lời Phật dạy có nhiều lợi ích, trước mắt cũng như lâu dài. Đó là cả một quá trình thanh lọc thân, khẩu, ý đầy kiên trì mà kết quả là tâm được trong sáng, định tĩnh, nhất tâm, có khả năng thấy rõ các pháp đúng như thật (yathàbhùtam pajànàti), hướng đến “nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn”. Đây chính là lẽ sống sáng suốt lợi lạc nhưng đầy khó khăn và nhẫn nại mà người học Phật cần nhận rõ để kiên trì đặt để các bước thực hành cho thật đúng đắn và thích đáng. Người tu học theo giáo pháp của Phật thì cần phải có tâm thái tỉnh táo và kiên định, không nên xem Thiền như là liệu thuốc hữu hiệu cho các chứng tật nhất thời phát sinh do sự thay đổi điều kiện sống hay môi trường sinh hoạt, mà nên quan niệm Thiền như một nếp sống kỷ cương cần kiên trì thực tập cho mục tiêu lợi lạc lâu dài. Vì khi tâm được uốn nắn và thanh lọc bởi công phu Thiền định đúng như lời Đức Phật dạy thì tự nhiên có khả năng khắc phục và trị liệu các chứng tật mang tính thời đại, đồng thời tiếp tục phát triển đúng đắn hướng đến cứu cánh giác ngộ, mục tiêu tối hậu của mọi nỗ lực Phật giáo.■

Chú thích:

  1. Kinh Pháp Cú, kệ số 282.
  2. Kinh Pháp Cú, kệ số 372
  3. Kinh Sự tu tập, Tăng Chi Bộ.
  4. Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ
  5. Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ.

http://vanhoaphatgiaoblog.com/

Các tin đã đăng: