Cho đến nay, vẫn có nhiều người biết đến Chùa Phật Cô đơn với nhiều sự
tích khác nhau. Có người cho rằng, họ đi chùa thấy có một bức tượng
Phật ngồi một mình mà không có bề trên bề dưới hầu hạ nên gọi Phật cô
đơn. Còn nhiều người tìm hiểu kỹ hơn, họ truyền tai nhau rằng, ngày
trước do cảnh chiến tranh loạn lạc, người dân nơi đây chạy trốn bom
đạn, còn riêng một tượng Phật vẫn ngồi lại đó, trơ trọi giữa cánh đồng
hoang.
Sự thật về Phật cô đơn
Sau này, người dân thấy tượng Phật ngồi
giữa mưa nắng không có ai che chắn nên lấy bạt dậy lên tượng mỗi khi
trời mưa, gió. Điều làm cho họ bất ngờ là mỗi khi che chắn xong thì tự
nhiên tấm bạt bay mất mặc cho mưa gió vẫn ào ào đổ xuống. Việc này
khiến người dân vẫn vô cùng sửng sốt. Hình ảnh đó làm cho người ta nghĩ
đến một sự ly kỳ khó hiểu. Họ lại mường tượng về một hiện tượng siêu
nhiên. Cũng từ đó, người dân lại càng tin vào đức linh thiêng của
Phật. Sau này, nơi đây được xây thành chùa để thờ cúng.
Ngày ngày người dân TP.HCM và các tỉnh
lân cận vẫn nườm nượp đổ xô lên chùa Bát Bửu Phật Đài (Phật Cô Đơn) để
đi cầu phúc, cầu an, cầu duyên... Người ta vẫn đồn thổi nhiều sự tích
về chùa này nhưng chưa tìm được lời giải thích chính xác. Theo nhiều
tài liệu, chùa Phật Cô Đơn còn có tên Bát Bửu Phật Đài (nằm tại ấp 1,
xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ngôi chùa này được xây dựng
trên một khu đất rộng hơn 10 hecta, trước mặt là cánh đồng trồng dứa
mênh mông. Phật đài của chùa được thiết kế theo kiến trúc hình bát
giác, cao 3m, tầng trên tôn trí tượng Phật Thích Ca cao 7m, nặng khoảng 4
tấn do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc năm 1957 và cư sĩ Ngô Chí
Bình thỉnh từ chùa Xá Lợi về.
Trải qua những năm tháng chiến tranh,
bom đạn đã tàn phá xóm làng, thiêu rụi cả chùa. Chỉ riêng ngôi Phật đài
với kim thân Đức Phật vẫn sừng sững nơi hoang vắng. Chính vì thế,
người dân địa phương đã gọi tòa di tích này là “Phật Cô Đơn”. Năm 1988.
Thành hội Phật giáo TP.HCM đã giao cho thượng tọa Thích Thiện Bổn
nhiệm vụ trụ trì, từng bước chỉnh trang và xây dựng khu di tích. Đến
nay, Bát Bửu Phật Đài đã trở thành một khu tham quan, chiêm bái hấp
dẫn, thu hút hàng vạn người đến mỗi ngày.
Tượng Phật Cô Đơn, nơi cầu duyên nhiều nhất
Tìm đến cửa chùa để “kén vợ, chọn chồng”
Thời gian sau giải phóng, người dân vẫn
tin tưởng vào sự thiêng liêng của chùa này. Chính vì thế, ngày ngày
người dân vẫn đến đây cầu nguyện. Có mặt tại chùa, chúng tôi được nghe
những người đến cầu phúc cầu duyên ở đây tâm sự. Mỗi người một cảnh
đời khác nhau, song họ luôn tin tưởng vào một phép màu sau khi đi đến
chùa phật Cô Đơn.
Anh Lê Tài (37 tuổi, nhà ngụ Long An)
cho biết: Chủ nhật tuần nào anh cũng dẫn vợ con lên đây cầu nguyện cho
gia đình. Anh Tài cho biết: “Gia đình tôi dưới quê nghèo lắm. Hai vợ
chồng tôi suốt ngày đi làm công nhân. Con cái phải gửi cho ông bà ngoại
trông dùm. Ngày trước tôi nghe bà con dưới quê kể chuyện về chùa phật
Cô Đơn khiến tôi vô cùng tò mò. Chuyện là hồi tôi 30 tuổi, do hoàn cảnh
nghèo khó nên chỉ biết vùi đầu kiếm tiền để lo chi phí thuốc thang,
tiền viện cho mẹ. Tuổi thanh xuân rồi cũng trôi qua mau, tôi 30 tuổi mà
không có ai thương. Mấy bà hàng xóm thấy tôi cứ thui thủi làm ăn nên
khuyên đi cầu duyên ở chùa Phật Cô Đơn ở TP.HCM.
Ngày ấy, mẹ anh Tài cũng muốn con trai
xây dựng gia đình. Đang nằm trên giường bệnh bà ghé tai con nói nhỏ nói
nhỏ: “Con cứ nghe bà Năm, đi thử lần xem sao. Biết đâu cầu cho mẹ
khỏi bệnh nữa cũng nên”. Thế rồi tranh thủ ngày Chủ nhật, anh Tài đón
xe đò lên TP.HCM đi chùa. Trong thâm tâm anh chủ yếu cầu cho mẹ mau
khỏi bệnh. Trên đường về, khi ngồi trên xe, tôi thấy một thanh niên lăm
le giật lấy túi xách của một cô gái. Lúc sau, hắn giật túi xách rồi
chạy lẫn vào đám đông. Cô gái chỉ đứng kêu gào còn tôi và mấy người
trên xe đuổi theo tên cướp. Chúng tôi chạy mãi vào một con hẻm tóm cổ
được hắn, bắt hắn trả lại túi xách cho cô gái.
Thật tình cờ, sau đó năm tháng, công
ty tôi tuyển công nhân, cô gái ấy lại vào làm cùng. Thậm chí là cùng tổ
với tôi. Thế rồi tình yêu nảy sinh từ đó. “Chẳng bao lâu, tôi nên
duyên vợ chồng cùng cô gái từng được mình giúp. Còn căn bệnh đau ruột
thừa của mẹ cũng thuyên giảm hẳn. Nay chúng tôi đã có con gái 7 tuổi.
Chính vì vậy, cứ Chủ nhật là tôi lại dẫn vợ con lên chùa Phật cô đơn
cầu nguyện sự bình an cho gia đình. Mặc dù thấy việc tìm được vợ sau
khi đến chùa chỉ là ngẫu nhiên nhưng tôi nhớ đến chuyến đi mà vợ chồng
được gặp nhau”.
Còn Vân Anh (22 tuổi, sinh viên một
trường cao đẳng trên địa bàn TP.HCM) lại có quan điểm khác: “Em thì
quan niệm đến với chùa để tìm niềm vui cho chính mình. Gia đình em ở
Gia Lai. Trong một tai nạn xe máy đầu năm, ba mẹ đã ra đi, để lại em
đơn độc một mình. Còn lại bà ngoại, người cuối cùng mà em nương tựa
cũng mới mất. Em ráng học hành để mong sau này tìm được công việc làm
tại TP.HCM. Những ngày rảnh rỗi, em hay lên chùa tìm cho mình một cảm
giác bình yên sau những ngày học tập và công việc làm thêm mệt mỏi. Và
biết đâu em lại tìm được một nửa của chính mình”.
Cổng Chùa Phật Cô Đơn
Nơi dừng chân của những mảnh đời bất hạnh
Đến với chùa phật Cô Đơn, nhiều người
nghèo nghĩ đơn giản rằng mình cũng cô đơn như bức tượng Phật. Họ đến
đây để tìm sự an ủi động viên cho chính mình. Bước vào chùa, người ta
dễ dàng nhận thấy có hàng chục mảnh đời bất hạnh đang trú ngụ. Họ hành
nghề bán vé số, nhiều người già không đi đứng được thì ngồi bên cửa
chùa mong một sự bố thí của khách thập phương. Bà Mơ, năm nay đã 80
tuổi trên tay lúc nào cũng cầm chiếc gậy tre và cái giỏ xách cũ kĩ. Nói
chuyện với PV, bà kể về chuyện đời long đong của mình: “Bằng này tuổi,
người ta con cháu đầy đàn, còn mình phải lang thang xin ăn. Thật buồn
tủi với số phận. Ngày trước tôi vô phúc lấy phải người chồng bê tha rượu
chè. Một thời gian chồng bỏ đi, để lại cho bà đứa con nhỏ, rồi con
cũng bệnh ra đi sớm”. Một mình bà mưu sinh đủ thứ nghề như bán vé số,
làm phụ hồ.... Khi về già, bệnh tật triền miên, được đồng nào bà dốc
hết chữa bệnh. Bây giờ hết tiền, sức khỏe yếu, bà phải nhờ sự bố thí
của khách thập phương khi họ đi chùa.
Còn ông Hai, gần 70 tuổi, có gia đình
và vợ con ở quận 8, TP.HCM. Ông quyết định lên ở hẳn ở chùa làm công
quả. Ông Hai chia sẻ: “Cuộc sống bon chen bên ngoài làm tôi mệt mỏi
lắm. Nay đã về già, muốn tìm cho mình một nơi yên tĩnh, không mưu toan
vụ lợi gì nữa. Tôi quyết định về đây những ngày cuối đời và mong với
sự linh thiêng của Phật Cô Đơn, những người có hoàn cảnh hay tâm sự
trắc trở sẽ được giải thoát”. Ngoài ông Hai, bà Mơ, còn có hàng chục
mảnh đời khác cũng đến chùa như một lẽ tự nhiên. Đó là những em bé bị
viêm não Nhật Bản ở miền Tây được gia đình cho hành nghề ăn xin lên
nương nhờ cửa Chùa, là những cụ già tóc bạc lơ phơ bán vé số....
Theo Ái Minh - NĐT