Cách từ đường họ Mạc xóm Kiều
Thôn vài trăm mét, là ngôi chùa Phúc Linh của làng Nhân Trai, thuộc xã
Đại Hà (Kiến Thụy, Hải Phòng). Ngôi chùa nhỏ, nằm giữa cánh đồng này
còn lưu giữ vô số cổ vật liên quan đến Vương triều Mạc.
Ngôi chùa khá khiêm tốn trên một gò đất, cổ
kính, cũ kỹ, song lại có cái cổng khổng lồ, cao bằng ngôi nhà 2 tầng,
trông rất không phù hợp. Người trông giữ ngôi chùa cổ từ thời Trần này
là cụ Bùi Hữu Tấc.
|
Rồng đá trông như đám mây là đặc trưng thời Mạc. |
Ngay từ cổng chùa đã thấy những hiện vật
liên quan đến triều Mạc. Cổng chùa đặt 4 linh vật là rồng đá, chạm trổ
rất tinh tế, trong đó có 2 con rồng thời Trần và 2 con rồng thời Mạc.
Rồng thời Mạc rất đặc trưng, cách điệu như một đám mây, nên gọi là “vân
hóa rồng”.
Trong khuôn viên chùa, có hai rùa đá cõng
bia có tuổi 500 năm. Hai rồng đá thời Mạc vốn nằm chỏng chơ ngoài vườn
vừa được khiêng vào sân chùa đặt chồng lên nhau.
Trong một tháp mộ vẫn còn pho tượng gỗ
(đoán là từ thời Mạc) bị thủng lỗ chỗ ở bụng. Theo ông Tấc, những vết
thủng ở pho tượng là do một quan Pháp bắn. Ông Tây này say rượu mò vào
chùa, thấy tượng ngồi trong tháp mộ cứ trợn mắt nhìn, tức mình, ông ta
xả nguyên một băng đạn.
|
Pho tượng trong tháp mộ bị quan Pháp bắn thủng bụng, cổ. |
Nhiều bức tường của ngôi chùa này được xây
bằng gạch vồ, to bản, là gạch đặc trưng của thời Mạc. Hàng ngói lợp ở
mái sau của ngôi chùa cũng có độ dày đặc biệt, chưa từng thấy xuất hiện
ở nơi khác. Đây cũng được coi là loại ngói đặc trưng của nhà Mạc.
Đáng chú ý nhất là những pho tượng tròn –
tượng đặc trưng thời Mạc, có rất nhiều ở trong chùa Phúc Linh. Những
pho tượng gỗ được sơn thếp cẩn thận, trong đó, có một pho được cho là
hiện thân của Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Toàn, vợ hoàng đế Mạc
Đăng Dung. Những pho tượng này được làm bằng chất liệu gỗ lim nên rất
bền. Mặc dù những pho tượng đã “ngồi” đó hơn 400 năm, song vẫn chưa hề
bị mối mọt xâm hại.
|
Tượng Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Toàn (vợ Hoàng đế Mạc Đăng Dung). |
Ngay cạnh chính điện là những pho tượng đá
xanh đặc biệt nhất. Những pho tượng này đã bị người đời sau quét sơn
xanh đỏ lòe loẹt. Hai hàng tả hữu là quan lại, người hầu đứng uy
nghiêm. Pho tượng ngồi trên ngai trạm trổ rồng là vua Mạc Đăng Dung.
Theo ông Tấc, những pho tượng đá xanh đã có
mặt ở đây từ thời Mạc. Tượng vua Mạc vốn ngồi trên một bệ tượng bằng
khối đá khổng lồ, nặng cả chục tấn. Tuy nhiên, do quá trình bồi lấp,
người đời sau lại không đủ điều kiện kỹ thuật nâng khối đá lên, nên
khối đá đã chìm sâu dưới lòng đất. Người đời sau cứ xây gạch chồng lên
khối đá để nâng tượng, nên bệ tượng bằng đá và bức tượng vốn dính liền
mỗi ngày càng thêm rời xa nhau.
|
Tượng tròn tạc bằng đá xanh - tượng đặc trưng thời Mạc. Những pho tượng này được cho là tạc vua Mạc Đăng Dung và các vị quan. |
|
Vua Mạc Đăng Dung ngồi trên ghế tạc hình rồng. |
Qua quan sát, có thể nhận thấy những pho
tượng này được chạm khắc từ đá xanh, loại đá phổ biến ở vùng Thanh Hóa,
Nghệ An. Những pho tượng đều rất đẹp, còn nguyên vẹn và trông giản dị
như người thật. Ông Bùi Hữu Tấc bảo: “Mấy bố GS bụng to như cái trống
tìm về chùa mấy lần để nghiên cứu và đều khẳng định những pho tượng này
có niên đại từ thời Mạc, mang đặc trưng điêu khắc của thế kỷ 16”.
Trong số những di vật thời Mạc lưu giữ
trong chùa, có lẽ nổi tiếng nhất phải kể đến chiếc khánh đá, bởi nó
liên quan đến một vụ trộm kỳ lạ.
Cách đây 20 năm, sau khi các nhà khoa học
đạp xe về nghiên cứu và khẳng định trong chùa lưu giữ toàn cổ vật quý
thời Mạc, thì bắt đầu xuất hiện trộm đến nhòm ngó. Tuy nhiên, chúng chỉ
ăn cắp được những thứ lặt vặt, còn những cổ vật bằng đá, toàn nặng cả
tấn, thì không thể bê nổi. Những pho tượng gỗ quý, đặc biệt là tượng
Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Toàn, dễ bị mất trộm, được cất giữ
trong nhà kho, khóa kỹ.
|
Loại ngói dày rất đặc biệt. |
Trong số cổ vật thời Mạc, có chiếc khánh đá
là nhẹ nhất, nên đã bị trộm nẫng. Nhìn chiếc khánh đá ước chừng nó
nặng 70-80kg. Chiếc khánh đá còn rất mới, chữ nho rất nét, ghi niên đại
chạm khắc thời Mạc.
Cuối năm 1992, ông Tấc bị đánh thức lúc nửa
đêm về sáng bởi tiếng lạch cạch. Ông thức dậy, thấy cửa chùa mở toang.
Kiểm kê đồ vật, thấy chiếc khánh đá đặt cạnh chính điện bị mất. Ông gõ
chuông ầm ĩ, song trời rét mướt, chẳng thấy ai dậy.
Ông Tấc cầm đèn pin và chiếc gậy chạy dọc
cánh đồng, thì phát hiện 4 tên trộm đang loay hoay khiêng chiếc khánh
đá. Khi ông đến gần, 4 thằng nhìn ông chằm chằm, chả lộ chút vẻ sợ hãi
nào. Ông cũng chả dám tiến đến chỗ chúng, vì có thể mất mạng như chơi.
Ông cứ đứng từ xa rồi hết khuyên răn đến chửi rủa lũ phá đình, phá
chùa, rằng “lũ ăn trộm của Thánh thì trước sau cũng bị Thánh vật”.
|
Chiếc khánh đá suýt bị mất trộm. |
Nhưng điều lạ xảy ra: 4 thằng loay hoay mãi
mà không nhấc nổi chiếc khánh đá. Chiếc khánh đá cứ nằm trơ trơ trên
bờ ruộng. Loay hoay một lúc không bê lên được, một thằng bảo: “Khéo
Thánh vật thật”, thế là chúng để lại chiếc khánh đá bỏ đi.
Ông Tấc bốc những cục đất ải lấp chiếc
khánh đá lại để ngụy trang rồi về chùa ngủ. Sớm hôm sau, ông huy động
thanh niên ra đồng khiêng về. Lạ thay, chỉ cần 2 người khiêng chiếc
khánh đá chạy phăm phăm. Để chống trộm, ông Tấc đã dùng dây xích to
tướng treo chiếc khánh đá lên, rồi khóa xích lại.
|
Rùa đá cõng bia trong chùa Phúc Linh. |
Những ngày lang thang ở các đền chùa, đình
miếu quanh xã Ngũ Đoan và các xã lân cận của vùng từng là Vương triều
Dương Kinh khi xưa, tôi được tận mắt rất nhiều di vật từ thời Mạc có độ
tuổi 400 đến 500 năm. Đây là những di vật cực kỳ quý giá, tuy nhiên,
những di vật này đang bị đối xử không công bằng. Phần lớn các di vật
nằm dầm mưa dãi nắng ngoài vườn, ngoài sân hoặc không được cất giữ cẩn
thận, có thể bị bọn trộm khiêng đi bất cứ lúc nào.
Hy vọng, khu trưng bày cổ vật thời Mạc
nhanh chóng được xây dựng ở Dự án Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã
Ngũ Đoan, để đưa những cổ vật này về trưng bày, vừa để tôn vinh thời
thịnh trị của 5 đời vua Mạc vừa để nhân dân được chiêm ngưỡng những cổ
vật quý.
Theo: VTC.vn