Tin Vào Chính Mình
LINH PHONG
24/04/2015 21:51 (GMT+7)

Pháp Bảo Đàn kinh là một văn bản Phật giáo cổ xưa, luôn gợi những kinh nghiệm sống đạo lôi cuốn, thuyết phục, mô phạm, đặc biệt là đối với người xuất gia: Môt đại chúng quy củ như nhất, tuân thủ nghiêm cần lời dạy của người hướng dẫn; một vị thầy thấu tình đạt lý; một giáo thọ thủ chúng (Thần Tú) có nhân cách cao vời và một tâm lượng mẫu mực của người xuất gia… Kho tàng kinh luận Phật giáo không hiếm những tấm gương đạo đức, những ứng nhân xử thế dễ gần gũi, dễ cảm mến, và sinh động…, trí tuệ như thế. Chư Phật, Tổ trợ lực cho chúng ta không lay chuyển niềm tin bằng những trang kinh như thế trong những lúc dường mông lung một con đường phía trước. Những lúc sau bao tháng năm gom góp cho nhiều kiến thức, càng thấy dường một hiển nhiên đá cứng chân mềm. Những lúc bế tắc trong kiếm tìm một phân giải đúng/sai cho buồn vui cuộc sống lắm lời. Những lúc thấy chơi vơi trong nỗ lực duy trì hay hàn gắn một đời sống chung hòa hợp, hạnh phúc…

Đại chúng Hoàng Mai dưới sự hướng dẫn của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn gồm cả ngàn học trò, nhưng khi Tổ bảo hết thảy mọi người hãy làm kệ trình lên cho Tổ xem ai là người kiến tánh thì chỉ có Thượng tọa Thần Tú trình kệ. Đa số đại chúng đều bảo nhau rằng, “Thượng tạo Thần Tú hiện làm giáo thọ cho chúng ta, thế nào người cũng được Tổ sư phú y pháp, sau này ta chỉ nương tựa vào người khác là được”.

1- Ý nghĩa đầu tiên của đại chúng Hoàng Mai nghĩ đến đó là thứ tâm lý thông thường . Không nghĩ đến điều đó mới là không bình thường. Đã là học trò thì dựa vào cái gì để có thế có cơ hội vượt thắng khi thi thố với người đang là thầy dạy mình, nhất là trên lĩnh vực kiến thức? Âu cũng là “Biết thân mình, biết phận mình” thường thấy trên thế gian, và cũng nên chăng như thế.

2- Họ có hai vị thầy: Thần Tú và Ngũ Tổ. Thần Tú là người đứng đầu đồ chúng Hoàng Mai, cũng là học trò của Ngủ Tổ nhưng trực tiếp thể hiện vai trò của người dẫn đường. Đại chúng hết mực tin vào vị trí được sắp xếp đó mà không nhớ ra rằng vị trí thủ chúng của Thần Tú chính do Ngủ Tổ quyết định, đáng ra quyết định mọi người đều trình kệ để chọn kế thừa của Ngũ Tổ càng phải được tuân thủ. Ngũ Tổ là vị thầy thực thụ của họ tuy không trực tiếp, trên mọi phương diện, nhưng người ta tin trước hết và tin vào ánh sáng đủ rọi lên bước chân họ, ngay trong tầm mắt họ hơn là hướng về một ánh sáng hải đăng, bao quát hơn và cũng cao xa hơn.

3- Nhiều lần chúng ta kêu đòi sự công bằng trong cuộc sống, nhưng đó chỉ là đòi công bằng của lợi và danh. Những thứ không thể công bằng thì chúng ra lại kêu đòi công bằng. Trong khi tánh Phật bình đẳng ở mỗi người thì không ai chịu vui mừng làm cho hiển lộ. Ngũ Tổ thừa nhận cho hết thảy đồ chúng đều có quyền thể hiện mức độ hiển lộ Phật tánh, nhưng trái lại, họ mặc nhiên thừa nhận sự dẫn dắt của người thủ chúng hiện tại, và hơn thế, trông chờ một sự nương tựa mãi về sau nữa.

*   *   *

Tố Hoằng Nhẫn đọc bài kệ viết trên vách chái nhà phía Nam của ngài Thần Tú, dạy chúng đồ rằng: “Y theo bài kệ này mà tu thì khỏi sa vào ác đạo. Y theo bài kệ này mà làm thì được đại lợi ích. Nói rồi, Ngài lại bảo đại chúng thắp hương mà kính lễ trì tụng bài kệ ấy thì sẽ được kiến tánh. Đồ chúng tụng bài kệ ấy, ai cũng khen là rất quý báu”…

Huệ Năng vừa viết bài kệ xong, “mọi người đều kinh ngạc, bảo nhau: kỳ lạ thay, chúng ta không nên lấy hình dạng mà coi người: chúng ta đâu được phép sai khiến vì Bồ tát xác phàm này! Tồ sư nghe mọi người kinh quái như vậy, sợ có kẻ ác tâm làm hại, nên lấy giày chà bài kệ đi mà bảo rằng: bài này cũng chưa phải kiến tánh. Mọi người đếu cho là phải”.

1- Bài kệ trên vách chái nhà phía Nam của Thần Tú viết: “Thân là cây Bồ đề/ Tâm như đài gương sáng/ Thời thời siêng lau chùi/ Vật không chổ bám bụi”. Dễ hiểu, dễ làm là thế, đại chúng hẳn nhận ra phương pháp thiết thực của bài kệ trong đời sống tu tập. Nhưng lời trầm trồ: “ rất quý báu” của họ dành cho chổ dụng “khỏi sa vào ác đạo, được đại lợi ích, sẽ được kiến tánh” mà Ngũ Tổ khen tặng “Rất quý báu” , còn bài kệ được Ngũ Tổ thắp hương kính lễ và trì tụng. Tổ không nói, không bảo kính lễ và trì tụng. Chắc gì họ đã khẳng quyết bài kệ viết lúc nửa đêm của giáo thọ Thần Tú là “rất quý báu”!

2- Đại chúng Hoàng Mai vốn có thừa khả năng nhận ra bài kệ kiến tánh. Bồ tát xác phàm… Tuy nhiên con số đông này không vững vàng, không tin ở chính mình. Nhu cầu của họ là được nương tựa, được dẫn dắt, Đúng hơn là họ nghĩ họ phải nên như thế. Cái trực giác ban đầu của họ cho thấy họ bén nhạy và rất trí tuệ. Trước bài kệ kiến tánh của Lục Tổ, tự họ có thể thốt lên: “Kỳ lạ thay, chúng ta không nên lấy hình dạng mà coi người: chúng ta đâu được phép sai khiến vị Bồ tát xác phàm này!”.Nhưng khi Ngũ Tổ chùi đi, bảo đó không phải là bài kệ kiến tánh, “ mọi người đều cho là phải”. Nghe ra có vẻ lố bịch, có vẻ ba phải, có vẻ “gió chiều nào xuôi theo chiều đó”.

3- Không tin ở chính mình, chỉ tin vào kiến giải của người khác. Có thẩm quyền mới chắc là đúng, là đáng tin cậy, là quyết định sau cuối. May là ở đây, họ chẳng phải bị lừa. Hai vị thầy của họ đều xứng đáng để họ gửi gấm mình trong mỗi đường đi nước bước. Ngũ Tổ bảo họ trầm hương đảnh lễ bài kệ của Thần Tú, vì thực hành theo bài đó sẽ được kiến tánh. Nghĩa là Tổ nói rõ, kiến tánh là quý báu thôi. Đến bài kệ kiến tánh của Ngài Huệ Năng, Tổ lại bảo là chưa kiến tánh, “mọi người đều cho là phải”. Kệ của một người bán củi kiếm sống quê mùa Lãnh Nam làm không được kiến tánh là phải; kệ của một người vào chùa, tám tháng ròng đạp chày giả gạo, chưa từng dám bước chân lên thiền đường, không được xét là kiến tánh để kế thừa cũng là phải. Tổ lấy giày chà đi, bảo chưa kiến tánh cũng là phải… không chút tiu nghỉu, sự thật họ sáng suốt nhận ra “vị Bồ tát xác phàm” rằng “không nên lấy hình dạng mà coi người” đã phải oan uổng nhường chỗ cho bao nhiêu lý lẽ “mọi người đều cho là phải” như ở trên được xác quyết bằng thẩm quyền của Ngũ Tổ.

4- Tổ không đánh lạc hướng giác tỉnh một phen thì đại chúng Hoàng Mai rồi cũng có lần bị lừa, chưa biết bởi sự lung lạc của ai. Đại sư Pháp Thường ở núi Đại Mai trước thử thách của Mã Tổ đã lên tiếng: “ Lão già này làm người ta mê loạn mãi, chẳng biết bao giờ mới thôi. Mặc các người “chẳng phải tâm, chẳng phải Phật”, ta cứ “tức tâm là Phật”. Mã Tổ khen, “Trái mai đã chín !”. Niềm hy vọng trọn vững, không gì lay chuyển là vậy.

Dù cho cuộc sống có khi không vui,tình đạo chưa trọn đẹp, dù cho rất nhiếu hiện tượng, nhiếu biểu hiện trái với hình ảnh lý tưởng của một Tăng đoàn của Phật giáo…, chúng ta hãy tìm trong mình duyên do. Mãi mãi, Phật thì giác ngộ, từ bi; Pháp là con đường giải thoát và Tăng thì thanh tịnh, hòa vui. Tin sâu như thế để hiểu rõ con đường mình đi, để chẳng bao giờ lìa bỏ co đường, dù tất cả. Trừ khi thôi không muốn đi tiếp con đường…■

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 52

Các tin đã đăng: