(Tỳ khưu Định Phúc)
Nguồn gốc Pháp phục Phật giáo Bắc truyền
30/12/2021 19:31 (GMT+7)

Phật giáo hệ phái Bắc truyền tại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc về sắc phục và lễ nghi của văn hóa Phật giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển Phật giáo tại Việt Nam, các vị Trưởng lão tiền bối đã cố gắng bản địa hóa những nghi lễ, sắc phục và tạo nên một sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam. Mặc dù không hoàn toàn khác biệt, nhưng khi hai nền văn hóa tụ họp vẫn có những nét riêng đặc trưng để nhận biết vị nào là Tăng, Ni Phật giáo Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày sự hình thành và phát triển pháp phục của Tu sĩ Phật giáo, nhất là hệ phái Bắc truyền.

PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO

Phật giáo Việt Nam dung hòa cả hai hệ phái Phật giáo là Thượng tọa bộ (Theravāda, còn gọi là Nam truyền, Nam tông) [1], Đại thừa (Mahāyāna, còn gọi là Bắc truyền, Bắc tông). Cả hai hệ phái Phật giáo cùng sinh hoạt chung trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng vẫn giữ nét đặc trưng biệt truyền. Vì lẽ đó, pháp phục của mỗi hệ phái đều có những khác biệt. Chư Tăng hệ phái Nam tông và Khất sĩ sử dụng y theo truyền thống hệ phái. Riêng với hệ phái Bắc tông, chư Tăng sử dụng y phục có màu nâu và màu vàng, còn chư Ni sử dụng y phục màu lam và màu vàng. Theo Nội quy của Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017-2022) thì sắc phục của Tăng, Ni Bắc tông được phân loại thành ba thứ: Lễ phục, pháp phục và thường phục [2].

– Lễ phục là y phục màu vàng được Tăng, Ni sử dụng khi tham dự các buổi lễ. Tùy theo giáo phẩm mà lễ phục của Tăng, Ni có sự khác biệt, nhưng điểm chung của lễ phục là chư Tăng, Ni đều mặc y màu vàng, riêng áo hậu mặc bên trong dành cho Tăng là màu vàng, áo hậu màu lam dành cho Ni và tay áo không được rộng quá 80cm. Đối với hàng giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, tay áo và phần trên cổ áo trước ngực sẽ có ba nếp gấp; giáo phẩm Thượng tọa, Ni sư thì chỉ có hai nếp gấp; đại chúng Tăng, Ni còn lại thì tay và cổ áo chỉ duy nhất một nếp gấp. Đối với Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na thì lễ phục gồm áo hậu màu lam, mạn y màu vàng, tay và cổ áo không nếp gấp, tay áo rộng không quá 30cm.

– Pháp phục là y phục của Tăng, Ni sử dụng hằng ngày, không sử dụng khi hành lễ. Pháp phục của Tăng là màu nâu và màu lam dành cho Ni. Tay áo và cổ áo có nếp gấp tùy theo cấp bậc giáo phẩm và cổ tay không rộng quá 30cm. Riêng Sa-di sử dụng áo nhật bình màu nâu, Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na sử dụng áo nhật bình màu lam, tay áo đều không được rộng quá 20cm.

– Thường phục là y phục được sử dụng hằng ngày nhưng mang tính gọn gàng, giản dị và thuận tiện trong lúc chấp tác, lao động. Tuy không quy định rõ ràng nhưng thường phục vẫn phải có sắc thái riêng, có sự khác biệt giữa người Tu sĩ và cư sĩ, tránh sử dụng y phục của người thế tục.

BA Y TRONG LUẬT TẠNG

Cùng chung một quan điểm, các bộ luật Phật giáo đều đề cập đến ba y của một vị Tỳ-kheo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của phong tục tập quán ở những xứ sở nên thực tế là việc sử dụng y phục tại một số quốc gia đều có những thay đổi, tiếp biến so với Ấn Độ và Trung Hoa. Trên tinh thần của giới luật, một vị Tỳ-kheo đều có ba y và không được cất chứa y dư [3]; nhưng thực tế là ngoài ba y được phép thì các vị Tỳ-kheo còn có những y phục thường nhật khác và ba y nguyên thủy dần dần trở thành lễ phục chỉ được sử dụng trong các khóa lễ.

Về hình thức cơ bản, y Ca-sa lễ phục của chư Tăng, Ni Phật giáo Bắc truyền cũng được may với các điều tướng như luật định. Vải may y được cắt rọc thành từng mảnh để ngăn ngừa trộm cướp rình rập, sau đó may ráp lại thành từng điều như thửa ruộng và tạo thành tấm y gọi là phước điền y [4]. Tuy nhiên, có một sự khác biệt so với việc hành luật của chư Tăng Nam truyền chính là số điều trên mỗi y. Tấm y của chư Tăng Theravāda thường là năm điều, bảy điều hoặc chín điều, tùy theo lượng vải có được để may y và ba y đều may điều như vậy. Riêng chư Tăng, Ni Bắc truyền thì y An-đà-hội có năm điều gọi là ngũ điều y, y Uất-đà-la-tăng có bảy điều gọi là thất điều y, y Tăng-già-lê có từ chín điều đến hai mươi lăm điều. Tất cả y đều có số điều là số lẻ, không bao giờ là số chẵn [5].

Trong việc may, nếu là y năm điều thì mỗi điều có một mảnh vải dài và một mảnh vải ngắn may ráp lại thành một điều. Nếu là y bảy điều đến mười ba điều thì trên mỗi điều có hai mảnh dài và một mảnh ngắn. Nếu là y mười lăm điều đến mười chín điều thì mỗi điều có ba mảnh dài và một mảnh ngắn. Nếu là y có hai mươi mốt điều đến hai mươi lăm điều thì mỗi điều có bốn mảnh dài và một mảnh ngắn. Đặc biệt là y Tăng-già-lê, tức đại y theo luật Tát-bà-đa tỳ-ni tỳ-bà-sa phân loại thành ba bậc: hạ, trung và thượng. Trong mỗi bậc lại phân thành ba phẩm: hạ, trung và thượng [6]. Như vậy, căn cứ theo số lượng điều trên y Tăng-già-lê mà phân loại thành chín loại đại y từ. Đại y hạ hạ phẩm có chín điều, gồm hai mươi bảy mảnh (mười tám mảnh dài và chín mảnh ngắn), đến Đại y thượng thượng phẩm có hai mươi lăm điều, gồm một trăm hai mươi lăm mảnh (một trăm mảnh dài và hai mươi lăm mảnh ngắn).

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ giải thích, sở dĩ phân loại đại y ra thành nhiều loại, nhiều phẩm là tương ứng với phẩm hạnh, giáo phẩm của vị Tỳ-kheo đắp y. Vị Tỳ-kheo giáo phẩm càng cao, đạo hạnh càng trọng thì số điều y càng nhiều. Căn cứ theo đó, các đại y tương ứng với các vị giáo phẩm như sau: [6]

– Tân hạ Tỳ-kheo và trung hạ Tỳ-kheo (1-9 hạ lạp): Đại y năm điều và bảy điều.

– Đại đức (10-24 hạ lạp): Đại y chín điều, mười một điều và mười ba điều.

– Thượng tọa (25-39 hạ lạp): Đại y mười lăm điều, mười bảy điều và mười chín điều.

– Hòa thượng (40 hạ lạp trở lên): Đại y hai mươi mốt điều, hai mươi ba điều và hai mươi lăm điều [7].

Việc sử dụng các ba y của Tỳ-kheo cũng có nhiều nguyên tắc mà một vị Tỳ-kheo cần phải chú ý. Theo luật định, khi tay vừa gãi trên thân thể thì không được đắp y Ca-sa mà phải rửa tay rồi mới được đắp y; tay chưa được rửa sạch thì không được cầm đến y Ca-sa; vị Tỳ-kheo không được kéo y Ca-sa từ trên giá phơi và treo y xuống mà nên đưa tay phải lồng vào phía dưới y rồi đẩy ngược lên, còn tay trái thì đỡ phía dưới mà nhận lấy; tay trái cầm lấy y Ca-sa thì nên giũ nhẹ y rồi mới được đắp; không được ném y Ca-sa lên vai từ phía trước mà nên cầm lấy y Ca-sa không cho rơi hoặc chạm xuống đất; nên hạ hai mép y cho bằng nhau, không để y Ca-sa chạm vào chân; khi đắp Ca-sa không được hướng hay quay lưng về phía tháp Phật, các vị Trưởng lão, Thượng tọa; khi gấp y Ca-sa không được dùng miệng ngậm y và cũng không được vung tay [8].

Phật giáo tại Ấn Độ thời Đức Phật, các vị Tỳ-kheo mặc y đắp một bên vai trái, chừa một bên vai phải, gọi là thiên đản hữu kiên. Đây là một nét văn hóa truyền thống của Ấn Độ ngày xưa để tỏ lòng tôn kính đến người đối diện. Đức Phật dạy Tôn giả Xá-lợi-phất trong Xá-lợi-phất vấn kinh như sau: “Trong đời sống thường nhật tại tự viện như chấp tác, yết kiến Đức Phật, thăm hỏi các vị Trưởng lão, tu tập thì đắp y Ca-sa bày vai phải để cho tiện bề làm việc. Khi đi vào làng khất thực, vào hoàng cung thọ trai, ngồi bên gốc cây để mọi người chiêm bái thì phải che y kín hai vai để hiện tướng phước điền” [9]. Thời tiết tại Ấn Độ nóng, thêm vào đó là truyền thống mặc y phục chừa một bên vai phải nên y phục của Tăng, Ni vẫn dựa vào truyền thống đó mà gìn giữ đến ngày nay.

SỰ THAY ĐỔI VÀ PHÁT TRIỂN

Trong văn hóa Phật giáo Việt Nam, cũng như Phật giáo Nhật Bản và Hàn Quốc, y hậu của Tăng sĩ ít nhiều ảnh hưởng kiểu y áo của Tăng sĩ Trung Hoa. Tuy nhiên về màu sắc, Tu sĩ Việt Nam hầu như đều sử dụng màu vàng cho y hậu, có số ít sử dụng y đỏ (thường là các bậc Trưởng lão). Về cơ bản có sự đồng nhất, tuy nhiên do mức độ đậm nhạt của màu sắc y hậu nên ta chỉ có một sự đồng nhất tương đối. Bên cạnh y hậu, Tu sĩ Phật giáo Việt Nam còn có chiếc áo nhật bình (hoặc tràng xiên) của riêng mình. Chiếc áo nhật bình màu nâu sồng là một nét khá đặc trưng của Tu sĩ Phật giáo Việt Nam về y phục.

Khi Phật giáo được truyền đến Trung Hoa, do sự tiếp biến và ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến lâu đời, cộng thêm sự dung hòa với Khổng giáo và Lão giáo tại vùng đất này nên y phục của Tăng, Ni Trung Hoa có sự thay đổi cho phù hợp với văn hóa, truyền thống và khí hậu. Đây cũng chính là đặc điểm “bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến” của Phật giáo trong dòng chảy của sự truyền thừa và phát triển. Tăng sĩ Phật giáo Trung Hoa mặc y chừa vai phải không phù hợp với truyền thống phong kiến vốn xem trọng việc kín đáo nho nhã, “y quan chỉnh tề”. Như Tổ sư Đạo Tuyên từng viết trong Thích môn quy kính nghi: “Ở xứ Ấn Độ, khi để bày vai phải và đi chân trần là thể hiện sự cung kính; ở nước Trung Hoa thì khăn giày nghiêm chỉnh, kín đáo là thể hiện sự cung kính” [10]. Từ đó, pháp phục và y phục của Tăng, Ni dần dần được thay đổi để thích nghi với thuần phong mỹ tục và cũng để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Trung Hoa. Do đó, những bộ y hậu (áo hậu) ảnh hưởng theo kiểu y phục của các đạo sĩ Lão giáo được ra đời và trở thành pháp phục phổ biến của Tăng, Ni. Y Ca-sa dần trở thành lễ phục chỉ được đắp mặc khi làm lễ bái, cúng tế, giảng pháp hoặc vào hoàng cung. Theo thời gian, y Ca-sa bị thay đổi về kích thước và ít khi sử dụng. Y An-đà-hội và y Uất-đà-la-tăng dần bị thay đổi và trở thành những chiếc quần và chiếc áo sử dụng hằng ngày. Đại y cũng thay đổi về kích thước cho nhỏ hơn và trở thành lễ phục ít khi được sử dụng đến.

Luật có quy định: vị Tỳ-kheo-ni đi vào thôn làng mà không mặc Tăng-kỳ-chi (áo lót, yếm che ngực) thì phạm Ba-dật-đề [11]. Tăng-kỳ-chi là một loại vải hay áo lót mặc bên trong để che từ ngực, hai nách và vai trái trở xuống tới lỗ rốn. Đây là loại y đặc biệt được Đức Phật chế định dành riêng cho Tỳ-kheo-ni. Về sau, các vị Tỳ-kheo cũng sử dụng Tăng-kỳ-chi này để mặc bên trong khi đi vào thôn làng, nếu không mặc sẽ phạm Đột-kiết-la [12]. Như vậy, cả Tăng lẫn Ni đều có thể sử dụng y Tăng-kỳ-chi để che phần vai trái và vẫn chừa vai phải. Khi Phật giáo được truyền đến và phát triển ở Trung Hoa, các Tăng sĩ thường được thỉnh mời vào hoàng cung thuyết pháp, giảng đạo, việc lộ vai và tay phải bị coi là không hợp lẽ nên mới may thành áo phú kiên để che phần tay và vai phải. Sự kết hợp giữa Tăng-kỳ-chi và phú kiên tạo thành một loại áo che kín cả hai vai và được gọi là áo thiên sam. Trong Thích thị yếu lãm có ghi lại: “Người nước Ngụy thấy các Tăng sĩ Phật giáo mặc y để lộ khuỷu tay trái và cho đó là điều không thích hợp, không tốt đẹp. Vì lý do đó, áo thiên sam ra đời để mặc lót bên trong che phần tay trái bị lộ ra ngoài” [13]. Đây chính là tiền thân của chiếc áo hậu của Tăng, Ni sau này.

Về sau, thêm một lượt kết hợp giữa áo thiên sam và quần (y nội) đã tạo thành một loại áo mới ra đời, đó là áo trực chuyết. Theo Truyền thông ký nhữu sao ghi lại: “Vào đời Đường, ngài Thiền sư Huệ Hải Đại Trí ở Bách Trượng sơn là vị đầu tiên đã kết hợp nối áo thiên sam và quần để tạo thành một loại áo dài che kín từ hai vai đến gót chân gọi là áo trực chuyết” [14]. Thể theo quy chế phong kiến Trung Hoa xưa, các sĩ phu đều phải mặc áo bào khi tiếp khách hoặc có việc đi ra ngoài. Dần dần, tới triều đại Hậu Hán, áo bào trở thành triều phục của các quan lại khi vào triều. Khi ấy, các Tăng sĩ thường vào hoàng cung để thuyết giảng nên pháp phục phải có sự thay đổi cho phù hợp. Như vậy, từ áo trực chuyết này lại một lần biến đổi, kết hợp giữa áo trực chuyết và chiếc áo bào của Trung Hoa xưa để hình thành nên chiếc áo hậu như ngày nay.

Chiếc áo hậu của Tăng, Ni mặc ngày nay có tên gọi ban đầu là áo hải thanh, ý nghĩa là thể hiện sự mênh mông, dung chứa vạn vật muôn loài của đại dương, sự phóng khoáng của biển cả. Thật ra, vào thời nhà Ngô, những áo nào có tay rộng đều được gọi là áo hải thanh [15]. Theo lời giải thích của Pháp sư Tinh Vân, hải thanh là tên của chim kền kền, nó thường sống và bay lượn ở biển Liêu Đông và tay áo hậu có hình dáng giống đôi cánh chim hải thanh nên dùng đặt cho y phục của Tăng sĩ [16]. Vào thời Đường, áo hải thanh được xem như một trào lưu trang phục thịnh hành, bất kể Tăng hay tục đều sử dụng áo hải thanh tay rộng này. Thời gian thay đổi, triều đại thay đổi, từ từ mọi người cũng phải thích nghi với xã hội nên áo hải thanh bị mai một, mọi người chỉ ưa chuộng những áo quần gọn gàng, dễ di chuyển. Duy nhất chỉ còn lại giới Tăng sĩ gìn giữ bộ áo hải thanh kín đáo, trang nghiêm cho đến nay. Tuy không phải là bộ pháp phục truyền thống Phật giáo nhưng đã trở thành một lễ phục phổ thông của Phật giáo hiện đại.

Chấp nhận thay đổi theo xã hội nhưng chiếc lễ phục Phật giáo vẫn còn có những nét riêng đặc trưng Phật giáo. Các vị Tổ sư tiền bối không hoàn toàn thay đổi theo xã hội mà lồng ghép vào đó để gìn giữ những nét tiêu biểu của Phật giáo. Điều này được thấy rõ nhất ở cổ áo hải thanh được may chồng ba lớp vải tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo, vì thế cổ áo này gọi là Tam bảo lĩnh. Ở đoạn trước, có nói phần cuối của cổ áo có may năm mươi ba đường chỉ tượng trưng cho thuyết về Thiện Tài đồng tử [17] đã đến tham vấn với năm mươi ba vị thiện tri thức ở các nước phương Nam để học đạo, cầu đạo giải thoát [18]. Miệng tay áo của người thế tục thì để hở ra, còn miệng tay áo hậu của Tăng, Ni được may kết dính lại. Đây cũng là một nét đặc trưng riêng của Tăng bảo.

Ngày nay, chư Tăng, Ni Phật giáo Việt Nam mặc áo hậu nhưng chỉ là áo hậu trơn, không theo khuôn khổ của áo hải thanh Trung Hoa. Đây chính là một nét đặc trưng riêng của pháp phục Phật giáo Việt Nam không phải luôn luôn tương đồng với Trung Hoa. Áo hậu trở thành một pháp phục truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nói đến, lễ phục của Tăng, Ni gồm có áo hậu đắp bên trong và y Ca-sa màu vàng đắp bên ngoài. Áo hậu của Tăng màu vàng và màu lam dành cho Ni [19]. Tuy không còn hình tướng cổ Tam bảo lĩnh nhưng được chế định để thành những nếp gấp trước cổ áo để phân biệt được giáo phẩm của các vị Tỳ-kheo. Đối với đại chúng, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thì cổ áo có một nếp gấp, với giáo phẩm Thượng tọa và Ni sư thì cổ áo có hai nếp gấp, với giáo phẩm Hòa thượng và Ni trưởng thì cổ áo có ba nếp gấp. Đó là chiếc áo hậu của Tăng, Ni Việt Nam thường sử dụng.

Ngoài lễ phục sử dụng khi hành lễ ra, Tăng, Ni Việt Nam còn có hai chiếc áo đặc trưng của Việt Nam, đó là chiếc áo nhật bình và chiếc áo vạt hò (hay vạt khách). Áo nhật bình trong Phật giáo là một sản phẩm chế tác từ ý kiến của Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh (1868-1928) [20]. Vốn xuất thân từ Huế, Hòa thượng đã có ý nghĩ chế tác ra chiếc áo nhật bình dành cho Tăng, Ni sử dụng. Nhật bình vốn xuất xứ từ chiếc áo dài tứ thân của người phụ nữ Bắc bộ. Chiếc áo này được nâng lên một vị trí mới, dành riêng cho các mệnh phụ phu nhân, các hậu cung, phi tần sử dụng trong triều nghi với tên gọi là áo trực lĩnh, nghĩa là cổ áo thẳng [21]. Áo trực lĩnh có cổ áo cao, hình chữ nhật dài xả dọc giữa thân trước, có dây buộc hai vạt lại với nhau tạo thành một dải hình chữ nhật trước ngực nên gọi là áo nhật bình. Riêng đối với Tăng, Ni, áo nhật bình có một đặc biệt là có chiếc yếm trên cổ để kéo ngang qua trước ngực và cài lại, tránh cổ áo bị bung khi di chuyển và làm việc. Đây chính là nét tinh tế của chiếc áo nhật bình thể hiện sự kín đáo và trang trọng. Bên trong có nút bấm, bên ngoài có một hàng nút gài ở giữa dài từ trên xuống dưới áo. Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh chế tác chiếc áo nhật bình có nhiều nút ở giữa là để vị Sa-di khi mặc áo phải biết an trú tâm trong từng cử chỉ, hành động khi cài nút từ trên xuống. Khi cài xong nút, một tay cầm lai áo phía dưới còn tay kia cầm giữa thân áo kéo cho thẳng rồi mới được đi ra ngoài. Như vậy, chính là tu – mặc áo trong chánh niệm. Ở Huế, áo nhật bình chỉ dành riêng cho các vị tân Tỳ-kheo, tân Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na và các chú điệu mặc, riêng với áo tràng xiên thì mới dành cho các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni từ trung hạ trở lên. Ngoài ra, áo nhật bình còn một kiểu biến cách khác, chính là áo nhật bình lửng, nghĩa là chỉ dài tới gối, dùng để mặc trong phạm vi tự viện, không được sử dụng khi ra ngoài. Tuy nhiên, ngày nay, đa phần thì Tăng, Ni đều thoải mái hơn trong việc sử dụng hai loại áo này để mặc khi đi đường, đều thể hiện sự kín đáo, trang nghiêm và một nét đặc trưng trong pháp phục của Tăng, Ni Phật giáo Việt Nam.

Ngoài lễ phục sử dụng khi hành lễ ra, Tăng Ni Việt Nam còn có hai chiếc áo đặc trưng của Việt Nam, đó là chiếc áo nhật bình và chiếc áo vạt hò hay vạt khách. (Ảnh áo nhật bình). Ảnh: phamnghiemtrai.com.vn

Còn một trang phục đặc trưng của Phật giáo Việt Nam đó chính là chiếc áo vạt hò hay còn gọi là áo vạt khách. Đây là một loại thường phục phổ biến được Tăng, Ni sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày tại tự viện. Chiếc áo vạt hò này hoàn toàn khác với chiếc áo la-hán vốn xuất thân từ Trung Hoa. Áo vạt hò hoàn toàn là của Việt Nam nhưng cũng được thoát thai từ chiếc áo của những lưu dân người Trung Hoa làm khách trú tại Việt Nam. Thay vì có hàng nút gài ở giữa thân trước ngực, áo vạt hò được chế tác thêm một miếng vải kéo ngang qua bên hông và nút cài một hàng từ cổ áo kéo xuống nách và xuống thắt lưng. Như vậy, áo vạt hò và chiếc áo nhật bình lửng là hai chiếc thường phục được Tăng, Ni sử dụng hằng ngày trong sinh hoạt, lao động nội tự viện. Qua đó, có thể hình dung được những y phục của Tăng, Ni Phật giáo Việt Nam với những đặc điểm sau:

– Lễ phục: Áo tràng tay rộng là mặc làm áo hậu bên trong, màu vàng dành cho Tăng và màu lam dành cho Ni. Bên ngoài đắp y Ca-sa màu vàng với điều tướng tùy theo đạo hạnh và giáo phẩm.

– Giáo phục: Áo tràng tay nhỏ (áo tràng xiên) dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, còn Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na mặc áo nhật bình. Về màu sắc thì Tăng mặc màu nâu và Ni sử dụng màu lam, riêng vị Tỳ-kheo giáo phẩm có thể mặc màu vàng sậm cũng được. Đây cũng là y phục đi đường dành cho Tăng, Ni.

– Thường phục: áo vạt hò và áo nhật bình lửng màu lam, màu nâu cho phù hợp trong sinh hoạt hằng ngày.

Có thể nói, lịch sử du nhập và truyền thừa của Phật giáo đã tạo nên sự đa dạng của Phật giáo ở các địa phương, lãnh thổ khác nhau. Tăng phục của Phật giáo ngoài sự đa dạng còn mang những nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, quốc gia. Phật giáo Việt Nam cũng ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa nhưng không vì đó mà đánh mất đi truyền thống của dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã hình thành nên một pháp phục Phật giáo riêng của Việt Nam. Đây cũng chính là thể hiện đặc tính dung dị của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ phát triển.

 

Chú thích:

* Tỳ-khưu Định Phúc, Nghiên cứu sinh khóa I của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

 

[1] Thượng tọa bộ Theravāda không phải là Trưởng lão bộ trong thời kỳ đầu tiên của sự phân chia bộ phái Phật giáo. Thượng tọa bộ Theravāda ngày nay là hệ quả của sự phân chia vào thời kỳ sau, bắt nguồn từ Xích đồng diệp bộ (P. Tambapanniya, Sk. Tāmraśātīya), mà bộ phái này được tách ra từ Phân biệt thuyết bộ (P. Vibhajjavāda; Sk. Vibhajyavāda).

[2] Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Nhiệm kỳ VIII (2017-2022), ban hành ngày 18/9/2018, tr.24-25.

 [3] Pāli (N.P. 1), Tứ phần (Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề 1), Ngũ phần (xả đọa 1).

 [4] Thích Đỗng Minh (dịch) (2019), Luật Tứ Phần, Tập 2, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1351. Thích Đỗng Minh (dịch) (2018), Di-sa-tắc Bộ Hòa Hê Luật Ngũ Phần, Tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.193.

 [5] Đại sư Đạo Tuyên (2017), Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma, Đức Nghiêm, Đức Thuận, Đức Thuần (dịch), Nxb Hồng Đức, Hà Nội,  tr.132.

 [6] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 76, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.675

[7] Thích Nhật Từ (2020), Bản sắc hóa pháp phục Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành & phát triển,Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 02/11/2016, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, tr.442.

[8] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 82, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.83

 [9] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 82, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.10

[10] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 166, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.302.

[11] Thích Đỗng Minh (dịch) (2019), Luật Tứ Phần, Tập 1, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.1000-1001. Thích Đỗng Minh (dịch) (2018), Di-sa-tắc Bộ Hòa Hê Luật Ngũ Phần, Tập 1, Nxb Hồng Đức, tr.613.

 [12] Thích Đỗng Minh (dịch) (2018), Di-sa-tắc Bộ Hòa Hê Luật Ngũ Phần, Tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.198.

 [13] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 200, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.46

 [14] Thích Tâm Mãn (2010), Lược khảo áo hậu trong Tăng phục Phật giáo Bắc truyền [Online], viewed 20/04/2021, from <http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dd-dao-phat/4879-Luoc-Khao-Ao-Hau-Trong-Tang-Phuc-Phat-Giao-Bac-Truyen.html>.

 [15] Tường Vân (2013), Lễ phục – Pháp khí – Pháp cụ, Thích Thiện Phước (dịch), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.146.

 [16] Tường Vân (2013), Lễ phục – Pháp khí – Pháp cụ, Thích Thiện Phước (dịch), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.147.

 [17] Thiện Tài đồng tử (Sudhanakumāra) là một cậu bé người Ấn Độ, con trai của một trưởng giả ở Phúc Thành. Trong thời gian mang thai, gia đình của ông trưởng giả luôn xuất hiện nhiều điềm lành và những tài sản quý báu. Vì thế, khi đứa bé được sinh ra, mọi người đặt cho tên là Thiện Tài (Sudhana). Về sau, Thiện Tài được Bồ-tát Văn Thù chỉ dạy và lên đường tầm đạo giác ngộ. Thiện Tài đã đi khắp xứ sở ở phương Nam và tham vấn, học hỏi, cầu đạo với năm mươi ba vị thiện trí thức. Cuối cùng, Thiện Tài gặp được Bồ-tát Phổ Hiền và chứng được pháp vô sanh.

[18] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 41, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.437.

 [19] Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018), Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Nhiệm kỳ VIII (2017-2022), ban hành ngày 18/9/2018, tr.24.

 [20] Tâm Quang (2009), Vài nét tiểu sử về Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh [Online], viewed 21/04/2021, from <http://hoangphap.info/newstextdisplaydetailsaspx?CONTENTID=1307&ID=33>.

 [21] Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.342-343.

Các tin đã đăng: