Triết lý trong bài thơ Hữu không của thiền sư Từ Đạo Hạnh
24/03/2011 01:58 (GMT+7)


Từ đi nhiều nơi, hỏi nhiều nhà sư về Chân Tâm. Được Trí Thông trả lời bằng một bài kệ:

Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm

Cá trung mãn mục lộ Thiền Tâm

Hà sa cánh thị Bồ Đề Đạo

Nghĩ hướng Bồ Đề cách vạn tầm

Ngô Tất Tố dịch thơ:

Mình ngọc vang đưa tiếng ảo huyền

Ở trong vẫn lộ tấm lòng thiền

Cát sông là cõi Bồ Đề đó

Mà tưởng còn xa mấy dặm nghìn

Từ Đạo Hạnh hoang mang không hiểu. Lại đi hỏi. Được Sùng Phạm trả lời: Hà ná cá bất thị chân tâm? (Cái gì mà chẳng là chân tâm?).

Lần này, Từ hốt nhiên tỉnh ngộ, bèn hỏi tiếp: Như hà bảo nhậm? (Làm thế nào bảo nhậm?). Sùng Phạm trả lời: Cơ thực khát ẩm! (Đói ăn khát uống!). Đó chính là thiền và sự hành thiền.

Sau khi đã ngộ, Từ có một bài thơ (kệ) Hữu không nổi tiếng nói về vấn đề bản thể luận và nhận thức luận của mình về vũ trụ: vấn đề hữu / không, to be or not to be (câu nói “Tồn tại hay không tồn tại” trong vở kịch Hamlet của W. Shakespeare):

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không.

Dịch nghĩa:

Bảo có, bụi cát đều có

Bảo không, hết thảy đều không

Có, không ví như nước phản chiếu mặt trăng

Chớ chấp có, phả nhận không, cả hai đều không phải là thực tại tuyệt đối thường hằng

Thanh Từ dịch thơ:

Có thì muôn sự có

Không thì tất cả không

Có, không trăng đáy nước

Đừng mắc có cùng không.

Đây là bài thơ vừa bàn về bản thể luận vừa về nhận thức luận. Hai câu thơ đầu là một giả thiết: Có thì đến cái nhỏ nhất (hạt bụi) cũng có, mà không thì đến cái lớn nhất (tất thảy) đều là không. Tiếp đến là một hình ảnh-ẩn dụ “trăng đáy nước” để nói đến vấn đề có, không vì nó vừa là thực vừa là ảo. Nó tùy thuộc vào cái (nhận) “thức” của con người. Đến đây thì cái giả thiết nêu ở trên đã trở thành kết luận. Như vậy, vấn đề bản thể luận đã được giải quyết xong. Còn vấn đề nhận thức luận? Bài thơ chỉ vẹn vẻn 20 chữ mà từ hữu / không được nhắc đi nhắc lại tới 9 lần. Điều này chứng tỏ hữu / không chỉ là tương đối: Một sự chuyển vận, thay thế không ngừng. Đã vậy, đừng mắc vào có và cũng đừng mắc vào không. Hãy cứ sống đi.

Nói vậy, nhưng là phận người thì không thể không (thắc) mắc. Có như vậy thì triết học và khoa học mới có thể phát triển được. Vật lý học hiện đại ngày nay cũng mắc phải vấn đề có / không. Hóa ra khoa học khách quan cũng không thuần túy khách quan nữa, mà đã có sự tham dự của chủ thể nghiên cứu, tức là chủ quan. Vật chất vừa là sóng vừa là hạt. Thế giới vừa là khả năng (cái chưa biết) vừa là hiện thực (cái đang có). Vậy cái gì đã làm cho vũ trụ rơi vào tình trạng “lưỡng thể” như vậy? Theo nhà vật lý Stapp, thì có một chất liệu mà từ đó cả vật chất lẫn ý thức bắt nguồn. Vật lý học đến đây có lẽ phải thay đổi hệ hình (paradique) tư duy: Cái biết có khi phải dựa vào cái tin. Đây chính là chỗ gặp nhau của khoa học và tôn giáo. Bởi vậy, những luận đề của tôn giáo về bản thể học trở nên hấp dẫn các nhà vật lý. Họ phần nào tìm thấy những câu trả lời ở Lão Tử, đặc biệt ở Long Thọ, với lý thuyết Trung quán và Duy thức. Họ tiến tới một sự kết hợp kỳ lạ “Đạo của vật lý” (tên cuốn sách của Fritjof Capra, NXB Trẻ, 1999). Như vậy, từ một bài thơ của Từ Đạo Hạnh của thế kỷ XI cho phép chúng ta mở rộng cõi suy tư đến những vấn đề còn đang thao thức của thế kỷ XXI.

Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy - QĐND

Các tin đã đăng: