Những kỷ lục Phật giáo khẳng định nền văn hóa Việt
10/04/2010 11:31 (GMT+7)



Tháp chuông chùa Thiên Mụ được coi là tháp cổ nhất Việt Nam – Ảnh: Linh Thoại


Kỷ lục ngôi chùa xưa nhất Việt Nam thuộc về chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu ở Bắc Ninh) xây từ thế kỷ thứ 3; chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam thuộc về chùa Một Cột, xây từ năm 1049; chùa lưu giữ nhiều pho tượng nghệ thuật nhất Việt Nam là chùa Sùng Nghiêm (tức chùa Mía) ở thị xã Sơn Tây, với 287 pho tượng thờ, trong đó có pho tượng thờ bà Thị Kính – tuyệt tác về điêu khắc.


Trong 7 kỷ lục Phật giáo ở miền Trung có tháp chuông chùa Thiên Mụ – tháp hình bát giác xây dựng từ năm 1844 và được coi là tháp cổ nhất Việt Nam. Tháp có 7 tầng, cao 21m, mỗi tầng được trang trí một tượng Đức Phật.


Bộ kinh đầy đủ nhất Việt Nam là bộ kinh Pháp Hoa, hiện được lưu giữ tại chùa Phật Quang (Phan Thiết). Bộ kinh được 3 vị sư trong suốt 28 năm (từ 1704) khắc hết sức tinh xảo 60.000 chữ trên 118 tấm gỗ thị kích thước 0,68m x 0,26m x 0,03m.
Tượng Phật Thích Ca xây năm 2004, cao 27m, ngự tại chùa Linh Ứng ở khu du lịch Bà Nà gần Đà Nẵng là tượng Phật Thích Ca cao nhất Việt Nam.


Tại miền Nam có 26 kỷ lục được ghi nhận, trong đó Tháp Đá chùa Vĩnh Nghiêm khánh thành năm 2003, có 7 tầng, cao 14m được coi là tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam. Tháp đá phủ kín hoa văn, họa tiết điêu khắc với 1 cặp rồng lớn và 27 cặp rồng nhỏ, cánh phượng, lá sen… tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý – Trần.


Tượng Phật Bà bằng gỗ mun nặng nhất Việt Nam dựng tại khu du lịch Suối Tiên (TPHCM) cao 2,6 m, đường kính 0,9 m, nặng 1,6 tấn, ngự trên tòa sen, được tạc từ mọt cây gỗ mun nguyên khối có trên 1.000 năm tuổi.
Chùa Xá Lợi (TPHCM) có tháp chuông cao nhất Việt Nam – 7 tầng, cao 32 m. Chùa Vạn Đức lập năm 1954 ở Thủ Đức – TPHCM có ngôi Chánh điện bài trí tôn nghiêm, cao nhất Việt Nam – 43,5m.


Dự kiến đến năm 2010 sẽ có 100 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được ghi nhận.

Theo TTXVN
TUOITRE

Các tin đã đăng: