Âm nhạc Phật giáo - tươi mới sinh hoạt tâm linh người Việt
07/12/2012 11:06 (GMT+7)

Những bài Phật ca thấm đẫm tính nhân văn những năm gần đây đã mang lại nét văn hóa thanh lịch trong sinh hoạt tâm linh. Ngày nay Phật tử Việt Nam lên chùa còn hồ hởi hoan ca cho lòng siêu thoát.

Lên chùa hồ hởi hoan ca

Suốt cả ngàn năm, Phật giáo chú trọng đến lặng yên hơn là âm thanh, cho nên âm nhạc không phải là một phần của truyền thống Phật giáo. Tuy nhiên, tụng kinh trầm bỗng cũng là một loại âm nhạc, nhằm mục đích làm cho tâm tĩnh lặng, hơn là cất cánh bay cao như âm nhạc tôn giáo Âu Mỹ. Những năm gần đây âm nhạc đi vào Phật giáo nhiều hơn, và nhiều bài tụng trở thành trầm bỗng hơn và có nhạc cụ phụ họa, bên cạnh một số các bản nhạc hoàn toàn tân thời.

Từ những chùa xa cho đến các chùa gần, từ lễ hội lớn như lễ Phật đản, lễ Vu Lan, đại lễ cầu siêu... tới các sự kiện nhỏ như ngày nhà chùa làm lễ khởi công hay đổ sàn, người ta bắt gặp các nghệ sĩ từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư biểu diễn Phật ca. Thậm chí chùa Yên Phú - nơi có CLB nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa - còn xác lập kỉ lục Việt Nam về ngôi chùa có “Câu lạc bộ nghệ thuật có số buổi biểu diễn phục vụ các chùa nhiều nhất”.

Lục cúng hoa đăng

Những bài Phật ca thấm đẫm tính nhân văn của Phật Tổ, Bồ Tát và cả những làn điệu chèo hay khúc dân ca về tình yêu quê hương, đất nước, về công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ Việt Nam đã gợi mở về cửa Thiền bao la, gọi mời chúng sinh tu dưỡng Phật pháp, làm đẹp tâm hồn thế hệ trẻ.

Chính vì vậy, có người đã nhận xét rằng, “Phật tử đến chùa ngày nay không còn tâm trạng ủ ê, sầu tủi mà hồ hởi hoan ca cho lòng siêu thoát”.

Cầu nối đạo Phật với chúng sinh

Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, người sáng lập CLB nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa thì ý tưởng thành lập một CLB chuyển tải tư tưởng giáo lý đạo Phật bằng âm nhạc được nhen nhóm từ năm 2008 khi Thượng tọa được giao nhiệm vụ tổ chức buổi văn nghệ chào đón đoàn Phật tử thế giới đến chùa Bái Đính. Từ ý tưởng này, năm 2009, Thượng tọa đã kêu gọi các nghệ sĩ - những Phật tử đã gắn bó lâu năm với chùa để thành lập CLB nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa với tâm nguyện: Chuyển tải tư tưởng giáo lý đạo Phật thông qua con đường âm nhạc và mang đến nét văn hóa tươi mới và thanh lịch trong sinh hoạt tâm linh.



Những ngày đầu khi mới thành lập, CLB Nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa cũng cũng gặp khá nhiều chỉ trích và phê phán vì bị cho rằng đã vi phạm giới luật khi Đức Phật cấm ca xướng. “Trong giới luật truyền thống, không có ca xướng. Nhưng đức Phật cấm là cấm việc ca hát mang tính chất ủy mị, ảnh hưởng tới việc tu tập còn không hề cấm những bài hát Phật, ca ngợi cái thiện, giáo dục đạo đức, ca ngợi tình yêu thương con người... dễ đi vào lòng người,  có lợi trong việc giáo hóa chúng sinh. Rõ ràng âm nhạc Phật giáo sẽ dễ đi vào lòng người hơn, truyền tải tinh thần hướng thiện và giúp đạo Phật gần gũi hơn với chúng sinh” - Thượng tọa Thích Thọ Lạc chia sẻ.

Còn nhạc sĩ Quý Luân, người sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc Phật giáo thì cho biết: “Ngày nay âm nhạc Phật giáo rất phát triển. Các ca khúc Phật giáo được sáng tác nhiều hơn. Các thể loại nhạc đa dạng và phong phú nên được sự đón nhận nồng nhiệt của giới Tăng lữ và Phật tử trong và ngoài nước, kể cả những người khác đạo. Khán thính giả tôn vinh nhạc Phật giáo là dòng nhạc tâm linh. Âm nhạc thay cho lời pháp thoại nhẹ nhàng chuyển tải lời dạy của Đức Thế Tôn đi vào lòng người và chuyển hóa được tâm lành của chúng sanh vốn dĩ là Thiện như câu nói “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.”

Theo Huyền My - VNN

Các tin đã đăng: