Không phải ngẫu nhiên, Phật hoàng Trần Nhân
Tông, trong Cư trần lạc đạo phú, hội
thứ hai, Ngài viết: “Tịnh độ là
lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa
phải nhọc tìm về Cực lạc”[1].
Ý Ngài muốn khẳng định rằng thế giới Tịnh độ
chính là tự tâm thanh tịnh của mỗi người, không cần phải hỏi rằng có hay
không có cõi Tịnh độ ở Tây phương. Phật A Di Đà chính là tự tánh sáng
soi của chính lòng mình, không cần phải nhọc công tìm về cõi Cực lạc ở
đâu đó nữa. Đây cũng chính là quan điểm của Thiền phái Trúc Lâm về tư
tưởng Tịnh độ nhân gian được phổ biến rộng rãi trong tâm thức người dân
Đại Việt vào thời Trần.
Thực tế cho thấy, vào đầu thời Trần, kể
từ khi Quốc sư Viên Chứng đưa ra lời khuyên cho vua Trần Thái Tông trong cuộc
hành trình lên núi Yên Tử mong cầu làm Phật được ghi trong Thiền tông chỉ nam tự: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở
trong tâm, chỉ cần lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật”; hệ quả, một
quan điểm mới về Phật thể được hình thành. Trong một bối cảnh đất nước Đại Việt
đang xây dựng và phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là khẳng định bản sắc văn
hóa dân tộc Đại Việt, ắt hẳn nó sẽ tạo
sự tác động lớn vào tâm thức con người và đời sống xã hội.
Mỗi khi tư duy Phật thể
thay đổi thì nội dung sinh hoạt Phật giáo thay đổi hẳn. Ta chẳng ngạc nhiên gì,
các nhà lãnh đạo Phật giáo và lãnh đạo quốc gia đời Trần lấy Thiền tông làm hệ
tư tưởng chính, thế nên mọi tông môn, pháp môn tu tập truyền thống như niệm
Phật, bái sám, trì kinh… đều được quy hướng theo sắc thái thiền trong các danh
lam, thiền đường, chùa chiền bấy giờ. Mục đích cuối cùng là vận dụng mọi pháp
môn tu tập vào trong cuộc sống đời thường, khiến cho mọi người đều kiến tánh
thành Phật, tức là thành Phật ngay giữa cuộc đời này.
Rõ ràng, Phật giáo Thiền tông bấy giờ đã
nhìn nhận Đức Phật luôn hiện hữu ở ngay trong tâm thức, chỉ cần lòng lặng mà
biết thì ai cũng trở thành Phật. Một quan điểm như thế đã tác động chi phối
toàn bộ lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại Việt, điều đó cũng có nghĩa nó cũng có
ảnh hưởng tương tác với lịch sử tư tưởng dân tộc từ đó trở về sau. Trong bài Niệm
Phật luận, Trần Thái Tông đã phát biểu một cách dứt khoát: “Thân ta tức
là thân Phật, không có hai tướng”. Tuệ Trung Thượng sĩ trong Thượng sĩ
ngữ lục cho rằng: “Khi mê không biết ta là Phật”. Trần Nhân Tông
trong Cư trần lạc đạo phú thì tuyên bố:“Bụt ở cong nhà, Chẳng
phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Chỉn mới hay chính
Bụt là ta”.
Rõ ràng, các thiền gia chứng ngộ đời Trần đã nói rõ Phật và
chúng sanh không khác. Đó chính là giá trị nhân sinh của một tinh thần Thiền
học như là lời giải đáp tại sao chúng ta hiện hữu trên cõi đời này.
Thế nên, trong cương vị là Tổ khai sáng
dòng thiền Trúc Lâm, cũng là người đứng đầu quốc gia Đại Việt, Phật hoàng Trần
Nhân Tông khao khát xây dựng dựng thế giới Tịnh độ nhân gian ngay tại cuộc đời
này, cũng nghĩa là xây dựng cõi Tây phương ở chốn trần thế đầy bụi bặm trong
tinh thần Cư trần lạc đạo. Sự thật này
không phải ngẫu nhiên mà thiết lập được, nó là một quá trình thể nhập chuyển
hóa nội tâm qua những phương thức tu trì lâu dài của cả cộng đồng người dân Đại
Việt được diễn ra kể từ đạo Phật du nhập vào nước ta cho đến nay.
Rõ ràng, trên tinh thần của bản kinh Vô lượng thọ, còn gọi là Đại vô lượng thọ, thế giới Tây phương
được kiến lập bởi một hình thức trang
nghiêm của cung điện vàng ngọc, cây báu,… ở đó còn có đức Phật A Di Đà đang
thuyết pháp cùng với 48 lời nguyện được mọi người dân Phật tử hướng nguyện.
Trong 48 lời nguyện này, có lời nguyện rằng tất cả chúng sinh, nếu ai niệm Phật
A Di Đà thì khi lâm chung sẽ được Ngài tiếp dẫn đưa về thế giới Tịnh độ thanh
tịnh, đẹp đẽ. Tại đây, tự thân người đó không còn bị đau khổ sinh tử trầm luân nữa.
Đích thực là tự mình được diện kiến Phật A Di Đà và được Ngài dạy bảo, sau đó
là đợi ngày thành Phật.
Rõ ràng, tư tưởng và tín ngưỡng mong cầu đạt đến một
thế giới Tây phương Tịnh độ để thành Phật là thế. Việc con người sống trong thế
giới hiện thực khổ đau này luôn mong ước tìm cầu, hướng niệm được diện kiến
hình ảnh đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương, hẳn nhiên là một nhu cầu có thật và
cấp thiết. Ngay trong bản kinh A Di Đà
(Đại 12 - 354), một bản kinh nhật tụng hàng ngày của người Phật tử, cũng đã mô
tả lộ trình về cõi Tây phương rất là sống động, thu hút biết bao người dân, mọi
thành phần trong xã hội nỗ lực hành trình về miền Tịnh độ: “…Hành giả đi về phía Tây quá mười vạn ức Phật độ, có một thế giới Cực
lạc của đức Phật A Di Đà”.
Phật A Di Đà chính là vị Phật biểu trưng
cho một Phật thể có thọ mạng vô lượng, trí tuệ vô cùng, công đức vô biên (Vô
lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức). Cho nên vấn đề đặt ra cho người
học đạo phải thiết lập Tín - Hạnh - Nguyện trong cuộc hành trình về miền đất an
lạc. Nghĩa là một người tu tập pháp môn hướng niệm về Cực lạc, trên cơ sở khởi
lòng tin bất động có một thế giới Tịnh độ ở Tây phương do đức Di Đà làm giáo
chủ mà thực thi hành trì niệm Phật, thể nhập hạnh nguyện của mình vào để cầu
vãng sinh “Lâm chung Tây phương cảnh,
phân minh tại mục tiền”. Nó lý giải tại sao vào thời kỳ Phật giáo du nhập,
tín ngưỡng Tịnh độ đã được người dân nước ta thực thi hành trì, mong cầu trong
suốt cả cuộc đời, ít nhất là khi nhắm mắt xuôi tay, giã từ cuộc đời có thể diện
kiến Phật, cụ thể là thấy được đức Di Đà tiếp dẫn về cõi Cực lạc ở Tây phương.
Và thực tế đã minh chứng cho thấy, ngay từ
thế kỷ V, tư tưởng Tịnh độ và phương thức niệm Phật đã đã được hành trì tại
nước ta. Rõ nét nhất là sự kiện sư Đàm Hoằng đến Giao Châu tu hành theo giáo lý
Tịnh độ, chỉ tập trung hành trì theo bản kinh Vô lượng thọ và Thập lục quán
với một ước mong duy nhất là được vãng sinh về thế giới Cực lạc phương Tây[2]. Theo
Vãng sinh Tịnh độ truyện (q.Thượng tờ
112a22-b7) do Giới Châu biên soạn vào năm 1068-1077, thì Đàm Hoằng đã sống và
tu hành như sau: “Thích Đàm Hoằng, người
Hoàng Long, hoặc có sách nói là người Cao Bưu của Quảng Lăng, trong khoảng Tống
Vĩnh sơ, nam du Phiên Ngung, dừng ở chùa Đài, sau đến chùa Tiên Sơn, Giao Chỉ
vào khoảng năm 425. Ngoài việc nhang đèn, hoàn toàn không làm gì khác, chỉ tụng
Vô lượng thọ và Thập lục quán (Quán kinh) không biết bao nhiêu lần. Hoằng mỗi
lần niệm nói: Một thân muôn nối, niệm chính khó giữ, có thể nương niệm chính,
mới sớm thấy A Di Đà”.
Điểm đáng nói của sự kiện sư Đàm Hoàng
trong tiến trình tu tập pháp môn Tịnh độ là sư đã minh chứng cho giới Phật tử
bấy giờ có niềm tin để thực hiện hoài bão thấy Phật là một sự thật. Đó cũng là
hình ảnh sư đã tự thiêu cúng dường Tam bảo và hóa thân sắc vàng, cỡi con nai
vàng đi về Tây phương như trong Cao Tăng
truyện (q.12 tờ 405c 19-28) lược ghi: “Vào
năm Hiếu Kiến thứ 2 (455), sư nhóm củi trên núi, lén vào trong củi lấy lửa tự
thiêu. Đệ tử đuổi kịp, ôm giữ đem về, thì nửa mình đã cháy, trải tháng mới biết
chút ít. Sau đó, xóm gần có hội cả chùa đối phó. Hoằng vào ngày ấy, lại vào
hang núi tự thiêu. Dân xóm đuổi tìm thì mạng Hoằng đã dứt. Do đó họ chất củi
thêm, đốt lửa ngày hôm sau mới tắt. Ngày hôm đó, dân xóm đều thấy Hoằng thân
vàng, sắc vàng, cỡi một con nai vàng đi về phía Tây rất nhanh, không nghỉ hỏi
han. Tăng tục mới hiểu sự thần dị, cùng lượm xương tro, để dựng tháp thờ”.
Cũng
từ đó, phải chăng giới Phật tử Việt Nam thời bấy giờ lại có thêm niềm tin về
hình ảnh Phật thể A Di Đà để niệm Phật mọi lúc mọi nơi cho đến nhất tâm bất
loạn, mà ta có thể thấy bản kinh A Di Đà ghi: “Hành giả nhất tâm niệm Phật
tromg một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày cho
đến khi nhất tâm bất loạn…”. Đó là lúc mà tự thân người tu trì diện kiến đức
Phật A Di Đà ở cõi Tây phương Tịnh độ, giải thoát mọi khổ đau.
Sách Thiền
uyển tập anh[3], cũng ghi nhận ngoài việc thiền sư
Không Lộ tôn trí tượng Phật A Di Đà để phụng thờ, còn đề cập đến việc thiền sư
Tịnh Lực, học trò của Đạo Huệ, thuộc thế hệ thứ 11, dòng Vô Ngôn Thông. Ông đã
vâng lời Đạo Huệ dạy: “Tâm ấn chư Phật,
người đã có sẵn, không cần theo ai mà được”. Sư thưa: “Đã được thầy chỉ dạy, nhưng nay nên trụ nơi nào?”. Đạo Huệ bảo: “Chẳng cần đi đâu xa, ở tại Vũ Ninh là tốt”.
Sư lên thẳng núi, cất am cỏ, ở tu. Kết quả, qua 12 năm tu hành, chứng đắc pháp “niệm Phật Tam muội” nhờ công phu niệm
Phật mà được đại định.
Điều quan trọng là sư đã dạy các môn đồ của mình không
nên tìm cầu Phật bên ngoài mà đạt được và nếu muốn diệt trừ các ác nghiệp thì
nên áp dụng phương pháp niệm Phật bằng cả tâm lẫn miệng cho đến khi nào để thấy
tự tính Di Đà (thấy tánh mà thành Phật). Vậy là pháp môn Niệm Phật tam muội mà
Thiền sư Tịnh Lực chứng đắc và phổ biến trong các thiền đường ở nước ta vào
thời Lý cho mọi người tu tập, thực chất là phương pháp thiền định bằng cách
niệm tưởng (nghĩ nhớ) đến Phật, căn cứ trên bản kinh Vô lượng thọ và Quán kinh.
Đến thời Trần thì quá trình hình thành hội
nhập và phát triển đã hội tụ đầy đủ các tông Thiền, Tịnh, Mật trong diễn trình
sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người dân nước Đại Việt. Với quan điểm Phật tại tâm, phương thức niệm Phật theo
Thiền phái Trúc Lâm là loại bỏ niệm xấu thay vào đó là niệm tốt để tâm trở nên
trong sạch hoàn toàn. Mục đích cuối cùng mà Phật hoàng mong muốn là làm hóa
hiện thế giới Tịnh độ ngay giữa cuộc đời bằng cách mỗi người dân Đại Việt tu
tập thành tựu được cái tâm thanh tịnh, trong sạch, không có sự cấu bẩn của bụi
trần (Tịnh độ là lòng trong sạch).
Do đó, mỗi người dân Đại Việt bấy giờ, sống
trong một xã hội đầy biến động, việc cần xác định trước tiên, là biện tâm, tẩy
rửa tâm để tâm thanh tịnh. Mỗi khi tâm thanh tịnh thì Tịnh độ mới xuất hiện ở
cõi lòng. Nói như trong Khóa hư lục, bản
kinh nhật tụng đời Trần, qua bài Niệm
Phật luận là tâm người học đạo luôn phải khởi niệm thiện, khi niệm thiện
khởi thì niệm ác không có cơ duyên hiện khởi. “Tâm khởi điều thiện tức tức là điều thiện. Niệm thiện khởi thì thiện
nghiệp báo ứng lại”. Để có những niệm thiện, những niệm tốt, ý nghĩ lành
thì không cách gì hơn là mỗi người nên niệm Phật.
Niệm Phật nhằm có khả năng xử
lý những sai lầm, ngõ hầu dập tắt ba nghiệp thân khẩu ý: “Trong lúc niệm
Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp thân.
Miệng tụng lời chân chính, không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp
miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, thế là tắt được
nghiệp ý”[4].
Trong tinh thần niệm Phật theo sắc thái
thiền đó, niệm Phật trở thành phương thức tu tập loại bỏ tập khí dần dần, hướng
đến thuần thục để tâm trở nên tịch tịnh. Đối tượng để tu tập là nhớ nghĩ về
Phật. Tập trung nghĩ vào một đối tượng là một hình thức “chỉ”. Sâu hơn
nữa thấy rõ tâm thức ấy biểu hiện những hành động gì, có sai trái thì phải nỗ
lực hối cải, tẩy rửa tâm thức, đây là một hình thức “quán”. Mỗi khi hành
giả đã quán thấy rõ sự vật, tỉnh thức với những việc sai trái thì sẽ điều
chỉnh. Đây là một phương thức “chỉ quán song tu”, thực chất là những
bước đi đầu tiên của thiền.
Việc vận dụng
pháp môn niệm Phật vào việc hành thiền, chứng tỏ Thiền phái Trúc Lâm kế thừa và
tùy duyên hướng dẫn quần chúng bước vào nếp sống đạo thiền đi từ thấp đến cao,
chú tâm hướng nội, tìm lại Phật thân. Phật thân đó, ta có thể tóm tắt ngắn gọn
tôn ý của Phật hoàng: “Tịnh độ là lòng
trong sạch, Di Đà là tự tính sáng soi”. Đây là kết quả biến đổi từ một nội
dung mang màu sắc tư tưởng Tịnh độ sang sắc thái “thiền” mà thiền Trúc
Lâm nỗ lực thiết lập và vận dụng vào đời sống tu tập thực tiễn.
Chủ trương này
đã hóa thành hiện thực, nó lý giải tại sao vào đời Trần - Phật giáo Đại Việt có
hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông ra đời, và quan trọng hơn mọi người dân nước
Việt có thể kiến tạo Phật quốc trong lòng mình bằng nếp sống đạo Thiền “Cư trần lạc đạo”, đúng như trong Thượng
sĩ ngữ lục của Trần Tung mô tả qua bài kệ Thị tu Tây phương bối [5]:
Thân báu Di Đà
tại đáy lòng,
Bốn phương thân pháp tỏa mênh mông.
Cả trời chỉ thấy vừng trăng quạnh,
Đêm lắng vào
thu vũ trụ trong.
Thích Phước Đạt
1-Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, HN, 1989, tr. 505.
2- Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999.
3- Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu Thiền uyển tập anh, Nxb TP. HCM, 1999, tr. 223.
4- Viện văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, HN, 1989, tr.84.
5- Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, Sđd, tr. 242.