Dương Phú Hiến và những pho tượng Phật cổ
05/07/2011 08:12 (GMT+7)

       Còn nhớ, vào năm 2008, nhân dịp Đại lễ Phật Đản của LHQ lần thứ V được tổ chức tại Việt Nam, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhà sưu tầm cổ vật Dương Phú Hiến đã cho ra mắt  bộ sưu tập tượng Phật cổ mang tên “Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo châu Á thế kỷ VII - XIX”. Lần đầu tiên ra mắt công chúng thủ đô Hà Nội, bộ sưu tập này đã khiến cho người xem kinh ngạc và thán phục trước vẻ đẹp kì lạ hiếm có của nó. Và mới đây, ngay trước thềm Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ sưu tập lại một lần nữa được ra mắt công chúng ngay tại Khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long và tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.

 








Theo ông Dương Phú Hiến, bộ sưu tập tập trung chủ yếu vào các điêu khắc Phật giáo Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và của dân tộc Chăm. Các tác phẩm này có niên đại từ thế kỉ VII – XIX, được chế tác rất tinh xảo, điêu luyện bằng nhiều chất liệu quý như: vàng, bạc, hợp kim đồng vàng, ngọc, đá quý, và một số ít bằng gỗ quý, gốm… Mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện được sự kì công, khéo léo của người nghệ nhân mà còn chuyển tải một cách sâu sắc những sắc thái triết lí của Phật giáo.
Cũng theo ông Dương Phú Hiến, mỗi thú chơi đều mang một ý nghĩa rất riêng. Ví dụ như chơi cây dưỡng tâm, chơi cá chim dưỡng trí, chơi cổ vật dưỡng thần, thờ Phật dưỡng tâm linh... Chính vì thế từ những năm 60 của thế kỷ XX, chàng sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Dương Phú Hiến đã theo đuổi đam mê gìn giữ những tinh hoa cổ vật, đặc biệt là các tác phẩm tượng Phật cổ của các quốc gia có tín ngưỡng Phật Giáo.
Trải qua đã hơn 30 năm trong việc sưu tầm cổ vật, đến nay ông Dương Phú Hiến đã có một bộ sưu tập đồ sộ về ngọc, gốm sứ… và đặc biệt bộ sưu tập gần 300 bức tượng Phật cổ.
Ông Dương Phú Hiến quan niệm, mỗi cổ vật cũng giống như một cuốn sách, nếu cuốn sách ấy chỉ được một người đọc thì chỉ một người hiểu nhưng nếu được nhân ra thì nó sẽ giúp cho nhiều người được biết đến. Ông mong muốn, trong thời gian tới sẽ thành lập được một bảo tàng không chỉ của riêng mình mà còn cho người dân trong và ngoài nước có thể đến chiêm ngưỡng để hiểu hơn về kho tàng nghệ thuật Phật giáo châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng./.

Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt (Báo ảnh Việt Nam

Các tin đã đăng: