Trình chơi AudioSử dụng các phím mũi tên Lên/Xuống để tăng hoặc giảm âm lượng.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo thời Lý với Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 – 2020)”, diễn ra tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.
Theo thông lệ, hàng năm chúng ta lại tổ chức lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội. Năm 2020 tròn 1010 năm (1010 – 2020), Thủ đô Hà Nội với vị thế là trung tâm chính trị, tháng năm trường kỳ của lịch sử thủ đô ngàn năm văn hiến, Phật giáo đã và mãi luôn đồng hành trên mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa – xã hội, tâm linh của người dân. Những giá trị đạo đức, lối sống Phật giáo ăn sâu, thẩm thấu vào mọi tầng lớp xã hội và trở thành mạch nguồn, cốt cách và tinh thần Thăng Long. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Phật giáo nói chung, thời Lý nói riêng là vô cùng quan trọng và được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt quan tâm.
GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ THĂNG LONG – HÀ NỘI
Thời Lý là giai đoạn khởi đầu của Thăng Long, khởi đầu cho sự hưng thịnh Phật giáo và khẳng định chất hồn hội tụ, bản sắc cổ truyền của vùng đất linh thiêng, nơi trái tim cả nước. Đặc biệt, những Di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo thời Lý là một phần vô cùng quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, quốc gia và Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới và nước ta được quan tâm xác đáng từ những năm 80 của thế kỷ XX. Thông qua hệ thống văn bản pháp lý UNESCO ban hành, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nêu rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kĩ năng và kèm theo đó là những công cụ đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng, các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” [1]. Với nước ta, Di sản văn hóa phi vật thể là bộ phận cấu thành những giá trị di sản văn hóa dân tộc, là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” [2]. Các hình thức biểu hiện của Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian [3].
Phật giáo thời Lý đã để lại nhiều giá trị văn hóa phi vật thể cho nền văn minh Đại Việt nói chung và mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Căn cứ vào Luật Di sản văn hóa năm 2001 do Nhà nước ban hành, những biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể Phật giáo nói chung và Phật giáo thời Lý nói riêng gồm: ngôn ngữ Phật giáo, văn chương Phật giáo, nghệ thuật diễn xướng và tập quán, nghi lễ Phật giáo, lễ hội tại các ngôi chùa… Tuy nhiên, trong phạm vi bài đăng trên tạp chí, chúng tôi xin phép tập trung vào hai nội dung chính: Di sản văn hóa phi vật thể Phật giáo thời Lý qua lễ hội chùa ở Thăng Long Hà Nội và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với việc bảo tồn, phát huy.
Đối với Phật giáo thời Lý ở Thăng Long – Hà Nội, sự phong phú, đa dạng hệ thống chùa tháp, kiến trúc, điêu khắc, hội họa như chùa Một Cột, chùa Bộc (Chùa Sùng Phúc), tháp Báo Thiên… kết hợp cùng những giá trị văn hóa phi vật thể cho thấy đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần từ bi, hỷ xả, chất nhã nhặn, phóng khoáng của người Tràng An.
Lễ hội trong các chùa thời Lý ở Thăng Long không chỉ được tổ chức bởi chùa mà còn có sự đóng góp của vua và hoàng tộc, quan lại, đông đảo nhân dân tham gia vào những hoạt động Phật sự. Bên cạnh các lễ hội Phật giáo có yếu tố cung đình, còn có những lễ hội dân gian ở làng quê. Dưới thời Lý Thái Tổ, nhiều lần triều đình tổ chức lễ hội độ Tăng với quy mô lớn. Nhờ những lễ hội này mà nhiều thường dân có cơ duyên được xuất gia học Phật và truyền bá văn hóa Phật giáo thời kỳ này.
Năm 1036 thời vua Lý Thánh Tông, triều đình mở hội khánh thành tượng Phật Đại Nguyện ở Long Trì; tháng 10 năm 1040, mở hội La Hán ở Long Trì. Triều vua Lý Nhân Tông cũng mở rất nhiều lễ hội chùa và làng. Mùa xuân năm 1077, hội Nhật Vương ở điện Thiên An được mở. Các lễ thường niên của Phật giáo cũng được mở, như Vu Lan cầu siêu cho thái hậu Linh Nhân được vua long trọng cử hành vào tháng 7 năm 1118; tháng 9 năm 1118, vua mở hội Thiên Phật khánh thành chùa Thắng Nghiêm.
Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh còn ghi lại sự kiện vua tổ chức lễ Phật đản lớn ở chùa Diên Hựu. Lễ hội lớn nhất được tổ chức ở thời vua Lý Thần Tông là lễ khánh thành tám vạn bốn ngàn bảo tháp vào tháng 2 năm 1129[4]. Kế đến là lễ hội Điểm nhãn cho hơn ngàn pho tượng Phật được tiến hành vào tháng 2 năm Khai Thái thứ nhất ở chùa Phổ Quang; lễ hội Chuyển tạng đại trai (lập đàn chay tụng đại tạng kinh) suốt 10 ngày đêm được tổ chức vào tháng 3 năm Khai Thái thứ 5 ở chùa Quỳnh Lâm theo lời thỉnh cầu của Quốc mẫu Bảo Huệ… hay Hội chùa Láng, diễn ra vào ngày bảy tháng Ba âm lịch hàng năm. Riêng Hội chùa Láng, quy mô có lẽ rất to, đến mức dân gian truyền lại câu: “Nhớ ngày mồng 7 tháng 3/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”.
Hai ngôi chùa Láng và Sài Sơn đều thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Hội chùa Láng có sự tham gia của cả một dải làng hai bên bờ sông Tô Lịch. Hội vui nhất ở đám rước. Kiệu Thánh rước từ chùa lội qua sông Tô Lịch ở đoạn Cống Cót, gọi là “Độ Hà” rồi men theo đường ven làng Cót, làng Giấy lên chùa Hoa Lăng ở thôn Tiền, xã Dịch Vọng để thăm bà mẹ “Thánh Từa” (kiêng húy chữ Từ) được thờ tại đây. Đám rước có “con đĩ đánh bồng” vừa đi vừa múa mở đường. Lại rước xuống chùa Tam Huyền để mời cha lên thăm mẹ.
Cái đinh của đám rước là cuộc “đấu trận” giữa hai thánh Từ Đạo Hạnh và sư Đại Điên. Lúc kiệu Thánh Từa đến cửa chùa Thánh Tổ thờ Đại Điên – vốn có thù giết cha, kiệu Thánh Từa dừng lại, đám rước làng Láng kéo cờ thúc trống lên, đốt pháo thăng thiên và ống lệnh bắn vào chùa. Trong lúc ấy, dân thôn Tiền từ chùa Thánh Tổ cũng đốt pháo bắn trả. Pháo bắn đi lại nổ vang trời, trong tiếng reo hò của rất nhiều người dự hội làm huyên náo cả một vùng trời nước. Tiếng trống mõ, tiếng pháo hòa vào tiếng sấm tháng ba báo hiệu một mùa mưa, một vụ sản xuất lúa mới bắt đầu [5].
Hội chùa Láng là bức tranh sinh động tái diễn cảnh sinh hoạt của người Việt đời Lý. Đó là sự song hành, kết hợp và hòa quyện giữa Đạo và Đời. Hình thức hội Láng nằm trong hệ thống các phong tục hội hè miền phụ cận kinh thành Thăng Long. Trải nhiều đời, nó đã góp vào quá trình sinh hoạt văn hóa dân gian chốn đế đô một tổng thể lễ tiết phong phú và độc đáo.
Chùa Vua (tên chữ là Hưng Khánh Tự, được dựng vào thời Lý) có điện thờ Đế Thích, một trong Tứ Quán của Kinh thành Thăng Long. Từ xa xưa, dân gian coi Đế Thích giỏi cờ nhất cả cõi người, cõi trời. Tương truyền, đến đời Lê, vì ngưỡng vọng Đế Thích, một vị hoàng tử mê cờ đã chọn chùa Vua làm nơi mở hội thi cờ tướng của Thăng Long. Tục lệ ấy được lưu giữ đến nay [6].
ĐỔI MỚI TƯ DUY, ỨNG XỬ ĐÚNG ĐẮN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ LỄ HỘI PHẬT GIÁO
Những lễ hội Phật giáo thời Lý nói chung và tại Thăng Long – Hà Nội nói riêng, đến nay luôn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm bảo tồn và phát triển. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Nghi lễ và các công văn hướng dẫn thực hiện hoạt động Phật sự, nghi lễ, lễ hội Phật giáo đều khẳng định những giá trị to lớn của các lễ hội chùa.
Trên tinh thần thừa kế, bảo tồn và phát huy những lễ hội chùa hiện có, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn khuyến khích và tạo điều kiện, giúp đỡ, ban hành các chủ trương phục dựng, đẩy mạnh tái hiện những lễ hội chùa trong các làng xã truyền thống. Bởi đây không chỉ là nơi con người muốn gửi gắm, bộc lộ những ý nguyện thầm kín, thiêng liêng hoặc tâm tình và mong muốn cầu may, cầu an, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh. Những hoạt động tế lễ và sinh hoạt văn hóa như diễn xướng, trò chơi dân gian,… trong lễ hội chùa thể hiện thái độ, tình cảm, ứng xử của người trần thế đối với các nhân vật thiêng liêng mà nhân dân tin tưởng, thờ phụng.
Trên phương diện tổ chức và quản lý, thực hiện các lễ hội, nghi lễ Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp luôn nhận thức được rằng: khác với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác như ngôn ngữ Phật giáo, văn học, nghệ thuật Phật giáo, văn hóa, phong tục Phật giáo thì lễ hội Phật giáo có đặc điểm gắn bó mật thiết với các địa danh, di tích, là di sản văn hóa của cộng đồng, làng xã, quần chúng nhân dân, Nhà nước và Giáo hội.
Những hoạt động lễ hội chùa luôn có sự tham gia, phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức văn hóa từ Trung ương đến địa phương, kết hợp với Giáo hội Phật giáo, Ban Trị sự, Ban đại diện Phật giáo các cấp, đông đảo nhân dân đứng ra tổ chức. Hoạt động đó không chỉ mang bản sắc, nền tảng tâm linh của văn hóa, Phật giáo Việt Nam mà còn thể hiện tư duy đổi mới, ứng xử đúng đắn về công tác quản lý lễ hội nói chung, lễ hội Phật giáo nói riêng với tư cách Di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống tâm linh Việt Nam hiện nay.
Trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lễ hội chùa Phật giáo nói riêng là vốn văn hóa mà chúng ta phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy. Vì vậy, vấn đề nhận thức đúng đắn những giá trị, đặc điểm của lễ hội chùa và sự gắn bó với đời sống tín ngưỡng Phật giáo luôn rất quan trọng. Đặc biệt là việc phát huy giá trị và hạn chế những tồn tại của các lễ hội chùa hiện nay, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội mới, bảo tồn được tính đặc sắc riêng có, phục dựng nét cổ truyền, không ngừng hiện đại hóa nhưng vẫn thể hiện sắc thái, cốt cách, tâm hồn của dân tộc, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong tác phẩm Đời sống mới: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm”.
Vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý các cấp nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, đó là nghiên cứu, đào sâu nhận thức đúng đắn về giá trị và đặc điểm, bản chất của lễ hội Phật giáo – một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Nhận thức không đúng sẽ không thể có được ứng xử văn hóa, khoa học.
Chú thích:
[1] điểm 1, 2, khoản I, điều 2, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
[2] Điều 1, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
[3] Điều 2, chương 1, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa.
[4] Tham khảo thêm trong Đinh Gia Khánh (2008), Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long, Đông Đô Hà Nội, Nxb Hà Nội.
[5] Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội (2010), Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, Nxb Hà Nội, tr.132.
[6] Khánh An (09/02/2014), “Độc đáo lễ hội cờ chùa Vua”, báo Nhân dân Điện tử, https://nhandan.org.vn/culture_photo/ doc-dao-le-hoi-co-chua-vua-194762/.
Tài liệu tham khảo:
1. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
2. Đinh Gia Khánh (2008), Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long – Đông Đô Hà Nội, Nxb Hà Nội.
3. Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch (2010), Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, Nxb Hà Nội.
4. Nhiều tác giả (2005), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Đặng Văn Bài, Phật giáo Việt Nam từ góc nhìn di sản văn hóa, Báo Văn hóa Nghệ thuật, số 1/2006.
6. Nhiều tác giả (2017), Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, Nxb. Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
*HT.TS Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN.