Món quà Tết tặng mẹ - Truyện ngắn
20/01/2014 18:46 (GMT+7)

Căn bệnh đã ngấm dần từ những sáng mùa đông buốt lạnh, mẹ dậy sớm dầm sương bón tro giữ nhiệt cho những luống cây đang vào thì con gái. Tôi thương mẹ rát lòng. Thế là uổng công cả một quãng thời gian dài khắc nghiệt mẹ tất tả lo toan, bận rộn…


Mẹ và mùa xuân - Ảnh minh họa từ internet

Chị tôi học đại học ở Hà Nội về nghỉ Tết. Thấy mẹ nằm liệt giường, chị úp mặt vào ngực mẹ khóc nức nở. Tôi cũng thút thít khóc theo. Mẹ thều thào:

- Mẹ chỉ ốm vặt thôi. Mai mốt mẹ lại dậy bán rau chợ Tết được rồi. Các con khóc mẹ xót ruột lắm.

Mẹ vẫn đau đáu nghĩ về những luống rau trong vườn. Tôi biết mẹ đang bận lòng lắm. Bởi lẽ tất cả những chi phí trang trải cho sinh hoạt Tết này của gia đình tôi đều trông chờ cả vào đấy. Hơn nữa, nhà tôi còn nợ mấy chục triệu ngân hàng tiền vay thêm cho bố đi xuất khẩu lao động bên Nga. Bố mới làm hơn hai tháng, chưa ổn định nên chưa có tiền gửi về. Chị tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của mẹ, nghẹn ngào thốt ra hai tiếng “mẹ ơi” thê thiết. Tôi gạt nước mắt rồi chạy xuống bếp đun tiếp nồi nước gừng cho mẹ tắm đang nấu dở.

*

Hai mươi chín Tết. Mẹ đang khù khụ ho, nhưng vẫn nhất quyết dậy từ lúc bốn rưỡi sáng để chuẩn bị hàng rau. Chị tôi hốt hoảng:

- Mẹ ơi! Mẹ chưa khỏi hẳn mà cứ dầm sương muối thế này thì bao giờ mới hết bệnh được. Mẹ vào nhà đi mẹ.

- Mẹ khỏe rồi. Rau vào chính vụ rồi mà không bán Tết, ra giêng sẽ già úa hết, còn ai mua nữa.

Chị tôi trầm tư một lát rồi nói:

- Mẹ ạ. Con gái mẹ lớn rồi. Tết này con sẽ thay mẹ đi bán rau.

- Con chưa bán hàng rau chợ Tết bao giờ, chưa quen việc đâu. Cứ để mặc mẹ.

Đúng lúc đó, bố từ phương trời Âu xa xôi điện thoại về:

- Mẹ nó đang ốm. Tết năm nay không đi bán rau chợ đâu nhé. Ở nhà mà nghỉ ngơi, giữ sức. Giàu thì cũng giàu rồi. Cứ coi như của đi thay người.

Mẹ luôn tôn trọng ý kiến của bố, nhưng vẫn còn do dự. Rồi chị thuyết phục mãi mẹ mới chịu vào nhà.

*

Tôi cũng lon ton xuống vườn giúp chị hái rau. Những bó rau của tôi trông vụng về và không cân xứng bằng của chị. Khi đã để lẫn vào nhau trong chiếc rổ nan nhỏ, tôi toàn chỉ vào những bó rau gọn gàng và bắt mắt nhất, cướp công chị:

- Đây là bó của em.

Chị cười dịu dàng:

- Bó nào xấu nhất trong cái rổ này là của chị, được chưa nhóc?

Tôi cười tít mắt:

- Quá chuẩn!

Loay hoay mãi từ lúc còn tảng sáng lờ mờ, cho đến lúc mặt trời lộ rõ phía dãy núi màu lam đằng xa, chị em tôi cũng chuẩn bị xong gánh hàng Tết. Tôi thở phào:

- Hoàn thành giai đoạn một!

*

Nắng đã bừng lên những sợi hồng ấm áp. Chị em tôi nghe kỹ lời mẹ dặn dò rồi “khởi hành”. Trông cái dáng chị liêu xiêu gánh gồng hai rổ rau đầy mà thấy thương thương chị quá. Tôi bảo:

- Hay chị cho em gánh thử thay chị một đoạn.

Chị ồn tồn:

- Tuổi của em, xương đang phát triển, nếu gánh nặng sẽ bị vẹo cột sống đấy. Bấy nhiêu rau có đáng là bao. Ngày trước còn ở nhà, chị gánh hai sọt cỏ đầy cho trâu có sao đâu.

- Dạ! Khổ thân chị. Trông chị giống Sa Tăng quá!

- Còn em là Tôn Ngộ Không.

Chị em tôi cứ đùa nhau như thế. Đoạn đường mấy cây số dằng dặc dường như ngắn lại. Phía xa chợt Tết đã hiện ra thấp thoáng. Tôi háo hức lắm.

*

Chợ Tết đông nghịt người, rực rỡ sắc màu và huyên náo âm thanh. Hàng hóa được bày bán la liệt. Ngoài kia, gần cổng chợ nhộn nhịp, có nhiều trò chơi hấp dẫn dành cho trẻ em, nhưng tôi phải trông hàng hộ chị. Hàng rau của chúng tôi khá thưa thớt. Một phần vì cái chỗ chị em tôi được người ta phân công ngồi bán rất khuất tầm mắt. Phần khác vì rau Tết tràn lan. Tôi ngồi ngẩn ngơ ngắm chị. Sau một năm lên thành phố học chị vẫn không thay đổi nhiều. Chị gái thần tượng của tôi vẫn giữ được những nét đẹp “quê mùa” ngày xưa, kín đáo, giản dị, dịu dàng và điềm đạm. Chị tôi là sinh viên đại học ngoại ngữ. Suốt những năm tháng đầu tiên sống giữa mảnh đất Hà thành đầy bon chen, chị tôi đã nỗ lực đi làm gia sư và hướng dẫn viên du lịch ngoài giờ để tự trang trải cho chi phí học tập và sinh hoạt đắt đỏ nơi đất khách. Tôi khâm phục chị lắm. Gần hai mươi tuổi đầu rồi mà chưa có lấy một mảnh tình vắt vai. Người trong xóm ai cũng khen chị tôi đẹp người đẹp nết.

Trưa. Chợ vãn dần. Thế mà chúng tôi vẫn còn non nửa rổ rau. Tôi sốt sắng:

- Thế là ế ạ chị?

Chị tôi vẫn bình tĩnh:

- Chị vẫn hy vọng thần may mắn sẽ hiểu cho hoàn cảnh của chị em mình.

Chúng tôi ngồi kiên nhẫn và cũng bán thêm được một số mớ rau nữa nhưng xem chừng không thể bán hết. Khi chúng tôi chuẩn bị sửa soạn dọn hàng thì một ông Tây cao lớn xuất hiện. Chị tôi nói chuyện với ông, xì xồ những điều gì đó không rõ. Tôi chỉ nghe được mỗi hai từ “Hello” mở đầu và “Thank you” lúc kết thúc. Rồi ông Tây mua hết số rau còn lại.

Đợi ông ấy đi hẳn, tôi hỏi chị. Chị kể. Ông ấy muốn mua rau, nhưng lang thang mãi mà chưa mua được vì người bán hàng không biết tiếng Anh. Ông nói mãi họ chẳng hiểu. May mà gặp quầy hàng của chị em tôi. Đúng là thần may mắn còn mỉm cười với “những người bán hàng nghiệp dư”.

Chị tôi cầm những đồng tiền gấp vuông vắn trong lòng tay trắng hồng, hỏi:

- Chị sẽ thưởng em một món quà. Em muốn mua gì nào?

Mặc dầu nhắc đến quà Tết, tôi nghĩ ngay tới những chiếc bóng bay, những món đồ chơi bày bán rộn ràng gần cổng chợ mà tôi nhìn thấy lúc sáng, nhưng rồi tôi đáp:

- Thôi chị ạ. Để dành tiền cho mẹ mua thuốc.

Chị chùng giọng:

- Ừ…

Tôi biết rằng số tiền bán rau cũng chẳng đáng là bao trong khi còn hàng chục khoản quan trọng khác cần mua hơn. Nhưng bất chợt, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảo chiếc áo nâu sờn sứt chỉ của mẹ.

- Chị ơi. Chiếc áo mẹ thường mặc đã cũ lắm rồi. Hay chị em mình mua cho mẹ một chiếc áo mới.

Chị khoác tay lên vai tôi:

- Ôi! Chị vô tâm quá. Thế mà chị không nghĩ ra. Cảm ơn em!

*

Khi chị em tôi về đến nhà thì thấy mẹ đang lúi húi quét vuông sân nhỏ. Tôi nhanh nhảu chạy vào đặt chiếc áo mới lên tay mẹ rồi khoe:

- Mẹ ơi. Chị em con bán hết rau rồi. Còn có cả quà tặng mẹ nữa đấy.

 Mẹ cầm chiếc áo:

 - Áo mẹ vẫn còn lành lặn mà. Mua cho mẹ làm gì cho tốn kém. Có mua thì mua cho hai chị em mỗi đứa một bộ.

Chị đặt quang gánh xuống, rồi đỡ vai mẹ:

- Mẹ đã vất vả vì chúng con mà mặc áo vá suốt bao mùa sương nắng rồi. Tết năm nay, chúng con muốn mẹ thật đẹp. Đấy là ý tưởng của em con đấy mẹ ạ!

Mẹ ôm hai chị em vào lòng, đôi mắt ngân ngấn nước…

Các con lớn thật rồi!

Truyện ngắn Phan Đức Lộc

Các tin đã đăng: