Ở
Việt Nam đôi khi mình nói: "người đó chỉ tu phước thôi chứ không tu
huệ" câu nói có vẻ chê bai; nhưng thật ra nếu không có huệ thì cũng khó
có phước lắm. Tại sao người ta tu phước? Tại thấy rằng tu phước đem lại
hạnh phúc cho mình và cho người: như vậy trong hành động tu phước đã có
huệ rồi và những người tu học thông minh thì vừa tu phước vừa tu huệ
(gọi là phước huệ song tu). Nếu tu hành cho vững chãi, ta sẽ thấy rằng
trong phước có huệ và trong huệ có phước.
Có nhiều cách tu: khi
quán niệm hơi thở thì gọi là tu an ban, khi ngồi thiền gọi là tu thiền
tọa, khi đi thiền hành là tu thiền hành, khi rửa nồi gọi là tu rửa nồi,
khi lau bát lau nhà gọi là tu lau bát lau nhà. Nếu tu đúng cách mình sẽ
thấy rằng khi lau bát hoặc chùi cầu tiêu hoặc giúp một người đói...
không phải ta chỉ tu phước mà cũng tu huệ. Khi tu tập ở Làng Hồng, giữ
gìn chánh niệm, gieo trồng những hạt giống tươi mát an lạc vào tâm thức
hàng ngày, không chỉ ta chỉ tu huệ mà cũng đang gieo trồng rất nhiều
hạt giống phước đức. Nói một cách đơn giản hơn, đó không phải chỉ là
phước hay là huệ, chỉ là tu thôi. Tu như vậy là để đạt tới sự giải
thoát ra khỏi những khổ đau và đem lại thêm an lạc và hạnh phúc. Hành
động tu học của mình không phải là một cái gì tách ra khỏi kết quả của
sự tu học; trong khi tu học mình phải cảm thấy được cái hạnh phúc của
sự tu học; như vậy mới đúng tinh thần tu học ở đây. Phương tiện và cứu
cánh là một. Bước một bước chân trong chánh niệm, hớp một hớp trà, thở
một hơi thở... những hành động đó gọi là tu tập. Những hành động đó
phải mang tánh chất hạnh phúc trong tự thân chúng thì đó mới đúng pháp
môn của chúng mình.
Tu ở đây biểu lộ khả năng có hạnh phúc của
mình (the capacity to be happy). Thật ra trong tâm thức người nào cũng
có một hạt giống gọi là khả năng có hạnh phúc. Nếu mỗi ngày biết tưới
tẩm hạt giống đó thì mình sẽ có hạnh phúc và có liền trong phút giây
mình tưới. Điều mà chúng ta phải làm là biết tưới tẩm hạnh phúc của
mình ngay bây giờ, để cho khả năng cho hạnh phúc trong con người mình
được phát triển, và như thế mình có hạnh phúc ngay trong giờ phút mình
đang tu học. Nếu xét lại phương pháp tu học ở đây, ta sẽ thấy rằng hằng
ngày chúng ta ngồi thiền, đi thi?n hành, uống trà, ăn cơm trong chánh
niệm... là để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc nơi chúng ta. Nếu
trong khi làm những điều đó mà chúng ta an trú được trong hiện tại và
chúng ta có hạnh phúc thì chúng ta đã làm đúng và tu đúng. Nếu trong
khi làm những thứ đó mà ta vẫn thấy u sầu, vẫn nghĩ rằng ta chỉ có được
hạnh phúc trong tương lai thì ta đã không làm được đúng pháp môn mà
thầy đã trao truyền và ta đang thực tập.
Khi thiên hạ hỏi "ở
Làng Hồng quý vị tu theo pháp môn nào? Vipassana, thiền đại thừa hay
Phật Giáo Việt Nam thống nhất?" Ta có thể nói: "Chúng tôi đang thực tập
hạnh phúc." Khi mình có thể cắt đứt được những lo lắng, bực bội và sầu
đau đã qua (những gì vừa xảy ra hồi nảy, vài giờ trước, vài ngày trước
hay vài tháng, vài năm trước) và có thể cắt đứt được những tính toán và
lo lắng về những chuyện sẽ xảy ra trong vài giờ, vài ngày, vài tuần,
vài tháng hay vài năm nữa (thuộc về tương lai), thì mình đã có thể bước
được những bước chân có an lạc và khỏe khoắn trong giờ phút hiện tại,
nở được một nụ cười, và lúc đó mình đã thật sự có tự do để có thể tiếp
xúc với sự sống. Mình có thể thấy rõ là mình còn sức khỏe, còn hai mắt
sáng thấy đủ hết các màu sắc, hình dáng, và đường nét; tai mình còn
nghe được gió thổi, mưa rơi, chim hót, tiếng nói của người thương và đủ
thứ âm thanh khác... Được như vậy, mình có hạnh phúc lập tức, và đồng
thời làm cho khả năng có hạnh phúc của mình biểu lộ ra, và người khác
nhìn sẽ thấy liền.
Khi được người ta khen ngợi mình, nói rằng cô
ấy hay anh đó có sức chịu đựng lớn, làm việc siêng năng, thông minh...
mình chưa thực sự cảm thấy hãnh diện. Nhưng nếu được khen là có khả
năng có hạnh phúc, có an lạc, nhẹ nhàng, thảnh thơi và tươi mát, thì ta
sẽ sung sướng hơn, bởi vì một người hạnh phúc và tươi mát như vậy sẽ
biết cách chia xẻ niềm vui cho rất nhiều người. Cần cù siêng năng mà
cau có buồn bã thì chẳng sung sướng gì lắm. Người ta thường nói tu
phước là chất chứa công đức để sẽ có hạnh phúc trong tương lai. Đó là
một định nghĩa chưa được chính xác trong tinh thần Bụt dạy. Thật ra nếu
tu phước đúng pháp thì hạnh phúc đó nằm trong phút giây hiện tại. Và
mình biết rằng trong hiện tại mà có hạnh phúc như thế này thì trong
tương lai nhất định sẽ có hạnh phúc. Tương lai được làm bằng hiện tại.
Dù mình có cực khổ cách mấy mà trong hiện tại mình không có hạnh phúc
thì tương lai mình cũng không có hạnh phúc đâu, lý do là tương lai được
làm bằng chất liệu hiện tại. Ngày hôm nay nếu bạn mỉm cười được, thảnh
thơi được, an trú được trong hiện tại, vui hưởng được từng bước chân,
từng tách trà, và từng nụ cười, thì cái vốn liếng hạnh phúc ngày hôm
nay sẽ làm ra cái vốn liếng hạnh phúc cho ngày mai. Chúng ta thường bị
ám ảnh bởi ý tưởng là hôm nay phải cực khổ, ngày mai mới có thể sung
sướng. Ví như câu ca dao:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Hôm nay khó nhọc ngày mai
mới có thiên đường của hạnh phúc. Không chắc lắm đâu. Tôi thấy hai câu
sau có chân lý nhiều hơn và đẹp hơn hai câu đầu. Hai câu ấy cho thấy
rằng làm việc chung, có đủ vợ, chồng và con trâu là vui biết mấy! Cùng
đồng tâm làm việc, đó đã là hạnh phúc rồi, đâu có cần ngày mai ngày mốt
gì nữa. Nếu đã đồng tâm làm việc trong hạnh phúc hôm nay thì tương lai
dĩ nhiên sẽ được làm bằng hạnh phúc.
Khả năng có hạnh phúc của
mình được biểu lộ trong hai trường hợp: trường hợp không làm việc và
trường hợp làm việc. Đi thiền hành cũng hạnh phúc mà chùi nồi cũng hạnh
phúc. Đi thiền hành, cắt đứt hết những tính toán lo âu, sợ sệt, bước
những bước thật thanh thản và nhẹ nhàng, miệng nở nụ cười tươi mát, hít
thở không khí trong lành buổi sáng, đó hạnh phúc đã đành mà chùi nồi
cũng vậy: trong khi chùi nồi ta cắt đứt những lo lắng, lăng xăng, những
suy tư tính toán, ta không hấp tấp, ta làm việc thật thanh thản, thì
việc chùi nồi không thua kém gì việc đi thiền hành hay ngồi thiền tọa.
Trong những lúc đó mình thật sự có hạnh phúc, mình an trú trong giây
phút hiện tại, mình là một con người thật sự tự do. Trong khi chùi nồi,
nếu ta không bị kéo đi bởi chuyện đã qua và chuyện sắp tới, nếu ta cắt
đứt được những sợi dây phiền lo tính toán bất an, thì ta thực đang chùi
nồi một cách thật thanh thản, an lạc, và ta không làm hấp tấp như đang
bị ma đuổi. Bị ma đuổi là cố làm cho mau xong để còn đi học kinh. Nếu
nghĩ rằng học kinh mới là hạnh phúc còn chùi nồi không có hạnh phúc,
thì khi học kinh ta cũng có thể không an trú được trong việc học kinh,
ta sẽ vừa học kinh vừa tính toán tiếp: học kinh cho giỏi thì mới có
hạnh phúc trong tương lai, phải học cho cực khổ thì sau này mới hạnh
phúc. Học kinh đâu có quan trọng bằng sống theo lời kinh dạy. Tu là
thực tập sống theo lời kinh dạy, tập an trú thảnh thơi trong từng hơi
thở, từng giây, từng phút, từng bước chân và từng hành động. Khi an trú
thảnh thơi được trong từng phút giây của sự sống, ta tiếp xúc được với
tất cả những sâu sắc mầu nhiệm của sự sống.
Ta nhìn sâu vào hiện
tại để thấy hiện tại bao gồm hết quá khứ và tương lai, bao gồm cả vũ
trụ vạn hữu. Thấy quá khứ và tương lai nhưng ta không trôi lăn vào quá
khứ và vào tương lai, bởi vì trong chánh niệm, hiện tại vẫn là nền
tảng. Mình phải chứng minh khả năng hạnh phúc thảnh thơi của mình trong
từng giây phút. Những phương pháp thực tập để ta tự biến từng phút giây
của sự sống ta thành những phút giây an vui hạnh phúc thảnh thơi đã
được trao truyền, và nếu quý vị nghĩ rằng tới Làng Hồng chỉ để học kinh
Đại Thừa thôi thì rất là uổng. Quý vị nào mới tới chưa được hướng dẫn
xin hỏi quý vị thọ giáo của Làng vì những người đó biết cách làm mà
cũng thực sự đang tự làm hạnh phúc cho chính mình.
(trích "Về Việt Nam", NXB Lá Bối, Hoa Kỳ 1992)